Xúc cảm từ những cánh thư

02/01/2014 09:25

(Baonghean) - Mỗi lá đơn của công dân gửi đến cơ quan báo chí là một câu chuyện mang nỗi niềm riêng. Công tác tại Phòng Bạn đọc, trách nhiệm của phóng viên là xác minh, điều tra “theo dấu thư bạn đọc”, và mỗi người đều có những tâm tư riêng sau mỗi lần xử lý đơn thư. Day dứt, buồn, vui, tự hào... đủ cả. Việc xác minh xử lý đơn thư là công việc khó khăn, nhạy cảm và dễ có những va chạm không hay, nhưng những bài viết được sử dụng trên trang bạn đọc là chiếc cầu nối giữa báo với mọi tầng lớp nhân dân...

1. Day dứt và hẫng hụt Là cảm xúc của chúng tôi mỗi khi nhớ đến lá đơn của ông Nguyễn Hồng Phương. Đơn của ông Nguyễn Hồng Phương đến với Báo Nghệ An qua đường bưu điện, trên có đề là công dân xóm Dinh, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp nhưng không có điện thoại cá nhân. Vậy nên, để xác minh nội dung phản ánh chúng tôi phải tìm về địa chỉ trên đơn. Đánh đường từ Thành phố Vinh lên đến xóm Dinh, qua người dân, chúng tôi được biết trong 176 hộ dân toàn xóm chỉ có 3 người mang tên Phương. Gõ cửa cả 3 nhà thì chẳng ông Phương nào nhận đã viết đơn gửi đến cơ quan báo chí. Thương tình, ông Xóm trưởng Phạm Đình Tam đã cất công đưa chúng tôi đến từng khu dân cư để hỏi. Vậy nhưng, mỏi mòn đến hết các khu dân cư cũng chẳng thể lần ra.

Khi gần hết ngày, cùng một số người cao tuổi lần mò tờ biên bản giao đất có kèm trong bộ hồ sơ mà ông Phương gửi Báo thì ông Tam mới nhớ ra chừng 13 năm trước có một người tên Nguyễn Hồng Phương ở huyện Nghĩa Đàn nhập khẩu về xóm Dinh, nhưng từ khoảng 7 - 8 năm nay ông đã cắt hộ khẩu vào Nam sinh sống. Ông Tam cùng chúng tôi liên hệ, tìm gặp người thân của ông Phương thì được trả lời đã tìm đúng người, tuy nhiên, ông Phương lúc Nam, lúc Bắc, và không có số điện thoại liên lạc. Người cần gặp thì không gặp được, những người có trách nhiệm có tên trong giấy tờ giao đất của ông Phương thì đã từ nhiệm từ lâu. Cuối cùng, chúng tôi đành dặn lại với người thân của ông Phương, nếu ông về thì liên lạc với Báo Nghệ An và "xe không" trở về.

Cán bộ Phòng Bạn đọc Báo Nghệ An tiếp nhận đơn thư của công dân. Ảnh: N.L
Cán bộ Phòng Bạn đọc Báo Nghệ An tiếp nhận đơn thư của công dân. Ảnh: N.L

Nói rằng chúng tôi day dứt, và có cảm giác hẫng hụt với việc của ông Nguyễn Hồng Phương là bởi ở Phòng Bạn đọc, ai cũng cảm thấy bất nhẫn khi đọc lá đơn của ông. Theo nội dung đơn, từ năm 1998, ông Phương đã hoàn tất các thủ tục, kinh phí (6.000.000 đồng gồm 2.000.000 đồng để làm hộ khẩu; 4.000.000 đồng để được cấp đất và giấy chứng nhận QSD đất) cấp đất, cấp Giấy chứng nhận QSD đất do Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Vi Xuân Tuyết ký ngày 9/12/1998, với tổng diện tích là 30.193 m2. Vậy nhưng, sau đó đất ở và đất sản xuất đã không được giao. Làm đơn gửi các cấp chính quyền, từ xã lên huyện đến tỉnh, tòa án huyện, cuối cùng được trả lời rằng lô đất cấp cho ông không có trên bản đồ địa chính huyện... Trong đơn ông viết: "Cấp Giấy chứng nhận xong tưởng chừng như gia đình có đất ở, đất sản xuất để làm ra sản phẩm nuôi sống gia đình, nhưng gia đình chúng tôi lâm vào cảnh bần cùng của cuộc sống, tiền mất tật mang, cơm không có ăn, trâu bò cày kéo cũng không, vợ chồng phải làm thuê, cuốc mướn kiếm sống, con cái không được đến trường. Từ năm 1998 đến nay không có đất canh tác, đất ở dẫn tới cái đói nghèo cứ đeo đẳng mãi tận tới bây giờ...". Đúng sai ra sao? Ai có lỗi?... là điều chưa thể nói. Sự việc dù đã trôi qua 5 tháng rồi nhưng chúng tôi vẫn canh cánh trong lòng, và thầm mong có một ngày, ông Phương sẽ tìm đến Phòng Bạn đọc, để chúng tôi có thể minh định: có hay không một hộ dân đang gặp cảnh trái ngang ?!

2. Buồn

Là cảm xúc của chúng tôi khi xử lý đơn thư tố cáo của ông C.Q.V ở Thị trấn Hưng Nguyên. Ông C.Q.V là một người có hoàn cảnh éo le, tật nguyền từ nhỏ. Bởi vậy, từ năm 1989, để tự kiếm kế sinh nhai, ông đã làm đơn mượn đất công để dựng một quán nhỏ dọc QL 46 (nay thuộc Thị trấn Hưng Nguyên). Năm 1994, Chi cục Thuế Hưng Nguyên thông báo cho ông C.Q.V nộp thuế mảnh đất ông đang sử dụng. Năm 2000, ông C.Q.V đã nộp lệ phí để được cấp Giấy chứng nhận QSD đất, nhưng không được chính quyền thị trấn thống nhất về diện tích đất. Câu chuyện đơn thư của ông C.Q.V bắt đầu từ đây. Ngày 28/10/2009, UBND huyện Hưng Nguyên đã cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho ông C.Q.V với diện tích 79,2m2. Một thời gian sau đó, ông C.Q.V lại tiếp tục gửi đơn kiến nghị được cấp Giấy chứng nhận QSD đất đối với phần đất liền kề. Chính quyền cấp huyện rồi Thanh tra tỉnh đã giải quyết đơn nhưng ông không chấp nhận và tiếp tục gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng và cơ quan báo chí.

Xem xét nội dung đơn thư, xác minh tài liệu, gặp gỡ tìm hiểu các cơ quan chức năng và những người liên quan, chúng tôi xác định rằng, một số cá nhân ở các cơ quan nhà nước có những sơ suất, đã dẫn đến việc ban hành một vài văn bản có lợi cho ông C.Q.V, trở thành chứng cứ để ông khiếu nại. Tuy nhiên, không thể vì lỗi sơ suất của một vài cá nhân mà đi ngược với quy định của pháp luật. Chính quyền huyện Hưng Nguyên không thể cấp Giấy chứng nhận QSD cho khu đất ông C.Q.V yêu cầu. Và đối với sự việc này, Thanh tra tỉnh đã giải quyết đúng, UBND tỉnh đã phán quyết có lý, có tình. Để giải quyết một vụ việc đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, đồng thời qua đó góp phần tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cho nhân dân, bài viết về vụ việc của ông C.Q.V đã được lên khuôn. Khi báo phát hành, đã nhận được sự đồng tình của độc giả và các cơ quan chức năng. Vậy nhưng, trong thâm tâm chúng tôi niềm vui chưa trọn vẹn vì ông C.Q.V vẫn chưa nhận thức đầy đủ được vấn đề khi viết đơn tố cáo...

3. Tự hào

Là cảm xúc của chúng tôi khi nhận được những bức thư động viên từ những độc giả, từ những người thông qua báo đã được các cơ quan chức năng giải quyết, tháo gỡ được những vướng mắc khó khăn. Năm 2013, Phòng Bạn đọc – Báo Nghệ An nhận được khá nhiều những bức thư như vậy. Mới đây thôi, ngày 15/10/2013, các tiểu thương chợ Nhà Đỉn, phường Hưng Dũng, Thành phố Vinh đã viết rằng: "Chúng tôi gồm 100 hộ kinh doanh tại chợ Nhà Đỉn, phường Hưng Dũng xin chân thành cảm ơn Báo Nghệ An đã quan tâm đến người lao động, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân... Trong quá trình phát triển của xã hội, nhiều vấn đề phát sinh dễ xẩy ra mâu thuẫn, tranh chấp, nhất là về đất đai. Từ đó, có nhiều vụ việc khiếu kiện đông người dẫn đến hậu quả không tốt, mà vụ việc xẩy ra ở chợ Nhà Đỉn là một ví dụ cụ thể, điển hình. Việc Báo Nghệ An vào cuộc đã góp phần tích cực giải quyết vụ việc, đã phân tích phải trái, đúng sai để nhân dân hiểu thêm về pháp luật, về quyền lợi và quyền hạn của mình; đã giúp chính quyền các cấp nhìn nhận thấu đáo sự việc để giải quyết hợp tình, hợp lý...".

Phóng viên Báo Nghệ An thẩm tra, xử lý thông tin về hiện tượng “vàng tặc” ở vùng Huồi Háng, xã Cắm Muộn (Quế Phong). Ảnh: N.L
Phóng viên Báo Nghệ An thẩm tra, xử lý thông tin về hiện tượng “vàng tặc” ở vùng Huồi Háng, xã Cắm Muộn (Quế Phong). Ảnh: N.L

Hay như ngày 26/7/2013, thay mặt cho nhân dân xóm Đào Nguyên, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, bà Xóm trưởng Trần Thị Đa đã viết: "Nhờ có sự vào cuộc kịp thời của Báo Nghệ An, đường điện nông thôn xóm Đào Nguyên vốn bị xuống cấp trầm trọng nay đã được ngành Điện huyện Tân Kỳ gia cố, tu sửa...". Những lá thư phản hồi như vậy thường chỉ ít dòng, lời lẽ đơn sơ, mộc mạc nhưng với chúng tôi, đây là một nguồn động viên rất lớn. Đặc biệt, sau khi báo đăng, các cơ quan chức năng đã có thông tin phản hồi, chỉ đạo làm rõ và xử lý các vấn đề báo nêu. Bên cạnh đó, còn là những tâm tình của những người có trách nhiệm. Sau bài báo “Hàng loạt doanh nghiệp ngoài quốc doanh vi phạm Luật Lao động", Sở L ĐTB &XH đã thành lập đoàn kiểm tra làm rõ các vi phạm Luật Lao động ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Ông Nguyễn Đăng Dương - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, ông hoàn toàn đồng tình với bài viết. Vì rằng, việc thực thi pháp luật ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang bị bỏ lỏng, và dù vì bất cứ lý do gì, việc người lao động bị giới chủ tước bỏ quyền lợi chính đáng mà pháp luật đã quy định là điều không thể chấp nhận... Với trách nhiệm là “Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An”, những sự việc mà báo phản ánh đại diện cho quyền lợi của dân, nhận được hồi âm tích cực của các cấp, các ngành đó chính là niềm vui, động lực để mỗi phóng viên nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Sau mỗi lần xử lý đơn thư, chắc hẳn mỗi phóng viên đều trải qua những tâm tư, tình cảm: Day dứt, buồn, vui, tự hào... đủ cả. Và ai cũng hiểu rằng, dù việc xác minh xử lý đơn thư là công việc khó khăn vất vả, nhạy cảm và dễ có những va chạm không hay, nhưng những bài viết được sử dụng trên trang bạn đọc là chiếc cầu nối giữa báo, các cấp chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội với mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt công việc, tức là gây dựng niềm tin của nhân dân với Tòa soạn báo, với Đảng, chính quyền. Bởi vậy, chúng tôi thường nhắc nhau rằng, hãy tự hào khi được là phóng viên Phòng Bạn đọc...

Nhật Lân

Mới nhất

x
Xúc cảm từ những cánh thư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO