Xuất khẩu nông sản lớn phải cải thiện chất lượng

18/10/2013 23:25

Mặc dù Việt Nam đang đứng ở tốp đầu các nước xuất khẩu nông sản, tuy nhiên giá bán hiện đang ở mức thấp chính vì vậy mà lợi nhuận thu về chưa cao.

Nguyên nhân được cho là do chúng ta chưa hình thành được chuỗi ngành hàng đồng bộ, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu.

Năng suất mới đạt 1/3

Theo các chuyên gia trong ngành, để vượt qua những quy định nghiêm ngặt về vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhập khẩu, không còn cách nào khác là hướng đến một nền sản xuất tăng cường các chuỗi giá trị với những sản phẩm an toàn.


Ở Việt Nam, nông nghiệp luôn được đánh giá là lĩnh vực duy nhất có tỷ lệ xuất siêu trong nền kinh tế và luôn là bệ đỡ, cứu cánh cho nên kinh tế trong những giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên thời gian gần đây, mô hình tăng trưởng của nông nghiệp chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ, nên đến thời điểm này đã không còn phù hợp với xu hướng của thế giới.


Hiện, năng suất của ngành nông nghiệp chỉ bằng 1/3 so với năng suất chung của cả nước. Cùng với đó chuỗi giá trị nhiều ngành hàng còn yếu kém, chất lượng thì không đảm bảo. Giải pháp đưa ra lúc này là chúng ta tăng năng suất không thể chỉ dựa vào phương thức sản xuất như trước mà trong tương lai phải dựa vào việc thực hiện thực hành nông nghiệp tốt cũng như tăng cường hiệu quả của chuỗi giá trị.


Trao đổi với ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển (Bộ NNvà PTNT), ông cho biết, trong việc xây dựng các chuỗi giá trị thì chúng ta không chỉ nhắm vào sản xuất hàng hoá mà cần phải chuyển sang sản xuất phục vụ kinh doanh. Không phải chỉ nhắm vào sản lượng mà nhắm vào hiệu quả và thu nhập. Trong cái hướng phát triển đó vai trò của doanh nghiệp không chỉ là kết nối thị trường mà còn hỗ trợ phối hợp sản xuất với nông dân được đề cao mạnh mẽ. Đây cũng là một điểm mới quan trọng trong việc thay đổi tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.


Bên cạnh đó, một yếu tố cần thay đổi hiện nay là vấn đề chất lượng. Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn, vì vậy đòi hỏi phải cải thiện chất lượng để đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nước trên thế giới. Đây cũng là một yêu cầu, một thách thức buộc ngành nông nghiệp phải vượt qua nếu muốn đứng vững trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Thay đổi căn bản này cũng sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho người nông dân.


Còn theo ông Koos Van Eyk, đại diện của Tổ chức thương mại CPI tại Hà Lan cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt nam hiện nay chủ yếu theo xu hướng xuất khẩu chú trọng vào sản lượng chứ không phải theo chất lượng. Mà việc cần thay đổi hiện nay là cần xác định được phân khúc thị trường của mình để từ đó đầu tư vào sản xuất, chế biến nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản có tiêu chuẩn phù hợp đáp ứng đúng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường mục tiêu mà mình hướng đến.


Tái cơ cấu sản xuất các mặt hàng nông sản lúc này cũng đặt ra vấn đề là xây dựng các chuỗi cung ứng trong từng ngành hàng và vai trò của người nông dân phải được đặt lên vị trí trung tâm. Nói gắn kết chính là doanh nghiệp phải thật lòng với người nông dân. Lợi nhuận thu về cũng cần phải tính cho người nông dân.


Vì vậy việc hình thành một chuỗi liên kết trong hoạt động sản xuất nông sản xuất khẩu cần có sự minh bạch đảm bảo công bằng cho cả hai phía nông dân và doanh nghiệp. Gắn quyền lợi của mỗi người nông dân vào từng sản phẩm xuất khẩu có như vậy mới khiến cho chất lượng hàng nông sản được nâng cao.


Cần một chuỗi liên kết sản xuất


Ông Đặng Kim Sơn cho rằng, khâu sản xuất cuối cùng phải gắn chặt với khâu đầu tiên vì cả 2 khâu đều không thể thiếu nhau. Vì thế cho nên vai trò, vị thế của người nông dân sẽ được nâng cao, người nông dân sẽ có lợi hơn. Nhưng về lâu dài thì chúng ta không chỉ gắn với nhau một cách cơ học như thế mà chúng ta phải chuyển nó lên bằng gắn với nhau bằng tiêu chuẩn chất lượng, gắn với nhau bằng KHCN.


“Tức là chúng ta phải hình thành nên các thương hiệu thành các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Và như thế rõ ràng là chúng ta không thể không có vai trò của người nông dân. Thậm chí phải biết rõ từng người nông dân sx sản phẩm nào, sản xuất như thế nào thì người bán hàng mới bán được giá cao vào thị trường khó tính”, ông Sơn cho hay.


Không chỉ nâng cao chất lượng hàng nông sản mà vấn đề đặt ra lúc này cần phải nâng cao chuỗi giá trị trong từng khâu sản xuất hàng nông sản. Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp cần phải nhận thức rõ và thay đổi chuyển từ sản xuất các nông sản có giá trị thấp và thị trường nhỏ sang các sản phẩm có giá trị cao với tiềm năng thị trường lớn.


Đồng thời, chuyển từ tập trung đầu tư vào công đoạn sản xuất sang đầu tư cho cả những khâu tạo giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sau thu hoạch. Chuyển quy mô sản xuất từ hộ nông dân sang phát triển kinh tế hợp tác, chuyên môn hoá cao. Hơn nữa cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ và khuyến nông.


Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện phó Viện chính sách &chiến lược phát triển (Bộ NN và PTNT) thì cho rằng, từng khâu trong chuỗi giá trị chúng ta phải nghĩ cách thêm giá trị mới vào. Ví dụ như trấu, rơm rạ vẫn dùng để đốt thì chúng ta có thể dùng rơm để trồng nấm, trấu thì làm ra những viên than nén để nướng BBQ mà phương Tây rất ưa chuộng. Rồi gạo ta có thể chế biến tinh hơn thành bánh, bột hay làm đồ uống. Có như vậy ta mới có thể tăng được giá bán, tăng giá trị lợi nhuận…


Những vấn đề, những việc cần làm đã được chỉ ra, tuy nhiên để mục tiêu tăng giá trị sản xuất hàng nông sản hướng tới xuất khẩu tới đích thì hơn ai hết chính những doanh nghiệp, những người nông dân phải nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác, chế biến của mình để những sản phẩm của mình làm ra thực sự an toàn và được người tiêu dùng thế giới đón nhận. Từ đó giữ được hình ảnh và chỗ đứng cho hàng nông sản Việt Nam trên thế giới.

Theo Info TV-P.H

Mới nhất
x
Xuất khẩu nông sản lớn phải cải thiện chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO