Ý tưởng xây dựng gia trại vệ tinh của ông chủ vùng biên
(Baonghean.vn) - Phá sản và lâm vào nợ nần khi khởi nghiệp thất bại với mô hình trang trại lợn siêu nạc, anh Trần Đình Ngọc (làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) vẫn không nản chí. Sau 3 năm xoay xở, có chút vốn liếng, người đàn ông này quay lại đầu tư nuôi lợn và “thắng lớn”.
Trang trại lợn quy mô nhất ở xã biên giới Môn Sơn (Con Cuông) của anh Trần Đình Ngọc. Ảnh: Thanh Phúc |
Sinh ra và lớn lên tại xã biên giới Môn Sơn (Con Cuông), từ nhỏ, anh Trần Đình Ngọc đã nuôi ước mơ làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương, vừa để nuôi sống gia đình, vừa mong mở mang kinh tế cho bà con dân bản. Sau thời gian tích luỹ thêm vốn liếng từ nghề xây dựng, được cha mẹ để lại diện tích đất vườn rộng, anh Ngọc bàn với vợ là chị Vi Thị Lá xây dựng trang trại nuôi lợn.
Số tiền gần 20 năm lăn lộn, chắt lót cùng vay mượn từ bạn bè, người thân, anh đầu tư xây dựng 2 khu trại chăn nuôi lợn công nghiệp; mua con giống, thức ăn… với tổng vốn bỏ ra gần 2,5 tỷ đồng. “Khác với nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ nếu bán sỉ không được thì bán lẻ, giết mổ rồi bán thịt. Còn nuôi quy mô dăm bảy trăm con, nếu ế thì chỉ có thua lỗ, nợ nần”.
Việc tắm lợn, vệ sinh chuồng trại, nước uống và thức ăn cho lợn đều được tự động hoá. Ảnh: Thanh Phúc |
Và không nằm ngoài những dự liệu đó của anh, thời điểm anh chăn nuôi, giá thức ăn tăng vùn vụt, trong khi lợn đã đạt trọng lượng mà không thể xuất chuồng do thị trường ế ẩm.
“Càng để càng lỗ vì mỗi ngày 600 con lợn “ngốn” hết cả hàng chục triệu đồng tiền thức ăn. Cuối cùng, tôi phải “bán quạ” cả đàn cho một thương lái 300 triệu đồng, lỗ trắng 1,2 tỷ đồng”, anh Ngọc cho biết. Để có tiền trả nợ, anh quay lại nghề xây dựng trước đó để kiếm tiền trả nợ. Tuy nhiên, anh vẫn nung nấu ý định quay lại nghề chăn nuôi lợn. Năm 2019, khi thị trường lợn hơi khởi sắc, anh quyết định quay lại làm kinh tế từ trang trại chăn nuôi lợn.
Anh Ngọc đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua 4 con lợn giống ông bà. Ảnh: Thanh Phúc |
Rút kinh nghiệm từ thất bại lần đầu, đợt này, anh đầu tư hệ thống tự động hoá từ khâu ăn uống, tắm và vệ sinh chuồng trại, nhờ đó tiết kiệm sức lao động, giảm chi phí nhân công. Theo tính toán của anh, tổng thời gian chăm sóc đàn lợn gần 400 con của hai vợ chồng anh chỉ gói gọn trong 5-6 tiếng đồng hồ/ngày.
Hiện trang trại chăn nuôi của anh Ngọc vận hành theo quy trình khép kín, từ nguồn con giống đến xuất bán lợn thịt. Anh đã đầu tư 4 con lợn giống ông bà và 42 con lợn nái, ngoài việc chủ động nguồn giống để chăn nuôi “gối vụ”, quản lý dịch bệnh tốt hơn còn giảm được chi phí đầu vào, đảm bảo chăn nuôi có lãi. Nhờ đó, trong thời điểm giá lợn hơi bấp bênh, giá thức ăn neo cao song mỗi năm xuất bán 2 lứa lợn, anh vẫn thu lãi 300-500 triệu đồng/lứa. Năm nào lợn được giá, anh “bỏ túi” 600-700 triệu đồng.
Chủ động con giống sạch bệnh theo anh Ngọc là đã chiếm đến 50% thành công trong chăn nuôi. Ảnh: Thanh Phúc |
Từ thành công của bản thân, chủ trang trại lợn vùng biên này đang có kế hoạch mở rộng quy mô chuồng trại, nâng tổng đàn lên đến 700-800 con lợn thịt và 100 con lợn nái.
Ngoài ra, anh cũng dự kiến sẽ xây dựng các mô hình gia trại vệ tinh cho các hộ có điều kiện chăn nuôi, có ý chí làm giàu tại địa phương tham gia. Theo đó, anh sẽ hỗ trợ, cung cấp con giống; hướng dẫn kỹ thuật và thu mua lợn thịt cho bà con.
Anh Ngọc cũng đề xuất với chính quyền địa phương về việc xây dựng các gia trại vệ tinh, anh trợ giá con giống và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Đồng thời, tạo mối liên kết trong bao tiêu sản phẩm lợn thịt xuất chuồng. Ảnh: Thanh Phúc |
“Với mô hình này, thứ nhất là tạo điều kiện cho bà con phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập; thứ 2 là tạo liên kết trong chăn nuôi để giảm chi phí đầu vào khi cùng chung mua thức ăn, vật tư thú y; tạo đầu ra ổn định, tránh tư thương ép giá. Nếu quy mô lớn, đảm bảo số lượng thì việc hướng đến xuất khẩu lợn sang thị trường các nước láng giềng là rất khả quan”, anh Ngọc cho biết.