Xôn xao chợ phiên vùng cao
Những tháng áp Tết Nguyên đán là dịp để nông dân cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng nông sản, sản phẩm OCOP quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tại các địa phương vùng cao, một trong những kênh tiêu thụ hiệu quả là tổ chức các phiên chợ nông sản, phiên chợ xanh.
Kênh tiêu thụ nông sản hiệu quả
Những ngày trung tuần tháng 12/2024, chị Nguyễn Thị Hằng - chủ một cơ sở sản xuất, kinh doanh có hơn 7 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP ở huyện Đô Lương tất bật với các lịch trình tham gia hội chợ phiên.
“Chúng tôi vừa hoàn thành chuyến đi 3 ngày quảng bá sản phẩm tại Hội chợ phiên tại thị trấn Tân Lạc huyện Quỳ Châu. Lượng bán lẻ sản phẩm tại hội chợ tuy không nhiều bằng hội chợ tại thành phố vinh nhưng lại nhận được đơn hàng nhập sỉ khá lớn. Đồng thời, tham gia phiên chợ cũng gợi mở nhiều ý tưởng sản xuất mới khá hữu ích”, chị Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.
Tại chợ phiên Tân Lạc diễn ra cuối tháng 12/2024, bà Lương Thị Hoa cùng con và cháu gái ở bản Kẻ Lè, xã Châu Hội đến hội chợ từ sớm. Bà Hoa cho biết, ở huyện Quỳ Châu rất ít khi có các phiên chợ, chỉ dịp gần Tết mới tổ chức và không phải năm nào cũng có phiên chợ tại địa điểm gần nhà như năm nay.
Vì vậy, biết có hội chợ, bà tranh thủ đi sớm, vừa thưởng thức, mua sắm các đặc sản quen thuộc của quê hương Quỳ Châu, vừa mua những sản phẩm các địa phương khác mang đến. Và tại phiên chợ Tân Lạc, bà đã chọn mua các loại mỹ phẩm gia đình làm từ các nguyên liệu đồng quê ở các gian hàng đến từ các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Kỳ Sơn như dầu gội đầu thảo dược, xà bông hữu cơ, các loại trà lá cây và cả sữa rửa mặt làm đẹp da…
“Thường ngày ở chợ, ở các cửa hàng cũng bán nhiều, song bà không biết nguồn gốc xuất xứ. Mua sản phẩm ở những hội chợ do Nhà nước tổ chức yên tâm hơn nhiều”, bà Hoa cho biết thêm.
Phiên chợ Tân Lạc diễn ra vào các ngày cuối tháng 12/2024. Đây là hoạt động được Liên minh HTX tỉnh phối hợp với UBND huyện tổ chức. Quy mô phiên chợ có 25 gian hàng đến từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của huyện Quỳ Châu và các huyện, thành, thị trong tỉnh; với trên 100 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, các sản phẩm thương hiệu OCOP có giá trị của các địa phương.
Không chỉ ở huyện Quỳ Châu, hầu hết các huyện vùng cao vào các dịp cuối năm đều tổ chức các phiên chợ để kích cầu tiêu dùng. Ví như ở huyện Kỳ Sơn có chợ biên giới Nậm Cắn, chợ phiên Xốp Tụ (Mỹ Lý). Huyện Tương Dương có chợ phiên Nga My, chợ phiên Nhôn Mai. Còn ở huyện Con Cuông hiện có 2 chợ phiên đã hoạt động nhiều năm, trở thành nét truyền thống mỗi khi Tết đến, Xuân về. Đó là chợ phiên Mường Quạ ở xã Môn Sơn và chợ phiên Mường Chon ở xã Bình Chuẩn.
Chợ phiên Mường Chon được tổ chức tại xã Bình Chuẩn, nơi giao thoa giữa các xã vùng tả ngạn sông Lam của huyện Con Cuông với một số xã của 2 huyện Quỳ Hợp và Tương Dương. Vì vậy, mỗi khi diễn ra phiên chợ, lượng người tham gia đặc biệt đông, kèm theo số lượng lớn hàng hóa, nông sản được mang đến và tiêu thụ.
Ông Nguyễn Bá Châu - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, chợ phiên là hoạt động được Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp các địa phương tổ chức nhằm hỗ trợ người dân kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm đạt chuẩn OCOP phục vụ thị trường Tết. Các phiên chợ ở các địa phương cũng là hoạt động hưởng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu khu vực kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã và góp phần xây dựng NTM tại nhiều huyện, thành, thị.
Xúc tiến du lịch, dịch vụ thông qua chợ phiên
Hoạt động hội chợ, chợ phiên tại các địa phương vùng cao không chỉ thúc đẩy kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản mà qua thực tế hoạt động cho thấy, còn có tác dụng thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ và quảng bá bản sắc văn hóa vùng, miền. Ví như tại những phiên chợ biên Nậm Cắn (Kỳ Sơn) gần đây, ngoài các hoạt động buôn bán sỉ các loại nông sản, dịch vụ ẩm thực mang màu sắc văn hóa hai nước Việt - Lào, mà còn có các tiết mục trình diễn dệt thổ cẩm, làm bánh truyền thống.
Chị Vừ Y Khắn ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn làm nghề buôn bán mặt hàng nông sản và thổ cẩm ở chợ biên Nậm Cắn đã nhiều năm. Theo chị, gần đây chợ phiên có thêm nhiều hoạt động mới mẻ: Việc chính quyền hai bên tổ chức thêm các hoạt động trải nghiệm thêu ren và giã bánh nếp truyền thống của đồng bào Mông, dệt thổ cẩm của đồng bào Thái mang lại nhiều thú vị cho người dân và du khách. Nhờ có thêm những hoạt động này mà lượng khách đến chợ phiên đông hơn, giúp tiểu thương, nông dân tiêu thụ nông sản nhiều hơn.
Việc kết hợp quảng bá sản phẩm nông sản tại các hội chợ, chợ phiên gắn với các hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống đang là định hướng trong phát triển kinh tế gắn với du lịch cộng đồng ở huyện Kỳ Sơn. Đặc biệt là ở các điểm du lịch cộng đồng trên tuyến Huồi Tụ, Mỹ Lý, Mường Lống, Nậm Cắn… mà Đề án Phát triển du lịch của huyện đã triển khai từ năm 2022.
Những nông sản đặc trưng, hàng OCOP cũng chính là những sản phẩm được giới thiệu, tiêu thụ tại các điểm du lịch cộng đồng, tạo điểm nhấn cho du khách khi đến với huyện Kỳ Sơn. Năm 2024, huyện Kỳ Sơn có hơn 3.600 lượt khách du lịch ra, vào địa bàn, mang lại doanh thu hơn 2,1 tỷ đồng từ các dịch vụ ăn uống, lưu trú và mua sắm các sản phẩm, chủ yếu là nông sản và hàng thủ công mỹ nghệ của người dân địa phương.
Trong Kế hoạch số 271/KH-UBND của UBND tỉnh năm 2024 nhằm thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững cũng đã nêu rõ yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan chủ động đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Nghệ An có thế mạnh. Trong đó, giao cụ thể Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lồng ghép các nội dung phát triển du lịch vào Kế hoạch thực hiện “Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP” của tỉnh.
Và hiện nay, nhiều địa phương vùng cao đang khuyến khích phát triển các hội chợ, phiên chợ xanh; qua đó kích cầu sản xuất, tiêu dùng, và hỗ trợ phát triển du lịch, dịch vụ, đặc biệt là dịp Tết đến, Xuân về.