Xuất khẩu lao động "chui"sang Ăng gô la - Ẩn họa khó lường

18/04/2013 18:01

Những cái chết bất thường

Trong căn nhà nhỏ ở còn phảng phất mùi nhang ở xóm 5 xã Hưng Mỹ huyện Hưng Nguyên, chị Nguyễn Thị Thảo vừa thắp hương lên bàn thờ chồng vừa kể lại câu chuyện đi xuất khẩu lao động và cái chết bất ngờ của chồng mình - anh Chu Văn Toản. Chị Thảo quê tận huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), kết duyên cùng anh Toản được gần 4 năm. Cuối năm 2011, khi cậu con trai đầu được gần 3 tuổi, kinh tế khó khăn, thiếu việc làm nên anh Toản vay mượn tiền bạc, đi sang Ăng gô la theo đường du lịch rồi ở lại làm công nhân xây dựng.



Chị Nguyễn Thị Thảo thẫn thờ bên mẹ chồng trong ngôi nhà ở xã Hưng Mỹ

Sang Châu Phi được gần 1 năm nhưng mức lương không được như mong đợi, công việc bấp bênh, khí hậu khắc nghiệt nên anh Toản tính đường về nước. “Hôm đó là ngày 17/11/2012, chồng tôi định làm một mâm cơm để chia tay bạn bè trước khi về nước. Buổi chiều, khi mọi người đến phòng trọ theo kế hoạch thì thấy chồng tôi đã bị bắn chết ở góc giường, không ai hiểu nguyên nhân vì sao”, chị Thảo thẫn thờ kể lại. Cái chết bất ngờ của anh Toản khiến người vợ trẻ và mọi người trong nhà bàng hoàng, suy sụp.

Ở cùng xã với chị Thảo, hơn 2 tháng nay, bà Bùi Thị Thu cũng ngất lên ngất xuống vì cậu con trai Lê Văn Tuấn bị bắn chết ở Ăng gô la vào tháng 1/2012.

Cách đây 3 năm, anh Tuấn đi sang Ăng gô la theo dạng du lịch để làm thợ xây. Dịp Tết vừa qua, anh Tuấn về thăm gia đình và quay trở lại Ăng gô la được 3 ngày thì bị bắn chết. Phải mất hơn 20 ngày sau, gia đình bà Thu mới nhận được thi thể của con trai qua đường hàng không. Anh Tuấn năm nay 27 tuổi, chưa vợ con, trước khi trở lại có hứa với mẹ sẽ xấn xếp để cưới vợ. Từ ngày nhận được tin dữ của con, bà Thu như người mất hồn vì đau đớn. Khi những người thân của các gia đình có người đi xuất khẩu lao động ở Ăng gô la đang lo lắng cho số phận người thân mình ở Châu Phi xa xôi và khắc nghiệt thì những ngày vừa qua, họ liên tiếp đón nhận tin dữ.

Ngày 14/4, người thân gia đình anh Hồ Cảnh Sơn (45 tuổi) ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu nhận được tin anh Sơn bất ngờ tử vong tại bệnh viện vì sốt rét ác tính. Cách đây 3 tháng anh Sơn được một đường dây đưa đi lao động “chui” bằng đường du lịch, chưa kịp gửi tiền về cho gia đình trả nợ thì anh đã gặp nạn.



Người thân anh Phan Văn Sơn đau đớn tột độ trước cái chết bất ngờ của anh nơi đất khách.

Trước đó 2 ngày, ở xóm Phúc Long, xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, bà Nguyễn Thị Kính, 70 tuổi ngất lịm khi nhận được tin con trai Phan Văn Sơn (37 tuổi) sau một thời gian điều trị bệnh sốt rét ác tính. Anh Sơn đi làm thợ xây dựng ở Ăng gô la cuối năm 2011 với chi phí gần 140 triệu đồng. Mức lương theo hứa hẹn ban đầu khoảng 1000 USD/tháng nhưng sang đến nơi, mức lương thấp hơn mà anh không dám kêu ai. Hơn 1 năm làm lụng nhưng chưa gửi đủ tiền về trả nợ thì anh gặp nạn.

Trước đó, ngày 5/4, thi thể anh Nguyễn Đức Cao (26 tuổi) ở xã Nghi Kim, thành phố Vinh và Nguyễn Công Nguyên (29 tuổi) ở khối Tân Diện, phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò cũng được đưa về nước trên cùng một chuyến bay.

Báo động tình trạng xuất khẩu lao động chui

Những năm trở lại đây, khi mà thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc bị đóng băng vì nhiều lí do khác nhau, thị trường Malaysia thu nhập bấp bênh, các nước Trung Đông, Ả rập, Lybia có nhiều biến động chính trị thì nhiều lao động xứ Nghệ đã tìm sang Ăng gô la như một niềm hi vọng thoát nghèo, đổi đời. Ưu điểm của thị trường Ăng gô la là dễ đi, người lao động không cần phải học nghề, học tiếng mà được đưa sang theo diện thư mời thăm thân, theo con đường du lịch rồi bỏ ra đi làm. Luật pháp của nước sở tại còn nhiều lỗ hổng để kiểm soát được những người nhập cư rồi bằng con đường bất hợp pháp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chi phí cho một người đi sang Ăng gô la dao động từ 5000- 6000 USD, lao động Việt Nam đi sang quốc gia Châu Phi này chủ yếu làm những việc nặng nhọc như xây dựng, phụ hồ, làm công nhân cho một số nhà máy, mức lương có thể lên đến 1200 USD/tháng nhưng rất bấp bênh, không ổn định.

Với lí do dễ đi, lại muốn thoát nghèo, đổi đời và tìm kiếm vận may bằng con đường xuất khẩu lao động, rất nhiều thanh niên, nông dân ở các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Cửa Lò,… đã vay mượn tiền bạc, nhờ người đưa đi xuất khẩu lao động ở Ăng gô la. Tất cả các hình thức đi này đều là đi chui, thông qua con con đường du lịch, thăm thân. Người lao động chỉ cần vay tiền nộp cho các “cò”, các đường dây và chờ đợi ngày bay sang Châu Phi.

Ông Nguyễn Đăng Dương, Trưởng phòng lao động - việc làm- Tiền lương - Sở LĐTB&XH Nghệ An khẳng định, hiện nay Việt Nam chưa ký kết bất kỳ chương trình hợp tác lao động nào với Ăng gô la. Các tổ chức, cá nhân, công ty đưa người đi làm việc ở quốc gia Châu Phi này đều là bất hợp pháp, đi lao động chui, chi phí đắt đỏ, nếu xảy ra rủi ro thì người lao động chịu thiệt, không được hưởng bất kỳ quyền lợi nào, cũng không được luật pháp và các cơ quan chức năng bảo vệ. Thực tế, những trường hợp lao động người Nghệ An bị bắn, bị chết vì sốt rét ở Ăng gô la vừa qua đều không nhận được quyền lợi gì. Việc đưa thi thể về nước rất đắt đỏ, có thể lên đến 500 triệu đồng.

Ông Dương cho biết, trước tình trạng người lao động Nghệ An đi xuất khẩu lao động chui sang Ăng gô la, ngày 30/1/2013, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An có công văn số 176 gửi tất cả các huyện, thành thị và một số đơn vị cơ sở khác. Ngoài việc khẳng định rằng ở Việt Nam chưa có bất cứ đơn vị nào được cấp phép để xuất khẩu lao động sang thị trường Ăng gô la, công văn còn đề nghị các huyện, thành, thị ở Nghệ An tuyên truyền với người dân về sự bất hợp pháp khi đi xuất khẩu lao động ở Ăng gô la và các rủi ro tiềm ẩn.

Sở Lao động TBXH cũng đề nghị các huyện kiểm tra, rà soát lại, nếu phát hiện các tổ chức hay cá nhân nào có hành vi đưa người đi xuất khẩu lao động sang Ăng gô la thì phải báo ngay cho các cơ quan chức năng để xử lí. Mới đây, ngày 8/4/2013, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An tiếp tục có văn bản đề nghị các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh thống kê báo cáo danh sách lao động đi làm việc tại Ăng gô la, đồng thời tăng cường các biện pháp tuyên truyền để người dân hiểu rằng việc đi xuất khẩu lao động chui, không riêng gì ở Ăng gô la mà bất cứ thị trường nào cũng đầy rẫy rủi ro. Người lao động sẽ chịu thiệt thòi, không được bảo vệ nếu xảy ra sự cố.

Từ rất nhiều năm nay, con đường đi xuất khẩu lao động là cứu cánh của người dân nghèo ở các làng quê xứ Nghệ. Hầu hết những người này đều không có tay nghề, trình độ cao, lại ít được tiếp cận với các thông tin, chính sách pháp luật của các các cơ quan chức năng dẫn đến hậu quả tiền mất, tật mang. Những cái chết đau lòng vừa qua tiếp tục là một lời cảnh báo đến những người dân đang có ước mơ đổi đời bằng con đường xuất khẩu lao động chui.


Nguyên Khoa

Mới nhất

x
Xuất khẩu lao động "chui"sang Ăng gô la - Ẩn họa khó lường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO