Khát vọng Piêng Lâng
(Baonghean) - Giờ thì Piêng Lâng (Nậm Giải, Quế Phong) đã chẳng còn là mảnh đất xác xơ vì cơn thủy họa tang thương cách đây ngót chục năm trời, mà trở thành địa danh nổi tiếng được dân “phượt” gần xa kháo nhau tìm đến. Vẻ đẹp của bản làng thuần Thái quấn quýt mây vờn đỉnh núi, sắc xanh ngời trên bát ngát đồi chanh leo, cả sự tĩnh lặng miên viễn của chốn sơn cùng thủy tận ... đã làm nên thứ “đặc sản” riêng có của Piêng Lâng vậy...
Thì tôi cũng xin neo cái cớ tác nghiệp, mà tự đãi mình một chuyến viễn du bâng khuâng Piêng Lâng thẳm vời ấy. Nghĩa là, đi với tâm thế vừa thong dong thưởng ngoạn, vừa giữ tỉnh táo để thấu cảm, ghi nhận những đường nét của mảnh đất vùng biên mà sau ngót chục năm trời, tôi mới có dịp trở lại. Anh Ngân Văn Minh, Trưởng bản Piêng Lâng xuống UBND xã Nậm Giải để làm mấy giấy tờ, thủ tục về giống cây chanh leo cho vụ mùa mới, nhiệt tình trở thành người dẫn đường cho khách về thăm bản. “Lên Piêng Lâng vẫn con đường độc đạo ấy thôi, nhưng nay đã đổi khác nhiều. Trước, đường cheo leo dốc đá, mùa mưa trơn nhẫy đất đỏ, mùa hè xóc nảy đá dăm, đá cuội... Sau nhiều đợt mở rộng, cải tạo, đường đã được “dặm” thêm mấy lớp áo mới, giao thông thuận lợi hơn hẳn” - Trưởng bản Minh vui chuyện.
Đường lên Piêng Lâng |
Trưởng bản Ngân Văn Minh mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có thâm niên “quản lý” bản Piêng Lâng 6 năm. Cởi mở, thật bụng và hiếu khách như bao đồng bào dân tộc Thái khác, Trưởng bản Minh được nhiều đoàn khách ghé bản rất quý, vì cả nhẽ thông hiểu chuyện “sử sách” bản làng như đường chỉ lòng tay. “65 hộ dân Piêng Lâng hôm nay, gốc gác vốn là dân bản Pục, bản Méo, bị lũ quét năm 2007 cuốn trôi hết nhà cửa, ruộng vườn. Lũ về trong đêm không ai kịp trở tay. Sáng ra, chơi vơi đứng trên nóc nhà, nhìn trước mặt mênh mông nước bạc, thấy trâu, bò, lợn, gà... trôi trước mặt mà bất lực. Nhiều gia đình con mất mẹ, vợ mất chồng ...
Bà con Piêng Lâng hôm nay ấy mà, chưa quên ngày xưa đâu” - Trưởng bản Minh kể chuyện gần, chuyện xa. Đường từ trung tâm xã Nậm Giải lên Piêng Lâng chưa đầy 7 km, mà cứ thấy vời vợi trong những tưởng nhớ chuyện xưa. Khi còn ở nơi ở cũ, bà con rất vất vả vì thiếu đất sản xuất, địa hình đồi núi cheo leo, khí hậu khắc nghiệt khiến việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Lũ qua, bản làng lại càng thêm xác xơ. “Có gạo, có đồ cứu trợ của Nhà nước và các đoàn thể rồi, nhưng bà con bảo nhau, đâu thể nhận cứu trợ cả đời, phải tìm kế sinh nhai thôi. Năm 2009, chính quyền huyện, xã tổ chức họp dân, vận động bà con di dời lên nơi ở mới, đi xa hơn nhưng địa hình rộng rãi, thuận lợi để sinh sống, sản xuất hơn. Bản tái định cư Piêng Lâng ra đời từ thời điểm đó, thì Piêng Lâng theo tiếng Thái nghĩa là vùng đất bằng phẳng, có dòng nước chảy quanh mà. Piêng Lâng là khát vọng của đồng bào ta” - Trưởng bản Minh chia sẻ thật tình, vừa vội vã nhấn ga xe, vượt lên đỉnh dốc cuối cùng.
Anh Lê Văn Diệu chăm sóc vườn chanh leo. |
Là bản tái định cư, nên Piêng Lâng khác với 7 bản còn lại của xã Nậm Giải với quy hoạch đường nội bản quy củ như ô bàn cờ. Hệ thống đường nội bản được bê tông hóa toàn bộ, trải dài ra tận chân ruộng. Hai bên đường, thấp thoáng thảm xanh ruộng bậc thang đang vào vụ cấy, dòng khe Huồi Cò Mạ được khơi nguồn trong vắt, uốn quanh những chân ruộng cứng, thoảng tiếng máy cày, tiếng trâu đằm đất cho vụ mùa mới...
