3 nghệ sỹ Nghệ An được vinh danh Nghệ sỹ nhân dân

18/01/2016 12:03

(Baonghean) - Trong những ngày đầu năm mới 2016 này, giới văn nghệ sỹ Nghệ An và những người con xứ Nghệ đã đón chào một sự kiện hết sức quan trọng: Trong lễ vinh danh nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú tại Thủ đô Hà Nội, xứ Nghệ chúng ta có 3 nghệ sỹ được phong tặng nghệ sỹ nhân dân. Đó là NSND Tiến Dũng, NSND An Phúc và NSND Hoàng Thành. Điều đặc biệt là những thành công của họ đều được bắt nguồn từ dân ca, ví, giặm.

Nghệ sĩ nhân dân Phạm Tiến Dũng "Dân ca khơi nguồn cảm hứng"

Gặp NSND Tiến Dũng sau đúng 5 ngày ông được vinh danh NSND, trong căn phòng làm việc của ông tại Sở VHTT và DL tràn ngập hoa, thỉnh thoảng câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại: đó là những người bạn ở xa hay những đồng nghiệp, công chúng yêu thích ca khúc của ông gọi điện chúc mừng. Cũng bởi lẽ dịp này, em trai ông nghệ sỹ Cảnh Tình (trường đoàn nghệ thuật Tăng thiết giáp) cũng được phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú.

Nghệ sỹ nhân dân Tiến Dũng
Nghệ sỹ nhân dân Tiến Dũng.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê "sơn thủy hữu tình" nơi có con sông Lam uốn lượn chảy qua. Từ nhỏ, dân ca đã thấm đẫm tâm hồn ông bởi bố, mẹ ông là những người hát dân ca rất hay. Và giống như duyên trời định: từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường ở làng quê bình yên, thơ mộng ấy, ông đã nổi tiếng khắp vùng bởi giọng hát trời phú của mình. Bước ngoặt để ông quyết định theo con đường nghệ thuật đó là năm 1979 lúc đó ông đang làm việc trong ngành địa chất thì trúng tuyển vào Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh.

Ông nói rằng: chính Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh là cái nôi để cho ông phát triển sự nghiệp sau này. Bởi sau khi về Đoàn, nhận thấy trong ông không chỉ có niềm đam mê dân ca ví, giặm mà còn là người có khả năng sáng tác ca khúc, dàn dựng chương trình nên đã cử học học chương trình Trung cấp Thanh nhạc (1982) và Cử nhân Văn hóa (1995). Ông tham gia các hoạt động biểu diễn, giảng dạy và quản lý nghệ thuật tại tỉnh nhà: là diễn viên Đoàn Dân ca Nghệ An (từ năm 1979), giáo viên thanh nhạc Trường Trung học Văn hóa – Nghệ thuật Nghệ Tĩnh, ca sĩ Đoàn Ca Múa Nhạc Nghệ Tĩnh (từ năm 1989), Phó đoàn (từ năm 1993) rồi Trưởng đoàn (từ năm 1997) Đoàn Ca Múa Kịch Nghệ An và hiện là Phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An. Trong quá trình hoạt động biểu diễn, ông đã đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có 4 lần đạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, 1 giải A (1982) Hội thi Tiếng hát sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Quỳ Nhơn và đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997.

Sau gần 20 năm cống hiến với nghề, từng trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng may mắn của NSND Tiến Dũng là dù ở vai trò gì ông cũng đều gắn với nghệ thuật, với dân ca. Đến nay ông đã sáng tác hàng trăm tác phẩm, ca khúc về ca ví, giặm, hay mang âm hưởng dân ca. Nhiều sáng tác của NSND Phạm Tiến Dũng được sử dụng trong chương trình ca múa nhạc của các đoàn nghệ thuật và là tiết mục đoạt giải trong các hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp, như: "Ép duyên", "Non nước hữu tình", "Hương sắc sông Lam", "Bần đi hát ghẹo", "Một lòng đợi bạn"... đây cũng là những sáng tác để lại trong lòng chúng nhiều ấn tượng nhất. Hiện nay, các CLB dân ca trên địa bàn tỉnh đều đưa những sáng tác này vào tập luyện, hay lựa chọn để tham gia các kỳ hội diễn, liên hoan dân ca ví, giặm xứ Nghệ hàng năm.

Để góp phần đưa dân ca ngày càng lan tỏa, ông là người đầu tiên khởi xướng và trực tiếp dạy hát dân ca trên sóng truyền hình Nghệ An, đưa dân ca vào giảng dạy trong trường học... Với ông những câu hát dân ca ví, giặm ngọt ngào, ấm áp, nồng sâu ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn ông, đưa ông đến với con đường nghệ thuật và chắp cánh cho những ca khúc của ông... để ông có được thành công như ngày hôm nay.

Điều NSND trăn trở nhất hiện nay đó là làm sao để dân ca ví, giặm ngày càng lan tỏa hơn nữa, bền sâu bám rễ hơn nữa trong đời sống của người dân xứ Nghệ. Với vai trò là Phó giám đốc Sở VHTT và DL, hiện ông đang cùng ngành tham mưu cho tỉnh hoàn thiện dự án bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm xứ Nghệ đến năm 2020. Tiếp tục đưa dân ca vào trường học, dạy hát dân ca trên sóng truyền hình, từng bước hỗ trợ các CLB dân ca trên địa bàn tỉnh... Và sẽ cho ra đời những ca khúc dân ca...

Nghệ sỹ nhân dân Hoàng Thành "Cống hiến hết mình cho nghệ thuật"

Tìm gặp ông trong căn phòng khách tại nhà riêng ở phố Trần Quang Diệu (TP. Vinh) - một con phố khá sầm uất. Tấm bằng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân đã được ông trang trọng treo ngay phòng khách. Đây không phải là lần đầu tiên tôi tìm gặp ông, những lần trước, ông mời tôi đến vì Đoàn nghệ thuật quân khu 4 (lúc ông còn làm trưởng đoàn) sắp ra mắt tiết mục mới, hay Đoàn vừa tham gia Hội diễn toàn quân đoạt giải cao .... Nhưng lần nào cũng vậy, cũng với vẻ ngoài xù xì, khắc khổ, suy tư nhưng thuyết phục người đối diện bằng một nhiệt huyết sống, sự trăn trở với nghề, với lớp trẻ... Và hôm nay, tôi tìm gặp ông vì ông vừa được phong tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân khi ông đã về nghỉ hưu được 4 năm.

Nghệ sỹ nhân dân Tiến Dũng
Nghệ sỹ nhân dân Hoàng Thành.

Ông nói rằng: ông may mắn hơn nhiều người vì suốt 43 năm gắn bó với nghệ thuật ông chỉ ở yên một chỗ: đó là Đoàn nghệ thuật quân khu 4. Và chính chất lính ấy là chất xúc tác, là nguồn cảm hứng để cho ông ra đời những ca khúc "đi cùng năm tháng" như “ Anh lính tình nguyện và khúc hát lâm tơi”, “Buông áo em ra”, "Tiếng sáo diều tuổi thơ"... mượt mà, sâu lắng - những ca khúc này đã làm nên tên tuổi cho nhạc sỹ Hoàng Thành.

Vừa là nhạc sỹ, lại là trưởng đoàn nghệ thuật, từng đi phục vụ chiến trường vào những năm cuối cuộc chiến chống Mỹ, ông hiểu rõ sự hy sinh, mất mát, hạnh phúc của người lính có giá trị như thế nào, vì thế mà trong các chương trình nghệ thuật của Đoàn, ông luôn đặt hình tượng người lính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và những ca khúc của ông phải mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ - đó mới chính là linh hồn của Đoàn, là bản sắc riêng của Đoàn nghệ thuật quân khu 4 để rồi mỗi lần tham gia Hội diễn toàn quân, Đoàn luôn giành giải thưởng cao nhất như HCV năm 1995, năm 2005...

Ông nói rằng sau từng ấy năm cống hiến cho Đoàn, cho nghệ thuật, điều ông hãnh diện nhất là gia đình ông đã là một gia đình nghệ sỹ: bố ông nghệ sỹ Hoàng Thọ, vợ ông nghệ sỹ ưu tú Thu Hằng; hai con của ông cũng đều theo nghề bố mẹ. Vậy là cả nhà ông 3 đời làm nghệ sỹ - người lính. Và điều đáng mừng là ai, dù ở cương vị nào cũng đều phát huy, cống hiến cho nghệ thuật và sống được nhờ nghệ thuật. Đó là điều không phải ai cũng có thể làm được.

Về hưu, nhạc sỹ Hoàng Thành “bị” chấm ngay vào vai Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ An. Và là thành viên hội đồng chuyên môn nghệ thuật của tỉnh. Ông nói rằng: ước gì danh hiệu nghệ sỹ nhân dân đến với ông sớm hơn, khi ông còn là trưởng đoàn nghệ thuật quân khu 4 chắc chắn ông sẽ cống hiến nhiều hơn nữa cho đoàn nói riêng và cho nghệ thuật tỉnh nhà, nước nhà nói chung... Nhưng không sao, ông làm nghệ thuật đâu có phải vì danh hiệu mà chính những cống hiến của ông đã đưa ông đến danh hiệu đó chứ. Tuy nhiên, ở vai diễn mới này, ông vẫn tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật bằng nhiều cách khác nhau đó là cố vấn cho các chương trình của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong tỉnh, hướng dẫn cho hai con trong chuyên môn, tư vấn, tham mưu cho Hội VHNT những hướng đi mới để bảo tồn, phát huy dân ca xứ Nghệ... góp phần từng bước phát triển nghệ thuật tỉnh nhà. Ông sẽ còn cống hiến đến khi nào có thể ...

Nghệ sỹ nhân dân An Phúc "Cuộc đời là những vai diễn"

Đồng nghiệp, công chúng thường gọi ông là nghệ sỹ của nhân dân, của làng quê cũng bởi cái vẻ ngoài chân chất, thật thà của ông. Hơn nữa những vai ông đảm nhiệm cũng đều rất gần, rất thực mà người ta đang gặp ở đâu đó.

Là diễn viên chính của Nhà hát dân ca Nghệ An (nay là Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ). Nghệ sỹ nhân dân An Phúc đến với ánh đèn sân khấu như một sự tìm về. Bởi trước đó, chú ông: cố Nhạc sỹ An Thuyên - người đã chắp cánh ước mơ, hướng cho ông đi theo con đường nghệ thuật, để rồi sau đó em gái ông nghệ sỹ ưu tú Hương Giang (Đoàn nghệ thuật Tổng cục Chính trị) cũng tiếp bước theo ông vào con đường nghệ thuật. Sau này hai con gái của ông (1 ở Đoàn nghệ thuật quân khu 4) 1 đang học năm thứ 7 Nhạc viện Hà Nội ...cũng từ đam mê đó. Ông nói rằng mỗi lần cả nhà gặp nhau là cứ y như là mở hội âm nhạc. Chỉ có vợ ông - một cô giáo trường làng là làm khán giả ngồi thưởng thức với khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc.

Nghệ sỹ nhân dân Tiến Dũng
Nghệ sỹ nhân dân An Phúc.

Công chúng biết đến nghệ sỹ nhân dân An Phúc nhiều nhất đó là vai diễn về hình tượng Bác Hồ. Ngoài ra còn có các vai như Đức Vua trong "Hoàng tử Si than"; "Hoàng hậu Ba Tư"; "Chuyện tình ông vua trẻ"; "Lý Nhân Tông kế nghiệp"...Tôi nói vui: thế anh toàn đóng vai vua còn gì. Ông cười: đúng vậy, trên sân khấu anh là một ông vua oai hùng, lộng lẫy, đầy quyền lực. Thế nhưng ít ai biết được, sau khi tấm màn nhung hạ xuống, nghệ sỹ nhân dân An Phúc lại trở về với cuộc đời thực: bao nhiêu năm theo con đường nghệ thuật là bấy nhiêu năm ông "cơm niêu nước lọ" ăn tự túc, ở tập thể, một tháng đôi lần lúc thì đạp xe đạp, lúc thì bắt xe buýt về thăm vợ, thăm con ở Quỳnh Lưu.

Có được danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân ngày hôm nay, mặc dù đã về hưu, với ông đây là niềm hạnh phúc, hãnh diện. Ông nói rằng dù con đường nghệ thuật của mình vất vả thật đấy, khó khăn thật đấy nhưng là một cái kết có hậu. Bởi sau khi tấm màn nhung hạ xuống, ông có một gia đình hạnh phúc: các con thành đạt, ông có người vợ tảo tần một lòng vì chồng, tôn trọng nghề nghiệp của chồng, trân trọng những vai diễn của chồng và ông được khán giả ghi nhớ.

Thanh Thủy

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
3 nghệ sỹ Nghệ An được vinh danh Nghệ sỹ nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO