(Baonghean) - Với quyết tâm thực hiện có hiệu quả những việc cần làm ngay, tạo chuyển biến tích cực sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), Đô Lương đã có cách làm sáng tạo bằng việc ban hành Quy định số 06 - QĐ/HU về chế độ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, được dư luận đồng tình cao.
Từ thể chế hoá bằng quy định
Mọi công việc suôn sẻ hay không phần lớn cốt ở cán bộ, nhất là người đứng đầu. Sự nghiệp cách mạng của Đảng suốt chiều dài lịch sử cũng đã chứng minh, tổng kết “cán bộ nào, phong trào ấy”. Mặc dù Trung ương đã có quy định về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ tại Nghị định số 175/NĐ-CP, ngày 27/10/2007; vấn đề nêu gương, trách nhiệm người đứng đầu cũng được yêu cầu trong quá trình thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, song đến nay chưa có quy định nào liên quan đến xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi không hoàn thành nhiệm vụ.
Đô Lương trong quá trình kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 đã thẳng thắn phân tích, làm rõ nhiều vấn đề yếu kém, tồn tại; đồng thời xác định rõ nguyên nhân, trong đó có vai trò người đứng đầu ở một số đơn vị, địa phương, ngành còn thiếu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra công việc được giao, dẫn đến có nhiều công việc đình trệ, không hoàn thành đúng thời hạn; có việc giao đi giao lại nhiều lần vẫn không được thực hiện. Nhằm khắc phục tình trạng này, sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Đô Lương đã mạnh dạn, sáng tạo “thể chế hóa” trách nhiệm người đứng đầu bằng Quy định số 06/QĐ-HU, ngày 14/1/2012 về chế độ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị, các ban, phòng, ngành, MTTQ và đoàn thể cấp huyện. Trên tinh thần quy định của Huyện ủy, các đơn vị cũng có sự “phán xử” tương tự với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền cấp mình. Đây có thể được coi là sáng tạo đầu tiên của Đô Lương mà chưa có đơn vị nào làm được.
Nói là làm, sau hơn nửa năm thực hiện, bên cạnh giám sát chặt chẽ chế độ trách nhiệm của người đứng đầu, Đô Lương đã xử lý nghiêm 2 tập thể và 22 cán bộ, đảng viên do thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Cụ thể, xử lý khiển trách 2 tập thể, đó là tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã Bắc Sơn và xã Mỹ Sơn. Về cá nhân, xử lý 9 người thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, trong đó khiển trách 5 (2 đồng chí trực đảng xã, 3 phó chủ tịch UBND xã); cảnh cáo 3 chủ tịch UBND xã; cách chức 1 chủ tịch UBND xã. 13 cán bộ, công chức đầu ngành thì 5 người bị khiển trách, 5 cảnh cáo, 3 người cách chức đảng ủy viên.
Đô Lương cũng tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm do vi phạm lần đầu đối với 2 chức danh, 1 trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; 1 phó phòng Nội vụ huyện. Bên cạnh áp dụng về thực thi nhiệm vụ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, Quy định 06 còn được áp dụng cho cả việc thực hiện về công tác DS – KHHGĐ. Những người đứng đầu cơ quan, tổ chức để cán bộ, công chức vi phạm chính sách dân số cũng sẽ bị xử lý theo trách nhiệm người đứng đầu. Đơn cử như ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Đô Lương năm học vừa rồi mặc dù được khen thưởng trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng bản thân vị Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện lại bị cắt hết các danh hiệu thi đua bên nhà nước, về Đảng chỉ được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ do có cán bộ vi phạm chính sách dân số…
Các đồng chí Bí thư Huyện ủy Trương Hồng Phúc và Trưởng ban Tổ chức Nguyễn Hồng An đều cho rằng, Ban Thường vụ Huyện ủy không đặt “nặng” xử lý làm chính mà thông qua đó để răn đe, để tự mỗi người tự giác thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, thời gian đầu áp dụng sẽ xử lý “mạnh tay”, dần dần số cán bộ bị xử lý chắc chắn sẽ giảm, bởi qua đó mỗi người lấy đó làm bài học, từ đó phát huy tốt hơn vai trò người đứng đầu, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo sự lan tỏa, chuyển động trong toàn đội ngũ cán bộ, công chức cả hệ thống cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể.
Thực tiễn qua hơn nửa năm thực hiện quy định, ý thức bám việc, nắm việc, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra của những người đứng đầu ở các cấp, các ngành, tổ chức rõ hơn; khắc phục tình trạng trước đây có nhiều việc người đứng đầu không nắm được việc, không biết cấp dưới làm gì. Vì vậy, nhiều công việc, nhất là các việc tồn đọng được tập trung cao giải quyết; số công việc phải nhắc nhở lần 2, lần 3 giảm đi nhiều. Những việc làm đó luôn được dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình rất cao, tạo thêm niềm tin đối với Đảng, chính quyền.
Về cơ sở, chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn những điều trao đổi này. Tại xã Đại Sơn, nơi có 2 cán bộ vừa bị xử lý, 1 bị cách chức chủ tịch UBND xã và chức danh phó bí thư đảng ủy xã, 1 bị hạ bậc lương và cách chức đảng ủy viên. Sự việc dẫn đến xử lý như hiện nay là do quản lý và sử dụng tài chính sai nguyên tắc và làm thất thoát tổng số tiền hơn 770 triệu đồng. Bí thư Đảng ủy xã Chu Thị Thanh cho rằng, đây là bài học được cấp ủy, chính quyền nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm và tiến hành chấn chỉnh một bước trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành cũng như công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền và vai trò giám sát của MTTQ, đoàn thể và nhân dân. Đồng chí Thanh cũng cho biết thêm, mặc dù trước đây, cấp ủy và chính quyền đều có quy chế làm việc nhưng ý thức chấp hành quy chế thì “được chăng hay chớ”, nhưng bây giờ thực hiện nghiêm túc hơn. UBND xã cũng đã sắp xếp, kiện toàn lại các ban, ngành; đồng thời phân định rõ hơn quyền và trách nhiệm của từng tổ chức, bộ phận và từng cá nhân.
Chẳng hạn trước đây, 2 phó chủ tịch UBND xã chỉ là người “giúp việc” chung cho chủ tịch, còn bây giờ được phân định quyền và trách nhiệm rõ từng mảng phụ trách, 1 phó chủ tịch UBND phụ trách kinh tế có trách nhiệm trước chủ tịch các vấn đề liên quan về kinh tế; 1 phó chủ tịch UBND phụ trách văn xã có trách nhiệm các vấn đề liên quan đến văn hóa - xã hội, từ đó tạo sự phấn khởi, phát huy trách nhiệm của từng người. Riêng về mảng tài chính xây dựng được hệ thống sổ sách và thực hiện đầy đủ các quy định về kiểm kê tiền mặt, quản lý tài chính hàng tháng. Cả cấp ủy, chính quyền đều bổ sung quy chế làm việc, tăng cường giao ban, hội báo, kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm từ cơ sở; cán bộ, công chức xác định rõ hơn nhiệm vụ của mình, thay việc công dân đến đợi công chức như trước đây, bây giờ công chức đi đúng giờ đợi công dân để giải quyết công việc người dân yêu cầu….
Đến tập trung giải quyết những bức xúc ở cơ sở
Sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, cấp ủy các cấp ở Đô Lương đã xác định rõ trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện những việc cần làm ngay, đặc biệt là những việc đang bức xúc, nổi cộm trên địa bàn. Đến thời điểm này, trong tổng số 423 việc được xác định cần làm ngay sau kiểm điểm ở các cấp từ huyện đến các cơ sở đã có 247 việc được giải quyết xong; 167 việc đang giải quyết; 9 việc chưa làm được. Điều đáng nói là các việc được xác định cần làm ngay ở các cấp ủy Đô Lương cơ bản đều là các việc dân cần.
![]() |
Huyện Đô Lương sớm giải quyết cho người dân nhận đất và tiền hỗ trợ tái định cư
làm nhà mới do ô nhiễm từ trại lợn Thái Dương.
Xã Đại Sơn, hôm chúng tôi đến, trên khu đất quy hoạch tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng ô nhiễm từ trại lợn Thái Dương, các hộ bà Nguyễn Thị Dục, ông Lê Công Hòa, ông Lê Văn Trường, ông Trần Văn Tửu…, đang xây dựng nhà mới. Đồng chí Nguyễn Đình Bá, người vừa mới được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã hồ hởi khoe, được bắt thăm nhận đất và nhận tiền bồi thường là bà con bắt tay vào làm nhà ngay. Mới nhận tiền vào trung tuần tháng 6 mà bây giờ có nhà đã hoàn thiện, có nhà xây gần xong. Việc chi trả tiền đền bù, bắt thăm nhận đất để di dời các hộ dân trong vùng ô nhiễm từ trại lợn Thái Dương đến thời điểm này đã cơ bản giải quyết. Một số hộ mặc dù đã nhận đất trong khu quy hoạch nhưng sau khi nhận tiền đền bù đã mua đất ở chỗ khác để làm nhà.
Cùng với việc xúc tiến đẩy nhanh việc giao nhận đất, chi trả tiền hỗ trợ tái định cư, huyện Đô Lương phối hợp với xã Đại Sơn thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm soát tình hình ô nhiễm môi trường từ trại chăn nuôi. Cũng liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, Đô Lương cũng đã tập trung phối hợp với cơ sở tái chế nhựa Luận Phương (Thượng Sơn) khắc phục môi trường ở cơ sở này. Hiện tại cơ sở này đang tạm ngừng hoạt động để khắc phục ô nhiễm, giảm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt bình thường của người dân. Tiến hành giải tỏa hành lang ATGT tuyến đường Khuôn - Trù - Đại, gắn với việc giải tỏa lấn chiếm hành lang ATGT tại mộ Tổ cô họ Lê Văn (Quang Sơn). Xử lý và thu hồi đất một số doanh nghiệp tại khu tiểu thủ công nghiệp thị trấn…
Song song với các nội dung trên, một yêu cầu quan trọng, cấp bách được “làm ngay” sau kiểm điểm theo tinh thần NQ Trung ương 4 ở các cấp ủy đảng Đô Lương, đó là đã đưa ra nhiều nội dung, giải pháp cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo, cách thức tổ chức, điều hành của các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy Đô Lương đã ban hành Quyết định số 674/QĐ-HU, ngày 04/5/2013 về quy định chế độ làm việc, kiểm tra, dự sinh hoạt tại cơ sở của cán bộ lãnh đạo, quản lý, tập thể cấp ủy, Thường trực HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ, các ban, phòng, ngành cấp huyện nhằm khắc phục hoạt động hành chính hóa, thiếu sâu sát cơ sở, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.
Mặc dù đã xác định đúng, rõ các việc cần làm ngay sau kiểm điểm, nhưng do công tác chỉ đạo thực hiện từ huyện đến cơ sở có thời điểm còn thiếu tập trung, quyết liệt, thiếu phối hợp đồng bộ nên kết quả vẫn chưa cao (số việc cần làm ngay chưa làm xong còn chiếm tỷ lệ gần 42%). Do đó, để tiếp tục giải quyết tốt hơn các việc đã được xác định “làm ngay”, các cấp ủy đảng Đô Lương cần tập trung chỉ đạo, rà soát các đầu việc, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn…, có như vậy, Nghị quyết Trung ương 4 mới có hiệu quả lâu bền, tạo được dư luận xã hội tốt.