13 Luật có hiệu lực từ 1/1/2015

31/12/2014 10:30

Từ 1/1/2015, 13 Luật chính thức có hiệu lực với nhiều nội dung quan trọng như: Mở rộng phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT; được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; miễn thuế thu nhập DN đối với thu nhập từ chế biến nông, thủy sản của hợp tác xã; tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng; khắc phục đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công.

Từ 1/1/2015, 13 Luật chính thức có hiệu lực với nhiều nội dung quan trọng như: Mở rộng phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT; được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; miễn thuế thu nhập DN đối với thu nhập từ chế biến nông, thủy sản của hợp tác xã; tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng; khắc phục đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

13 Luật gồm: 1- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; 2- Luật Việc làm; 3- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật về thuế; 4- Luật Hôn nhân và gia đình; 5- Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; 6- Luật Công chứng; 7- Luật Hải quan; 8- Luật Xây dựng; 9- Luật Đầu tư công; 10- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; 11- Luật Bảo vệ môi trường; 12- Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; 13- Luật Phá sản.

Mở rộng phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT

Theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), quyền lợi BHYT của người dân sẽ được mở rộng. Theo đó, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được cấp thẻ BHYT miễn phí từ nguồn ngân sách Nhà nước bảo đảm.

Luật bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo. Bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ.

Luật cũng giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

Đáng chú ý, Quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

Luật Việc làm điều chỉnh 5 nhóm vấn đề lớn

Luật Việc làm gồm 7 chương và 62 điều, điều chỉnh 5 nhóm vấn đề lớn gồm: 1- Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; 2- Thông tin thị trường lao động; 3- Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; 4- Tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm; 5- Bảo hiểm thất nghiệp.

Trong đó, chính sách việc làm công là chính sách mới với mục tiêu cung cấp việc làm tạm thời có trả công cho người lao động thông qua việc thực hiện dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp xã, gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng; bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; các dự án, hoạt động phục vụ cộng đồng tại địa phương.

Miễn thuế thu nhập DN đối với thu nhập từ chế biến nông, thủy sản của hợp tác xã

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã và của DN tại địa bàn đặc biệt khó khăn. Áp dụng mức thuế suất 10% đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã và của DN tại địa bàn khó khăn. Áp dụng thuế suất 15% đối với thu nhập của DN trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Về thuế giá trị gia tăng, Luật bổ sung đối tượng không chịu thuế đối với tàu đánh bắt xa bờ; chuyển ba nhóm mặt hàng thuộc diện áp dụng thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế là: phân bón; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có những điểm mới sửa đổi bổ sung nổi bật như sửa đổi các quy định về kết hôn (độ tuổi kết hôn; bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính song “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”).

Ngoài ra, Luật cũng bổ sung quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, việc bổ sung này nhằm mục đích đáp úng nhu cầu của các cặp vợ chồng muốn có con nhưng người vợ không thể mang thai.

Nghiêm cấm đưa đất, nhập khẩu sinh vật gây hại

Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã bổ sung một số nguyên tắc mới trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật đó là nguyên tắc về phòng, chống sinh vật gây hại thực hiện theo phương châm phòng là chính; áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại theo hướng bền vững, trong đó ưu tiên biện pháp sinh học, sử dụng giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại, biện pháp kỹ thuật canh tác, thực hành nông nghiệp tốt; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện nguyên tắc bốn đúng để bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái..

Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nhấn mạnh các hành vi nghiêm cấm đưa đất, nhập khẩu sinh vật gây hại vào Việt Nam, nhân nuôi sinh vật gây hại; sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, thải bỏ, thu gom, xử lý thuốc và bao gói thuốc bảo vệ thực vật trái quy định.

Nâng cao chất lượng hoạt động công chứng

Về Luật Công chứng, những nội dung cơ bản quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý Nhà nước về công chứng, phạm vi công chứng được mở rộng hơn.

Luật tập trung quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng quy mô lớn, hoạt động ổn định, nâng cao chất lượng của hoạt động công chứng.

Thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan

Luật Hải quan quy định rõ việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hóa quản lý hải quan, thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan, áp dụng các nguyên tắc quản lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan, tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, gian lận thương mại.

Tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng

Nguyên tắc cơ bản và cũng là nội dung cốt lõi của Luật Xây dựng là đổi mới phương thức và nội dung quản lý dự án, nhất là các dự án sử dụng vốn Nhà nước, khắc phục thất thoát và lãng phí, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng.

Luật Xây dựng 2014 với nhiều điểm mới sẽ tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư xây dựng, đảm bảo công khai, minh bạch về quy trình cấp giấy phép xây dựng; khắc phục trình trạng quy hoạch chồng lấn, quy hoạch treo, đảm bảo dự án đầu tư xây dựng đúng mục tiêu, chất lượng, hiệu quả, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước về xây dựng.

Khắc phục đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công

Luật Đầu tư công đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư. Đây là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công, được coi là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án theo đúng các mục tiêu, định hướng, kế hoạch, quy hoạch và chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước.

Đồng thời, sẽ ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư, góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công.

Phát triển giao thông đường thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT

Với Luật Giao thông đường thủy nội địa, có nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung như quy định phát triển giao thông đường thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải và đảm bảo quốc phòng an ninh, phát triển kết cấu theo hướng hiện đại, đồng bộ về luồng, tuyến, cảng, bến, công nghệ quản lý… Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức đăng ký phương tiện thủy nội địa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và tổ chức quản lý phương tiện được miễn đăng ký.

Về phương tiện thủy nội địa, Luật bỏ quy định đăng kiểm đối với các loại phương tiện nhỏ không có động cơ trọng tải từ 5 tấn đến dưới 15 tấn. Đối với người lái phương tiện, Luật sửa đổi đã bỏ quy định giới hạn không quá 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam để phù hợp với điều kiện thực tế.

Bổ sung quy định về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi bổ sung một số quy định về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, an ninh môi trường. Đồng thời, hài hòa các quy định của Luật và các cam kết quốc tế về môi trường thể hiện tại các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

Các quy định mới cũng phù hợp với các đặc điểm của khoa học môi trường như coi phòng ngừa là chính, các yếu tố môi trường có mối liên kết hữu cơ với nhau, không bị chia cắt theo địa giới hành chính.

DN được hành nghề quản lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản

Điểm mới trong nội dung cơ bản của Luật Phá sản đó là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong vòng 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Theo đó, Luật Phá sản không còn dùng khái niệm “lâm vào tình trạng phá sản” mà dùng khái niệm “mất khả năng thanh toán”.

Điểm đặc biệt quan trọng được bổ sung trong Luật Phá sản 2014 là về chế định Quản tài viên, theo đó, quy định cá nhân, doanh nghiệp được hành nghề quản lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản gồm: Quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Tạo thuận lợi cho người nước ngoài xuất, nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tạo nhiều thuận lợi cho người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam tham quan, du lịch, tìm hiểu thị trường, hợp tác đầu tư, kinh doanh, học tập… đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Một trong những quy định được mọi người quan tâm là thị thực không được chuyển đổi mục đích nhằm đảm bảo công tác quản lý, khắc phục tình trạng người nước ngoài xin vào Việt Nam du lịch sau đó lại làm việc tại các công trình, dự án, dạy học như thời gian qua.

Theo Chinhphu.vn

Mới nhất
x
13 Luật có hiệu lực từ 1/1/2015
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO