4 xu hướng điện thoại thông minh nổi bật trong năm 2023
(Baonghean.vn) - Điện thoại thông minh (smartphone) là tâm điểm trong cuộc sống số của chúng ta ngày nay. Dự báo 2023 sẽ là năm xuất hiện nhiều xu hướng nổi bật cho smartphone.
Ảnh minh hoạ. |
Thị trường smartphone toàn cầu hiện đang trải qua thời kỳ suy thoái sau đại dịch Covid-19. Báo cáo của Công ty phân tích thị trường danh tiếng toàn cầu Canalys cho thấy, số lượng smartphone xuất xưởng trong năm 2022 giảm 12% xuống còn 1,19 tỷ chiếc (thấp nhất kể từ năm 2014) và giảm 18% xuống còn 296,9 triệu chiếc trong quý 4/2022.
Trong đó, 5 nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới đều có sản lượng trong quý 4/2022 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, nhà sản xuất smartphone hàng đầu Xiaomi của Trung Quốc giảm mạnh nhất lên tới 27%, tiếp theo là Samsung của Hàn Quốc giảm 17%, hai nhà sản xuất khác của Trung Quốc là Oppo và Vivo đều giảm 16%, Apple giảm 11%.
Theo đánh giá của Canalys, nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng tăng sẽ khiến năm 2023 trở thành một năm khó khăn cho việc phục hồi thị trường smartphone. Với tình hình như vậy, các thương hiệu nhỏ phải tập trung vào việc đảm bảo lợi nhuận bằng cách tìm kiếm các cơ hội thích hợp với danh mục đầu tư hợp lý và quản lý kênh phân phối hiệu quả. Trong khi đó, các thương hiệu nổi tiếng sẽ tìm cách thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thông qua tích hợp hệ sinh thái Internet vạn vật (IoT) vào các sản phẩm smartphone cao cấp và các chiến lược quảng cáo cũng như thúc đẩy kênh phân phối hiệu quả.
Bên cạnh các cải tiến về công nghệ như tăng cường sức mạnh bộ vi xử lý, công nghệ màn hình, tích hợp công nghệ AI vào máy ảnh và tăng dung lượng pin, các nhà sản xuất sẽ cho ra đời nhiều mẫu smartphone màn hình gập và màn hình cuộn trong năm 2023.
Đặc biệt, năm 2023 có thể sẽ chứng kiến nhiều mẫu smartphone được trang bị tính năng liên lạc qua vệ tinh để nhắn tin, gọi điện cho lực lượng cứu hộ trong trường hợp khẩn cấp và không có sóng di động như bộ đôi iPhone 14 Pro và 14 Pro Max của Apple.
Sau đây là 4 xu hướng smartphone nổi bật trong năm 2023 theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ.
1. Áp dụng công nghệ 5G
Cuộc đua thương mại hóa dịch vụ 5G vẫn tiếp tục trong bối cảnh mạng 5G đang được triển khai nhanh chóng trên toàn cầu. Các chuyên gia nhận định rằng, 5G đã phát triển nhanh hơn 4G hai năm kể từ khi công nghệ này được ra mắt. 5G được coi là nền tảng của một loạt các đổi mới công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), thành phố thông minh, xe tự lái, chăm sóc sức khỏe từ xa, máy bay không người lái và Internet vạn vật (IoT)…
Mạng 5G được phân thành 2 loại, bao gồm mạng 5G dựa trên kiến trúc độc lập (5G Standalone: 5G SA) và mạng 5G dựa trên kiến trúc không độc lập (5G Non-Standalone: 5G NSA). Trong đó, mạng 5G SA sử dụng mạng truy cập vô tuyến 5G (Radio Access Network: RAN) và mạng lõi 5G dựa trên đám mây, trong khi mạng 5G NSA hỗ trợ 5G RAN dựa trên mạng lõi của mạng 4G LTE hiện có.
Số liệu của Hiệp hội các nhà cung cấp thiết bị di động toàn cầu GSA cho thấy, tính đến cuối tháng 1/2023 đã xác định được 519 nhà khai thác tại 156 quốc gia/vùng lãnh thổ đang đầu tư vào 5G, trong đó 113 nhà khai thác trên toàn thế giới đã đầu tư vào việc thử nghiệm và triển khai mạng 5G SA.
Cũng theo GSA, đến cuối tháng 1/2023 đã có 1.471 thiết bị được công bố hỗ trợ 5G SA, trong đó 1.222 thiết bị có sẵn trên thị trường. Trong số 1.222 thiết bị hỗ trợ 5G SA đã được thương mại hóa thì smartphone chiếm ưu thế với 59%, tiếp theo là thiết bị truy cập vô tuyến cố định với 14%. Từng chỉ dành riêng cho các dòng smartphone cao cấp, công nghệ 5G hiện đã có sẵn trên các dòng smartphone với mức giá dưới 500 USD.
2. Tăng cường bảo mật và quyền riêng tư
Ngày nay, smartphone là tâm điểm trong cuộc sống kỹ thuật số của hầu hết mọi người và do đó đây là thiết bị mà tội phạm mạng luôn tìm cách xâm nhập. Smartphone là nơi lưu giữ tất cả các loại dữ liệu quan trọng và thông tin đăng nhập cá nhân, khiến tính bảo mật của chính thiết bị, kết nối mà thiết bị tạo ra và ứng dụng chạy trên thiết bị trở nên cực kỳ quan trọng. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi xu hướng bảo mật và quyền riêng tư đứng đầu danh sách các xu hướng smartphone cho năm 2023.
Sử dụng xác thực đa yếu tố (Multi-factor authentication: MFA) để truy cập smartphone, sự kết hợp của mật khẩu hoặc mã PIN, thẻ thông minh hoặc khóa bảo mật phần cứng và/hoặc các tính năng bảo mật sinh trắc học, chẳng hạn như mở khoá bằng vân tay hoặc nhận dạng khuôn mặt sẽ ngày càng trở nên quan trọng để ngăn những kẻ xấu xâm nhập.
Bên cạnh đó, người dùng cũng nên xem xét để tải và cài đặt các các ứng dụng thật sự cần thiết, từ các nguồn đáng tin cậy cho smartphone để tránh các phần mềm tống tiền hoặc phần mềm độc hại.
Một điều hết sức quan trọng là luôn tải xuống bản cập nhật phần mềm mới nhất cho hệ điều hành. Các bản cập nhật phần mềm mới nhất này sẽ khắc phục các lỗ hổng bảo mật trong hệ điều hành. Vì vậy, cập nhật các bản phần mềm mới nhất là cách tốt nhất để ngăn chặn bọn tội phạm mạng khai thác các lỗ hổng bảo mật.
3. Tích hợp trí tuệ nhân tạo, học máy và phân tích dữ liệu
Khi phần cứng của smartphone ngày càng mạnh hơn, tích hợp nhiều tính năng tiên tiến hơn thì vai trò của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence: AI), học máy (Machine Learning: ML) và phân tích dữ liệu trên thiết bị ngày càng trở nên quan trọng.
Việc ứng dụng các thuật toán dựa trên AI/ML sẽ giúp giảm tải cho quá trình xử lý dữ liệu hình ảnh, giọng nói và văn bản từ khối xử lý trung tâm (Central Processing Unit: CPU) và khối xử lý đồ hoạ (Graphics Processing Unit: GPU) của smartphone, điều này sẽ làm tăng hiệu quả xử lý và kéo dài thời lượng sử dụng pin.
AI, ML và phân tích dữ liệu sẽ được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong trải nghiệm người dùng di động, bao gồm: Chatbot và trợ lý AI; cá nhân hóa và tùy chỉnh ứng dụng; tăng cường nhận dạng khuôn mặt và hội nghị truyền hình; nhận dạng giọng nói, dịch thuật và chuyển văn bản thành giọng nói; phân tích dữ liệu từ các ứng dụng sức khỏe; dịch vụ dựa trên địa điểm; phát hiện các lỗ hổng bảo mật và hoạt động đáng ngờ.
4. Ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường
Thực tế tăng cường (Augmented Reality: AR) là sự tích hợp thông tin kỹ thuật số với môi trường của người dùng trong thời gian thực. Không giống như thực tế ảo (Virtual Reality: VR), công nghệ tạo ra một môi trường hoàn toàn nhân tạo, người dùng AR trải nghiệm môi trường kỹ thuật số trong thế giới thực bằng cách phủ lên quang cảnh thực tế một số vật thể ảo do máy tính tạo ra.
Nói cách khác, AR mô tả trạng thái vật lý xung quanh con người, tuy nhiên trong không gian đó đã được chèn thêm các chi tiết ảo hóa nhờ vào smartphone, máy tính hay các thiết bị điện tử khác.
Một ví dụ điển hình về ứng dụng AR đó là tựa game Pokemon GO nổi đình đám một thời, đối với tựa game Pokemon GO người chơi sẽ quan sát và điều khiển các Pokemon trong game ngay trên màn hình điện thoại. Điểm đặc biệt là không gian xung quanh các Pokemon được lấy từ hình ảnh thực tế do camera thu được.
Trong thời gian tới, sự kết hợp giữa mức độ tương tác của người dùng và cơ hội thương mại có thể sẽ thúc đẩy việc mở rộng AR trên thiết bị di động, không chỉ có thể trải nghiệm trên smartphone mà còn trên các thiết bị đeo trên đầu chuyên dụng, chẳng hạn như kính AR.
Một cuộc khảo sát vào tháng 3 năm 2022 của ARtillery Intelligence – một công ty chuyên nghiên cứu về công nghệ VR và AR của Mỹ đã thu hút hơn 102.000 người trưởng thành ở Mỹ và nhận thấy rằng 30% đã sử dụng AR trên thiết bị di động ít nhất một lần, trong khi 54% người dùng AR trên thiết bị di động tương tác ít nhất hàng tuần và 75% ít nhất hàng tháng.
Trong tương lai, chúng ta có thể mong đợi sử dụng thiết bị di động cho nhiều trường hợp sử dụng AR ngoài việc chơi game và giải trí, bao gồm: thu thập thông tin, bao gồm cả thông tin tiếp thị, khi chúng ta di chuyển trong thế giới thực; thử quần áo và trang trí, và kiểm tra các mặt hàng bán lẻ; giáo dục và đào tạo,... AR vẫn được đánh giá là công nghệ của tương lai, là sự kế thừa tự nhiên cho máy tính cá nhân và smartphone trong thời gian tới.