Xu hướng phát triển quan hệ Mỹ - Ấn

01/08/2014 10:04

(Baonghean) - Đối thoại chiến lược thường niên Mỹ - Ấn (từ ngày 31/7) diễn ra trong thời điểm có ý nghĩa đặc biệt đối với cả hai quốc gia cũng như đối với khu vực và thế giới. Để làm rõ nội dung, tính chất cuộc đối thoại này cũng như xu hướng quan hệ Mỹ - Ấn, báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng viện chiến lược và khoa học Bộ Công An.

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng Lê Văn Cương, ông có thể cho biết bối cảnh khi bước vào cuộc đối thoại Mỹ - Ấn lần thứ 5?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Mỹ - Ấn đã thực hiện 4 lượt đối thoại chiến lược. Lần thứ nhất diễn ra ở Washington (Mỹ) vào tháng 6/2010, lần thứ hai diễn ra tại New Delhi vào tháng 7/2011, lần thứ 3 diễn ra ở Washington vào tháng 6/2012, lần thứ 4 diễn ra tại New Delhi tháng 6/2013. Đây là đối thoại thường kỳ hàng năm và luân phiên nhau. Đúng ra, đối thoại lần thứ 5 này là diễn ra tại Washington nhưng lần này lại diễn ra ở New Delhi, điều này đã được Mỹ và Ấn Độ nhất trí. Lý do là Ấn Độ vừa trải qua cuộc bầu cử tháng 5 và Đảng Nhân dân Ấn Độ do ông Narendra Modi đã giành thắng lợi áp đảo và chính quyền mới do ông này làm thủ tướng. Ở Ấn Độ có thay đổi về chính trị cấp cao nhất nên lần thứ 5 này phá thông lệ. Đây là dịp Washington cần tổ chức tại New Delhi, cũng là dịp mà ngoại trưởng Mỹ cần tiếp cận với bộ máy lãnh đạo mới của Ấn Độ. Cũng thông qua cuộc đối thoại này nhằm chuẩn bị cho chuyến đi nước ngoài đầu tiên cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sang Hoa Kỳ, dự kiến vào tháng 9 này. Lý do địa điểm họp bất thường là như thế.

Mỹ thay đổi quan điểm đối với Thủ tướng Ấn Độ Modi (trái).
Mỹ thay đổi quan điểm đối với Thủ tướng Ấn Độ Modi (trái).

Về bối cảnh diễn ra cuộc đối thoại này, về Ấn Độ, trong vài ba năm lại nay, kinh tế đã chững lại, không duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như những năm 2009, 2010, 2011. Đặc biệt như năm 2013 vừa rồi, kinh tế Ấn Độ chững lại. Có những vấn đề khó khăn nội tại của nó. Có những vấn đề do tác động của khủng hoảng kinh tế quốc tế, cũng có những vấn đề do mô hình kinh tế có vấn đề bất cập. Kinh tế Ấn Độ trong bối cảnh chững lại và họ cần động lực cho phát triển về kinh tế.

Tháng 5 vừa qua, Đảng Nhân dân Ấn Độ giành thắng lợi. Điều đặc biệt của ông thủ tướng Narendra Modi là thái độ của ông này khác trước so với người tiền nhiệm. Ông này có quan điểm rất kiên quyết, mạch lạc về sự áp đặt của phương Tây về kinh tế đối với các nước đang phát triển, đặc biệt là đối với Ấn Độ. Đây là điều Mỹ đặc biệt quan tâm. Về phía Ấn Độ có những vấn đề thay đổi về chính trị nội bộ và khó khăn về kinh tế.

Về phía Mỹ, Tổng thống Obama trong bối cảnh bước vào đối thoại chiến lược lần thứ 5 cũng có những thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi cơ bản lớn là nền kinh tế Mỹ trong vòng một năm nay đã hồi phục, đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, với sự tăng trưởng khá, mặc dù còn nhiều bấp bênh, rủi ro. Nhưng một năm gần đây kinh tế Mỹ tương đối khá.

Nhưng về chính trị đối ngoại thì Mỹ đứng trước ba vấn đề lớn: Vấn đề thứ nhất ở Đại Tây Dương và từ nửa năm nay vấn đề Ukraina đã lôi cả chính quyền Obama và châu Âu vào đây. Đây là nút thắt quan hệ chính trị. Quan hệ giữa Nga và Mỹ đã rơi vào giai đoạn xấu nhất, cận kề với một cuộc chiến tranh lạnh. Thậm chí người ta đã cho rằng Nga – Mỹ đang xảy ra chiến tranh lạnh, nhưng tôi cho rằng sẽ không xảy ra chiến tranh lạnh. Nhưng đây là thời kỳ băng giá, lạnh nhạt nhất. Quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ rơi xuống thấp thì cả hai đều không có lợi, đây là khó khăn nhất của chính quyền Obama hiện nay.

Vấn đề thứ hai, ở phía châu Á - Thái Bình Dương, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cũng đã dấy lên một làn sóng phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với hành động gây hấn của quốc tế với Trung Quốc ở biển Đông. Vấn đề này chính quyền Obama cũng đang tập trung xử lý. Cao nhất là Thượng viện Mỹ ngày 11/7 vừa rồi ra Nghị quyết 412. Đây là thái độ kiên quyết phản đối Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 và các phương tiện chiến đấu. Chính hành động của Trung Quốc đã đẩy quan hệ Mỹ - Trung đến mức thấp nhất. Đấy cũng là một khó khăn. Vấn đề thứ ba là Trung Đông xuất hiện những vấn đề mới vài tháng gần đây như vấn đề Nhà nước hồi giáo Iraq và cận đông. Đây là một tổ chức cực đoan, cực kỳ hiếu chiến, tàn bạo, tàn bạo hơn cả Alqueada, nếu tổ chức này làm chủ được Irac thì sẽ là một thảm họa đối với Hoa Kỳ và nhiều đồng minh của Hoa Kỳ. Quyền lợi của Mỹ bị xâm phạm hết sức nghiêm trọng làm cho Mỹ có những lúng túng nhất định.

Vấn đề thứ ba là quan hệ song phương Mỹ - Ấn rơi xuống thấp, đặc biệt sau vụ cuối năm 2013 lực lượng an ninh Mỹ bắt Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Mỹ. Việc này gây làn sóng dữ dội của chính giới Ấn Độ. Việc làm này làm cho Chính quyền Ấn Độ trả đũa một cách kiên quyết đối với chính quyền tổng thống Obama. Ấn Độ là một vùng cư dân, một vùng nhân chủng học có lòng tự trọng rất lớn, khi bị đụng chạm họ đã phản đối dữ dội. Quan hệ giữa Mỹ - Ấn từ cuối 2013 đến nay đã rơi vào mức thấp.

Tóm lại, bối cảnh của cuộc đối thoại lần thứ 5 lần này là cả Mỹ và Ấn đều đứng trước những khó khăn mới, cả trong nước và ngoài nước, ngay cả quan hệ giữa Mỹ - Ấn cũng có những khó khăn mà họ phải giải quyết.

Phóng viên: Thiếu tướng có thể cho biết nội dung và kết quả cuộc đối thoại lần thứ 5?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng, trọng tâm vẫn là vấn đề kinh tế. Vấn đề này họ đề cập công khai, không giấu giếm cộng đồng quốc tế. Quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Ấn Độ hiện vẫn ở mức độ rất khiêm tốn. Quan hệ song phương hai nước vẫn chỉ loanh quanh ở mức 100 tỷ USD, rất thấp so với nhu cầu, khả năng của mỗi bên. Chuyến đi lần này người ta đặt ra yêu cầu từ bây giờ đến năm 2020 hoặc gần hơn nữa, đưa quan hệ kinh tế song phương lên 500 tỷ, tương xứng với hai nền kinh tế khổng lồ và tương xứng với mối quan hệ chính trị, an ninh giữa hai nước. Lần này họ sẽ bàn rất nhiều vấn đề thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác. Về quốc phòng họ cũng đề cập đến vấn đề hình thành một liên doanh hợp tác sản xuất tên lửa mới ở Ấn Độ mà các đối tác của Mỹ, các tập đoàn quốc phòng Mỹ sẽ có vai trò chủ đạo. Hoa Kỳ đưa ra đề nghị giúp Ấn Độ sản xuất máy bay không người lái mới. Đây là những hợp tác Mỹ đặt ra, chắc chắn đáp ứng yêu cầu của Ấn Độ. Ngoài ra, họ sẽ hợp tác với nhau về vấn đề tập trận chung, tiến hành tập trận chung nhiều hơn ở Ấn Độ dương, trao đổi sỹ quan, thông tin, tình báo. Ngay cả các vấn đề về xung đột ở Syria, vấn đề hạt nhân ở Iran, xung đột giữa Israel – Palestin cũng sẽ được đề cập đến.

