Xử lý vi phạm an toàn hành lang đê tả Lam:Cần giải pháp quyết liệt

14/10/2014 16:13

(Baonghean) - Tình trạng lấn chiếm đê tả Lam để làm nhà, tập kết vật liệu... tại các địa phương đang diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng, đe doạ đến sự an toàn của tuyến đê, nhất là vào mùa mưa lũ. Ngoài những vi phạm “do lịch sử để lại”, thì những bất cập trong quản lý là nguyên nhân nảy sinh vi phạm mới…

Vi phạm tràn lan

Vị trí ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Lưu, ông Trần Văn Ngọ và hàng chục gia đình khác tại xóm 2, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương nằm liền kề đê tả Lam; một phần diện tích các công trình xây dựng mà họ đang sử dụng nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê (chiếu theo những quy định của Luật Đê điều có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2007). Vậy nhưng khi lý giải về nguyên nhân vi phạm, ông Trần Văn Ngọ cho hay: “Chúng tôi ở đây đã bao đời, sống hợp pháp trên chính mảnh đất của cha ông mình để lại với giấy tờ đầy đủ. Vì vậy, không thể nói chúng tôi vi phạm, mà thực tế là do sự chồng chéo trong quy định của Luật Đất đai và Luật Đê điều...”. Tương tự, đê Tả Lam đoạn đi qua khối 6, Thị trấn Đô Lương, cũng hình thành cả một khu dân cư với nhà cửa kiên cố, hàng quán... sát mặt đê.

Nhiều hộ kinh doanh tại xóm 5, xã Đông Sơn (Đô Lương) để dựng lán, tập kết nứa mét trên đê Tả Lam.
Nhiều hộ kinh doanh tại xóm 5, xã Đông Sơn (Đô Lương) để dựng lán, tập kết nứa mét trên đê Tả Lam.

Không chỉ có những vi phạm mang tính lịch sử mà tại địa bàn huyện Đô Lương, nhiều vi phạm mới vẫn tiếp tục phát sinh và có nguy cơ gia tăng. Cụ thể, tại khu vực giáp ranh giữa xóm 5, xã Đông Sơn và Thị trấn Đô Lương mặt đê và hành lang đê bị các hộ kinh doanh nứa mét chiếm dụng hoàn toàn. Ngoài ảnh hưởng đến phạm vi hành lang bảo vệ an toàn của đê, tầm quan sát của người đi đường cũng bị hạn chế... Còn đoạn đê qua xóm 13, xã Tràng Sơn được các hộ dân bên đường trưng dụng đặt biển quảng cáo, rào chắn để trồng cây, tập kết đất đá...

Tại huyện Nam Đàn, với trên 13 km đê kéo dài từ xã Vân Diên đến xã Xuân Lâm, hiện tồn tại nhiều điểm tập kết vật liệu ngay trên mặt đê. Đơn cử, đoạn qua xóm 11, xã Xuân Lâm và khu vực khối Tây Hồ, thuộc thị trấn, ngay sát bảng quy định Luật Đê điều, nhiều hộ dân tận dụng mặt đê để tập kết gỗ với đường kính kéo dài hàng chục mét. Tại địa bàn Hưng Nguyên, cùng với tình trạng dùng mặt đê để tập kết vật liệu của các hộ dân, Công ty Bắc Sơn thuộc địa bàn xã Hưng Xuân còn chiếm dụng hàng lang bảo vệ đê để tập kết quặng với khối lượng lớn. Cách chân cầu Yên Xuân không xa, việc khai thác, tập kết cát làm ảnh hưởng đến phạm vi hành lang an toàn đê chưa được giải quyết dứt điểm.

“Nhận diện” nguyên nhân

Về nguyên nhân, có những vi phạm “do lịch sử để lại” như ở khu vực Lưu Sơn, khối 6, Thị trấn Đô Lương. Thực tế dân ở trước, đê có sau, đất ở của các hộ có Giấy đăng ký quyền sử dụng đất nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê điều. Kèm theo đó, trong quá trình sửa chữa, nâng cấp các tuyến đê đã sử dụng hết hành lang bảo vệ đê, kinh phí giải phóng đền bù khó khăn nên chưa giải phóng được. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Doãn Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đô Lương, cho biết: Thực tế người dân đã xây dựng nhà cửa, sinh sống từ lâu đời, trước khi có Luật Đê điều nên rất khó xử lý. Hiện nay, cùng với việc thường xuyên kiểm tra, xử lý hành chính không để phát sinh mới các trường hợp xây dựng nhà cửa lấn chiếm phạm vi an toàn đê, địa phương chỉ mới dừng lại ở việc tuyên truyền vận động người dân không để vật tư, vật liệu trên đê.

Còn đối với những vi phạm mới, nguyên nhân trước tiên là do ý thức chấp hành pháp luật đê điều của một bộ phận người dân còn kém; thứ đến là công tác quản lý, xử lý các vi phạm tại một số nơi còn thiếu kiên quyết, chưa sâu sát với nhiệm vụ được giao. Bởi trên thực tế, việc phát hiện các trường hợp vi phạm đê điều như xây dựng ki ốt, tập kết vật liệu… không khó; song việc xử lý các trường hợp vi phạm sau phát hiện của cơ quan chức năng chưa triệt để, do đó, các vi phạm vẫn “ngang nhiên” tồn tại và có nguy cơ phát sinh thêm. Nói về tình trạng khai thác, tập kết cát làm ảnh hưởng đến phạm vi hành lang an toàn đê chưa được giải quyết dứt điểm, ông Võ Văn Cầm, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều Hưng Nguyên 1 thanh minh: “Việc xử lý là rất khó, bởi điểm khai thác cát tại đây đã tồn tại từ lâu đời. Vì vậy, chỉ lúc nào cát chất cao quá thì chúng tôi lập biên bản xử phạt để họ giảm tải mà thôi (?!) Còn điểm khai thác quặng của Công ty Bắc Sơn, mặc dù việc tập kết ảnh hưởng đến hành lang đê, nhưng lâu nay cũng đang ngừng hoạt động nên chưa xử lý”.

Còn ở Nam Đàn, mặc dù để xảy ra tình trạng tập kết gỗ, vật liệu xây dựng trên đê trong thời gian dài, nhưng ông Lê Đại Việt - Hạt phó Hạt Quản lý đê điều vẫn quả quyết không có vi phạm đến khi phóng viên nêu những trường hợp vi phạm cụ thể thì ông lại cho rằng “người dân họ để tạm” .

Chưa nói đến, giữa lực lượng chuyên trách quản lý đê điều và lực lượng quản lý đê các địa phương chưa thực sự xem việc xử lý vi phạm là trách nhiệm của mình, còn xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Đơn cử, đối với những vi phạm trên địa bàn Thị trấn Đô Lương, ông Lê Đình Sáu, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện cho rằng: “Hạt chỉ phát hiện, lập biên bản, trách nhiệm xử lý là của chính quyền”; trong khi ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn, lại nói: “Những trường hợp vi phạm, hạt phối hợp thị trấn lập biên bản. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm, trách nhiệm chính là của hạt”...

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống bão lụt tỉnh, cho biết: Tuyến đê Tả Lam có chiều dài 68,2 km, chạy qua địa bàn các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, TP. Vinh. Ngoài những vi phạm do lịch sử để lại, còn có những trường hợp tái lấn chiếm, vi phạm mới. Riêng 6 tháng đầu năm 2014 đã phát sinh thêm 21 vụ vi phạm, chủ yếu là xây dựng ki ốt, tập kết vật tư, vật liệu trên đê. Trong đó, nguyên nhân chính là do lơ là, buông lỏng trong công tác quản lý, việc xử lý các vi phạm thiếu kiên quyết, dứt điểm. Bên cạnh đó sự kết hợp giữa cơ quan quản lý và chính quyền các cấp chưa chặt chẽ dẫn đến việc xử lý còn nhiều hạn chế, kết quả thấp, tính răn đe giáo dục không cao.

Thời gian tới, Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống bão lụt tập trung chỉ đạo lực lượng quản lý đê thường xuyên bám địa bàn, bám dân để tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu và thực hiện nghiêm Luật Đê điều; chỉ đạo sát sao Hạt Quản lý đê điều các địa phương tăng cường tuần tra, phát hiện vi phạm, phối hợp chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm và bổ sung nguồn kinh phí để cắm mốc chỉ giới hành lang quản lý đê... “Hiện nay, chi cục đang trình xin thành lập phòng thanh tra, trên cơ sở đó sẽ có chế tài xử phạt để xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm; còn lâu nay việc xử phạt còn phụ thuộc vào địa phương nên khó xử lý triệt để”- ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết thêm.

Thiết nghĩ, để giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm an toàn đê Tả Lam và chủ động ứng phó với diễn biến mùa mưa bão đang đến gần, Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống bão lụt cần đôn đốc các hạt quản lý đê nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp với các địa phương có đê nhằm ngăn ngừa vi phạm mới phát sinh, xử lý nghiêm các vi phạm tồn đọng. Đồng thời gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cấp quản lý, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Bên cạnh đó ưu tiên tập trung nguồn kinh phí đầu tư các dự án xây dựng đường hành lang ven đê, dốc lên đê; tổ chức cắm biển hạn chế tải trọng, lắp đặt hộ lan đường giao thông trên các tuyến đê để tránh tình trạng tập kết vật liệu, đổ rác... Về lâu dài, cần tính đến phương án di dời các hộ dân ở sát chân đê, cùng với đó là việc đền bù thỏa đáng, bố trí tái định cư... Việc này không thể một sớm một chiều, mà đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt.

Quảng An

Mới nhất
x
Xử lý vi phạm an toàn hành lang đê tả Lam:Cần giải pháp quyết liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO