Yên Thành: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở
(Baonghean) - Đảng bộ huyện Yên Thành có 82 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 39 đảng bộ xã, thị trấn. Sau Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXV, đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2010 - 2015, đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã ở Yên Thành đã được kiện toàn một bước.
Trên cơ sở Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Huyện ủy, Yên Thành đã chuẩn hóa các chức danh cán bộ thành hệ thống chuẩn mực về phẩm chất chính trị, đạo đức và trình độ năng lực mà người cán bộ cần phải có, tiến hành đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch, sử dụng cán bộ. Theo đó, ở từng cấp ủy, chính quyền, tổ chức đã chủ động triển khai thực hiện thông qua các chủ trương, nghị quyết, chính sách, giải pháp phù hợp, sát đúng ở đơn vị mình nhằm tạo những bước tiến lớn về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Cán bộ khối chính quyền xã Bắc Thành đang hội ý công việc. |
Xã Tiến Thành được tách ra từ xã Mã Thành vào năm 2009. Khi đó, bộ máy cán bộ, công chức xã chỉ có 6 cán bộ có trình độ chuyên môn, trong đó có 5 người được chuyển từ xã Mã Thành qua, bố trí ở 5 chức danh thường trực đảng ủy xã, chủ tịch và phó chủ tịch UBND, văn phòng, kế toán; 1 cán bộ huyện điều động về làm bí thư đảng ủy. Số cán bộ còn lại điều chuyển từ cấp xóm trưởng thành lên, bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quân đội trở về địa phương nên trình độ chuyên môn cũng như chính trị còn hạn chế. Xã mới, đội ngũ cán bộ chưa qua đào tạo, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương phải có sự “cầm tay chỉ việc” của huyện.
Rồi Nghị quyết 05 của Huyện ủy ra đời đã tạo cơ sở để Tiến Thành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cụ thể ở từng tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể; tham gia vào các chương trình đào tạo, chủ yếu là đào tạo đại học hệ tại chức, từ xa. Cùng với tạo điều kiện và động viên cán bộ tự học, quá trình thi tuyển công chức qua các năm, xã cũng đã tuyển được một số lượng công chức có trình độ chuyên môn, sau đó cho đi đào tạo tiếp trình độ chính trị để chuẩn hóa. Hiện tại, trong tổng số 23 cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã, có nhiều cán bộ đã học đại học năm thứ 3, thứ 4 và đến năm 2015, số cán bộ chuyên trách xã sẽ hoàn chỉnh về mặt bằng cấp chuyên môn, trong đó phấn đấu có 20 – 30% cán bộ có trình độ trung cấp chính trị trở lên.
Đồng chí Phan Văn Vũ – Phó Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Cùng với sự giúp đỡ của huyện, qua thực tiễn làm việc và được tham gia các lớp đào tạo, đội ngũ cán bộ, công chức xã ngày một trưởng thành, đã xuất hiện một số nhân tố mới không chỉ được chuẩn hóa về bằng cấp mà thể hiện rõ năng lực công tác của mình, góp phần đưa địa phương dần đi vào ổn định và có bước phát triển. Từ một xã cơ sở vật chất yếu kém, nay trụ sở xã được xây dựng khang trang; 15 km trục đường chính chạy suốt dọc xã được rải nhựa; trường mầm non đạt chuẩn quốc gia và hiện đang phấn đấu xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn vào đầu năm 2014. Nếu như các năm trước đây, hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể cấp xã được huyện đánh giá, xếp loại chỉ ở mức hoàn thành tốt và khá, nhưng trong năm 2013 này đã có 9/33 ban, ngành cấp xã được huyện xếp loại xuất sắc”.
Còn ở xã Bắc Thành, đội ngũ cán bộ không quá khó khăn như Tiến Thành nhưng vẫn là một trong những địa phương có các phong trào yếu, đơn thư khiếu kiện kéo dài. “Nguồn gốc của mọi vấn đề đều nằm ở cán bộ. Do không có quy hoạch, không quan tâm chăm lo công tác đào tạo, đội ngũ cán bộ liên quan đến thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương chủ yếu chắp vá, không có tính kế thừa”, Bí thư Đảng ủy xã Trần Danh Lương chia sẻ. Nhận thức rõ công tác cán bộ là vấn đề mấu chốt nhất để đưa xã phát triển, sau khi có Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Huyện ủy, Bắc Thành đã tập trung xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo cán bộ trong hệ thống chính trị, trước hết là tập trung đào tạo chuyên môn, sau đó hoàn thành đào tạo chính trị.
Do điều kiện kinh tế địa phương khó khăn không có nguồn hỗ trợ cho người học, nhưng nhờ làm tốt công tác tư tưởng nên cán bộ đều cố gắng học để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà mình phụ trách. Đến nay, trong số 16 đồng chí Đảng ủy viên xã đã có 9 đồng chí có bằng chuyên môn đại học, 5 trung cấp (2 đồng chí còn lại do không đủ tuổi để đào tạo); về trình độ chính trị có 1 cử nhân chính trị, 12 trung cấp chính trị. Riêng 12 công chức xã có 9 đại học, 3 trung cấp và trình độ chính trị trung cấp là 7 người.
Ngoài đội ngũ cán bộ chuyên trách và công chức, Bắc Thành cũng tạo điều kiện để đội ngũ bán chuyên trách tham gia các lớp đào tạo chuyên môn và chính trị, tạo nguồn kế cận cho Đảng, chính quyền và hệ thống đoàn thể. Bằng các giải pháp trên, đến nay chất lượng đội ngũ cán bộ xã được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. 23/33 ban, ngành, tổ chức ở xã được huyện đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (năm 2013). Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Xã có 13/19 tiêu chí NTM được hoàn thành. Đảng bộ liên tục nhiều năm đạt trong sạch vững mạnh, trong đó có 3 năm đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.
Bằng việc quán triệt sâu rộng và sâu sắc Nghị quyết 05 đến các tổ chức, cán bộ đảng viên; tăng cường gửi cán bộ tham gia các lớp ngắn hạn, dài hạn, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Thành, số lượng cán bộ, công chức từ huyện đến xã được đào tào tạo, bồi dưỡng khá lớn. Riêng về trình độ chính trị, có 21 cán bộ đào tạo cao cấp chính trị, 222 cán bộ đào tạo trung cấp và 111 cán bộ trình độ sơ cấp chính trị; 45 cán bộ đào tạo quản lý nhà nước. Qua đó, chất lượng đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở nâng lên rõ rệt.
Riêng cán bộ lãnh đạo quản lý cấp huyện (trưởng, phó các phòng, ban trở lên), 100% có trình độ chuyên môn đại học và cử nhân, cao cấp chính trị. Nếu tính chung cán bộ trong cơ quan đảng, chính quyền và khối dân cấp huyện thì có tới 92,1% có trình độ chuyên môn đại học; 3,9% thạc sỹ. Có 64,4% cán bộ, công chức có trình độ cao cấp chính trị và 25% trung cấp chính trị; 93,4% cán bộ có trình độ quản lý nhà nước. Về chất lượng cán bộ cấp xã cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Trong tổng số 413 cán bộ chuyên trách cấp xã thì có 192 người có trình độ đại học, cao đẳng; 132 cán bộ trung cấp. Về chính trị có 49 người có trình độ cử nhân, cao cấp; 273 trình độ trung cấp. Trong 458 công chức, trong đó có 236 đại học, cao đẳng và 220 trung cấp; 2 cử nhân chính trị và 137 trung cấp chính trị.
Cùng với đào tạo chuyên môn, Yên Thành còn chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ gắn với đánh giá, xếp loại cán bộ hàng năm; triển khai nghiêm túc Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với kiểm điểm tự phê bình và phê bình cũng như khắc phục hạn chế, tồn tại sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở được nâng lên đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của huyện, tình hình an ninh chính trị - trật tự ATXH trên địa bàn huyện ổn định, kinh tế có bước phát triển ổn định, các lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục đào tạo tiếp tục có chuyển biến tiến bộ, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Hà – Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Thành, cho biết: Chất lượng cán bộ trong cơ quan đảng, chính quyền và khối dân từ huyện đến cơ sở tuy đã có nhiều tiến bộ so với đầu nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp, song thẳng thắn nhìn nhận thì việc thực hiện Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ có lúc, có nơi chưa thường xuyên, thiếu chủ động kiểm tra, đôn đốc. Công tác đào tạo cán bộ chưa cân đối về mặt ngành nghề, lĩnh vực và chưa phù hợp với quy hoạch cán bộ.
Công tác xây dựng quy hoạch cán bộ ở một số tổ chức cơ sở đảng còn lúng túng, chưa mạnh dạn tạo nguồn; việc đánh giá, phân loại tổ chức đảng và đảng viên ở một số nơi chưa thực chất; công tác tổ chức cán bộ ở cơ sở nhiều lúc còn thụ động, còn nặng về chính sách, nể nang, có biểu hiện khép kín... Để Nghị quyết 05 tiếp tục có hiệu quả cao và đạt các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Huyện ủy Yên Thành sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ cũng như chấn chỉnh một số vướng mắc, hạn chế ở cơ sở. Quan tâm phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong quản lý, quy hoạch, bố trí, sử dụng có hiệu quả cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng. Tập trung khắc phục các hạn chế như đào tạo thiếu cân đối trong các ngành nghề, đào tạo không bám vào quy hoạch cán bộ...
Mai Hoa