Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ:Thiếu một chiến lược
Cho dù kim ngạch vẫn tăng đều trong 3 năm gần đây nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) đã giảm 50% so với những năm trước. Để tìm hiểu căn cơ, phóng viên báo Công Thương đã có buổi trao đổi với ông Lê Bá Ngọc- Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Ảnh minh họa: Internet
Đúng là trong 3 năm gần đây bức tranh xuất khẩu của ngành TCMN không có nhiều điểm sáng. Nếu như giai đoạn 2000-2009, kim ngạch xuất khẩu của ngành không phải là cao nhưng luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 12%. Từ năm 2010 trở lại đây kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn tăng hàng năm nhưng tốc độ tăng trưởng đã giảm một nửa so với giai đoạn trước, chỉ khoảng 6%. - Được biết, từ năm 2010 trở lại đây tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng TCMN đã giảm mạnh so với những năm trước, nguyên nhân tại sao thưa ông?
Ông Lê Bá Ngọc- Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam |
Tôi có thể khẳng định, chúng ta không thiếu khách hàng, bởi các nhà nhập khẩu từ EU, Nhật bản, Trung Quốc sang Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên, chúng ta lại gặp khó khăn vì sản xuất trong nước, giá nguyên liệu đầu vào tăng nhiều khiến sức cạnh tranh của sản phẩm ngày càng giảm, đó là nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng của ngành TCMN suy giảm. Con số xuất khẩu hiện nay của ngành TCMN là trên 1,5 tỷ USD, tuy nhiên vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Chúng ta có thể đẩy kim ngạch của ngành tăng cao hơn nhiều nếu có sự đầu tư thích đáng.
Theo ông, ngành TCMN cần đầu tư vào lĩnh vực nào để thúc đẩy xuất khẩu?
Chúng ta muốn tăng xuất khẩu phải có mấy điều kiện: Trước hết, bản thân có chế phải tốt; hai, nội lực của DN phải tốt. Theo đó, về mặt vĩ mô ngành TCMN cần có một chiến lược phát triển cụ thể và nghiêm túc thực hiện chiến lược đó. Thực tế, chúng ta đã có một số quy hoạch, quyết định liên quan đến ngành, như: Quy hoạch nguồn nguyên liệu cho ngành TCMN năm 2008; Quyết định 11/2011/QĐ-TTg về khuyến khích phát triển ngành mây tre...thế nhưng, cho đến nay việc triển khai gần như dậm chân tại chỗ.
Ngoài ra, chúng ta rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước đề hoàn thiện hệ thống hạ tầng về xúc tiến thương mại, đặc biệt là hạ tầng về thiết kế mẫu mã, công nghệ sản xuất. Một số nước xung quanh chúng ta như Philippin, Thái Lan được sự hỗ trợ của Chính phủ về nghiên cứu, công nghệ ngành TCMN của họ phát triển rất mạnh.
Về phía DN, mỗi DN cũng cần xây dựng một chiến lược phát triển rõ ràng, đặc biệt các DN không nên “ăn xổi” sản xuất hàng giá rẻ mà nên tập trung đầu tư cho sản phẩm mới, sản phẩm thân thiện với môi trường. Kinh nghiệm cho thấy, nếu như DN đầu tư vào phát triển sản phẩm mới, sản phẩm này không thể thay đổi hoàn toàn chất lượng, công nghệ đã có nhưng nếu có tính sáng tạo kết hợp giữa nguyên vật liệu và thiết kế mới sản phẩm sẽ rất được ưa chuộng.
Với vai trò đại diện cho ngành, Hiệp hội có định hướng gì để ngành TCMN có thể phát triển bền vững?
Ngành TCMN hiện đã xuất khẩu sản phẩm sang 163 nước trên thế giới, tuy nhiên phát triển bền vững là cả một chặng đường dài mà ngành TCMN cần nỗ lực thực hiện. Hiện nay, Hiệp hội đang tiến hành rà soát lại toàn bộ, để xây dựng chiến lược phát triển cho ngành trong những năm tiếp theo. Dự kiến đến cuối năm 2014, sẽ trình Chính phủ. Trong chiến lược mới, chúng tôi không đưa ra con số tăng trưởng bao nhiêu phần trăm mà bằng cách nào đó có thể là tăng gấp đôi đóng góp cho ngân sách.
Về lâu dài, con đường phải đi của ngành TCMN là sẽ phân hóa sản xuất thành hai mảng sản xuất đại trà và sản xuất tinh. Cụ thể, sau này sẽ còn rất ít làng nghề mà sẽ hình thành nên khoảng 50-70 DN lớn làm hàng đại trà, giá rẻ. Còn lại sẽ tồn tại dưới dạng bảo tồn, sản xuất rất nhỏ, rất tinh nhưng giá trị không hề rẻ. Đây là mô hình Nhật Bản đã trải qua và rất thành công, nếu chúng ta làm được điều đó tôi tin chúng ta sẽ mạnh hơn rất nhiều bởi Việt Nam có nhiều làng nghề, nhiều loại sản phẩm đặc sắc, người lao động rất khéo tay và có nền văn hóa lâu đời.
Xin cám ơn ông!
Theo.baocongthuong-P.H