Ấn Độ là một trong năm nước thuộc Brics nên Mỹ cũng sẽ tận dụng đối thoại chiến lược với Ấn Độ với tư cách là trung tâm của khối này. Hoa Kỳ cũng muốn thúc đẩy quan hệ Ấn Độ ở mức độ nào đấy để bắn một tín hiệu gián tiếp rằng Hoa Kỳ muốn thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ cả trên lĩnh vực an ninh trong việc giải quyết những điểm nóng khu vực, kể cả vấn đề về biển Đông, biển Hoa Đông. Hoa Kỳ cũng muốn thắt chặt quan hệ với Ấn Độ, ủng hộ quan hệ Ấn Độ với Nhật Bản, Ấn Độ với Australia, nằm trong vòng cung bao vây và đối phó với Trung Quốc. Tôi cho những vấn đề này sẽ được đặt ra đầy đủ hơn ở hai cấp độ, cấp độ thủ tướng trong cuộc gặp dự kiến vào tháng 9 tới, cấp độ bộ quốc phòng hai nước, và có thể cấp độ 2+2 (bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại giao hai nước). Ngoài ra có một số vấn đề khác. Có cả những vấn đề họ còn mắc nhau. Ví dụ như Mỹ ủng hộ chế độ ủng hộ chương trình hạt nhân dân sự ở Ấn Độ nhưng không nhất trí với Ấn Độ trong trách nhiệm rõ ràng với bên cung cấp thiết bị hạt nhân dân sự. Ý kiến Hoa Kỳ là cần có một quyết định với việc giám sát vấn đề này... Nhưng kết quả chung là sau đối thoại chiến lược lần thứ 5 sẽ mở ra thời kỳ mới, vượt qua mức thấp nhất. Kết quả bao trùm là chuẩn bị cho chuyến đi của Thủ tướng Ấn Độ sang Hoa Kỳ để thúc đẩy bước phát triển quan hệ mới. So với các đối thoại trước đây, đối thoại lần này có kết quả lớn nhất, giải tỏa quan hệ căng thẳng giữa hai nước.

Phóng viên: Thiếu tướng có thể dự báo về khả năng, xu hướng phát triển quan hệ Mỹ -Ấn trong thời gian tới?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng cần xuất phát từ những động lực thúc đẩy quan hệ Mỹ - Ấn. Cần làm rõ cái gì làm động lực? Tôi cho rằng ở đây có hai yếu tố: nhu cầu về kinh tế, nhu cầu về chính trị và an ninh.

Về kinh tế, Ấn Độ rất cần thị trường Mỹ, đặc biệt là công nghệ Mỹ. Thông qua Mỹ mở rộng ra cả châu Âu, Nhật Bản, G7. Lúc này Ấn Độ chỉ ở mức trung bình. Họ cần đổi mới thiết bị, cần nâng cao sức cạnh tranh, cần có hàm lượng trí tuệ cao trong hàng hóa. Đây là nhu cầu khách quan, dứt khoát Ấn Độ phải tìm đến Mỹ. Vì sự phát triển bền vững và ổn định, Ấn Độ cần đến Mỹ.

Còn về phía Mỹ, Mỹ cũng rất cần thị trường của Ấn Độ với dân số gần 1,2 tỷ người. Là một quốc gia đứng hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin, mỹ cũng cần đa dạng hóa thị trường. Quan hệ kinh tế cũng có yêu cầu nội tại từ bên trong của Mỹ. Đây là nhu cầu có tính khách quan thúc đẩy lẫn nhau. Đấy là nhân tố động lực.

Còn về nhu cầu An ninh, cũng có nhu cầu cả hai phía. Trong nhiều vấn đề, nhận thức về các mối de dọa toàn cầu nói chung, châu Á nói riêng, trên những vấn đề cơ bản, nhận thức về những mối đe dọa, bất ổn, về vấn đề an ninh châu Á, Mỹ và Ấn Độ có quan điểm giống nhau. Có thể nói rằng, Mỹ đang tập trung chống Trung Quốc, dù khi quan hệ ngoại giao họ nói với nhau là quan hệ đối tác, hợp tác, xây dựng, thật ra thì Trung Quốc là một đối tác khó chịu nhất của Mỹ. Mỹ thường xuyên bị động đối phó với Trung Quốc. Với Ấn Độ cũng thế. Cuộc chiến tranh biên giới 1962 để lại một dấu ấn lâu dài trong dân tộc Ấn Độ và trong chính giới Ấn Độ. Dù đảng nào cầm quyền ở New Delhi thì không bao giờ người ta quên cuộc chiến 1962 với Trung Quốc. Quan hệ Trung Quốc với Pakistan, với Srilaka, với một loạt các quốc gia xung quanh Ấn Độ chắc chắn làm cho giới lãnh đạo New Delhi, kể cả chính quyền Thủ tướng Narendra Modi cũng nghi ngờ lòng thành của Trung Quốc. Vì vậy, Ấn Độ không thể không cảnh giác, dè chừng với người láng giềng khổng lồ - Trung Quốc. Vì vậy, có thể quan điểm của Mỹ và Ấn Độ về Trung Quốc là như nhau. Họ có đối tượng chung phải đối phó, xử lý, đề phòng, đó là Trung Quốc. Đó cũng là nhu cầu khách quan mà Ấn Độ và Mỹ sẽ bắt tay với nhau. Vì vậy, họ sẽ vượt qua những điểm chưa gặp nhau để thúc đẩy, mở rộng quan hệ với nhau.

Những nhân tố hạn chế quan hệ giữa hai nước với nhau, đó là lòng tin quan hệ chiến lược giữa Mỹ - Ấn chưa thiết lập với nhau. Năm 2010, Obama phát biểu mang tính cương lĩnh: quan hệ Mỹ - Ấn là đối tác được xác định trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, 4 năm vừa qua mối quan hệ này dậm chân tại chỗ, thậm chí rơi xuống mức thấp. Nên lòng tin giữa hai nước chưa có cơ sở bền vững. Nhiều việc làm của chính quyền Obama làm cho người Mỹ phật ý, không vui lòng. Ngược lại, vai trò, hiệu quả của Ấn Độ trong việc giải quyết những điểm nóng trong khu vực, Mỹ yêu cầu cao hơn, và theo Mỹ thì Ấn Độ cũng chưa làm được đầy đủ vai trò này. Có thể nói tóm tắt là bản thân hai nước đã nhận thức được hai nước cần đến với nhau.

Điều thứ ba là chính quyền của Đảng Nhân dân Ấn Độ của Thủ tướng mới Modi có khác với Đảng quốc đại và chính phủ liên minh trước đây. Bản thân ông thủ tướng Modi về mặt cá nhân cũng mắc mớ với Mỹ. Năm 2005 - năm ông làm thống đốc một bang, diễn ra bạo loạn ông làm những biện pháp cứng rắn, Mỹ đã cấm không cấp thị thực nhập cảnh cho ông Modi sang Mỹ. Thứ hai là thao tác chính sách đối ngoại thì ông Modi có thái độ rất mạch lạc, sòng phẳng, kiên quyết chống lại chính sách của phương Tây đối với các nước đang phát triển. Đây là điểm có thể gây cản trở, khó khăn. Một nhân tố nữa là nhân tố Trung Quốc, nhân tố Pakistan.

Tóm lại, hai nước này có nhu cầu khách quan để đến với nhau, đó là nhằm ổn định phát triển, nhằm ứng phó với các vấn đề trong khu vực, nhất là khi trong nhiều trường hợp Mỹ và Ấn có những điểm gặp nhau.

Tôi cho rằng, về lâu dài họ sẽ vượt qua khó khăn để đến với nhau. Nhưng quan hệ Mỹ - Ấn sẽ không có bước phát triển nhanh, ít nhất là từ nay đến 2016, không có bước đi mang tính đột phá nhanh chóng.

Tôi cho rằng, quan hệ Mỹ - Ấn là một quan hệ đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến ổn định và an ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có sự tác động đến sự ổn định và phát triển của Việt Nam. Và mối quan hệ này có ảnh hưởng đến sự hoạch định quan hệ đối nội và đối ngoại của Việt Nam. Với góc nhìn của một học giả, tôi ủng hộ và mong muốn quan hệ này phát triển vững chắc. Vì nó sẽ góp phần quan trọng tạo ra bầu không khí hòa bình ổn định cho khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng Lê Văn Cương!

P.V (Thực hiện)

Xu hướng phát triển quan hệ Mỹ - Ấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO