Xuân biên giới

13/02/2008 10:50

Ở các bản làng nằm vắt lưng chừng núi và dưới chân dãy Trường Sơn (đoạn qua huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), đồng bào đã đón một mùa xuân mới với nhiều đổi thay.


Trai gái cùng giao duyên

Tết xưa...

Đêm ngủ lại Nậm Cắn (là xã giáp biên giới Việt Nam và nước bạn Lào) trời lạnh xuống 00C. Hành trình chuyến đi của tôi và anh bạn đồng nghiệp chỉ chút tư trang, đồ nghề và chiếc xe Win cũ. Nơi xuất phát không còn tính từ TP Vinh cách Mường Xén 300 cây số nữa mà từ chân dãy

Trường Sơn đoạn qua cửa khẩu Nậm Cắn. Điểm đến đầu tiên là xã Phà Đánh, ở đây hầu hết là đồng bào dân tộc Khơ mú sinh sống, là nơi nổi tiếng với món gà đen hay còn gọi là gà ác - đặc sản ẩm thực của Kỳ Sơn. Dọc đường Trường Sơn vùng biên cương hoa đào, hoa mận đua nở trắng cả núi rừng. Bước sang lãnh địa của xã Huồi Tụ, (nơi mới thành lập một Tổng đội thanh niên xung phong) hầu hết là đồng bào Mông sinh sống. Nhờ có Tổng đội TNXP nên đồng bào bắt đầu biết trồng rừng, làm vườn tạo nên nhiều rau quả, lương thực. Qua Tổng đội, chợ Huồi Tụ được xem là trung tâm của xã. Phiên chợ cuối năm đông kìn kịt, mọi người đổ về không chỉ để mua bán hàng mà còn trẩy hội. Ngoài sắc màu quần áo của trai gái người Mông, chợ còn được bày bán đủ thứ thổ cẩm do chính bà con làm ra. Chị Vừ Y Zếnh - một người bán hàng thổ cẩm cho biết: Gia đình chị làm thổ cẩm quanh năm, cứ đến dịp phiên chợ cuối năm (chợ Tết) mới đưa ra bán.


Đi chợ Tết ở Huồi Tụ

Ngày Tết, bản làng Mường Lống còn sầm uất hơn cả Huồi Tụ. Già làng Hờ Bá Chù ở bản Mường Lống 2 kể lại: Ngày xưa, đồng bào Mông nói chung, người Mông ở Mường Lống nói riêng, hầu hết đều tổ chức ăn Tết người Mông (tương đương dịp 10 đến 20.12 dương lịch). Cái Tết cổ truyền lai rai nhiều ngày bà con khắp bản làng tổ chức vui chơi, ăn uống linh đình, có năm kéo dài gần 20 ngày. Trường lớp vắng bóng học trò, người công tác xa dịp này cũng bỏ về quê ăn tết. Già làng Hờ Bá Chù cho biết thêm: Trước đây, cứ dịp Tết Mông đến, nhà nhà lại thi nhau làm thịt lợn, nhà ai nghèo đến mấy cũng kiếm cho được con lợn, ngoài ra còn ít cân gạo nếp, hoa quả, bánh trái và thứ không thể thiếu được đó là vài chục lít rượu...Khắp bản làng đều tổ chức vui các trò chơi dân gian như ném còn, chọi trâu, chọi bò, chọi gà...và cuộc chơi cứ như thế kéo dài gần 20 ngày. Từ Huồi Tụ đến Mường Lống và sang tận cả một số vùng ven nước bạn Lào đều chung một cái tết như thế. Tết Mông xong, chưa được bao lâu lại tiếp tục đón Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Xong tết, nhiều gia đình nghèo lại ôm theo một khoản nợ. Mấy năm gần đây Đảng và Nhà nước ta đã tuyên truyền và vận động bà con nhập tết Mông vào Tết nguyên đán để hoà chung niềm vui xuân với dân tộc, vì thế tết Mông xưa giờ vẫn còn nhưng đẹp và thật vui với nhiều đổi mới.


Trẻ em người Mông trong ngày Tết

Xuân mới

Dọc đường mòn Trường Sơn, bản làng người Mông người Thái, Khơ mú...ở đâu cũng bắt gặp không khí vui với mùa Xuân cũng ngập tràn. Điều đáng ghi nhận là bà con còn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, truyền thống văn hoá đáng quý. Ông Lầu Giống Cải - Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết: Nơi đây từng được xem là thủ phủ của cây thuốc phiện nhưng ngày nay đã khác rồi. Mường Lống không còn bóng dáng cây thuốc phiện mà thay vào đó là cả một vùng rừng mận Tam hoa và hoa đào nở trắng, hồng cả thung lũng. Năm nay bà con tổ chức đón xuân sẽ vui hơn năm ngoái, vì cuộc sống của đồng bào tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng cái ăn, cái mặc bây giờ khác trước rồi. Riêng ở xã Mường Lống có gần 100% dân số là người Mông, bình quân mỗi gia đình trồng gần 1 ha mận Tam hoa và đào, đó là chưa kể lúa, ngô, khoai sắn, rau, quả.... Đó đây bà con trang phục rực rỡ những sắc màu quần áo của dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, nhất là các chị em với những bộ đồ thắm đẹp như hoa rừng...

Rời "thủ phủ người Mông", chúng tôi tiếp tục băng rừng, lội suối non một ngày trời mới đến bản Xiềng Tắm, là trung tâm của xã Mỹ Lý. Ông Vi Văn Lý- cán bộ Đảng uỷ xã Mỹ Lý cho biết: Mỹ Lý là xã có 100% hộ gia đình dân tộc Thái, nhiều nét đẹp văn hoá cổ truyền nơi đây đang được bà con lưu giữ. Tết đến, năm nào bản làng cũng mổ trâu, mổ lợn chia nhau mỗi nhà một ít. Nếu nhà nào có điều kiện thì mổ riêng tại gia đình, sau đó mời anh em trong bản làng tới uống rượu cần rồi vui nhảy múa lăm vông. Riêng xã Mỹ Lý, ngày ba mươi Tết thế nào cũng mổ thịt một con lợn to hoặc một con bê béo để mời các già làng, trưởng bản, các cựu chiến binh, cán bộ nghỉ hưu tới liên hoan uống rượu để mừng một năm lao động sản xuất và chuẩn bị bước vào một mùa xuân mới. Anh Vi Văn Miêng cho biết: Một số vùng khó khăn như: Mường Lống, Huồi Tụ, Nậm Cắn, Keng Đu, Mường Ải, Mường Típ, Bảo Nam, Bảo Thắng...còn được Nhà nước hỗ trợ cho dầu thắp, lương thực, thực phẩm...đón tết. Tết nơi miền biên ải còn lấp lánh màu áo xanh của các chiến sỹ biên phòng hoà trong sắc màu của đồng bào các dân tộc anh em để cùng chung niềm vui ngọt ngào trong những ngày hội.


Ký sự của Phan Sáng

Xuân biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO