Xúc động những hình ảnh thương binh nặng ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Họ là những người từng vào sinh ra tử và nhiều người để lại một phần thân thể trên chiến trường. Có người nay không thể nhớ quê quán, tên tuổi mình nhưng ký ức về thời hoa lửa vẫn mãi vẹn nguyên...
Khu Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An là đơn vị trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An, có chức năng, chăm sóc nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho đối tượng người có công, thân nhân người có công và một số đối tượng chính sách khác bị bệnh tâm thần. Hiện đơn vị đang chăm sóc điều trị và nuôi dưỡng 94 bệnh nhân. Ảnh: Đức Anh |
Ở đây có 38 bác sỹ và cán bộ nhân viên y tế thường xuyên túc trực, chăm sóc các thương bệnh binh. Đa số là bệnh nhân bị bệnh tâm thần, mất trí nhớ hoặc trầm cảm không thể tự chủ trong sinh hoạt, nhiều bệnh nhân đã gắn bó với trung tâm từ những ngày đầu mới thành lập. Để đảm bảo cho bệnh nhân nặng có được điều kiện tốt nhất, cán bộ nhân viên ở đây vô cùng vất vả. Nhiều đêm họ phải thay nhau túc trực chăm sóc cho những thương bệnh binh nặng không thể tự chủ được sinh hoạt cá nhân, lên cơn đập phá hoặc bỏ ăn. Ảnh: Đức Anh |
Tuy nhiên thời gian gần đây qua đánh giá sàng lọc, có tới 70% bệnh nhân phục hồi được trí nhớ. Ảnh: Đức Anh |
Thương binh Hồ Sỹ Việt được chẩn đoán bị tâm thần thể nhẹ. Ông vẫn còn nhớ được mình từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia và bị sức ép bom mìn nên sau này thường xuyên bị đau đầu, đến mức mất trí nhớ. Từ khi vào đây được đội ngũ y, bác sỹ chăm lo tận tình nên trí nhớ của ông đã có phần phục hồi nhưng ông không thể nào rời xa nơi này bởi nó đã gắn bó với ông như ngôi nhà thứ hai. Ảnh: Đức Anh |
Ngoài ông Hồ Sỹ Việt còn có ông Phạm Quang Tỉu cũng quê ở Hà Tĩnh. Từng là bộ đội lái xe trên các tuyến đường Nam Lào, năm 1982, trong một lần bị thương ông đã bất tỉnh, rồi mất trí nhớ. Sau khi vào đây, trí nhớ được khôi phục rất nhiều nhưng cũng từ đó ông rất ít khi về nhà, mà ở lại đây để hỗ trợ nhân viên y tế và cán bộ trung tâm mỗi khi có thương bệnh binh nào lên cơn quậy phá. "Cứ về quê là tôi lại nhớ nơi đây, nên về vài bữa với con cháu là quay lại thôi, dù điều kiện cơ sở vật chất chưa thật tốt nhưng cũng đủ ấm cúng, sạch sẽ...", ông Tỉu cho hay. Ảnh: Đức Anh |
Những ngày này dù không nói ra nhưng nhiều thương bệnh binh trung tâm có nhiều bồi hồi, xúc động, họ thường hồi tưởng về những đồng đội cũ, những người đã để lại máu xương nơi chiến trường. Ảnh: Đức Anh |
Dù có khi tỉnh táo, khi lẩn thẩn nhưng cứ vào dịp tháng Bảy này, cả miền ký ức hào hùng khi họ là những chiến sỹ tuyến đầu lại ùa về. Họ đã ra đi chẳng tiếc ngày xanh chỉ mong sao ngày về được thấy nụ cười mẹ già, em thơ, vui vầy cùng bầu bạn, được đi trên những con đường hòa bình, độc lập. Ảnh: Đức Anh |
Ngay cạnh bên Khu điều dưỡng Thương binh tâm thần kinh là Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh - nơi chăm sóc, điều trị 70 thương bệnh binh nặng đến từ nhiều huyện, thành, thị của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Anh |
Ở đây thương bệnh binh đa số bị các thương tật nặng như liệt nửa người, có nhiều mảnh bom còn nằm trong cơ thể, đặc biệt có nhiều người bị liệt hoàn toàn, hoặc phải chạy thận thường xuyên; mắc các bệnh lý gây đau đớn mỗi khi trái gió trở trời. Ảnh: Đức Anh |
Tại đây, cán bộ nhân viên Trung tâm đã tổ chức bếp ăn tập thể phục vụ nhu cầu dinh dưỡng cho một số thương, bệnh binh không thể tự phục vụ. Đối với các thương binh vẫn có thể tự làm được những việc đơn giản, cán bộ nhân viên ở đây đã hỗ trợ nấu ăn tại phòng. Đối với những thương bệnh binh có bệnh lý đa dạng không thể ăn tập trung, đơn vị sử dụng một phần tiền điều trị mua các loại lương thực, thực phẩm bồi dưỡng thêm để thương binh được tăng cường sức khỏe. Ảnh: Đức Anh |
Ngoài hỗ trợ nấu cơm tại phòng, nhiều thương binh nặng còn được cán bộ trung tâm hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Đức Anh |
Ông Trần Hữu Diến quê Yên Thành vào trung tâm từ những ngày đầu mới thành lập. Với thương tật 4/4, hiện ông là một trong những thương binh nặng nhất ở đây. Tất cả mọi sinh hoạt của ông Diến đều phải có người hỗ trợ. "Nhiều lúc chả muốn sống, thấy phiền cho mọi người, nhưng nghĩ Đảng, Nhà nước quan tâm mình không lạc quan mà sống thì không phải là phẩm chất người lính cụ Hồ, thế nên vẫn phải cố gắng...". Ảnh: Đức Anh |
Ở trung tâm, ngoài những cơn đau giày vò thân thể, những thương binh nặng lại tìm đến những nguồn vui thường nhật, nhằm thắp lên những hy vọng, những niềm vui trong cuộc sống đời thường. Ảnh: Thanh Nga |