Trưởng bản Ngân Văn Minh dẫn tôi lên mỏm đồi cao, từ trên nhìn xuống, 65 nếp nhà sàn ở Piêng Lâng vững chãi tỏa ra như hình cánh quạt, tựa đỉnh Pù Huống quanh năm mờ mây, nom như bức tranh thủy mặc tráng vĩ của thiên nhiên. Trưởng bản Minh khoát tay ra trước mặt, tâm sự: “Khát vọng của bà con đồng bào Thái khắp vùng Nậm Giải là có được vùng đất bằng phẳng để sinh cơ, lập nghiệp. Thì đây, khát vọng đã thành. Lên Piêng Lâng, mỗi hộ được cắt 2.000 m2 đất để làm nhà, có vườn rau, có khu chuồng trại tách biệt, nhiều hộ còn đào được ao thả cá, chưa kể trung bình mỗi khẩu trong nhà có 5a ruộng để canh tác. Bà con Piêng Lâng vui bụng lắm!”
Quang cảnh Piêng Lâng. |
Niềm vui ấy hiện hữu trong từng câu chuyện kể của ngày hôm nay, không chỉ trong tâm tình của những người già mà còn của những gia đình trẻ lên lập nghiệp ở Piêng Lâng với khát vọng làm giàu trên vùng đất khó. Anh Lê Văn Diệu (SN 1984) là một trong những người trẻ điển hình như thế. Dong dỏng cao, nước da trắng và khuôn mặt thư sinh, mấy ai ngờ rằng, vẻ ngoài ấy lại ẩn chứa một cá tính cương nghị, quyết liệt đến tận cùng. Chuyện của Diệu, buồn - vui vấn vít theo những thăng trầm, những đoạn đời lắm nỗi. Diệu vốn là người bản Méo. Nhà Diệu neo người, bố mất sớm, chỉ có hai mẹ con, vì thế, từ nhỏ, Diệu đã là trụ cột của gia đình. “Hồi còn ở bản Méo, một mình mình quần quật làm mấy sào ruộng, rảnh rỗi là vào rừng thu lượm lâm sản phụ, làm bốc vác thuê...” - Diệu tâm sự. Năm 2007, lũ quét tràn qua bản Méo. Nếp nhà sàn chông chênh của mẹ con Diệu không chống đỡ nổi cơn giận dữ của thiên nhiên. “Mình ân hận lắm, mình không cứu được mẹ... Mãi mấy ngày sau, bà con dân bản mới báo tin lên, bảo, mình xuống đón mẹ ở Nghĩa Đàn. Giờ, mộ mẹ mình vẫn ở dưới đó...” - Diệu nghẹn ngào kể.
Chúng tôi chợt cùng lặng yên, nhìn ra bát ngát xanh trước mặt. Vườn chanh leo hơn 2 ha của ông chủ trẻ Lê Văn Diệu ngời lên trong lấp lóa nắng ban mai, lúc lỉu quả bói đầu mùa. Những vườn chanh leo như của gia đình Diệu là điểm nhấn của Piêng Lâng ngày hôm nay, thấm đẫm kỳ tích “cõng” chanh vượt núi, “cắm” sâu rễ, bền gốc vào lòng đất vùng biên, vào lòng người dân bản.
“Giờ thì dân bản cảm ơn cán bộ, cảm ơn Nhà nước vì đã đưa cây tốt về bản xa. Mấy năm về trước, khi cán bộ vận động dân trồng chanh leo, gia đình mình không thuận bụng lắm đâu, tại nghi ngờ giống cây mới, cây lạ chưa từng thấy bao giờ. Cán bộ tuyên truyền, động viên mãi, hỗ trợ giống, phân bón và chỉ bảo kỹ thuật rất tận tình, mình mới mạnh dạn trồng đấy!” - Anh Lê Văn Diệu cho hay như thế. Gia đình Diệu là 1 trong 4 hộ ban đầu ở Piêng Lâng trồng thử nghiệm cây chanh leo, sau 2 mùa hiệu quả, đông đảo bà con mới tin tưởng làm theo. Chanh leo hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Piêng Lâng, mùa quả đầu cho sản lượng 25 tấn/ha. “Nhờ chanh leo, gia đình mình mới thoát nghèo. Nhưng thoát nghèo rồi thì phải phấn đấu vươn lên khá, giàu. Thu nhập từ chanh leo, mình tái đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản”. - ông chủ trẻ của cơ ngơi đã ra dáng khang trang, phấn khởi chia sẻ về bao dự định của mình.
Ngồi cạnh bên, Trưởng bản Ngân Văn Minh tiếp lời, đâu chỉ có gia đình Diệu mà ở Piêng Lâng, nhiều gia đình trẻ mới tách ra ở riêng vài năm nay cũng chung một khát vọng vượt nghèo như thế. Họ hồ hởi khai hoang, vỡ đất lấy mặt bằng trồng chanh leo, trồng keo, sắn... lấy ngắn, nuôi dài. Giờ thì diện tích chanh leo toàn bản đã lên hơn 7 ha, và mùa chanh leo năm nay, chính quyền xã Nậm Giải đang có kế hoạch mở rộng diện tích lên thêm 4 ha. Piêng Lâng đang xanh lên những khát vọng!
Ghi chép:
KỲ PHƯƠNG