Xử lý nghiêm chủ tàu, thuyền trưởng không bật thiết bị giám sát hành trình
Bộ NN&PTNT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo Sở NN&PTNT yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng bật thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ khi đi khai thác hải sản trên các vùng biển. Trường hợp chủ tàu, thuyền trưởng cố tình vi phạm không bật thiết bị kết nối về bờ thì xử lý nghiêm theo quy định.
Đây là một trong những giải pháp nhằm tăng cường quản lý tàu cá hoạt động khai thác trên biển và khắc phục "thẻ vàng" của EC. Đồng thời thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), quy định bắt buộc tàu cá có chiều dài toàn bộ từ 15m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình, bật thiết bị 24/24 giờ và kết nối với trạm bờ của Chi cục Thủy sản các tỉnh để quản lý.
Ảnh minh họa |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát, thống kê thiết bị Movimar đang sử dụng, hư hỏng, bị mất, thu hồi theo hướng dẫn của Bộ để thu hồi bảo dưỡng, sửa chữa, phân bổ, lắp lại cho tàu cá các tỉnh có nhu cầu theo phân bổ mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng thời, tiến hành nâng cấp trạm bờ tại các Chi cục Thủy sản và thiết bị đầu cuối lắp đặt trên tàu cá để đồng bộ và tương thích với trạm bờ đáp ứng yêu cầu cập nhật vị trí tự động từ tàu cá về trạm bờ với tần suất 2 giờ/lần.
Trước đó, EC đã rút "thẻ vàng" đối với thủy sản của Việt Nam liên quan đến đánh bắt bất hợp pháp. Để khắc phục "thẻ vàng" của EC, thời gian qua, Việt Nam đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, từng bước ngăn chặn, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ khai thác IUU tại vùng biển nước ngoài.Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: "Sau khi Việt Nam triển khai quyết liệt các giải pháp, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài giảm rõ rệt. Đặc biệt là tàu cá vi phạm các nước quốc đảo Thái Bình Dương đến nay hầu như không có; hiện tại chỉ còn các vụ việc tàu cá và ngư dân bị bắt giữ, xử lý tại vùng biển lịch sử chồng lấn, tranh chấp do chưa được phân định rõ ràng".
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác hải sản theo quy định để ngăn chặn nguyên liệu khai thác từ hoạt động khai thác IUU đi vào chuỗi sản xuất... Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền rộng rãi hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, người dân, cán bộ quản lý nghề cá đã nhận thức sâu sắc về chống khai thác IUU, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân đã được nâng cao.