Xử phạt - liệu có khả thi?

11/08/2012 21:07

Nghị định 52/2012/NĐ-CP ngày 14/6/2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, trong đó hành vi sử dụng điện thoại tại các cây xăng có mức phạt từ 2-5 triệu đồng, đã chính thức có hiệu lực từ ngày 5/8. Thế nhưng, việc xử phạt hành vi sử dụng điện thoại tại các cây xăng gặp khó vì nhiều nội dung trong Nghị định 52/2012/NĐ-CP về PCCC chưa rõ ràng, thiếu thông tư hướng dẫn...

>Quan trọng là ý thức của người dân

Ngay sau khi Nghị định 52/CP chính thức có hiệu lực, ý thức người dân đã có sự thay đổi đáng kể. Chị Lê Thị Thanh Vân – nhân viên bán hàng đại lý xăng dầu Công ty xăng dầu Nghệ An tại đường Nguyễn Phong Sắc (Hưng Dũng - Vinh) cho biết, trước đây khi chúng tôi nhắc nhở khách hàng việc dùng điện thoại thường bị họ bỏ qua, hoặc cho rằng chúng tôi "lắm chuyện" nhưng hiện giờ, biết có Nghị định mới đặc biệt là quy định việc xử phạt với mức phạt cao, họ đã lắng nghe. Một số khách đi ô tô đổ số lượng lớn, trước còn có thói quen lấy điện thoại ra để tính tiền nhưng nay họ đã thay đổi bằng cách nhờ nhân viên tính bằng máy tính.

Tuy nhiên, mức xử phạt theo phản ánh của người dân là quá cao, khó có tính khả thi. Anh Cao Xuân Đường – Cán bộ Văn phòng Nông thôn mới (Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An) băn khoăn: “Xử phạt 2-5 triệu lúc này là chưa nên vì hiện tại có nhiều người chưa biết đến quy định này nên có thể vô tình phạm luật. Trước mắt, cần tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, các trạm xăng cần có những biển báo khuyến cáo, nhắc nhở người mua xăng để dần dần tạo thói quen mới”.



Nhiều khách ô tô đã thay đổi hành vi dùng điện thoại tính tiền xăng

Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Hoàng Văn Tấn – Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC (Công an Nghệ An) thừa nhận: Mức phạt 2 đến 5 triệu đồng là cao và chủ yếu mang tính răn đe. Bởi hiện nay tất cả các hành vi liên quan đến PCCC đều được chỉnh sửa theo hướng "tịnh tiến". Chẳng hạn trước đây chủ công trình khi đưa công trình vào sử dụng mà không nghiệm thu PCCC bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng thì nay đã tăng lên từ 20 - 30 triệu đồng.

Hiện nay, cán bộ chiến sỹ phòng cảnh sát PCCC công an tỉnh có gần 200 người. Trong đó, chỉ có 20 người thuộc lực lượng kiểm tra công tác PCCC. Do đó, trách nhiệm xử phạt hành vi sử dụng điện thoại tại các cây xăng là "qúa sức" và là điều không thể. Về băn khoăn ai phạt và biện pháp xử lý, thượng tá Hoàng Văn Tấn cho rằng: Theo Nghị định 52, thẩm quyền xử phạt các hành vi gây ra nguy cơ cháy nổ không chỉ có cảnh sát PCCC mà các lực lượng khác của công an nhân dân cùng lãnh đạo các cấp chính quyền đều có quyền xử phạt.



Hầu hết các cây xăng đều có biển cấm dùng ĐTDĐ nhưng chưa cập nhật thông tin mức xử phạt theo Nghị định 52/CP để khuyến cáo người dân.

Một cán bộ công an cho rằng: Lực lượng công an lo ổn định trật tự xã hội còn không đủ người, việc xử lý nghe điện thoại ở cây xăng rất khó thực thi. Tôi nghĩ nên tuyên truyền để người dân tự ý thức thì hiệu quả hơn”,

Có thể nói rằng việc cấm sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng là cần thiết nhưng liệu chủ trương có đến được với người dân hay không, hay lại rơi vào quên lãng như quy định cấm hút thuốc lá, cởi trần nơi công cộng,... lại là chuyện khác. Chúng ta đã có rất nhiều quy định nhưng không thấy ai thực hiện cũng như kiểm tra, kiểm soát, xử phạt theo quy định. Do vậy, tình trạng người dân tiếp tục xả rác ngoài đường, hút thuốc lá ngay tại công sở, nơi công cộng.


Thu Huyền

Mới nhất
x
Xử phạt - liệu có khả thi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO