Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
Tôi cứ nghĩ, bất cứ người Việt Nam nào, dù đã một đôi lần gặp Bác hay chỉ gặp Bác trong mơ, vẫn luôn luôn có những kỷ niệm về Bác kính yêu!
Thuở nhỏ, tôi thường được cụ Lê Khoan (tức Lê Hữu Đạt, thân sinh anh hùng Lý Tự Trọng) cắt tóc cho. Cụ Lê Khoan kể: Hồi Bác Hồ hoạt động cách mạng ở Trung Quốc, Bác lấy tên là Lý Thuỵ, để che mắt địch. Bác đặt tên cho tám thanh niên Việt Nam yêu nước bằng họ Lý, tất cả là cháu ông Lý Thụy như Trần Phú là Lý Quý, Lê Hữu Trọng là Lý Tự Trọng. Ông Lê Khoan thường nói: "Chết trẻ thì tra khỏi chết. Chết tra mà không đóng góp được gì cho dân cho nước như tau, cũng vô nghĩa! Còn chết như thằng Trọng là vinh". Cụ Lê Khoan nói thế, nhưng tôi biết cụ hoạt động cách mạng ở Thái Lan, đã từng bị tù tội nhiều lần. Khi về già, cụ cắt tóc miễn phí cho chúng tôi và động viên thanh niên lên đường nhập ngũ. Trong trái tim của cụ, Bác Hồ là vĩnh hằng. Cụ bà là Lê Thị Sờm (mẹ đẻ của Lý Tự Trọng), khi ở tuổi 80, được Trung ương đưa ra Hà Nội nuôi dưỡng. Trung ương, chính phủ cấp cho một căn hộ khang trang nhưng cụ không chịu. Cụ xin Trung ương cho một phòng ở nhưng phải có vườn để trồng rau. Trung ương đành phải chấp nhận. Hàng ngày, cụ chăm sóc vườn rau, hái rau mang đi chợ bán, tiền bán rau, cụ Sờm mua gạo và thức ăn về dùng. Tuyệt đối không chi vào tiền Nhà nước trợ cấp. Cụ Sờm nói: "Chính phủ cũng như một người mẹ đông con, ai cũng ăn gạnh vào đó, thì lấy mô ra. Bác Hồ là Chủ tịch nước, cũng cơm cà rau muống qua ngày để tiết kiệm lo giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc". Cụ Sờm coi Bác Hồ kính yêu như một người thân trong gia đình.
Ngày Bác ra đi và suốt một tuần tang lễ, trời mưa như trút và dân khóc như mưa. Tôi ngồi tàu hoả Vinh - Hà Nội đi nhận công tác, có cảm giác cả đoàn tàu như đang run lên thổn thức bởi tiếng khóc nức nở của tất cả hành khách trên chuyến tàu đó... Vẫn nhớ như in khi tôi học Trường cấp III Phan Đình Phùng. Ngày 15 tháng 10 năm 1964, ngụy quyền Sài Gòn đã tử hình Nguyễn Văn Trỗi, người chiến sỹ biệt động mới cưới vợ là chị Phan Thị Quyên được 19 ngày với tội danh mưu sát Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mắc - na - ma - ra. Trước khi bị xử bắn, Nguyễn Văn Trỗi hô vang ba lần: "Hồ Chí Minh muôn năm". Cảm động trước tình cảm tha thiết đó của anh Trỗi, tôi đã làm một bài thơ và được trường tặng giải nhất. Thơ rất quan trọng, nhưng lúc ấy, tôi làm bài thơ đó không vì thơ mà vì anh Trỗi và tình yêu của anh đối với Bác Hồ kính yêu!
Đến bây giờ và mãi mãi muôn đời sau, mong rằng đừng ai quên anh Trỗi. Anh Trỗi nói: "Còn giặc Mỹ thì không ai có hạnh phúc nổi cả". Câu nói của Tổng thống Nga Putin vừa rồi lại cũng giống hệt câu nói của anh Trỗi cách đây 43 năm: " Nước Mỹ là một cường quốc nguy hiểm"!
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn. Câu thơ của nhà thơ Tố Hữu ngày nào, làm cho chúng ta tỉnh táo hơn, tự tin hơn Chúng ta luôn ghi nhớ: "Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh". Bác còn căn dặn: " Đạo đức cách mạng như gốc của cây, như nguồn nước của dòng sông. Cây không có gốc cây chết. Sông không có nước từ nguồn, sông cạn".
Đất nước ta, quê hương ta, mãi mãi là xanh cây, mãi mãi là những dòng sông dào dạt ra biển cả mênh mông trong tiến trình hội nhập Quốc tế. Chúng ta mãi mãi là những người cách mạng. Chúng ta, với tư cách là những người cách mạng, chúng ta hiểu hơn bài viết của Tiến sĩ Rôxlan Apdungari (Indonexia), khi tác giả này viết về Bác Hồ kính yêu: "Điều mà Hồ Chí Minh để lại đằng sau những dấu chân của Người, đã cung cấp cho tất cả chúng ta, một cơ sở và một hướng đi, bước tới tương lai trong lĩnh vực các giá trị lý luận, đạo đức, xã hội, văn hoá và chính trị" !
Nguyễn Trọng Bính - Xóm 6 - Việt Xuyên - Thạch Hà - Hà Tĩnh