Xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng huy động vốn với lãi suất vượt trần quy định
Mặc dù trần lãi suất huy động vốn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định 14%/năm, song thực tế hiện nay mức lãi suất huy động đang được các ngân hàng đồng loạt "vượt rào" với mức từ 16- 19%/năm.
Nếu có từ 100 triệu đồng trở lên, người gửi tiền được hưởng lãi suất 17%/năm trở lên (tuỳ vào số tiền gửi). Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác, trong đó có Nghệ An, việc huy động vốn "vượt rào" đang diễn ra khá công khai, câu hỏi đặt ra là tại sao không có sự kiểm tra và chế tài xử lý nghiêm túc của cơ quan chức năng ?
Đến ngân hàng nào trên địa bàn Thành phố Vinh cũng đều thấy bảng niêm yết mức huy động vốn 14%/năm, nhưng đó chỉ là hình thức bên ngoài nhằm tránh sự kiểm tra. Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi thấy thực tế hoàn toàn khác, bất kỳ khách hàng nào có số tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên đều dễ dàng mặc cả lãi suất với ngân hàng.
Biết "thóp" của các ngân hàng, nhiều khách hàng đến đòi rút vốn đi gửi nơi khác, lập tức nhân viên tín dụng sẽ năn nỉ "chịđừng rút tiền, em sẽ nâng lãi suất lên 18%/năm cho chị". Thậm chí không phải trực tiếp đi đến ngân hàng, nếu là khách quen chỉ cần gọi điện thoại đến ngân hàng A, B nào đó sẽđược thoả thuận lãi suất 17- 19%/năm tuỳ vào số tiền gửi.
Một nhân viên ngân hàng nọ thản nhiên trao đổi với phóng viên các mức lãi suất huy động vốn như sau: Nếu gửi 100 triệu đồng- lãi suất 17%/năm; 200 triệu đồng- lãi suất 18,5%/năm; 400 triệu đồng - lãi suất 19%/năm...
Số tiền gửi càng nhiều thì lãi suất càng cao. Nhưng trong sổ tiết kiệm của khách hàng và các sổ sách, chứng từ của ngân hàng đều ghi mức lãi suất 14%/năm. Ngoài ra, giữa ngân hàng và khách hàng có một bản thoả thuận phần chênh lệch lãi suất, khách hàng muốn nhận số tiền chênh lệch trước hoặc sau khi đến hạn đều được ngân hàng chiều theo ý. Một vị giám đốc ngân hàng khác tiết lộ: "Chúng tôi huy động 17- 19%/năm, nhưng để tránh sự kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước, trong tất cả mọi sổ sách và sổ tiết kiệm đều ghi 14%/năm, còn phần chênh lệch lãi suất, ngân hàng sẽ trả tiền tươi ngay tại chỗ cho khách hàng, không để lại bất kỳ dấu vết gì".
Qua tìm hiểu được biết, một số ngân hàng nhỏ tạm thời thiếu khả năng thanh khoản, đành liều "giật gấu vá vai" đẩy lãi suất huy động lên cao để hút vốn. Thực tế này đã kéo theo các ngân hàng lớn không thiếu vốn cũng phải nâng lãi suất huy động vì sợ mất khách.
Ngoài ra, do lạm phát cao, người có tiền đầu tư vào các kênh khác sinh lời hơn nên nguồn vốn không chảy vào ngân hàng buộc các ngân hàng phải chạy theo nhau nâng lãi suất huy động. Dẫn đến mức trần lãi suất 14%/năm đang được các ngân hàng dỡ bỏ.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng lãi suất thị trường đang diễn ra đúng với giá trị thực của nó, vậy nên chăng mức trần 14%/năm có còn phù hợp ? Liệu đã đến lúc cần phải thay đổi chính sách quản lý điều hành phù hợp với diễn biến thị trường hay chưa ? Và giới chuyên môn cũng đang chờ sự thay đổi cơ chế chính sách từ Ngân hàng Nhà nước thay vì không muốn làm "căng" đối với các ngân hàng vi phạm ?
Dù sao, trong khi chưa có quyết định điều chỉnh mức lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước thì các tổ chức tín dụng phải chấp hành nghiêm quy định hiện hành. Sự phớt lờ quy định pháp luật trong việc huy động vốn cần được xử lý nghiêm minh.
L.H