Xử lý tồn đọng chế độ, chính sách cho người có công: Cần giải quyết dứt điểm!

06/07/2015 08:13

(Baonghean) - Nghệ An hiện có trên 80.000 người đang được hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Trong những năm qua, việc thực hiện các chính sách với người có công luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tuy vậy, việc xử lý tồn đọng chế độ, chính sách cho người có công vẫn còn chậm...

Tồn đọng nhiều

Theo số liệu Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, ở Nghệ An, tổng số đối tượng được rà soát là 105.489 người, trong đó số hưởng đúng là 101.567 người (chiếm tỷ lệ 96,3%), số hưởng chưa đầy đủ 2.282 trường hợp (2,16%), số hưởng sai 61 người (0,057%), số người đề nghị giải quyết chế độ sau rà soát (hay còn gọi là chưa được hưởng chế độ) là 11.260 trường hợp. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng đối tượng hưởng chưa đầy đủ và chưa được hưởng chế độ lớn nhất nước.

Cán bộ Ban CHQS huyện Diễn Châu hướng dẫn nhân dân làm thủ tục, hồ sơ để giải quyết chế độ, chính sách. Ảnh: hồ lĩnh
Cán bộ Ban CHQS huyện Diễn Châu hướng dẫn nhân dân làm thủ tục, hồ sơ để giải quyết chế độ, chính sách. Ảnh: hồ lĩnh

Trong số này, có đến 2.616 trường hợp cựu TNXP đề nghị giải quyết chế độ hưởng chính sách như thương binh và 3.549 trường hợp cựu TNXP đề nghị giải quyết trợ cấp 1 lần. Theo bà Phạm Thị Phòng, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh, trong số cựu TNXP bị thương vẫn chưa được công nhận thương binh, có 1.100 trường hợp đã xác lập hồ sơ đề nghị giám định thương tật theo quy định Thông tư liên tịch số 16/1999 từ năm 2000 đến nay chưa được giám định thương tật. Ngoài ra còn có trên 150 TNXP hy sinh đều thuộc diện không còn giấy tờ nên chưa được giải quyết chế độ liệt sỹ. Theo bà Phòng, nguyên nhân dẫn đến tồn đọng là do Thông tư số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/2/2013 về việc hướng dẫn xác nhật liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ có nhiều quy định còn bất cập. Ví dụ như yêu cầu phải có vết thương thực thể, mảnh kim khí trong cơ thể và phải có các loại giấy tờ chứng minh quá trình tham gia cách mạng có tính pháp lý trước ngày 31/12/2014. Thực tế, nhiều người tham gia TNXP, bị thương nhưng không còn mảnh kim khí hoặc không còn vết thương thực thể…

Trong những năm qua, Sở LĐ-TB&XH, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh - Sở Nội vụ và Ban Liên lạc thanh niên xung phong tỉnh đã phối hợp để thẩm định hồ sơ, đề nghị UBND tỉnh giải quyết chế độ, chính sách cho các TNXP. Đến thời điểm này, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh – Sở Nội vụ đã tiếp nhận 12.894 hồ sơ TNXP. UBND tỉnh đã ra quyết định giải quyết trợ cấp cho 8.239 người; có 236 hồ sơ khác đã được Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh thẩm định, trình UBND tỉnh ban hành quyết định. Hiện nay, vẫn còn 1.503 hồ sơ đang thẩm định. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, hiện nay, sở đang chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và các địa phương hoàn chỉnh hồ sơ giải quyết trợ cấp 1 lần cho 3.549 trường hợp cựu thanh niên xung phong và 2.616 đối tượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, dân quân du kích được hưởng chế độ, chính sách như thương binh...

Nguyên nhân chính dẫn đến tồn đọng hồ sơ TNXP là do sự chậm trễ, thiếu quyết liệt của chính quyền cấp cơ sở. Ví dụ, tại huyện Nghi Lộc, từ nhiều năm qua, chính quyền xã Nghi Văn và Phòng LĐ-TB&XH huyện chưa thể giải quyết dứt điểm chế độ, chính sách cho 4 TNXP trong xã gồm Phan Thị Trung, Nguyễn Thị Hương và Nguyễn Văn Kính (đã hy sinh vì trúng bom Mỹ) và nữ thanh niên Lê Thị Sự bị thương nặng. Những người này trúng bom khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ kho xăng quân đội Bãi Dộp tại xã Nghi Kiều vào sáng 21/5/1968. Năm 1997, bà Sự cùng thân nhân của 3 thanh niên xung phong xã Nghi Văn đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng để được công nhận liệt sỹ, thương binh. Tháng 8/2011, Tổng cục Hậu cần đã có công văn đề nghị các cơ quan, ban, ngành tỉnh Nghệ An lập hồ sơ đề nghị xem xét giải quyết chế độ theo chính sách hiện hành của Đảng, Nhà nước cho các trường hợp trên. Tuy nhiên, đã 18 năm kể từ khi làm hồ sơ, bà Sự cũng như người thân của các thanh niên xung phong chưa nhận được bất kỳ chế độ gì. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Phòng LĐ-TB&XH huyện Nghi Lộc giải thích: “Hồ sơ các gia đình đã nộp cho UBND xã Nghi Văn nhưng do cán bộ chính sách của xã qua đời nên hồ sơ bị thất lạc”…

Một đối tượng tồn đọng khác là những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Sau Tổng rà soát, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận và xét duyệt 1.844 hồ sơ, trong đó chuyển Hội đồng giám định y khoa 1.164 trường hợp. Đến nay, toàn tỉnh vẫn còn hơn 2.500 trường hợp hồ sơ xin khám, giám định còn tồn đọng chưa được giải quyết, người thì đang được xem xét tiếp, người thì không đủ thủ tục giấy tờ chưa được giám định. Ông Cao Đăng Niên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Diễn Châu cho biết: “Toàn huyện vẫn còn hơn 2.500 hồ sơ xin xác nhận người hoạt động bị nhiễm chất độc hóa học chưa được giải quyết. Ngoài nguyên nhân thiếu các giấy tờ liên quan thì việc chậm giải quyết còn do danh mục bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học mà Thông tư 41 liên Bộ Y tế - Lao động, Thương binh và Xã hội có một số điểm chưa hợp lý. Ví như bệnh ung thư thì chất độc hóa học nhiễm vào cơ thể có khả năng gây ra ung thư ở mọi bộ phận trên cơ thể, nhưng Thông tư chỉ quy định các dạng ung thư: tiền liệt tuyến, phế quản, khí quản, thanh quản, gan nguyên phát, phần mềm. Do đó, những người bị mắc các bệnh này vẫn chưa được giải quyết chế độ".

Bên cạnh đó, hiện nay, Nghệ An vẫn còn chậm trễ trong việc phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Theo báo cáo từ các huyện, thành, thị, hiện nay toàn tỉnh có 1.815 mẹ Việt Nam anh hùng đủ điều kiện phong tặng, truy tặng. Tỉnh đã tổ chức truy tặng, phong tặng cho 1.039 mẹ. Đến nay, vẫn còn 776 bà mẹ chưa được phong tặng, truy tặng.

Một vấn đề tồn đọng lâu nay chưa được giải quyết là tiền thưởng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho người tham gia kháng chiến. Toàn tỉnh có 80.000 người đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có nhiều đóng góp cho đất nước trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ có Bằng khen mà chưa có tiền thưởng cho những đối tượng được nhận Bằng khen. Nguyên nhân chính là do chưa có nguồn ngân sách từ Trung ương phân bổ về.

Cần sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ

Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải thích, Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, số lượng đối tượng chính sách lớn nên công tác giải quyết tồn đọng việc thực hiện chính sách người có công gặp không ít khó khăn. Một thực tế là hiện nay, chính quyền cấp xã, phường, thị trấn và các huyện, thành, thị nhiều địa phương còn rất chậm xử lý, thiếu trách nhiệm với người có công. Ví như cách đây 2 năm, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013 về việc hướng dẫn xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức tập huấn, có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan liên quan nhằm hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân biết và thực hiện. Tuy nhiên, sau gần 2 năm sau khi Thông tư số 28 ra đời, đến nay Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn chưa nhận được hồ sơ nào.

Đoàn viên, thanh niên Huyện đoàn Thanh Chương thăm khám, tặng quà  đối tượng chính sách tại xã Thanh Văn. Ảnh: Nguyễn Thị Quỳnh
Đoàn viên, thanh niên Huyện đoàn Thanh Chương thăm khám, tặng quà đối tượng chính sách tại xã Thanh Văn. Ảnh: Nguyễn Thị Quỳnh

Do thiếu chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, dẫn đến đối tượng thụ hưởng thiếu thông tin. Theo phản ánh của nhiều gia đình có người bị nhiễm chất độc hóa học, việc triển khai các hướng dẫn cho người dân chưa cụ thể, rõ ràng. Mặc dù mỗi lần bổ sung các điều kiện, cơ quan chức năng đều tập huấn, phổ biến nhưng mới chỉ dừng lại ở một số cán bộ thực thi, còn đa số đối tượng thụ hưởng lại không biết về những thay đổi đó, dẫn đến việc nộp hồ sơ chậm hoặc không có đủ các thủ tục giấy tờ.

Việc giải quyết chế độ, chính sách là một vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Bà Lê Thị Thủy, Trưởng phòng Chính sách người có công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nay Bộ Y tế chưa ban hành danh mục dị tật dị dạng bẩm sinh của con đẻ đối với những người bị nhiễm chất độc hóa học; chưa có hướng dẫn về bất thường sinh sản, giấy tờ thủ tục gây lúng túng cho việc xác nhận ở địa phương...

Hiện, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như các sở, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội liên quan có biện pháp đẩy nhanh việc giải quyết tồn đọng cho các đối tượng người có công. Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trước mắt, tỉnh sẽ đề nghị các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, cho chủ trương trong việc xác nhận các đối tượng người có công và thực hiện chế độ, chính sách đúng người, đúng đối tượng. “Bên cạnh đó, sở cũng kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBND các huyện, thành, thị và xã, phường, thị trấn cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc lập hồ sơ, thẩm định cũng như đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách cho người có công. Đây không chỉ là trách nhiệm của thế hệ con cháu đối với những hy sinh mất mát của các thế hệ đi trước mà còn thể hiện chính sách ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Nguyễn Đăng Dương khẳng định.

Minh Quân

Mới nhất

x
Xử lý tồn đọng chế độ, chính sách cho người có công: Cần giải quyết dứt điểm!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO