10 sai lầm phổ biến của khách hàng khi mua ôtô

18/10/2015 15:30

Bước vào đại lý và rinh về một chiếc xe mới tinh là trải nghiệm khó quên, gồm cả việc mắc phải một trong những sai lầm thường gặp dưới đây.

1. Không biết rõ thứ mình muốn

Đi mua ôtô không giống với việc tìm một đôi giày mới hay thậm chí là điện thoại mới. Những khách hàng mua xe lần đầu khi bước chân vào đại lý thường mang theo những khái niệm mơ hồ rằng họ cần một chiếc xe mới và có thể trả mỗi tháng bao nhiêu tiền. Khách hàng mua xe lần đầu vì thế được ví như con mồi đối với các nhân viên bán xe.

Không xác định rõ mục đích trước khi đến đại lý được cho là một sai lầm của khách hàng mua xe mới.
Không xác định rõ mục đích trước khi đến đại lý được cho là một sai lầm của khách hàng mua xe mới.

Điều chắc chắn là đại lý không phải chỗ để ai đó bắt đầu tìm kiếm một chiếc xe mới. Người mua hàng thông minh đã bắt đầu việc này nhiều giờ trước đó bằng cách "đào bới" trên mạng, ở những trang tư vấn và hướng dẫn mua xe, nơi có thể học mọi thứ liên quan, từ so sánh giá bán và các đặc điểm, đọc lời phê bình của các chuyên gia và các kết quả chạy thử cũng như dự tính chi phí. Phần lớn đại lý có bộ phận riêng phụ trách bán hàng qua mạng cho phép khách hàng so sánh những yếu tố nêu trên và thậm chí thỏa thuận giá cả trước khi đặt chân tới bãi để xe, theo Car and Driver.

2. Không lái thử xe

Một phần sáu khách mua xe không hề lái thử chiếc xe mới trước khi mua, theo DME Automotive. Một phần ba khách hàng lại chỉ lái lòng vòng quanh đại lý trong khoảng 10 phút, và chỉ với một xe - hành động bị cho là không hề thông minh. Chỉ khi lái thử, người mua mới có thể biết một chiếc xe phù hợp với mình ra sao.

 Đừng chỉ xem mà hãy lái thử xe.
Đừng chỉ xem mà hãy lái thử xe.

Trước khi dừng lại ở chiếc xe nào đó và chốt, thì cũng nên thử vài chiếc khác tương tự. Nếu bạn từng lái một chiếc xe cũ trong một thời gian dài, thì xe mới nào cũng mang lại cảm giác tuyệt vời. Tới thăm các đại lý khác nhau và lái thử từ 4 đến 7 xe giúp bạn có được cơ sở thực sự để so sánh. Một số đại lý có thể tìm cách hạn chế cơ hội lái thử.

Nếu thế, hãy ra khỏi đó. Bạn phải được chạy thử cẩn thận và đảm bảo lái được đúng chiếc mà bạn có ý định mua hoặc một chiếc có những trang bị tương tự. Ôtô không phải giày dép: sẽ siêu tốn kém khi phải đổi lại một chiếc xe khi nhận ra rằng nó không hợp với mình.

3. Mặc cả từ giá bán đề xuất

Bạn phải thỏa thuận với đại lý dựa trên giá giao dịch. Giá bán đề xuất (MSRP) dán trên cửa kính không phải điểm xuất phát tốt cho cuộc thảo luận. Những người thông thạo từng phát hiện ra "hóa đơn đại lý" là thứ mà đại lý thực sự trả cho hãng sản xuất, vì thế tốt hơn là thỏa thuận từ mức đó trở lên chứ không phải từ giá đề xuất ép xuống.

4. Tính chuyện sử dụng tài chính của đại lý

Tốt hơn cả là đi mua xe với các khoản tài chính tách biệt. Hãy xem các tài khoản ngân hàng, và nếu có thể, có được sự chấp thuận để vay tiền mua xe. Sau đó, cần so sánh với những lựa chọn tài chính của đại lý, như trả góp. Đôi khi, đại lý thực sự đưa ra đề xuất tốt hơn. Nhưng bạn sẽ không thể biết được điều đó nếu không có sự so sánh thực tế.

5. Mua xe dựa trên khoản thanh toán hàng tháng

Khách mua xe nên biết rõ họ có thể chi trả mỗi tháng bao nhiêu, nhưng không nên lấy đó làm cơ sở thỏa thuận và đặc biệt không chia sẻ với nhân viên bán hàng. Thay vào đó, hãy thỏa thuận giá bán thực tế của chiếc xe mới trước tiên, tách biệt khỏi khoản tiền mặt phải trả, sự trao đổi và những dàn xếp tài chính khác. Sử dụng các công cụ tính toán trực tuyến hay các ứng dụng trên điện thoại để quy đổi sự cân đối việc vay nợ, các kỳ hạn và mức lãi suất thành một khoản thanh toán hàng tháng.

Nếu đại lý biết bạn mua xe với một khoản thanh toán cố định nào đó, sẽ có thể đưa ra kỳ hạn trả góp hoặc các thỏa thuận tài chính với thời gian thanh toán kéo dài, và cuối cùng bạn sẽ phải trả nhiều hơn tổng chi phí vốn có.

6. Thảo luận đổi chác quá sớm

Gần như luôn có thể bán lại một chiếc xe cũ cao hơn giá mà đại lý đề nghị. Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng cảm thấy bất tiện khi lái chiếc xe cũ và xe mới thật hấp dẫn nên không để ý tới điều trên. Nên nghiên cứu giá trị đổi chác trước đó và khước từ các đề nghị hoặc áp lực thảo luận cho đến khi bạn chốt được giá của chiếc xe mới.

7. Không sẵn sàng rời khỏi một đại lý

Không có thỏa thuận mua xe nào quá tốt đến mức bạn không thể rời khỏi. Ngoài ra, dấu hiệu khách hàng quay lưng lại còn đồng nghĩa với công cụ thỏa thuận mạnh mẽ nhất. Đừng chấp nhận những lời như "thỏa thuận này là tốt nhất trong hôm nay" hoặc trong 72 tiếng hay những gì tương tự. Nếu cảm thấy bất cứ điều gì "sai sai", nghi ngờ, hoặc bạn không hiểu điều gì đang diễn ra thì hãy sẵn sàng để nói "Tôi không thấy thoải mái với điều này. Tôi sẽ nghiên cứu thêm".

Việc dừng lại và rời khỏi đại lý có thể khó khăn khi đã đầu tư cảm xúc vào viễn cảnh lái chiếc xe mới bóng loáng về nhà. Nhưng đó cũng là lý do đại lý làm tốt nhất có thể để bạn suy nghĩ bằng con tim thay vì bằng trí não. Hãy bước khỏi đó. Sự cứng rắn sẽ tạo hiệu quả ngoài mong đợi khi đại lý gọi lại cho bạn 1 hoặc 2 ngày sau đó và đưa ra thỏa thuận tốt hơn. Còn nếu không có cuộc gọi nào, vẫn có những đại lý khác và không thiếu xe mới đang chờ đợi.

8. Chỉ tới một đại lý

40% khách hàng chỉ tới thăm một đại lý, theo DME Automotive. Nhiều người trong số đó sẽ là khách hàng trung thành khi thấy tin tưởng một đại lý và thương hiệu xe để rồi sau đó tiếp tục quay lại. Nhưng chính những khách hàng này lại không tận dụng được lợi ích từ việc tìm kiếm thêm ở nơi khác, ít nhất để đảm bảo rằng đại lý mà họ tin tưởng không lợi dụng quan hệ để trục lợi.

9. Quên mất bảo hiểm

Nhiều khách hàng chọn thỏa thuận phù hợp với một khoản thanh toán dự kiến hàng tháng sẽ nhận ra rằng chi phí lái một chiếc xe mới cao hơn so với bảo hiểm đáng có. Hãy kiểm tra tỷ giá của những chiếc xe mà bạn đang đi với hãng bảo hiểm của mình trước khi tới đại lý. Có thể bạn sẽ tiết kiệm được một khoản bằng việc chọn loại động cơ nhỏ hơn hoặc trang bị ít hơn hoặc một chiếc xe giá cạnh tranh với phí bảo hiểm thấp hơn.

10. Không hỏi những thứ phụ trội khi chốt

Khi bạn ngồi vào bàn và ký giấy tờ, hãy chú ý và chuẩn bị tinh thần nói "không" thật nhiều. Đó là khi đại lý tìm cách bán những thứ như bảo vệ bề mặt, bảo hành thêm, hoặc những phụ kiện không cần thiết hay đắt hơn nhiều so với giá bán bên ngoài. Hãy chắc chắn rằng bạn không phải tốn thêm tiền cho những thứ đã thỏa thuận trước đó với đại diện bán hàng, như chìa khóa dự phòng thứ 3 hay một lốp dự phòng đúng kích thước.

Đại lý hoàn toàn có thể nhét những thứ trên vào thỏa thuận cuối cùng để trục lợi. Vì thế chỉ trả những khoản phí hợp lý như phí chuyển đổi và thuế hoặc những thứ bạn thật sự quan tâm.

Theo VnExpress

Mới nhất
x
10 sai lầm phổ biến của khách hàng khi mua ôtô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO