Ý kiến về bài: "Thiết yếu" trở thành... "thứ yếu"
LTS: Trên chuyên mục "Đại biểu HĐND tỉnh - Nói, làm, lắng nghe" của Báo Nghệ An số ra ngày 5/10 có đăng bài y tế, vệ sinh học đường: "Thiết yếu" trở thành... "thứ yếu". Sau khi báo ra, Toà soạn nhận được nhiều ý kiến của các bậc phụ huynh và các nhà quản lý giáo dục xung quanh vấn đề này!
Chị Phạm Thị Vinh - Phường Quang Trung, Thành phố Vinh:
"Câu chuyện về nhà vệ sinh, điện thắp sáng, nước uống, chỗ ngồi học tưởng là nhỏ nhưng lại không hề nhỏ chút nào, bởi nó đã, đang tác động rất lớn đến sự phát triển thể chất của học sinh, nhất là đối với các trường mầm non, tiểu học thực hiện hình thức bán trú với hầu hết thời gian ban ngày của các cháu là ở tại trường (10 tiếng đồng hồ). Thế nhưng, các trường học chưa thật sự quan tâm đúng mức đến các nhu cầu thiết yếu của học sinh vì cho rằng thành tích học tập mới là quan trọng, còn chuyện vệ sinh là chuyện không làm nên "thương hiệu" ở một đơn vị giáo dục nên chưa cần quan tâm. Bằng chứng là có nhiều trường thuê lao công làm vệ sinh từ sân trường đến các phòng học, phòng ban giám hiệu, phòng chờ của giáo viên và kể cả nhà vệ sinh, với lương chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng, cho nên không tạo động lực để họ làm việc hết trách nhiệm được giao. Có trường còn giao cho bảo vệ kiêm làm vệ sinh nhà vệ sinh nên cũng được chăng hay chớ, nhà trường thì không để ý, kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên, dẫn đến tình trạng nhà vệ sinh bẩn thỉu, hư hỏng, xuống cấp...
Các cấp, các ngành, nhà trường, thầy cô giáo cần quan tâm đầy đủ hơn về y tế, vệ sinh học đường để tạo chuyển biến tích cực hơn, vì môi trường thật sự lành mạnh, trong lành, sạch đẹp cho các cháu học tập, vui chơi và phát triển toàn diện. Về phía phụ huynh chúng tôi, nếu thật sự các khoản đóng góp của mình hoàn toàn là để phục vụ cho chính con em của mình thì chúng tôi không có gì băn khoăn. Cái chính là các trường phải thực hiện công khai, cụ thể và minh bạch về các khoản thu và chi.
Thầy giáo Dương Xuân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Phú (T.P Vinh):
"Thời gian qua, do kinh phí eo hẹp nên các trường học đang mới chỉ lo làm sao đảm bảo các phòng học chứ chưa quan tâm đầu tư đến các yếu tố y tế trường học, nhất là hệ thống công trình vệ sinh, đó là điều không thể phủ nhận. Trường chúng tôi, mỗi năm thu từ xã hội hóa khoảng 60 triệu đồng chỉ đủ sửa chữa bàn ghế hư hỏng hàng năm. Việc làm sân trường, bờ rào, nhà để xe, nhà trường cũng phải nhờ vào địa phương đầu tư và cũng chỉ mới được làm từ đầu năm nay chứ trước đây hễ mưa xuống là toàn sân trường ngập nước, rất khổ cho cả thầy và trò. Do khu vệ sinh xây dựng xa phòng học, gây khó khăn trong việc đi lại cho học sinh, nhất là những ngày mưa gió, chúng tôi muốn làm một mái che từ phòng học ra nhà vệ sinh, nhưng do thiếu kinh phí nên cũng chưa làm được. Trước đây, nước uống cho học sinh nhà trường đã thực hiện được nhưng do không có nước máy và nhà trường phải dùng bếp than đun rất bụi và mất vệ sinh nên đang để học sinh tự túc đưa nước ở nhà đến uống. Các cấp, ngành cần nghiên cứu giải pháp để thực sự tạo chuyển biến về chất và lượng mảng y tế, vệ sinh trường học".
Cô giáo Lê Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nghi Long (huyện Nghi Lộc):
Do áp lực học sinh đông phần do ý thức của học sinh trong việc giữ gìn vệ sinh chung còn yếu nên nhà vệ sinh đang còn nhiều vấn đề bất cập. Cũng xuất phát từ tính cách, tâm lý nghịch ngợm của học trò nên có bố trí giấy, xà phòng thì cũng được vài bữa là không còn nữa nên các trường thường không thực hiện. Ngoài ra, có một nguyên nhân nữa cũng cần phải đề cập đến là các cấp cơ quan quản lý chưa thật sự quan tâm đến mảng y tế học đường. Đơn cử, có rất nhiều trường học đang sử dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm mảng y tế học đường nên hiệu quả không cao. Hiện tại, các trường học, ngoài 12% kinh phí của BHYT học sinh để lại trường để chi trả lương cho cán bộ y tế học đường, mua trang thiết bị y tế và một số thuốc thiết yếu phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh thì chưa có nguồn nào khác. Cho nên những nội dung liên quan đến vệ sinh học đường như lương cho lao công, mua sắm bóng đèn cộng với tiền điện hàng tháng, trang bị bàn ghế đúng quy chuẩn..., đều lấy từ nguồn học phí và vận động xã hội hóa, không đáp ứng đủ nên các trường học không có cách nào khác là tiết kiệm tối đa. Vì vậy, đã đến lúc cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về việc xây dựng và cải tạo lại nhà vệ sinh tại các trường học; về các vấn đề đảm bảo các điều kiện vệ sinh, y tế học đường cho học sinh, đó là trách nhiệm của các cấp, các ngành và phụ huynh bên cạnh nỗ lực lớn từ phía các nhà trường.
Mai Hoa - ghi