37.000 lao động nước ngoài hoạt động không phép tại Việt Nam

21/08/2012 16:03

Các chủ lao động tìm mọi cách “lách luật”, ồ ạt đưa lao động vào nước ta, trong khi việc quản lý của cơ quan chức năng “có vấn đề”.

Sáng 21/8, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại phiên họp thứ 10, Ủy ban thường vụ Quốc hội, vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đó là việc quản lý lao động là người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Thời gian gần đây, tại nước ta phát hiện hàng loạt các vụ sai phạm có liên qua đến người nước ngoài làm việc không phép tại nước ta. Đây là vấn đề gây bức xúc trong dư luận, các đại biểu cũng yêu cầu làm rõ các số liệu cũng như trách nhiệm của các Bộ có liên quan, cũng như cần thiết phải đưa ra những giải pháp cho vấn đề này.



Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ đã phân cấp cho các Sở thực hiện đăng ký cho các lao động nước ngoài theo thẩm quyền (căn cứ trên sức khỏe, nghề nghiệp phù hợp, thân nhân…), theo đó sẽ cấp phép cho lao động nước ngoài làm việc trên 3 tháng. Còn đối với trường hợp làm việc dưới 3 tháng, ngành lao động có yêu cầu người sử dụng lao động phải thông báo với Sở lao động trước 7 ngày. Thế nhưng việc thực hiện chưa nghiêm, nhiều chủ lao động “ồ ạt” đưa lao động tới Việt Nam mà không khai báo, trong khi nhiều địa phương có biểu hiện bao che, dung túng cho doanh nghiệp.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng, qua giám sát cho thấy rất nhiều địa phương không nắm được con số chính xác về lao động là người nước ngoài tại địa bàn. Ông Lợi cho biết, những con số cụ thể thì lực lượng công an phường, xã nắm rất tốt, tuy nhiên càng cấp cao hơn thì con số không được tập hợp đầy đủ và báo cáo không chính xác.

Các đại biểu nhấn mạnh, việc quản lý số lao động nước ngoài hiện nay cũng còn rất lỏng lẻo, cho nên chỉ đến khi vụ việc vở lở - như vụ chết người tại Phòng khám Maria ở Hà Nội, thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc, hay hàng ngàn lao động Trung Quốc hoạt động không phép tại Tây Nguyên.



Người Trung Quốc vẫn nuôi cá bè không phép ở Vũng Rô (Ảnh: TNO)

Ông Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, theo số liệu thống kê mà lực lượng công an có được, hiện có 78.440 người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, tăng 6% so với năm 2011, trong đó số được cấp phép lao động là 41.529 người, không thuộc diện cấp phép là 5.581 người, số chưa được cấp phép là 31.330 người (chiếm 39,9%) – số này được coi là không hợp pháp.

Số lao động này tới từ khoảng 60 quốc gia trên thế giới, trong đó các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Đài Loan chiếm khoảng 58%. Số có trình độ đại học và trên đại học chiếm 48,3%, có chứng chỉ chuyên môn và tay nghề chiếm 34,6%, nam giới chiếm 89,9%, có độ tuổi từ 30 trở lên chiếm 86%...

Việc quản lý số lao động nước ngoài tại Việt Nam thời gian qua còn nhiều bất cập. Nguyên nhân theo ông Tô Lâm, trước hết do “chạy đua” với các dự án, đặc biệt với những dự án do nước ngoài trúng thầu, do đó họ đưa lực lượng lớn người nước ngoài sang Việt Nam làm việc. Bên cạnh đó, lao động nước ngoài vào Việt Nam bằng con đường du lịch, sau đó chuyển sang làm việc không phép (số này chiếm khoảng 40%)… Hầu hết những đối tượng này đều vi phạm luật cư trú, visa…

Tuy nhiên, đối với ngành công an, việc xử lý là hết sức khó khăn. “Nếu đưa họ vào quản lý ở một trung tâm thì chúng ta không có ngân sách. Hoặc đưa họ về nước cũng gặp khó khăn về quản lý, mua vé máy bay; một số lao động không phép ở châu Phi thậm chí không có sứ quán ở Việt Nam”, ông Tô Lâm cho biết.

Theo ông Tô Lâm, để quản lý người nước ngoài nói chung, lao động không phép nói riêng, chúng ta đã ban hành, sửa đổi nhiều văn bản, tạo hành lang pháp lý cho vấn đề này. Tuy nhiên việc thực hiện chưa thực sự nghiêm chỉnh; việc phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành chưa thực sự đồng bộ, những văn bản vẫn còn nhiều sơ hở, bất cập để các đối tượng nước ngoài lợi dụng “lách luật” và các cơ quan chủ quản lúng túng.

Lý giải việc “ở cơ sở thì quản lý được, còn cấp trên thì không”, Thứ trưởng Tô Lâm cho rằng, nguyên nhân do có sự phân cấp quản lý của ngành công an theo các cấp. Do đó, lực lượng công an thời gian qua đã đấu tranh, ngăn chặn kịp thời với các đối tượng tội phạm nước ngoài tại Việt Nam, như tội phạm về an ninh mạng, các băng nhóm tội phạm, các đối tượng đang bị quốc tế truy nã thâm nhập vào Việt Nam qua con đường du lịch…

Tuy nhiên, đại biểu Lợi đã “bật” lại Thứ trưởng Bộ Công an khi cho rằng, những con số về người nước ngoài mà phía công an nắm được và báo cáo là không chính xác. Theo ông Lợi con số thực tế về lao động phổ thông, lao động không có trình độ kỹ thuật cao hơn rất nhiều.

Nguyên nhân xuất phát từ hai vấn đề, đó là “lỗ hổng” trong luật pháp khi chúng ta quy định người nước ngoài đủ 18 tuổi trở lên có thể vào Việt Nam. “18 tuổi thì làm sao tốt nghiệp đại học, có kỹ thuật cao và đáp ứng với yêu cầu công việc?”, ông Lợi lý giải. Bên cạnh đó, việc quản lý cũng “có vấn đề”, bởi điển hình như vụ việc xảy ra tại phòng khám Maria ở Hà Nội, các “bác sĩ” Trung Quốc đã “ra đi” mà chúng ta không hề biết.

Để nâng cao chất lượng quản lý lao động nước ngoài, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Bộ luật Lao động (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013)./.


Theo (vov.vn) - L.T

Mới nhất

x
37.000 lao động nước ngoài hoạt động không phép tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO