Xuất khẩu lạc của Nghệ An - Một năm nhìn lại
(Baonghean.vn) Từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu lạc của tỉnh chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch. Cả tỉnh chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu chính ngạch nhưng với số lượng không đáng kể. Đây là một năm thất thu với xuất khẩu lạc của Nghệ An.
(Baonghean.vn) Từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu lạc của tỉnh chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch. Cả tỉnh chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu chính ngạch nhưng với số lượng không đáng kể. Đây là một năm thất thu với xuất khẩu lạc của Nghệ An.
Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm
Tỉnh ta là một trong những địa phương có truyền thống trồng lạc khá lâu đời, không những nhiều về diện tích (gần 1/4 diện tích trồng lạc của cả nước), sản lượng và chất lượng lạc khá tốt, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Lạc là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nghệ An, có số lượng lớn, thị trường tiêu thụ rộng, nhất là thị trường các nước ASEAN.
Bà con nông dân, chủ yếu ở hai huyện Diễn Châu, Nghi Lộc đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng để có quỹ đất mở rộng diện tích trồng lạc; phục tráng giống lạc sen; đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất... Các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất cho công tác chế biến, bảo quản sau thu hoạch bằng công nghệ tiên tiến nhằm giảm độ ẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm; từng bước xây dựng thương hiệu "Lạc nhân Nghệ An".
Cần đầu tư khâu sơ chế sau khi thu hoạch để nâng cao chất lượng lạc và khẳng định thương hiệu.
Đến thời điểm này, hoạt động xuất khẩu lạc trên địa bàn Nghệ An cơ bản đã khép lại. Không như năm 2010, vụ mùa xuất khẩu lạc diễn ra sôi động, xuất khẩu chính ngạch đạt tới gần 8.000 tấn, tương đương kim ngạch đạt gần 10 triệu USD. Số lượng các đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia xuất khẩu lạc lên đến 8 doanh nghiệp, trong đó có 5 doanh nghiệp nội tỉnh xuất trên 1.000 tấn. Riêng năm nay, hoạt động xuất khẩu lạc của Nghệ An có sự sụt giảm khá mạnh.
Hầu hết, hoạt động này chủ yếu được xuất khẩu thông qua con đường tiểu ngạch. Số lượng xuất qua con đường chính ngạch là quá ít. Nếu như năm ngoái, các doanh nghiệp ngoại tỉnh chiếm hơn 70% tổng lượng lạc xuất khẩu thì năm nay, chỉ có 2 doanh nghiệp nội tỉnh tham gia xuất khẩu. Đó là Công ty CP Xuất nhập khẩu Vinamex và doanh nghiệp tư nhân Sỹ Thắng (đóng trên địa bàn huyện Diễn Châu). Các doanh nghiệp lâu nay có tiếng trong hoạt động này như: Công ty cổ phần Nông sản xuất nhập khẩu tổng hợp Nghệ An, Công ty Hợp tác kinh tế Việt Lào... cũng "im hơi lặng tiếng" và chuyển sang các mặt hàng nông sản khác như: gạo, mủ cao su, gỗ dăm...
Anh Võ Minh Tuấn, Phó phòng Xuất nhập khẩu (Sở Công thương), cho biết: "Những năm trước, có hàng chục đơn vị trong và ngoài tỉnh đổ xô vào Nghệ An để thu mua lạc rồi xuất sang các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, năm nay, hoạt động xuất khẩu lạc giảm mạnh, nhiều công ty chỉ chào hàng chứ không xuất được lô nào". Anh Tuấn cũng cho biết thêm, nguyên nhân mà các doanh nghiệp không tham gia xuất khẩu lạc như các năm trước là do giá lạc của chúng ta cao hơn giá lạc của nước ngoài. Năm 2010, giá một kg lạc nhân chỉ có 25-26 ngàn đồng, nhưng sang năm 2011 đã lên gần 39 ngàn đồng/kg. Do không có lợi nhuận nên doanh nghiệp đã chuyển sang xuất khẩu các mặt hàng khác. Năm 2011, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vinamex chỉ xuất được 1 lô hàng (57 tấn lạc) qua Indonexia.
Trong khi đó, năm 2010, công ty này xuất được gần 4.000 tấn lạc. Còn đối với doanh nghiệp tư nhân Sỹ Thắng, năm nay cũng chỉ xuất được hơn 17 tấn lạc xô. Theo ông Phạm Ngọc Thắng (Chủ doanh nghiệp tư nhân Sỹ Thắng), cho biết: Do giá lạc của chúng ta cao hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonexia nên khi doanh nghiệp tham gia thu mua lạc để xuất khẩu sẽ lỗ rất lớn. Trong khi đó, giá lạc tại thị trường Trung Quốc có rẻ hơn nhưng hầu hết đã bị các tư thương Trung Quốc sang ta gom hết hàng.
Do vậy, tình hình xuất bán lạc sang Trung Quốc qua tư thương vùng biên giới Việt - Trung khá sôi động. Ngay từ đầu vụ, các tư thương vùng này đã khảo sát thị trường và đặt cơ sở mua hàng qua các đầu nậu, chủ yếu tập trung ở huyện Diễn Châu. Đến nay, ước tính lượng lạc nhân xô xuất bán cho các tư thương vùng biên giới Việt - Trung vào khoảng hơn 7.000 tấn. Giá lạc nhân bán cho tư thương vùng biên giới tại kho hàng Nghệ An thường ở mức khá cao từ 36-38 ngàn đồng/kg lạc nhân. Lạc nhân Nghệ An bị tư thương Trung Quốc nâng giá nhằm phá giá gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước. Việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch thường gặp nhiều rủi ro như bị quỵt tiền, bị ép giá và có lúc phải đổ hàng, vì chờ lâu ngày mà không có người mua. Tuy nhiên, cách mua bán này vẫn được các thương nhân ưa chuộng vì thủ tục đơn giản, chỉ cần khai báo hải quan, ít chịu các hình thức kiểm dịch khắt khe nên chi phí thấp...
Cần quy hoạch vùng và khẳng định thương hiệu
Việc xuất khẩu lạc qua đường chính ngạch bị giảm sút ngoài nguyên nhân do tư thương Trung Quốc vào tận nơi thu mua, nâng giá thì còn có nhiều nguyên nhân khác. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn trầm trọng, thua lỗ triền miên nhiều năm chưa được xử lý. Các doanh nghiệp này chưa chú trọng đúng mức việc gây dựng thương hiệu thực sự có uy tín trên thương trường, khả năng tiếp cận thông tin vừa chậm, vừa phiến diện. Hoạt động kinh doanh, nhất là buôn bán với nước ngoài đòi hỏi chủ doanh nghiệp phải là con người có đủ vốn "tri thức", đồng thời bản thân doanh nghiệp phải thực sự "khoẻ mạnh" về tiềm lực kinh tế. Hai yếu tố đó nhất thiết phải có, nhưng thực tế ở Nghệ An phần đông các doanh nghiệp chưa đáp ứng được.
Tư thương Trung Quốc gom hàng, nâng giá, nhiều doanh nghiệp trong nước không đủ sức tham gia xuất khẩu.
Ngoài ra, không ít doanh nghiệp đang tự đánh mất mình trong chiến lược cạnh tranh lẫn nhau. Thực trạng rất đáng tiếc ở tỉnh ta, trong hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu lạc nói riêng, nhiều doanh nghiệp đã cạnh tranh theo kiểu tự mình đánh mất uy tín. Thiếu chung thuỷ với bạn hàng do non kém nghiệp vụ, cung cách quan hệ theo kiểu thời vụ; hết mùa xuất khẩu là hết bạn hàng, đến kỳ xuất khẩu lại tiếp tục đi tìm đối tác. Đó là kiểu làm ăn tạm bợ, chụp giật, xa lạ với lời khuyên của ông cha ta "buôn có bạn, bán có phường". Thậm chí do làm ăn gian dối, có những trường hợp không những đánh mất uy tín doanh nghiệp mà còn làm giảm thanh danh của một địa phương.
Mặc dù, tỉnh đã sớm có chính sách khuyến khích xuất khẩu lạc bằng cách dùng ngân sách địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp mua lạc tạm trữ và hỗ trợ kinh phí vận chuyển lạc từ các huyện miền núi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Nhà nước còn chưa có một tiếng nói đồng nhất, chưa có một đầu mối quy định hoặc những cam kết chung về giá, dẫn đến sự chèn ép nhau.
Do vậy, để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, cũng như tăng giá trị xuất khẩu cho sản phẩm nông sản Nghệ An, trước tiên tỉnh cần phải quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung an toàn theo hướng Good Agricultural Practice (GAP-sản xuất nông nghiệp tốt) để đáp ứng về mặt số lượng cũng như chất lượng các đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, phải khắc phục nhược điểm là lâu nay xuất khẩu nông sản của Nghệ An có thói quen kinh doanh cũ như không giữ chữ tín, không đảm bảo chất lượng ổn định của sản phẩm và dịch vụ theo hợp đồng đã cam kết, không đảm bảo kỷ luật công nghiệp về thời gian giao hàng.
Mặt khác, cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề tổ chức sản xuất và xuất khẩu, tạo cơ chế hợp tác tốt giữa các địa phương trong tỉnh, các đơn vị sản xuất và kinh doanh, phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo nguồn cung ứng ổn định, từng bước nâng cao năng lực xuất khẩu. Bên cạnh việc điều chỉnh lại kế hoạch quy hoạch phát triển ngành nông sản thì đối với mỗi doanh nghiệp xuất khẩu, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích và cơ chế riêng cho sản xuất; mở rộng diện tích trồng cây nông sản xuất khẩu, khẳng định và nâng cấp thương hiệu, đồng thời khuyến khích các thương nhân và nhà xuất khẩu đổi mới công nghệ, chú trọng tới khâu chất lượng và đóng gói.
Các cấp, cơ quan chức năng cần sớm thúc đẩy hợp tác và hoàn thiện các thỏa thuận liên quan đến nhập khẩu ngành hàng có thế mạnh vào các thị trường lớn, đặc biệt là việc kiểm dịch thực vật, đàm phán giá cả, thuế. Thêm vào đó, các cơ chế, chính sách liên quan đến vốn cho phát triển nguyên liệu, đầu tư chế biến, xây dựng các chợ đầu mối với điều kiện hợp lý về hạ tầng như đường giao thông, hệ thống kho bảo quản, phương tiện vận chuyển, cơ chế thúc đẩy liên kết "4 nhà"... cũng tạo động lực đáng kể trong việc đạt mục tiêu phát triển xuất khẩu của tỉnh trong những năm tới. Đồng thời, cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại; thành lập và liên kết các hiệp hội, thống kê và thông tin thị trường, phát triển hiệp hội ngành hàng.
Là một tỉnh có dân số phụ thuộc phần lớn vào nông nghiệp thì vai trò của xuất khẩu nông sản, đặc biệt là cây lạc là khá quan trọng trong việc phát triển kinh tế của địa phương. Bên cạnh sự chủ động chuyển đổi, nỗ lực của các doanh nghiệp thì tỉnh cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách phù hợp trong việc quy hoạch vùng, cải tiến khâu chế biến sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm... nhằm đưa hoạt động xuất khẩu lạc tăng trưởng trong thời gian tới.
Phạm Bằng