Xuân về ở Piêng Lâng

Công Kiên 30/01/2021 09:16

(Baonghean) - Sau 12 năm “vật lộn” với khó khăn và khắc nghiệt, cuộc sống của bà con Piêng Lâng đã có dấu hiệu khởi sắc, nhất là khi Xuân mới đã cận kề.

Đường xưa đã mở

Nằm ở đầu nguồn dòng Nậm Giải, giáp biên giới Việt - Lào, bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải (Quế Phong) là điểm tái định cư của những hộ dân bản Pục, bản Méo bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận lũ quét lịch sử năm 2007.

Trước đây, mỗi lần nhắc đến việc đi Piêng Lâng, ai nấy đều tỏ ra ái ngại. Bởi bản nằm cách trung tâm huyện hơn 30 km, cách trung tâm xã hơn 10 km, và cái chính là đường sá đi lại hết sức gian nan. Thời gian đầu, con đường chạy ven suối Nậm Giải là lối mòn nhỏ 1 xe máy đi lọt, sau đó được mở rộng ra một ít.

cán bộ, chiến sỹ biên phòng và đoàn viên - thanh niên giúp bà con bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải (Quế Phong) làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Phong Cầm
Cán bộ, chiến sĩ biên phòng và đoàn viên, thanh niên giúp bà con bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải (Quế Phong) làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Phong Cầm

Mặt đường đất, đá gồ ghề, nhiều đoạn dốc cheo leo và cua tay áo, chỉ có dân bản địa mới dám phi trên “ngựa sắt”, ngày mưa lũ thì không thể kể hết độ gian nan, vất vả. Khi ai đó có việc thật sự cần thiết mới có ý định đến Piêng Lâng, còn bình thường mới nghĩ thôi cũng đã thấy “ngán”.

Bây giờ thì đã khác, tuyến đường Châu Kim - Nậm Giải đã được nâng cấp, các phương tiện lưu thông đã dễ dàng hơn rất nhiều. Đoạn từ trung tâm xã Nậm Giải đi Piêng Lâng phần lớn đã được đổ bê tông, chỉ còn những đoạn ngắn từ bản Pục chưa hoàn thành, phương tiện lưu thông vẫn khó, nhưng so với trước đã đỡ hơn nhiều.

Ông Lô Văn Thành - một người dân Piêng Lâng chia sẻ: “Những ngày đầu mới lên, đường khó đi lắm, mỗi khi có việc về bản cũ hay ra xã đều phải đi bộ, không mấy người dám đi xe máy, có khi mất cả 1 ngày. Nhà nước ngày càng quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp đường để dân đi lại thuận tiện, lại được các đơn vị bộ đội giúp sức mới được như bây giờ…”.

Ảnh Công Kiên
Bà con Piêng Lâng bám núi đồi để xây dựng gia trại, phát triển chăn nuôi, từng bước thoát nghèo. Ảnh Công Kiên

Xuất phát từ trung tâm xã, chưa đầy 30 phút, con “ngựa sắt” đã đưa chúng tôi đặt chân đến Piêng Lâng. Hơn 10 năm, cây cối đã kịp xanh tươi, những ngôi nhà lợp mái tôn đã ngả màu và đời sống người dân cũng đã đổi thay khá nhiều. Cái nghèo chưa phải đã hết nhưng không ai còn mối lo lắng trong mùa giáp hạt, cũng không còn cảnh “Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”.

Ông Lô Văn Thường - Bí thư Chi bộ đón chúng tôi ngay con dốc đầu bản với nụ cười thật tươi cùng cái nắm tay thật chặt. Ông nói: “So với các bản, Piêng Lâng vẫn còn nghèo. Nhưng so với chính mình trước kia, đời sống đã có bước tiến dài, không còn lo thiếu đói, ngược lại nhiều hộ đã có nguồn thu nhập khá, không lâu nữa chắc sẽ giàu. Cái này, phần lớn nhờ đường đi ngày một dễ dàng, thuận lợi”.

Piêng Lâng hiện có 56 hộ (329 nhân khẩu), trong đó, có 24 hộ nghèo. Ban đầu, bà con là cư dân của bản Pục và bản Méo, nhà nằm ven bờ suối Nậm Giải thường xuyên đối mặt với hiểm nguy trong mùa mưa, lũ. Trận lũ quét năm 2007 đã cướp đi sinh mạng của 13 người và gây nhiều thiệt hại về tài sản, để lại bao nỗi kinh hoàng. Những hộ có nguy cơ cao được di dời về khu tái định cư Piêng Lâng, bước đầu được hỗ trợ làm nhà ở, khai hoang ruộng nước và hỗ trợ giống cây ăn quả để bắt đầu xây dựng cuộc sống mới.

Ảnh: Công Kiên
Ông Lô Văn Thường - Bí thư Chi bộ bản Piêng Lâng là người tiên phong trong việc phát triển gia trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm, mang lại nguồn thu nhập lớn. Ảnh: Công Kiên

“Đây là điểm cao ráo, an toàn nhưng đất đai không màu mỡ, có nơi toàn bãi đá, không thể canh tác. Không ít người đã tỏ ra lo lắng, thậm chí hoang mang trước khó khăn đủ bề về giao thông, điều kiện sản xuất và khí hậu khắc nghiệt đã tính tìm đến chốn khác. Đó là chuyện ngày xưa, bây giờ thì đã khác, có đuổi cũng không ai có ý định rời khỏi bản làng” - ông Lô Văn Thường bộc bạch.

Lật đá tìm vàng

Sau những lo lắng ban đầu, bà con Piêng Lâng đã động viên nhau tìm cách trụ vững ở vùng đất này. Ngoài làm ruộng nước, trồng cây ăn quả để cố gắng đảm bảo nhu cầu lương thực phải tìm thêm nguồn thu nhập để cải thiện, từng bước thoát khỏi cái đói, cái nghèo.

Với những người sinh ra và lớn lên giữa núi rừng, khe, suối giờ cũng không có cách nào hơn là bám đất, bám rừng để mưu sinh. Mỗi người mỗi cách, đến nay nhiều hộ nhờ chăm chỉ và sáng tạo trong làm ăn, sản xuất nên đã có của ăn, của để, cuộc sống ngày một khấm khá, thu nhập mỗi năm xấp xỉ cả trăm triệu đồng.

Ảnh: Công Kiên
Với ông Lô Văn Thường, phát triển gia trại ở Piêng Lâng là công việc "lật đá tìm vàng". Ảnh: Công Kiên

Tiêu biểu là mô hình gia trại của hộ ông Ngân Văn Thi, vừa trồng rừng nguyên liệu, vừa nuôi 7 con trâu, 6 con bò và 23 con lợn thả rông. Cũng trồng rừng nguyên liệu và phát triển chăn nuôi, các ông Ngân Văn Lượng, Lê Văn Sơn đang sở hữu mấy ha keo lai và hàng chục con gia súc. Phát triển chăn nuôi có các ông Lô Văn Thánh, Ngân Văn Thoại và Bí thư Lô Văn Thường, mỗi hộ hiện có trên 20 con trâu, bò. Mô hình đào ao thả cá có hộ ông Ngân Văn Thu và Lê Đình Xuyên, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng…

Theo chân ông Lô Văn Thường sang khu vực quy hoạch chăn nuôi, vượt dòng Nậm Giải chúng tôi thực sự ấn tượng trước những bãi đá chạy dài tưởng chừng vô tận. Nếu gần khu du lịch sinh thái, đây sẽ là điểm lý tưởng để check-in, nhưng là khu vực quy hoạch chăn nuôi nên với bà con nông dân thực sự là “cái khó”. Mưa to, lũ lớn sẽ cuốn những tảng đá đủ kích cỡ vào ruộng lúa. Rồi những hòn đá mồ côi nằm rải rác, nhấp nhô giữa khu đất nên không thể trồng trọt.

“Cái khó ló cái khôn”, khi không thể canh tác, bà con Piêng Lâng chia nhau khoanh vùng để chăn thả trâu, bò, dê, lợn, gà và mang lại nguồn thu không nhỏ. Những gia trại cứ thế thi nhau mọc lên; những hòn đá lớn, nhỏ được lật lên và tập kết thành từng khối để lấy khoảng trống; những con suối nhỏ được ngăn lại, mở rộng thành ao cá. Chừng ấy năm, người dân Piêng Lâng đã kịp biến vùng đất hoang vu, cằn cỗi thành khu vực sản xuất mang lại nguồn thu nhập khá cao.

Ảnh: Lê Thạch
Chi hội Phụ nữ Phòng Hậu cần, BĐBP tỉnh phối hợp các nhà hảo tâm và lãnh đạo huyện Quế Phong tặng quà Tết cho bà con bản Piêng Lâng (Nậm Giải). Ảnh: Lê Thạch

Gia trại của Bí thư Lô Văn Thường nằm bên mép núi, chòi canh dựng chênh vênh bên con suối nhỏ, xung quanh có vô số những hòn đá như nằm bao bọc. Các con đã có gia đình riêng, hàng ngày vợ chồng ông Thường thay nhau vào đây để chăm sóc, trông coi 9 con trâu, 8 con bò, 17 con dê và đàn gà hàng trăm con, chưa kể ao cá rộng hơn 2 sào.

“Ban đầu phải vay vốn đầu tư làm chuồng trại, khoanh nuôi, mua con giống và ra sức lật từng hòn đá. Cũng có lúc đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc vì gặp thất bát do mưa lũ, giá rét và dịch bệnh. Nhưng càng về sau được tập huấn kỹ thuật và có thêm nhiều kinh nghiệm nên nguồn thu nhập ngày càng ổn định hơn, dân bản thường nói đùa là “năm xưa lật đá, nay được nhặt vàng” là vì thế”.

Chúng tôi rời Piêng Lâng khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã cận kề, niềm phấn khởi, mong chờ hiện rõ trên từng nét mặt. Có lẽ tết này sẽ là cái tết vui nhất từ khi lên đây tái định cư, khi lợn, gà đã có sẵn trong chuồng và con đường đi lại cũng đã dễ dàng hơn.

Ông Lô Minh Tường - Chủ tịch UBND xã Nậm Giải cho biết: “Nhờ sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành cũng như sự nỗ lực thích nghi hoàn cảnh mới của bà con, cuộc sống ở Piêng Lâng đang dần khởi sắc. Tuy chưa phải đã hết nghèo khó, nhưng nhiều hộ bước đầu đã có tích lũy, hy vọng năm mới sẽ mưa thuận, gió hòa để đồng bào có cuộc sống ngày càng no đủ”.

Mới nhất

x
Xuân về ở Piêng Lâng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO