Xử lý thông tin đừng “nửa vời”!
(Baonghean) - Qua 5 năm thực hiện Quyết định 99/QĐ-UBND về cung cấp, đăng phát và xử lý thông tin báo chí phản ánh thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An, theo tổng hợp của Sở TT&TT, tính đến ngày 25/4/2012, UBND tỉnh đã ban hành 411 văn bản giao các sở, ban, ngành, địa phương xử lý 422 vụ việc phản ánh trên báo chí. Trong đó, đã có 280 vụ việc được báo cáo (chiếm 66,35%), 142 vụ việc không xử lý hoặc quá thời hạn xử lý (chiếm 33,65 %)...
(Baonghean) - Qua 5 năm thực hiện Quyết định 99/QĐ-UBND về cung cấp, đăng phát và xử lý thông tin báo chí phản ánh thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An, theo tổng hợp của Sở TT&TT, tính đến ngày 25/4/2012, UBND tỉnh đã ban hành 411 văn bản giao các sở, ban, ngành, địa phương xử lý 422 vụ việc phản ánh trên báo chí. Trong đó, đã có 280 vụ việc được báo cáo (chiếm 66,35%), 142 vụ việc không xử lý hoặc quá thời hạn xử lý (chiếm 33,65 %)...
Con số “biết nói” trên đã cho thấy, việc xử lý thông tin trên báo chí trên địa bàn tỉnh đang đi vào nề nếp. Các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn đến việc xử lý thông tin báo nêu. Một số sở, ban, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, kiểm tra, xử lý nhanh, dứt điểm các vấn đề báo chí phản ánh, kịp thời có văn bản báo cáo, điển hình như Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TBXH, UBND Thành phố Vinh... Nhờ vậy, nhiều vấn đề báo chí nêu được tiếp thu, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, việc trả lời trên báo chí của tổ chức, cá nhân liên quan đến vấn đề báo nêu còn có lúc, có nơi chưa thỏa đáng; không trả lời hoặc trả lời còn mang tính đối phó. Việc giải quyết các tồn tại báo nêu chưa dứt điểm, hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, các báo đã báo động tình trạng mất an toàn lao động ở các mỏ khai thác khoáng sản, khai thác vàng ở huyện Tương Dương, tình trạng khai thác đá xây dựng trái phép diễn ra hết sức công khai trong thời gian kéo dài tại huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành; quản lý khai thác rừng, vấn đề xử lý rác thải y tế..., UBND tỉnh đã có chỉ đạo xử lý, các huyện, các ngành có báo cáo trả lời nhưng... tình hình chỉ tạm thời lắng xuống một thời gian, sau đó lại tiếp diễn, khiến người dân vô cùng bức xúc. Dư luận đang đặt ra câu hỏi có hay không sự "nương tay" của chính quyền địa phương?
Lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo, kiểm tra, xử lý các vấn đề báo chí nêu; gửi báo cáo không kịp thời, không đầy đủ hoặc không có văn bản trả lời báo chí và UBND tỉnh kết quả giải quyết. Số vụ việc quá thời hạn xử lý vẫn còn nhiều. Nội dung một số văn bản trả lời còn sơ sài, chung chung, chưa kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức liên quan, không có biện pháp giải quyết rõ ràng...
Xử lý thông tin báo chí phản ánh- đó là vấn đề hay, nhưng còn tùy thuộc vào việc tổ chức thực hiện. Người đứng ra thực hiện lệnh này phải có tư duy tích cực, dám nhận và sửa chữa khuyết điểm, nếu không sẽ làm kiểu chiếu lệ. Khi báo chí thông tin về vấn đề ô nhiễm môi trường tại Nhà máy bia Sabeco, chỉ dừng lại ở việc xử phạt 30 triệu đồng thì quá đơn giản đối với một doanh nghiệp lớn. Vấn đềở đây là phải thực hiện được những biện pháp để chấm dứt ô nhiễm thì người dân mới tin tưởng vào việc xử lý của chính quyền. Do vậy, cần phải xử lý dứt điểm, đừng "nửa vời". Và khi đã xử lý thì cần phải công khai kết quả xử lý. Cái sợ nhất của chúng ta, chủ trương thì rất hay, báo cáo thì có lý, có lẽ không chê trách vào đâu được, nhưng tổ chức thực hiện lại vênh?!
Lan Oanh