Ý kiến ban đầu về trượt - lở đất tại Xốp Mạt, xã Lượng Minh, Huyện Tương Dương

21/05/2012 22:31

(Baonghean.vn) - Ngày 17/5, Viện Vật lý Địa cầu (trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã cử đoàn cán bộ khoa học gồm: PGS. TS. Cao Đình Triều, TS. Lê Văn Dũng, ThS. Mai Xuân Bách; KS. Bùi Anh Nam vào Bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh cùng kết hợp với cán bộ khoa học tỉnh Nghệ An và cán bộ xã khảo sát điểm trượt-lở đất.

Sau khi kiểm tra thực tế, nghiên cứu, Viện Vật lý Địa cầu đã có một số ý kiến ban đầu về điểm trượt-lở đất tại Xốp Mạt như sau:

Toàn bộ Bản Xốp Mạt nằm trọn vẹn trong cung trượt – lở đất có cấu trúc như sau (các giá trị dưới đây chỉ được đo đạc bằng GPS nên độ chính xác chưa cao). Đỉnh của cung trượt – lở đất nằm ở độ cao 235m so với mực nước biển, trong khi đáy suối Nậm Nơn có cao độ 65m. Như vậy, chiều cao của cung trượt – lở đất là khoàng 170m. Có biểu hiện rõ nét của 3 bậc địa hình trong phạm vi bản Xốp Mạt: Thấp- cao độ trung bình 90m (±5m); Trung bình- cao độ trung bình 110 (±5m); Cao- cao độ trung bình 120m (±5m).



Cán bộ khảo sát địa chất tại thực địa

Suối Nậm Nơn bị uốn cong tại khu vực Bản Xốp Mạt, có dạng hình cung. Có hiện tượng xuất hiện mương xói chảy từ cao độ 235m xuống nơi thấp nhất của Bản Xốp Mạt. Theo dân địa phương thì mương xói này xuất hiện vào tháng 6 năm 2011, và cũng trùng với hiện tượng cầu treo bắc qua Nậm Nơn bị uốn cong. Đất đá trên bề mặt trong phạm vi cung trượt – lở đất bị cà nát, dập vỡ mạnh và thuộc loại dễ thấm nước. Loại đất đá này khi bị ngấm nước sẽ biến thành nhão nhoét, có tính lưu biến cao.

Nhận định bước đầu về quá trình hình thành cung trượt – lở đất Xốp Mạt: Đây là một cung trượt – lở đất đã được hình thành từ rất lâu (có thể hàng ngàn năm trước). Nguyên nhân chính là do hoạt động kiến tạo mạnh tại khu vực này mà cụ thể là hoạt động của đứt gãy chạy dọc theo suối Nậm Nơn. Đã hình thành một mặt trượt (chưa xác định được độ sâu của mặt trượt nhưng có lẽ là khoảng 5-10m) là ranh giới giữa lớp đá cứng phía dưới và lớp đất đá bị dập vở mạnh ở phía trên. Quá trình di chuyển của khối trượt này đã xảy ra từ từ, song cũng có hiện tượng đột biến vì vậy đã tạo ra các bậc địa hình như vừa mô tả ở trên (xem hình 1).



Khảo sát tại điểm có vết nứt

Khi gặp điều kiện thuận lợi như mưa nhiều, hoặc mực nước ngầm cao hơn mặt trượt làm cho mặt trượt trở nên trơn hơn, tạo điều kiện cho khối đất đá nằm ở phía trên mặt trượt chuyển động xuống phía dưới. Nếu xảy ra mưa nhiều, đất đá trên bề mặt bị nhão, trong điều kiện thuận lợi (độ dốc lớn, không có lớp phủ...) sẽ xuất hiện lũ bùn đá (như ngày 24 tháng 6 năm 2011). Hiện tượng cầu treo bắc qua suối bị uốn cong vào ngày 24 tháng 6 năm 2011 được lý giải như sau: Mưa lớn thấm vào mặt trượt, làm cho mặt trượt giảm ma sát và tạo điều kiện cho khối trượt chuyển động xuống dưới. Cũng có thể do nước suối dâng cao (do mưa nhiều và do xả nước của nhà máy thủy điện) hơn mặt trượt làm cho nó trở nên linh hoạt hơn và khối trượt hoạt động. Cả khối trượt Bản Xốp Mạt chuyển động xuống phía dưới, ép một lực lớn dọc theo cầu, trụ cầu phía bên ủy ban chuyển động theo chiều hướng giảm chiều dài của cầu và cầu bị uốn cong.

Trước tình hình đó, đoàn kiểm tra kiến nghị cần thiết phải di dời ngay các hộ dân nằm ở phần trũng thấp nhất của Bản (cao độ trung bình 90m (±5m), nơi xuất hiện sụt lún mạnh năm 2011) vì sẽ chịu tác động trực tiếp của dòng lũ bùn đá có nguy cơ xuất hiện vào mùa mưa tới. Toàn bộ Bản Xốp Mạt nằm trong phạm vi hoạt động của khối trượt đang hoạt động, vì vậy, về lâu dài là rất nguy hiểm nên kiến nghị phải có kế hoạch di dời trong dịp tới, nếu được thì càng sớm càng tốt. Nếu có điều kiện thì nên di dời toàn bộ Bản mà không cần nghiên cứu cấu trúc của khối trượt. Trong trường hợp di dời từng phầm thì kiến nghị tiến hành nghiên cứu khảo sát thêm bằng các phương pháp địa vật lý và khoan địa chất. Cụ thể là: sử dụng phương pháp thăm dò điệm (khoảng 3 tuyến với tổng chiều dài 1,5 km với chi phí gần 100 triệu đồng); Phương pháp trọng lực chính xác cao (1,5 km tuyến với chi phí khoáng 100 triệu); Khoan địa chất để xác định chính xác độ sâu tới mặt trượt (tối thiểu 2 lỗ khoan, độ sâu 15m, tốn khoáng 100 triệu đông. Tổng chi phí cho khảo sát địa vật lý và khoan là khoảng 300 triệu đồng. Kiến nghị tiến hành nghiên cứu nguy cơ nứt – sụt đất, trượt – lở đất và lũ bùn đá khu vực lòng hồ Bản Vẽ.


Lê Thanh

Mới nhất
x
Ý kiến ban đầu về trượt - lở đất tại Xốp Mạt, xã Lượng Minh, Huyện Tương Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO