Yên Thành: Tích cực tạo việc làm cho người lao động

21/11/2014 15:04

(Baonghean) - Để hiện thực Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015, UBND huyện Yên Thành ban hành Đề án “Đẩy mạnh giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và xuất khẩu lao động giai đoạn 2011 - 2015”. Sau 4 năm thực hiện, Đề án đã tạo những chuyển biến tích cực...

Để giải quyết lao động nông nhàn, Đảng bộ xã Nam Thành đã đề ra chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển ngành nghề, tăng việc làm và thu nhập cho người dân. Sau khi có chủ trương, UBND xã mở các lớp tập huấn về thú y, kỹ thuật trồng nấm; đồng thời có chính sách hỗ trợ những mô hình đầu tiên. Nhờ vậy, đến nay, Nam Thành trở thành một trong những điển hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Anh Nguyễn Thọ Hạnh (HTX trồng nấm Yên Thành) giới thiệu quy trình sản xuất nấm.
Anh Nguyễn Thọ Hạnh (HTX trồng nấm Yên Thành) giới thiệu quy trình sản xuất nấm.

Đi tiên phong về việc đưa cây nấm vào đất Nam Thành phải kể đến đảng viên trẻ Nguyễn Thọ Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Trồng nấm Yên Thành. Sau khi tham quan học hỏi các mô hình ở nhiều nơi, anh về địa phương bắt tay vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm. Sau vài năm làm thử thành công, anh Hạnh mạnh dạn xin mượn đất xã mở rộng quy mô sản xuất; đồng thời, động viên, chuyển giao công nghệ kỹ thuật trồng nấm cho bà con. Từ sự tiên phong đó, đến nay, Nam Thành có hơn 10 hộ với hơn 40 lao động trồng nấm, sản lượng hàng năm gần 100 tấn, chiếm 1/5 sản lượng nấm toàn huyện, doanh thu trên 2 tỷ đồng. Để nhân rộng mô hình này, UBND xã tạo điều kiện để các hộ đứng ra thành lập HTX chuyên sản xuất, kinh doanh nấm và cho mượn đất tại khu vực trường học cũ để làm nơi sản xuất. HTX sản xuất nấm đã trở thành “bà đỡ” cho nông dân trồng nấm. Bà Hoàng Thị Phương, hộ tham gia làm nấm đã 4 năm ở xóm Phan Đăng Lưu chia sẻ: “Nghề trồng nấm rất phù hợp với địa bàn thuần nông như Nam Thành, nguyên liệu chính là rơm sẵn có, người dân chỉ phải mua một vài nguyên liệu phụ khác. Về giống, kỹ thuật và sản phẩm thì đã được HTX cung cấp, hướng dẫn và bao tiêu toàn bộ. Ngoài thời gian làm mùa, thời gian còn lại trồng nấm, mỗi tháng có thêm thu nhập vài triệu đồng/người nên rất yên tâm”.

Bên cạnh nghề trồng nấm, một hướng giải quyết việc làm và thoát nghèo bền vững mà xã Nam Thành chỉ đạo thành công là chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông Phan Thế Trung - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để hỗ trợ bà con nông dân, xã tổ chức cho các hộ đăng ký đi tham quan học hỏi mô hình trồng màu tại các huyện bạn và hỗ trợ giống, phân bón ban đầu, đồng thời, xã huy động các nguồn lực làm kênh mương thủy lợi vùng màu...”.

Là xã vùng bán sơn địa, Sơn Thành triển khai đề án giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững thông qua khuyến khích xuất khẩu lao động. Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết số 03 “Về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm trên địa bàn”. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, lợi thế, xã định hướng cho người dân chọn thị trường xuất khẩu, đứng ra bảo lãnh cho hộ nghèo vay vốn, miễn giảm các loại nghĩa vụ địa phương khi đăng ký xuất khẩu lao động; các trường hợp có khó khăn, vướng mắc về giấy tờ thủ tục, xã kiến nghị cấp trên tạo điều kiện tháo gỡ kịp thời. Đến nay, Sơn Thành là xã có lao động xuất khẩu nhiều nhất Yên Thành. Mỗi năm, nguồn ngoại tệ thông qua XKLĐ của hơn 1.700 người đưa về khoảng 200 tỷ đồng. Điều đáng mừng là số tiền gửi về được tiếp tục hỗ trợ để cho anh em, người làng vay mượn phát triển sản xuất. Điển hình là anh Thái Văn Dũng ở xóm 2, được xã hỗ trợ cho thuê đất, đầu tư 2 tỷ đồng để mở xưởng may xuất khẩu gia công cho Nhà máy may Hàn Quốc, sử dụng gần 100 lao động địa phương. Anh Năm đầu tư nhà máy gạch tuy-nel, anh Hạnh đầu tư mở xưởng trồng nấm tại địa phương thu hút hàng chục lao động... Nhờ đó, các lao động trên địa bàn xã đã cơ bản có việc làm.

Sau 4 năm thực hiện Đề án “Đẩy mạnh giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và xuất khẩu lao động giai đoạn 2011-2015”, huyện Yên Thành giải quyết việc làm cho từ 3.600 - 3.800 lao động, đạt 100% chỉ tiêu, trong đó, đưa lao động đi xuất khẩu vượt chỉ tiêu đề ra. Từ năm 2011 đến 2014, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 17,94% xuống còn 6,8%, trong đó 15/39 xã hộ nghèo chỉ còn dưới 5%. Ông Phạm Xuân Tuyết - Trưởng phòng Lao động - TB&XH huyện Yên Thành cho biết: “Để thực hiện mục tiêu trên, huyện chỉ đạo các xã tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi ruộng đất; có chính sách hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật trồng nấm, trồng cam và phát triển các ngành, nghề mới, giải quyết việc làm tại chỗ. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến việc làm, liên kết tuyển dụng lao động tại trường trung cấp nghề theo kế hoạch; hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, chủ động tìm kiếm thị trường lao động trong và ngoài nước có hiệu quả; áp dụng thực hiện chính sách thưởng cho các xã có nhiều nỗ lực giải quyết việc làm cho lao động...”.

Giải quyết việc làm để từng bước xóa đói giảm nghèo là một trong những đề án mà huyện Yên Thành triển khai đạt hiệu quả rõ nét nhất, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Mũi đột phá mà huyện chỉ đạo thành công là đưa lao động đi xuất khẩu, song song chỉ đạo một số địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm thu hút lao động tại chỗ, mời gọi, thu hút một số dự án có cam kết sử dụng lao động địa phương. Tuy nhiên, điều trăn trở của các cấp ở Yên Thành là hiện nay số lao động trên địa bàn chưa qua đào tạo nghề còn lớn. Trong khi đó, không chỉ thị trường xuất khẩu lao động và các dự án mà huyện đang kêu gọi đều yêu cầu khắt khe về tay nghề của người lao động. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành của huyện cần tiếp tục phối hợp định hướng và đào tạo nghề cho lao động, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực.

Bài, ảnh: Nguyễn Hải

Mới nhất
x
Yên Thành: Tích cực tạo việc làm cho người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO