24h căng thẳng ở bãi vàng khe Háng
(Baonghean) - Trong 2 ngày 29 và 30/6, UBND huyện Quế Phong với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các lực lượng Công An Nghệ An đã tiến hành đợt truy quét, đẩy đuổi đối tượng khai thác vàng trái phép, gây mất an ninh trật tự, vi phạm tài nguyên quốc gia tại khu vực núi khe Háng (người bản địa còn gọi là huồi Háng), bản Huồi Máy, thuộc Tiểu khu 144, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong. Phản ánh của PV Báo Nghệ An đi cùng đoàn công tác.
Đúng 6h ngày 29/6, chúng tôi theo đoàn công tác bắt đầu xuất phát từ Thị trấn Kim Sơn – huyện Quế Phong. Thành phần gồm các cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát Môi trường, Phòng Cảnh sát Cơ động - Công an Nghệ An, Đoàn công tác liên ngành 136, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 3. Đại tá Trần Hữu Hồng – Trưởng phòng Cảnh sát môi trường làm tổ trưởng. Trước đó, vào lúc 5h, tổ công tác của UBND huyện gồm lực lượng công an, quân sự do ông Lang Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế phong làm chỉ huy đã hành quân trước.
Trên đường đi, Đại tá Trần Hữu Hồng tâm sự: “Lần này phải làm dứt điểm không để tình trạng vi phạm khai thác khoáng sản dây dưa, kéo dài. Đây không chỉ là việc vi phạm tài nguyên, khoáng sản quốc gia mà quan trọng là kỷ cương phép nước và tính mạng con người, tính mạng người dân”. Theo ghi nhận, lâu nay tại bãi vàng khe Háng đang tồn tại trên 200 giếng, hầm hố do các đối tượng đào bới, khai thác vàng thổ phỉ. Thường ngày tại đây tập trung từ 500 – 700 người, cao điểm có trên 1000 người với tình hình an ninh trật tự rất phức tạp.
Sau tròn một buổi men theo sườn núi, vượt dốc, bãi vàng khe Máy cũng đã hiện ra trước mặt chúng tôi với dòng nước đỏ ngầu. Toàn bộ khe suối ở xã Cắm Muộn bị băm nát bởi hầm, hố. Có những hầm sâu cả chục mét, trong lòng đất các đối tượng đào khoét hàng chục đường ngang lối dọc. Chỉ cần một trận mưa nguy cơ sập hầm là khó tránh khỏi.
Chúng tôi bắt gặp nhiều tốp người từ trong núi đi ra. Chị Lương Thị Thỏa ở bản Cắm với máng, bưởng gùi trên lưng cho biết, nghe tin công an vào truy đuổi nên nhiều người lục đục ra về. Tuy vậy, số người rời bãi về nhà không đáng kể so với đối tượng đang tiếp tục bám trụ, khoan phá trên khu vực núi khe Háng. Khi chúng tôi vào đến trung tâm bãi vàng lúc 12h trưa vẫn còn khoảng 300 người đang tụ tập ở các lán trại với thái độ thách thức cơ quan chức năng. Tôi chui vào một lán lụp xụp giữa đồi, gặp một nhóm khoảng trên 10 người đang nằm, ngồi trong không gian dày đặc khói từ cái bếp kê dã chiến. Phu vàng Lô Văn Lương cho biết, nhóm ông gồm có 14 người đều là dân bản Cắm, xã Cắm Muộn. Ông Lương than thở: “Khổ lắm chú ạ! Vay ngân hàng, rồi bán hết trâu, lợn góp vốn đi tìm vận may. Ba tháng rồi chưa thấy chi cả. Mất gần 400 triệu đồng rồi. Phải kiếm đủ tiền vốn rồi mới về!”
Một số người khai thác trái phép chưa chịu rời bãi vàng.
