Xót lòng trẻ em lao động nặng nhọc

(Baonghean) - Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lao động trẻ em là trẻ em trực tiếp hoặc gián tiếp làm những công việc nặng nhọc, độc hại hay nguy hiểm, làm việc quá nhiều giờ (hơn 6 tiếng) ở độ tuổi quá nhỏ (dưới 12 tuổi), không có thời gian cần thiết để học tập, vui chơi, giải trí. Để ngăn chặn và từng bước xóa bỏ tình trạng này, cần có những giải pháp căn bản và sự vào cuộc của toàn xã hội…
Vật lộn mưu sinh
Trẻ em ở xã Quỳnh Văn đang bốc táp lô.
Trẻ em ở xã Quỳnh Văn đang bốc táp lô.
Có mặt tại những bãi đúc sò (gạch táp lô) dọc Quốc lộ 1A đoạn qua xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu), chúng tôi bắt gặp hình ảnh các em nhỏ đang cùng người lớn bốc sò lên xe ô tô. Những đợt gió mùa kèm theo mưa phùn lạnh buốt nhưng khuôn mặt em Hồ Thị Lan (xóm 12, xã Quỳnh Văn) vẫn nhễ nhại mồ hôi, khi em đang gắng sức chuyền những viên sò lên xe tải. Là học sinh lớp 9 nhưng trông Lan gầy gò, nhỏ quắt như học sinh lớp 6. Đưa bàn tay thô ráp, chai sạn lau vội giọt mồ hôi lăn trên trán, Lan kể: “Nhà em nghèo lắm, có tới 6 anh em nên hàng ngày một buổi đi học, còn một buổi em theo các dì, các chị bốc sò, mỗi ngày cũng kiếm được vài chục nghìn phụ giúp thêm cho gia đình. Những ngày đầu mệt và đau lưng lắm nhưng giờ em quen rồi”.
Còn em Vũ Văn Trung, cùng xóm với Lan lại có hoàn cảnh khác. Bố mất, mẹ đi làm ăn xa, mấy chị em ở với ông bà già yếu nên cũng khó khăn, Trung phải đi bốc gạch thuê để kiếm tiền trang trải thêm cho việc học. Nhóm bốc đá có gần 20 người, trong đó có 10 cô bé, cậu bé tầm tuổi Lan, Trung. Mỗi chuyến xe cả nhóm được trả gần 200 nghìn đồng. Sau khi bốc một chuyến xe sò, các em gái ngồi chuyện phiếm, chia tiền và chờ chuyến xe khác, còn các em trai tụ tập hút thuốc lào, đánh bài. Cũng như người lớn, các em nhỏ bốc sò thuê ở đây đều không hề được trang bị bất cứ một trang thiết bị bảo hộ lao động nào, vì vậy, việc bị những viên sò rơi trúng chân, sứt tay chảy máu không phải là chuyện hiếm gặp.
Theo thống kê, huyện Quỳnh Lưu hiện có tổng số 70.760 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 1.774 em và trong số này, số trẻ em phải làm việc nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, trẻ em phải làm việc xa gia đình là gần 150 em. Tuy nhiên, theo ông Kiều Ngọc Thanh – Phó phòng Lao động - TBXH huyện Quỳnh Lưu thì thực tế, con số này lớn hơn rất nhiều và lao động trẻ em trên địa bàn huyện tập trung ở các xã Quỳnh Văn, Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng, Sơn Hải….
Còn tại bến cá Lạch Vạn (Diễn Ngọc – Diễn Châu), những ngày cuối tháng 11, thuyền về bến đầy ắp tôm cá. Cùng với niềm vui “được mùa” của ngư dân thì đây là cũng là dịp để các em nhỏ trong xã kiếm thêm thu nhập bằng nghề bốc cá. Mỗi khi có những chuyến thuyền về, các em bốc dỡ cá ra khỏi thuyền, đợi cá được phân loại, sơ chế xong lại chuyển lên các xe đông lạnh. Em Lê Văn Giáp, 15 tuổi, ở xóm Đồng Lộc cho biết: “Nhà em có 7 người, đều sống nhờ nghề cá. Bố đi đánh cá thuê, ở nhà mẹ và mấy anh em ra bến cá để phân loại, bốc chuyển cá. Có hôm thuyền về nhiều, em đành nghỉ học để làm, kiếm thêm vài trăm nghìn”. Cách đó không xa, những em nhỏ hơn đang nhặt rác ở bãi rác gần cảng cá. Được biết, huyện Diễn Châu có khoảng hơn 170 em đang phải làm việc nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, làm việc xa gia đình.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trên địa bàn toàn tỉnh, hiện nay, tổng số trẻ em dưới 16 tuổi phải làm việc nặng nhọc, trong môi trường độc hại, nguy hiểm là 312 em. Các hình thức lao động chủ yếu: thợ xây, phụ hồ, lèn đá, bốc sò, đóng gạch, bốc vác, tập trung chủ yếu ở  Tân Kỳ và một số huyện như: Tương Dương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai, Quỳ Hợp... Bên cạnh đó, có 1.323 em phải làm việc xa gia đình, chủ yếu từ các huyện: Tân Kỳ (176 em), Kỳ Sơn (159 em), Con Cuông (137 em), Nghi Lộc (130 em), Yên Thành (127 em), Quỳnh Lưu (106 em), Tương Dương (102 em)... Số trẻ em lao động ở các doanh nghiệp tư nhân, xây dựng, dịch vụ nhà hàng, gia đình thuê mướn có chiều hướng gia tăng. Phần lớn trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế là làm các công việc lao động chân tay không đòi hỏi kỹ năng lao động cao và tập trung nhiều ở vùng nông thôn, nhất là số trẻ em trong các hộ nghèo. 
Không thể phủ nhận lao động trẻ em góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, ít nhiều giáo dục ý thức yêu lao động, tự lập vươn lên, song, những hệ lụy từ hoạt động không được luật pháp công nhận này đã và đang đặt ra nguy cơ cho sự phát triển lành mạnh của xã hội. Do còn non nớt, các em dễ bị tổn thương và gặp nhiều rủi ro về thể chất hơn người lớn. Ngoài ra, các em không còn thời gian học tập, vui chơi, giải trí, nguy cơ bỏ học cao, chậm phát triển trí tuệ, thiếu tự tin, khó hòa nhập xã hội... 
Cần những giải pháp căn bản
Nguyên nhân dẫn đến trẻ em phải lao động sớm, lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm chủ yếu là do kinh tế gia đình nghèo khó, thu nhập thấp. Ngoài ra, do nhận thức và hiểu biết về Luật Lao động của gia đình, của các cấp lãnh đạo, của người sử dụng lao động và chính bản thân các em còn hạn chế dễ dẫn đến vi phạm các quy định về sử dụng lao động trẻ em. Trong khi không ít gia đình nghèo khó vẫn cố gắng nuôi con ăn học tử tế thì vẫn còn nhiều gia đình có thu nhập trung bình nhưng hám lợi trước mắt vẫn ép buộc con đi làm. Mặt khác, nhiều phụ huynh còn quan niệm con em mình cần làm việc sớm để "nên người", lại giúp gia đình bớt khó khăn; một số em suy nghĩ nông nổi, thích kiếm tiền, học kém nên chán học, dẫn đến lao động sớm. Trong khi đó, chủ sử dụng lao động thích sử dụng lao động trẻ em bởi các em dễ phục tùng, giá nhân công rẻ...
Tuy nhiên, việc giải quyết trẻ em lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm vẫn đang vấp phải khó khăn, thách thức. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Lương – Phó phòng Trẻ em – Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2009, tỉnh mới có kế hoạch riêng biệt thực hiện công tác ngăn ngừa và giải quyết trẻ em lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại. Các biện pháp đã thực hiện là điều tra, khảo sát, nắm tình hình và nguyên nhân, phối hợp huyện Quỳnh Lưu (là địa phương có nhiều trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm ) tổ chức hội thảo và các hoạt động truyền thông, vận động, tư vấn gia đình không để trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm; hỗ trợ kinh phí và chỉ đạo xây dựng mô hình ngăn ngừa và giải quyết  trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.
Tuy nhiên, do thời gian thực hiện chương trình quá ngắn (1 năm) nên hiệu quả thấp. Từ năm 2011 đến nay, công tác này được thực hiện theo Chương trình Bảo vệ trẻ em tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 – 2015 được phê duyệt tại Quyết định số 2374/QĐ-UBND ngày 26/6/2011. Theo đó, tỉnh duy trì và nhân rộng mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lao động, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại dựa vào cộng đồng, lựa chọn 6 huyện, thành, thị (Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, TX Cửa Lò, TP. Vinh), mỗi đơn vị 3 xã để xây dựng mô hình. Đến năm 2013 này, mới chỉ có huyện Quỳ Hợp là đã triển khai mô hình (và được xem là mô hình điểm) với tổng kinh phí hỗ trợ chỉ là 30 triệu đồng và tất cả những gì mà huyện làm được là tập huấn và hỗ trợ sinh kế cho 10 cháu phải lao động nặng nhọc với số tiền là 200.000 đồng/cháu – một con số có thể nói là quá ít ỏi và không thể giải quyết tận gốc vấn đề. 
Thiết nghĩ, đói nghèo và hạn chế trong nhận thức là những nguyên nhân căn bản dẫn đến vấn đề trẻ em lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, phải gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, trong đó chú trọng tạo việc làm, duy trì thị trường lao động bền vững để các bậc cha mẹ có thu nhập ổn định, không bắt con lao động sớm. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng và sự chỉ đạo của HĐND, UBND các cấp đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và việc ngăn ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm nói riêng.
Phổ biến và vận động mọi tầng lớp nhân dân nghiêm túc chấp hành và thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm. Phân loại đối tượng theo hoàn cảnh, mức độ, loại hình, độ tuổi và giới tính để thực hiện các mô hình can thiệp, trợ giúp các em ra khỏi môi trường đang làm việc. Tổ chức ký cam kết giữa gia đình, các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động và UBND xã không để trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm không phù hợp với lứa tuổi làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền cơ bản mà các em được hưởng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cần rà soát, hoàn thiện khung luật pháp, cơ chế, chính sách về lao động trẻ em, duy trì thực thi nghiêm túc, thường xuyên cùng với giám sát, thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về lao động trẻ em…
Bài, ảnh: Minh Quân

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.