Yêu 9 năm vẫn lấy phải chồng cộc cằn
Em và chồng quen nhau 9 năm mới cưới, đã sống với nhau 5 năm và có một bé 3 tuổi. Hiện tại, em thấy cuộc sống hôn nhân của mình rất ngột ngạt.
Lúc cưới, em còn khá trẻ. Cưới xong một thời gian, anh ấy bỏ mặc em một mình. Người nhà em sợ nếu bỏ chồng thì em mang tai tiếng, sợ em không lấy được chồng nữa, về già không ai chăm sóc.
Tiếng là có chồng nhưng mỗi lần em đau ốm là mỗi lần anh ấy viện đủ lý do để ra khỏi nhà. Chồng em hay ăn nhậu, lúc say cũng như lúc bình thường, nói chuyện với vợ rất cộc cằn, thô lỗ. Anh còn chửi bới xúc phạm em. Em quá chán nản không biết mình nên làm gì, tiếp tục hay chia tay? (Yến)
Ảnh: ampedasia.com |
Trả lời
Hôn nhân bắt đầu từ yêu thương, bước tiếp bằng một cam kết gắn bó và trách nhiệm. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa mong muốn, kỳ vọng của bản thân với những trải nghiệm thực tế khiến hôn nhân phát sinh nhiều mâu thuẫn.
Những hành xử của chồng khiến em thất vọng. Sự thay đổi của anh ấy bắt nguồn sau những biến cố hay đã tồn tại từ trước? Em nên suy xét thật kỹ. Khả năng kiểm soát cảm xúc của mỗi người là không giống nhau, đặc biệt là đối với những tình huống tiêu cực. Em đã làm những gì để cải thiện tình trạng trên? Hay cũng với thái độ bất cần, phó mặc và đòi hỏi sự thay đổi từ đối phương? Làm rõ những điều đó giúp em nhìn nhận nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến tâm lý, hành xử của chồng trong thời gian qua.
Em kết hôn ở độ tuổi khá trẻ nhưng thời gian tìm hiểu đủ dài để nhận ra những thói quen không tốt của chồng. Em cần xác định việc em duy trì hôn nhân là vì điều gì? Vì tình nghĩa vợ chồng? Vì con? Hay sợ bản thân tổn thương? Sợ dư luận xã hội? Nếu vẫn nhận ra vài điểm tích cực ở chồng và mong muốn nắm giữ, em hãy dành thời gian quan tâm đến thói quen sinh hoạt của anh ấy, vai trò trong gia đình cũng như một vài khó khăn trong công việc mà chồng em đang gặp phải. Hiểu được chúng, em sẽ dễ thông cảm hơn để có sự tương trợ phù hợp, vì rất có thể chính điều đó là nguyên nhân tạo nên sự ức chế, thiếu tự tin ở chồng.
Sau thời gian dài xảy ra mâu thuẫn, hai em khó chia sẻ với nhau. Thay vì im lặng hay tỏ thái độ không quan tâm, em hãy khéo léo “lôi kéo” chồng vào những công việc, các quyết định trong gia đình. Đối với những lời lẽ xúc phạm của chồng, hãy tỏ thái độ kiên quyết bằng cách không đôi co mà trao đổi với anh ấy vào những thời điểm thích hợp, nếu cần thiết có thể nhờ sự can thiệp của bố mẹ hai bên. Bên cạnh đó, bản thân em cũng nên có sự tiết chế phù hợp, nhất là những lúc nóng giận hay cự cãi. Không gì xảy ra hoàn toàn tự nhiên, chúng phải là sự tổng hòa của nhiều tác động. Việc lưu tâm đến một vài phàn nàn của chồng sẽ giúp em biết cách tự điều chỉnh bản thân sao cho hòa hợp với chồng.
Trong hôn nhân, điều nguy hiểm nhất là sự thờ ơ. Có thể những phiền muộn mà anh ấy gây ra đã để lại ấn tượng không tốt trong em. Việc chịu đựng hay chì chiết đối phương chỉ khiến chúng ta thêm thù hận. Nếu có thể, em nên mở rộng lòng mình bằng việc tập trung vào công việc, các mối quan hệ yêu thích, thậm chí chia sẻ với chuyên gia tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình cũng là điều tốt cho em trong thời gian này.
Trường hợp chồng em vẫn dửng dưng với những cố gắng và thiện chí nơi em thì cũng đừng vì những điều băn khoăn của gia đình mà cố chấp duy trì. Em nên dứt khoát với chồng để chuyên tâm chăm sóc bản thân và con cái. Quyết định nào cũng kèm theo những hi sinh, đánh đổi. Mong em bằng lòng với chọn lựa của chính mình.
Chúc em mạnh mẽ.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|