Nhóm ông Lô Văn Lương chỉ là một trong hàng chục nhóm người đang cố bám lại bãi vàng khe Háng với hy vọng đoàn công tác rút về sẽ trở lại đào bới, khai thác trái phép. Trên thực tế, cách đây chưa đầy 2 tháng, lực lượng Công an tỉnh và chính quyền huyện Quế Phong cũng thành lập đoàn công tác tiến hành đợt truy quét, đẩy đuổi, thu giữ máy móc, phương tiện vi phạm. Nhưng khi đoàn rút đi thì thực trạng lại tiếp tục tái diễn. Rút kinh nghiệm từ những lần trước, lần này theo ông Lang Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong “sẽ phải làm quyết liệt”. Trước đợt tổ chức truy quét, UBND huyện Quế Phong đã gửi công văn cho các xã trên địa bàn yêu cầu thực hiện công tác vận động, tuyên truyền đến từng bản, từng hộ dân. Ngay thời điểm chúng tôi có mặt ở khe Háng, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã đến từng lán, gặp từng cá nhân, đối tượng thuyết phục tháo dỡ lán trại, vận chuyển phương tiện ra khỏi khu vực. Tuy nhiên, phải đến 14g30 chiều ngày 29/6 khi đoàn công tác quyết định tiến hành biện pháp cưỡng chế tháo dỡ thì người dân mới chịu thu gom dụng cụ, đồ đạc di chuyển khỏi khu vực trung tâm bãi vàng. Một số đối tượng quá khích đã kích động người dân tìm cách cản trở, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ lực lượng cảnh sát mới giải phóng xong mặt bằng trung tâm núi khe Háng. Lúc này thuốc nổ mới được đưa xuống các giếng, hầm đã bị khoét sâu từ trước đánh sập hết để không tái diễn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, mặt khác nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Càng về cuối buổi chiều ngày 29/6 tình hình càng trở nên căng thẳng. Các đối tượng quá khích tụ lại với nhau la hét đối phó với lực lượng thi hành công vụ. Một số đối tượng đã nổ mìn đe dọa. Không để tình hình phức tạp hơn, đoàn công tác đã bố trí lực lượng cảnh sát lập hàng rào ngăn ngừa những biểu hiện và động thái manh động. Trong tình hình căng thẳng, ông Lô Văn Tùng – Phó Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn, huyện Quế phong không dấu được lo âu: “Phức tạp lắm, sau đợt đẩy đuổi lần trước, cán bộ xã, những người tham gia đều nhận được điện thoại, tin nhắn đe dọa”.
Đêm xuống, đoàn công tác quyết định dựng lán, cắt cử lực lượng chốt chặn, canh gác. Đó thực sự là một đêm dài. Chúng tôi liên tục phải chịu đựng tiếng la hét của các đối tượng gây rối. Sáng ngày 30/6, người dân vẫn không chịu rời bãi vàng. Họ tụ tập thành từng tốp từ 20 đến 30 người. Tốp đánh bài, tốp uống rượu, ăn sáng nằm ngồi la liệt.
Đến trưa ngày 30/6, các đối tượng và người dân đã không có các biểu hiện quấy phá, la hét. Trước tình trên, Công an tỉnh tiếp tục điều động bổ sung lực lượng lên hỗ trợ để lập lại trật tự, ổn định tình hình lâu dài ở khe Háng. Ông Lang Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, huyện đã có kế hoạch, trước mắt là lập các tổ, trạm chốt chặn tại các điểm như bản Cắm, Na Quẻ - xã Cắm Muộn; bản Pà Cha, Na Khích - xã Nậm Nhoóng. Mục đích của các tổ này là nhằm vừa làm công tác vận động, tuyên truyền không lên bãi vàng, không khai thác khoáng sản trái phép, đồng thời ngăn chặn các đối tượng vận chuyển phương tiện, máy móc, nhiên liệu vào khu vực Huồi Máy, Huồi Háng. “Bây giờ đã có điện, không có lý do gì lại vận chuyển từng phi xăng, dầu vào. Chỉ có đưa vào để làm vàng.” - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong khẳng định.
Chúng tôi rời núi khe Háng vào lúc 14g chiều ngày 30/6. Hơn 130 cán bộ chiến sĩ các lực lượng chức năng tiếp tục làm nhiệm vụ tại khe Háng. Đến 18h, chúng tôi mới ra đến bản Cắm. Trời bỗng mưa ào ạt. Mưa xối xả. Trộm nghĩ, nếu đoàn công tác vào muộn một ngày có thể mọi việc sẽ tệ hại hơn. Những giếng vàng sâu hun hút có thể đe dọa tính mạng của người tham gia khai thác vàng trái phép bất cứ lúc nào. Nhưng không biết đây đã là lần cuối các cán bộ, chiến sĩ phải dầm mưa, mất ăn mất ngủ hay chưa?
Bài, ảnh: Đào Tuấn