Xung quanh vấn đề tôm thẻ chân trắng và hàu đại dương bị xếp vào loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại

14/09/2011 08:21

LTS:

LTS: Ngày 1/7/2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 22/2011, quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại. Theo Thông tư thì tôm thẻ chân trắng và hàu Thái Bình Dương được xếp vào loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Đây là 2 loài đang được bà con nông dân tỉnh Nghệ An lựa chọn làm vật nuôi. Đặc biệt là tôm thẻ chân trắng, từ nuôi thử nghiệm năm 2008, đến nay đang được bà con chọn để thay thế con tôm sú. Năm 2011, hơn 85% diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. (Với khoảng 1.640 ha cả năm). Thông tư số 22 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tác động đến việc sản xuất của bà con. Để giúp bà con hiểu thêm về việc xếp 2 loài vật nuôi này vào loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại môi trường, P.V Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với một số ban ngành liên quan.

Không cấm, song phải thận trọng:

Theo ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An, thì theo nghiên cứu cho thấy loài tôm thẻ chân trắng là vật chủ chính mang vi rút gây hội chứng Taura (Taura syndrome virus) hay còn gọi là bệnh đỏ đuôi. Thực tế tại Châu Á, nhiều nước nuôi loài tôm này trên diện rộng đã phải chịu thiệt hại do những đợt bùng phát vi rút như ở Trung Quốc, Thái Lan, Ecuador. Một số nước như Indonesia, Srilanca, Oxtrâylia khoanh nuôi hạn chế; Philipin, Malaixia cũng đã thông báo cấm nuôi loài này; Thái Lan đã từng phát triển nuôi đạt đến sản lượng cao nhưng đến nay cũng đã cấm nhập. Bên cạnh vi rút gây bệnh đỏ đuôi, tôm thẻ chân trắng còn mang nhiều loại vi rút khác như WSSV, BP, IHNV, REO, LOVV và TSV là những bệnh có thể và đã lan truyền sang các loài tôm bản địa (trong đó, có loài tôm sú là loài tôm bản địa của Việt Nam). Chính vì vậy, trên thế giới đã khuyến cáo cần có những biện pháp cẩn trọng trong nuôi trồng loài tôm thẻ chân trắng và đưa loài này vào danh mục tiềm năng ưu tiên quản lý đối với các loài ngoại lai xâm hại.

Tại Việt Nam từ năm 2001, một số ao tôm nuôi tại Hải Phòng, Nam Định đã xuất hiện bệnh đỏ đuôi. Theo kết quả nghiên cứu của Đề tài "Thực trạng động vật thủy sinh lạ xâm nhập thủy vực Việt Nam và các giải pháp quản lý" từ năm 2004 - 2005 do Bộ Thủy sản giao cho Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản thực hiện, loài tôm thẻ chân trắng được xếp vào danh mục "xám" nghĩa là loài ngoại lai chưa rõ có hay không tác động xấu đến đa dạng sinh học ở nước ta, cần được theo dõi và quản lý ở các cơ sở nuôi.

Hàu Thái Bình Dương có trong danh mục của Chương trình về loài xâm hại toàn cầu (Global invasive species program- GISP) và cũng được ghi nhận là loài ngoại lai xâm hại tại Nam Mỹ và Nam Phi.

Tại Việt Nam, loài hàu Thái Bình Dương mới được nhập khẩu từ năm 2007 và hiện đã được nuôi phổ biến tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế.

Theo Thông tư số 22 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quy định tiêu chí xác định loại ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại xếp 2 loài này vào danh mục loài có nguy cơ xâm hại nhưng không cấm người dân nuôi 2 loài vật nuôi này, mà khuyến cáo người dân phải hết sức thận trọng.

Quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống:

Theo ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì đây là việc làm cần thiết. Có thể nói, vấn đề này Bộ TN &MT đưa ra là quá muộn (sau 10 năm du nhập).

Tuy nhiên, chúng ta cần có cái nhìn khách quan về con tôm thẻ, vì sau khoảng 10 năm du nhập đến nay con tôm thẻ đã trở thành đối tượng nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là trong bối cảnh con tôm sú đang có những dấu hiệu suy thoái về chất lượng giống thì tôm thẻ là đối tượng thay thế. Hơn nữa, thời gian qua, những bệnh riêng có ở tôm thẻ chưa thấy xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Một trong những mối nguy từ tôm thẻ có thể xâm hại tôm bản địa trong thời gian qua không xẩy ra là do công tác quản lý khá tốt, nhất là công tác quản lý đàn tôm bố mẹ (tôm bố mẹ nhập là tôm sạch bệnh).

Một trong những giải pháp cho việc phát triển con tôm thẻ đảm bảo phát triển bền vững, tránh được những mối nguy có thể ảnh hưởng đến tôm bản địa, đó là làm tốt công tác quản lý tôm giống, tôm giống trước khi đưa vào địa bàn tỉnh 100% phải được kiểm dịch. Làm tốt công tác quy hoạch, khoanh vùng nuôi, qui hoạch vùng nuôi riêng cho từng đối tượng để tránh việc lây lan bệnh từ tôm thẻ sang tôm sú. Thực hiện nuôi tôm theo quy trình nuôi VIETGAP. Tăng cường công tác giám sát môi trường dịch bệnh để sớm phát hiện và có những biện pháp xử lý kịp thời.

Với tinh thần thận trọng đối với vật nuôi mới, ngay từ đầu những năm 2000 Sở Thủy sản nay thuộc Sở NN & PTNT đã cho nuôi thử nghiệm bằng nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ, để theo dõi tình hình dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng. Từ những kết quả đó đến năm 2008, ngành mới khuyến cáo bà con đưa vào nuôi đại trà (có kiểm soát từng vùng). Hiệu quả kinh tế mà con tôm thẻ chân trắng mang lại đã tạo nên sự phát triển nhanh chóng diện tích. Trước khuyến cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc tăng cường kiểm tra, giám sát vùng nuôi là một, tăng cường làm cần thiết, để tránh dịch bệnh xẩy ra. Ngoài ra việc quản lý chặt chẽ môi trường vùng nuôi. Có như thế mới đảm bảo việc phát triển sản xuất, đồng thời bảo vệ được môi trường, tránh được những diễn biến xấu tác động môi trường mà tôm thẻ chân trắng và hàu đại dương đưa lại.


Công Sáng - thực hiện

Mới nhất
x
Xung quanh vấn đề tôm thẻ chân trắng và hàu đại dương bị xếp vào loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO