Xúc tiến du lịch - còn nhiều vướng mắc
Lâu nay chuyện khó khăn, hạn chế của ngành Du lịch tỉnh nhà được các nhà chuyên môn, những vị có trách nhiệm nói nhiều. Báo cáo hàng năm, từng giai đoạn đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Và đề án phát triển du lịch cũng nhiều, rồi mỗi đề án được chỉnh sửa bổ sung, trình duyệt thường xuyên, nhưng khi triển khai thì nhiều vướng mắc. Rốt cuộc, thì vị trí du lịch tỉnh nhà trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đang ở mức nào?
Trao đổi với các đồng chí lãnh lạo, cán bộ chuyên trách Du lịch tỉnh, cho thấy đó là câu hỏi không dễ trả lời. Những bỡ ngỡ do biến động trong việc tách nhập ngành không còn nữa; nhưng theo chúng tôi, để đảm bảo tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịnh thì từ đó vẫn còn chịu những ảnh hưởng nhất định. Và hoạt động nào thiếu tính chuyên nghiệp thì đương nhiên sẽ giảm chất lượng so mục tiêu.
Thực trạng đó đã chậm được bổ cứu khắc phục. Nên, về chủ quan có thể nói, phát triển du lịch Nghệ An đang rất chưa xứng với tiềm năng; về khách quan, du lịch tỉnh nhà đang "tụt hậu" dần so với các địa phương đồng điều kiện. Đi sâu tìm hiểu có tính chuyên môn, thì việc Nghệ An chưa thể phát triển du lịch "xứng tầm" là do đang thiếu sức hấp dẫn điểm đến, thiếu thông tin quảng bá, xúc tiến du lịch.
Du khách trên khắp mọi miền tổ quốc về thăm quê Bác- Ảnh: Xuân Nhường
Xin lấy một thí dụ nhỏ. Trong một dịp sang Nghệ An mới đây của một nhóm người Pháp; khi được hỏi họ muốn đi tham quan điểm du lịch nào ở Nghệ An, họ hầu như không biết nhiều ngoài Khu Di tích Kim Liên gắn với danh nhân Hồ Chí Minh và... thác Sao Va (Quế Phong)! Trong khi, họ biết rất nhiều về các điểm đến ở Thanh Hóa, kể cả suối cá thần ở tận xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy. Họ biết ở Hà Tĩnh có bãi tắm Thiên Cầm, ở Thanh Hóa có Sầm Sơn, nhưng Cửa Lò - bãi tắm từng được đánh giá là bậc nhất miền Bắc thì chưa "từng nghe"! Ngoài thị trường khách nội địa truyền thống (Hà Nội và một vài tỉnh phía Bắc), thì so với Sầm Sơn, Thiên Cầm lượng khách khai thác mới hàng năm (nhất là từ phía Nam và nhiều tỉnh khác phía Bắc) ở Cửa Lò thấp thua hơn hẳn; lý do chính là chúng ta không cập nhật được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng họ. Như vậy, thực hiện chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch ở Nghệ An đang có hạn chế.
Do cách làm du lịch thiếu tập trung đã hạn chế rất nhiều đến công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch. Các khu, điểm du lịch ở ta được đầu tư một cách manh mún dàn trải, thiếu quy hoạch và phát triển chậm, không có chiều sâu; sản phẩm và dịch vụ du lịch đơn điệu, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm du lịch còn yếu, thiếu sức hút đối với khách du lịch quốc tế.
Trong thực tế, hoạt động xúc tiến thị trường du lịch của tỉnh ta cũng chưa được mở rộng; chủ yếu là thị trường khách nội địa và thị trường truyền thống ở Lào, Thái Lan, Trung Quốc (khả năng thanh toán thấp). Bên cạnh đó là các doanh nghiệp du lịch của Nghệ An có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, thiếu coi trọng các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.
Qua xây dựng định hướng phát triển du lịch của tỉnh những năm gần đây, rất kỳ vọng vào điểm đến Vườn quốc gia Pù Mát và các Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt ở miền Tây. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020, thì định hướng các khu du lịch chính của Nghệ An gồm có 6 khu chính; trong đó Khu du lịch Pù Mát với cảnh quan tự nhiên đẹp kỳ thú, phong phú loài động thực vật, có đủ điều kiện để tổ chức các "tua" du lịch sinh thái theo yêu cầu thu hút mạnh mẽ thị trường khách quốc tế. Nhưng, hiện nay để tuyên truyền quảng bá đến khách quốc tế thì còn nhiều yếu tố chưa đáp ứng yêu cầu.
Hay nói cách khác đó là những thứ "thiếu" rất cụ thể và khó chấp nhận. Về cơ sở hạ tầng dịch vụ còn nghèo nàn, dịch vụ y tế, điện, nước, thông tin bưu điện còn lạc hậu chưa đủ điều kiện tối thiểu để phục vụ khách du lịch. Vườn quốc gia Pù Mát cũng như Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt hiện chưa có cơ chế và quy định vùng lõi, vùng đệm biên giới, thiếu sự thống nhất giữa các đơn vị quản lý nên gây khó khăn cho khách du lịch có nhu cầu đến tham quan, nghiên cứu. Bên cạnh đó người dân bản địa và chính quyền địa phương chưa coi trọng hoạt động kinh doanh du lịch...
Nhiệm vụ quảng bá du lịch của tỉnh ta đang dồn lên vai của Trung tâm Xúc tiến du lịch Nghệ An. Những năm qua, Trung tâm đã đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Trung tâm đã tổ chức được các Hội thảo lớn mang tầm quốc tế và khu vực như: Hội thảo quốc tế phát triển du lịch biển đảo các tỉnh Bắc miền Trung; Hội nghị xúc tiến du lịch ba nước Việt Nam, Lào, Thái Lan các năm 2007, 2008, 2009; Hội nghị xúc tiến du lịch tại tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Các hội nghị xúc tiến đã gây được ấn tượng nhất định trong lĩnh vực Quảng bá du lịch của của tỉnh.
Tuy nhiên, để có thành công đó, Trung tâm đã phải tranh thủ nguồn của Tổng cục Du lịch để tổ chức; mà hiện nay do cơ chế mới, nên sự hỗ trợ về kinh phí của Tổng cục Du lịch để hoạt động xúc tiến tại các địa phương đã rất khó khăn. Có thể khẳng định, các Liên hoan Văn hóa ẩm thực các tỉnh Bắc miền Trung do Trung tâm tổ chức đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách và nhân dân trong tỉnh. Nhưng để tổ chức thành công các liên hoan thì Trung tâm phải tranh thủ sự hỗ trợ về kinh phí của Tổng cục và nguồn tài trợ; còn kinh phí ngân sách của tỉnh cấp cho hoạt động này chỉ được 100 triệu đồng (trong khi để tổ chức một sự kiện lớn như vậy thì chắt lót lắm cũng tốn không dưới 1 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, hàng năm Trung tâm xây dựng kế hoạch và nguồn kinh phí hoạt động quảng bá xúc tiến theo sự nghiên cứu thị trường, nhưng do ngân sách hạn hẹp nên chỉ đủ để duy trì các hoạt động như: duy trì trang website du lịch, in ấn và phát hành bản tin nội bộ ngành... Cuối cùng là những vướng mắc về thủ tục hành chính.
Đầu năm, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch các nội dung công việc, nguồn kinh phí và đã được Sở chủ quản cũng như UBND tỉnh phê duyệt, nhưng khi Trung tâm triển khai một việc cụ thể trong Kế hoạch đó, lại phải có văn bản từ Sở VH,TT&DL xin chủ trương của UBND tỉnh, sau đó phải có văn bản của Sở Tài chính thẩm định kinh phí mới được triển khai. Thời gian để hoàn thành các thủ tục đó có khi phải mất đến 2 tháng trời.
Như vậy, có thể nói, nguyên nhân cơ bản dẫn tới yếu kém trong xúc tiến quảng bá du lịch của tỉnh ta vẫn là chất lượng sản phẩm du lịch (điểm đến), thiếu kinh phí và những vướng mắc về thủ tục hành chính. Vậy đến bao giờ những vướng mắc đó mới được tháo gỡ?
Đình Sâm