2 bài thơ ngự chế về danh thắng xứ Nghệ của vua Thiệu Trị

16/07/2013 11:05

Vua thiệu trị (tên thật là Nguyễn Phúc Miên Tông), niên hiệu Thiệu Trị là vị vua trị vì thứ 3 của triều Nguyễn. không chỉ nổi tiếng là một vị vua khoan hòa với thần dân, cần mẫn trong chính sự, ông còn là một người rất giỏi văn học, từng đi nhiều nơi và sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng còn lưu truyền đến ngày nay. Trong đó, phải kể tới hai bài thơ ngự chế khắc lên bia đá ca ngợi vẻ đẹp núi sông xứ Nghệ trong một lần tuần du ra Bắc…

(Baonghean) - Vua thiệu trị (tên thật là Nguyễn Phúc Miên Tông), niên hiệu Thiệu Trị là vị vua trị vì thứ 3 của triều Nguyễn. không chỉ nổi tiếng là một vị vua khoan hòa với thần dân, cần mẫn trong chính sự, ông còn là một người rất giỏi văn học, từng đi nhiều nơi và sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng còn lưu truyền đến ngày nay. Trong đó, phải kể tới hai bài thơ ngự chế khắc lên bia đá ca ngợi vẻ đẹp núi sông xứ Nghệ trong một lần tuần du ra Bắc…

Ngày Giáp Thân, tháng 2 năm Nhâm Dần, niên hiệu Thiệu Trị thứ 2, trong chuyến “Ngự giá bắc tuần”, Vua Thiệu Trị ngự thuyền từ sông Đại Nại đi qua núi Hồng Lĩnh, thấy cảnh núi sông tươi đẹp nên thơ bèn triệu quan tỉnh Hà Tĩnh là Vũ Đức Nhu hỏi về danh thắng này. Sau khi nghe truyền thuyết về núi Hồng, nhà vua tức cảnh ngự chế bài thơ “Hồng Lĩnh” và cho khắc bia dựng dưới chân núi Hồng thuộc xã Tiếp Vũ, huyện Can Lộc, nay là Thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Tấm bia này có khổ 120cm x 64cm, trong lòng bia khắc bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật xen lẫn với các dòng chữ nhỏ khác là lời chú thích về huyền tích chùa Hương Tích, cũng như nguồn gốc tên gọi núi Hồng Lĩnh. Phần cuối cùng là niên hiệu cho ta biết ngày tháng lập bia. Tất cả văn bia gồm 11 dòng, 189 chữ. Nguyên văn chữ Hán, xin tạm dịch thơ như sau:

Hồng Lĩnh


Chín chín ngọn cao giỏi đặt bày
Tầng tầng chót vót giáp trời mây
Chùa xưa Hương Tích nay còn đó
Sự nghiệp Trang Vương mấy kẻ hay
Dã hạc tương truyền về trên núi
Chinh hồng sải cánh cũng lại đây
Núi non hùng vĩ ôm trời biếc
Một dải trong xanh một dải mây
Ngày tốt tháng Chạp niên hiệu Thiệu Trị thứ 2
Ngự chế một bài thơ. Cung kính khắc
(Trần Tử Quang dịch)



Núi hồng, sông Lam

Sau khi hoàn thành lễ thụ phong tại Hà Nội, vua Thiệu Trị cùng quần thần trở về kinh đô Huế. Khi đi qua con kênh Sắt thuộc địa phận xã Diễn An huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An ngày nay, thấy phong cảnh hữu tình, nhà vua ngự chế bài thơ “Thiết cảng” ca ngợi vẻ đẹp con kênh Sắt, cũng như nhắc lại sự tích kì bí liên quan đến sự ra đời của dòng kênh này. Bài thơ đã được khắc trên bia đá đặt tại bờ Đông con kênh Sắt, thuộc xã Tập Phúc, huyện Đông Thành, nay là xã Diễn An, huyện Diễn Châu.

Trải qua 171 năm, với bao thăng trầm và biến thiên của lịch sử, tấm bia này chìm vào lãng quên và chỉ còn được lưu truyền trong sử sách. Năm 2007, trong một chuyến điền dã, Câu lạc bộ Hán - Nôm Nghệ An đã tìm thấy tấm văn bia này nằm dưới chân núi Sở, cách mép QL 1A chỉ khoảng 10m. Toàn bộ tấm bia bị cây gai bụi rậm bao phủ nên không bị tác động của ngoại cảnh và vẫn hoàn toàn vẹn nguyên như trước. Tấm bia có khổ 63 x 106cm.

Vì đây là văn bia ngự chế của nhà vua cho nên nó được chạm khắc cực kỳ tinh xảo, nghệ thuật trang trí cao hơn rất nhiều so với các văn bia khác. Trán bia chạm khắc mặt quỷ La Hầu, xung quanh là hình các đám mây vân vũ. Viền bia chạm hoa lá trông rất uyển chuyển và thanh thoát. Theo đánh giá của chúng tôi, văn bia Thiết Cảng là tấm bia đẹp nhất và nguyên vẹn nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay. Cũng giống như văn bia “Hồng Lĩnh”, bia “Thiết cảng” khắc một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật xen lẫn lời chú thích về các sự kiện có liên quan. Phần thơ, được khắc cỡ chữ to còn phần chú thích khắc chữ nhỏ.

Phần đầu gồm 2 câu đề và 2 câu thực, tiếp theo sau là lời chú thích về sự tích hình thành cũng như nguồn gốc tên gọi con kênh Sắt. Phần 2 là 2 câu luận và lời chú thích về hiện trạng con kênh. Phần 3 là 2 câu kết và câu cuối của phần chú thích. Phần cuối cùng, ghi thời gian lập văn bia vào năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) và câu chú thích cho biết văn bia do chính Hiến Tổ Chương hoàng đế ngự chế. Tất cả văn bia gồm 14 dòng, 286 chữ. Xin được tạm dịch nghĩa như sau:

Kênh Sắt

Ôm muôn ngọn núi chảy vòng quanh
Nghe nói xưa công tạo hóa thành
Mỏ Sắt đá tan lưu vách núi
Uy trời lối mở tạm thông kênh
Huyền vi khó giải thần cơ lạ
Bình thản càng tin thế đạo hanh
Lũng Thục núi non đâu sánh nổi
Mà san dọn phẳng, rõ là kinh
Ngày tốt tháng Chạp niên hiệu Thiệu Trị thứ 2
Ngự chế một bài thơ. Cung kính khắc
(Bùi Văn Chất dịch)

Trải qua 171 năm, hai tấm bia là dấu ấn rõ ràng nhất về cuộc tuần du của Hiến Tổ Chương Hoàng đế năm nào, và cũng là niềm tự hào về một mảnh đất văn hiến với nhiều danh lam thắng cảnh. Đây là những tác phẩm rất có giá trị về văn học, lịch sử cũng như nghệ thuật điêu khắc, lại là tác phẩm ngự chế của vị vua nổi tiếng. Xứ Nghệ tự hào khi là nơi có những di sản quý báu mà không phải địa phương nào cũng có được.

Hiện nay tấm bia đã được di chuyển và được bảo vệ bằng một nhà bia khang trang, kiên cố nằm cách vị trí cũ không xa ngay sát bên Quốc lộ 1A.


Trần Tử Quang (Thư viện tỉnh Nghệ An)

Mới nhất

x
2 bài thơ ngự chế về danh thắng xứ Nghệ của vua Thiệu Trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO