Xung quanh câu chuyện “Nghệ An có văn học đâu mà có phê bình”
(Baonghean) - Nhà thơ Thạch Quỳ đã có những chia sẻ sâu sắc về tình hình văn học nghệ thuật Nghệ An trong thời gian qua.
- Thưa nhà thơ Thạch Quỳ, ông suốt đời đã sống, làm việc gắn chặt với lao động sáng tạo văn học nghệ thuật ở Nghệ An, ông có nhận xét gì về hiện tình văn học nghệ thuật tỉnh nhà, tác giả, tác phẩm và hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An hiện nay? Gần đây, trên mạng xã hội, có ý kiến cho rằng “Nghệ An có văn học đâu mà có phê bình”, nhà thơ nghĩ sao?
Tôi về hưu đã lâu, gần 20 năm rồi, lại đã cao tuổi, nói như nhà thơ Xuân Diệu, bây giờ chỉ còn lại một ngọn đèn le lói như con đom đóm tự soi lấy dòng chữ trên trang giấy của mình, cố gắng mà làm việc. Thật tình thì tôi cũng không có điều kiện và thời gian để đọc hết tác phẩm của các tác giả và cũng không nắm bắt được các hoạt động thường ngày của Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An. Nhưng với câu hỏi này, nếu phải trả lời, cho tôi được “biết gì nói nấy”, có thể chính xác và cũng có thể chưa hoàn toàn đúng với bản chất sự việc, dẫu sao, đây cũng chỉ là ý kiến của một cá nhân.
Nhà thơ Thạch Quỳ thẳng thắn bày tỏ ý kiến về nhận định "Nghệ An có văn học đâu mà phê bình". Ảnh: Hải Vương |
Nghệ An có văn học không, có tác giả, tác phẩm không, ở thời điểm hiện tại? Có thể nói chính xác là hiện tại, ở Nghệ An vẫn có nhiều người viết sách và in sách, vẫn có nhiều người làm thơ, viết văn mà các bài vở của họ đã và đang in trên các báo chí. Tuy nhiên, cuốn sách in và tác phẩm văn học là 2 thực thể khác nhau. Người làm thơ, viết văn và tác giả văn học cũng là 2 khái niệm khác nhau. Tùy theo cách đánh giá, tùy theo quan niệm về văn học, về các tiêu chí định vị một tác phẩm văn học, phải xét đoán cụ thể thì mới nói được một địa phương nào đó hay một quốc gia nào đó có văn học hay không có văn học. Đây chính là công việc của các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình.
Giả sử một địa phương nào đó không có tác phẩm văn học thì bạn đọc vẫn rất cần các nhà lý luận phê bình xét đoán cụ thể để chỉ ra cái thực trạng đáng buồn về tình hình văn học ở địa phương ấy. Tôi nghĩ, nói “Nghệ An không có văn học làm sao có phê bình” là một mệnh đề chưa chính xác. Bởi lẽ, phê bình cần chỉ ra Nghệ An có văn học hay không có văn học, thậm chí phê bình còn mở được cả một cuộc hội thảo về chủ đề đó nữa. Như vậy là dẫu một địa phương nào đó không có văn học thì vẫn cứ có thể có phê bình nếu phê bình đủ mạnh, phê bình sẽ chỉ ra cái thực trạng “không có văn học” ấy!
Trở lại vấn đề hiện tình văn học, tác giả, tác phẩm của Nghệ An hiện nay. Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An có khoảng 20 hội viên viết văn. Quả thật tôi không đọc hết nên cũng không biết rõ về tình hình chất lượng các tác phẩm của tất cả các nhà văn hội viên. Nhưng mấy năm gần đây, các cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thế Quang như “Nguyễn Du”, “Nguyễn Công Trứ”…vẫn có tiếng vang trên văn đàn cả nước và đã được bạn đọc đón nhận. Như vậy là văn học Nghệ An, mấy năm gần đây, ít nhất cũng đã có 2 cuốn tiểu thuyết có chất lượng để đóng góp vào nền văn học chung của cả nước. Đó là một thành công rất đáng ghi nhận của văn học nghệ thuật Nghệ An.
Về thơ, Nghệ An có 84 hội viên. Sách thơ in ra rất nhiều, tôi cũng không có điều kiện để đọc hết được. Với những gì tôi đã đọc thì tôi nghĩ rằng chất lượng thơ ở các tác phẩm nói chung là chưa cao. Nói thành thật thì có nhiều tập thơ, bài thơ chưa bắt kịp nhịp điệu cảm xúc và sự đổi mới trong ngôn từ của thơ hiện đại. Tuy nhiên, nổi bật lên trong nền thơ chung đó, Nghệ An vẫn có những tác giả mà tác phẩm của họ được in nhiều trên báo văn nghệ và các tạp chí văn học trong cả nước. Cũng có những nhà thơ được dư luận xếp vào tốp đầu, tốp tiên phong trong đổi mới và sáng tạo của các nhà thơ hiện nay. Các tác giả Nghệ An có thơ in nhiều trên báo văn nghệ, tạp chí Nhà văn và tác phẩm, và các tạp chí các tỉnh bạn, có thể kể: Trần Thu Hà, Lê Quốc Hán, Võ Văn Vinh, Tùng Bách, Trường Thọ và một số tác giả khác. Ở trong tỉnh, các nhà thơ Lương Khắc Thanh, Duy Năng, Phạm Bá Thái Tâm, Cao Xuân Thưởng… cũng đang hướng tới những sáng tác mới ngày càng khởi sắc hơn, có chất lượng hơn.
Đó cũng là những đóng góp rất đáng ghi nhận của thơ Nghệ An hiện nay. Có một số tác giả trẻ, tác giả nữ của Nghệ An hiện nay rất có học vấn, có trình độ, đang say mê sáng tác, đã có những thành tựu bước đầu, tuy rất tin tưởng ở họ, muốn cổ vũ họ, nhưng tôi chưa đọc hết tác phẩm của các tác giả đó nên rất tiếc là tôi chưa có nhận xét gì về các tác giả ấy để có thể chỉ ra ở đây. Tôi chỉ vui mừng ghi nhận là văn học Nghệ An hiện vẫn có các tác giả trẻ kế thừa.
- Thưa nhà thơ, theo ông cần làm gì để Hội Văn học nghệ thuật phát huy tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình và giúp văn học nghệ thuật của tỉnh ta phát triển tốt hơn?
Hội Văn học nghệ thuật là tổ chức của các tác giả, tổ chức của những người cầm bút sáng tạo trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Nhiệm vụ số một và nhiệm vụ cuối cùng của mỗi tác giả cũng như của tổ chức hội là sản xuất ra các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng. Các tác giả tự đánh giá về bản thân mình cũng như tổ chức Hội đánh giá về hoạt động của mình phải luôn căn cứ vào nhiệm vụ số một, nhiệm vụ trung tâm của mình là sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật. Mọi nhiệm vụ, mọi công việc của Hội, dù phức tạp đa dạng đến đâu thì cuối cùng vẫn chỉ nhằm mục đích là sáng tạo ra các tác phẩm. Đánh giá sự thành công của Hội cũng phải đánh giá ở chất lượng sản phẩm do Hội và các hội viên của Hội làm ra. Nếu tất cả hội viên đều tập trung vào nhiệm vụ trung tâm đó, nếu lãnh đạo Hội lấy nhiệm vụ trung tâm đó mà điều hành công việc thì sẽ giảm thiểu được ít nhiều những sự phức tạp không cần thiết.
Theo nhà thơ Thạch Quỳ, lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tình nhà nên tập trung hơn nữa vào chất lượng tác phẩm. Ảnh: Hải Vương |
Theo thiển nghĩ của tôi, trong nhiệm kỳ tới, ban lãnh đạo Hội nên tập trung hơn nữa vào vấn đề chất lượng tác phẩm. Không nên đầu tư và in ấn tác phẩm theo lối bình quân. Nếu đầu tư theo lối bình quân không căn cứ chất lượng thì sẽ làm giảm sút tinh thần phấn đấu để có tác phẩm chất lượng cao hơn của mỗi tác giả. Nếu in ấn theo lối bình quân thì sẽ làm giảm sút chất lượng của tạp chí.
Nếu giải thưởng văn học nghệ thuật của Hội không được bình xét cho thật công minh, chính xác hoặc thiếu sự đồng thuận, tâm phục, khẩu phục của các hội viên thì cũng dễ gây ra sự mất đoàn kết và cũng dễ để lại trong công chúng những dư luận không hay.
Để thực hiện được những điều đó thì nhiệm kỳ tới, Hội nên có các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình có năng lực giám định tác phẩm. Mọi sự cần công khai, minh bạch. Mọi băn khoăn, thắc mắc của hội viên cũng cần được giải đáp kịp thời, kể cả thắc mắc về chất lượng tác phẩm. Nếu làm được thế, tôi tin Hội sẽ đoàn kết, ai cũng phải tập trung vào công việc sáng tác và chất lượng của tạp chí cũng sẽ được nâng cao hơn...