45 năm thành lập đảo Ngư 10/8/1963 - 10/8/2008: Đảo nhỏ anh hùng
Năm 1963, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ vùng biển, trời của Nghệ An, Hà Tĩnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã cử một phân đội thuộc Sư đoàn 324 ra, trấn giữ Hòn Ngư, phiên hiệu là đại đội 33. Kể từ đó, giữa chiến tranh ác liệt, Hòn Ngư trở thành một pháo đài giữa biển, bắn rơi 11 máy bay các loại, 7 tàu chiến Mỹ và bắn bị thương nhiều máy bay và tàu chiến khác. Ngày 31 tháng 12 năm 1972, Đảo được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND. Luyện tập sẵn sàng chiến đấu
Đã bắt đầu mùa Thu, vậy mà cái nắng nóng và gió Lào vẫn chưa vơi bớt, Hòn Ngư hiện ra trong tầm mắt chúng tôi, gần đến mức có thể với tay là chạm vào. Tuy không quá xa bờ nhưng ở đây sóng, gió và những khắc nghiệt của thiên nhiên đã góp phần tôi luyện nên những con người vững vàng, bản lĩnh. Màu xanh của cây lá trên hòn đảo nhỏ hòa cùng sắc trời, biển xanh ngăn ngắt. Hòn Ngư với diện tích hơn 2km2, án ngữ 2 lạch (Cửa Hội và Cửa Lò), là một vị trí quân sự quan trọng. Những năm 1930 - 1931, đây là nơi mà các chiến sỹ cách mạng thường ẩn náu, che mắt địch để bàn công việc cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp Hòn Ngư là nơi địch lén lút thả biệt kích, tung vào đất liền chống phá cách mạng. Sau hoà bình lập lại, năm 1958, một bộ phận hải quân Việt Nam được lệnh ra chốt giữ, làm nhiệm vụ quan sát bảo vệ đảo, xây dựng trạm hải văn khí tượng quốc gia, dẫn đường cho tàu thuyền ra vào cửa lạch.
Đoán biết được âm mưu đế quốc Mỹ, một ngày mùa thu năm 1963, một đơn vị của Sư đoàn 324 độc lập ra làm nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu và bảo vệ đảo, lấy phiên hiệu là đại đội 33 thay thế cho bộ phận hải quân.
Tuần tra
Tròn một năm sau ngày thành lập đảo, 05/8/1964, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, với vị trí chiến lược, Hòn Ngư là mục tiêu đánh phá bằng không quân, hải quân của chúng Đảo đã gồng mình hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn đủ loại. Với tinh thần, ý chí chiến đấu kiên cường dũng cảm của cán bộ chiến sỹ, không rời trận địa, không sợ hy sinh chống trả tới cùng. Qua chặng đường chiến đấu chống giặc Mỹ với thành tích bắn rơi 11 máy bay, 7 tàu chiến Mỹ, bắn bị thương nhiều máy bay, tàu chiến khác, ngày 31/12/1972 đảo được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT. Năm tháng qua đi, thành tích của đảo cứ dày thêm với 3 Huân chương chiến công hạng Nhất, 1 Huân chương quân công, 1 cờ đánh thắng giặc Mỹ của Hồ Chủ tịch tặng, 1 cờ thưởng của TW Đoàn, 25 năm liền đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng, hàng trăm cán bộ chiến sỹ được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua...
Tàu cập cầu cảng, trước mắt chúng tôi là một màu xanh ngút ngàn của rừng cây, tràn ngập tiếng chim hót líu lo. Chúng tôi thắp hương ở chùa Hòn Ngư linh thiêng và cổ kính. Lịch sử kể lại rằng, để giữ an lành cho những chuyến đi biển của các nhà buôn và ngư dân trên tuyến đường thuỷ buôn bán xuyên Bắc Trung Nam, điểm nối 2 cửa lạch lớn (Cửa Lò - Cửa Hội), nhân dân vùng quanh đây đã lập nên một ngôi chùa phía Tây Hòn Ngư để thờ Phật Thích ca Quan âm và Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn. Trong thời kỳ chiến tranh chống ngoại xâm, chùa bị san phẳng chỉ còn lại nền chùa cổ. Trải qua biết bao năm tháng, để nối lại sợi dây giữa tiền nhân và hậu thế, phục vụ nhu cầu văn hoá tâm linh của địa phương và du khách, UBND tỉnh Nghệ An được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Văn hoá Thông tin đã chính thức phê duyệt dự án phục dựng chùa Hòn Ngư với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ đồng.
Tăng gia sản xuất
Vượt gần 200 bậc đá dốc dựng đứng đến chùn chân, tới Sở chỉ huy của đảo, vừa được xây mới, khang trạng và đẹp hơn. Men theo eo núi, trên con đường đổ bê tông, trung tá Vương Kiếm Cường - Đảo trưởng Hòn Ngư đưa chúng tôi lên thăm cán bộ, chiến sĩ trực chiến ở trận địa phòng không 12.7 ly, giữa cái nắng chói chang và gió biển mặn mòi. Các chiến sỹ trẻ luyện tập thuần thục một tình huống bắn mục tiêu ba từ hướng X. Gió mạnh hắt từng đám bụi tràn qua công sự nhưng không kịp làm khô những giọt mồ hôi trên khuôn mặt của cả khẩu đội phòng không. Anh Cường cho biết: "Hàng năm đơn vị tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh lệnh huấn luyện cho chiến sỹ theo phương châm "Cơ bản thiết thực vững chắc", nêu cao tinh thần thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với tình hình của đơn vị, bảo quản vũ khí trang bị với phương châm giữ tốt dùng bền, an toàn hiệu quả, nêu cao tinh thần cảnh giác thực hiện tốt các chế độ tuần tra canh gác đảm bảo an toàn trên đảo.
Hàng năm kết quả kiểm tra huấn luyện 100% đạt yêu cầu trong đó 80-85% khá giỏi, luôn kết hợp huấn luyện quân sự và giáo dục chính trị, rèn luyện kỷ luật xây dựng chính quy, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh".
Đại úy Nguyễn Ngọc Hùng - chính trị viên đảo cho biết "Chi bộ thường đưa ra nghị quyết hàng tháng, quý kịp thời, sát với điều kiện thực tế của đơn vị, thường xuyên quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ thị hướng dẫn về hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, thực hiện nghiêm nội dung học tập chính trị theo đúng nội dung chương trình kế hoạch đề ra, kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu, trong đó 83% đạt khá, giỏi, mua sắm trang thiết bị như sách báo, đài radio, truyền hình đảm bảo đời sống tinh thần cho bộ đội. Thường xuyên tổ chức phát động thi đua lập thành tích trong huấn luyện chào mừng các ngày lễ lớn bằng các hoạt động giao lưu văn nghệ, thi đấu bóng chuyền... nhằm động viên nêu cao tính tự giác học tập và công tác của cán bộ chiến sỹ trong đơn vị. Hàng năm chi bộ kết nạp từ 5 đến 10 đảng viên mới. 6 tháng đầu năm 2008, chi bộ cử 10 đồng chí đi học cảm tình đảng, đề nghị kết nạp Đảng cho 3 đồng chí..".
Ngoài ra, đảo thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm ngư tỉnh bắt giữ hàng trăm vụ dùng mìn xung điện đánh bắt cá trái phép, huỷ hoại môi trường biển giao nộp cho cơ quan chức năng, và là chỗ dựa cho ngư dân những vùng lân cận như Diễn Châu, Quỳnh Lưu...
Những năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư của trên cộng với công sức bộ đội, đảo xây dựng được 3,5 km đường bê tông, hệ thống nhà bếp cho các trung đội, làm mới một số sân chơi thể thao. Năm 2002, lính đảo cùng với sinh viên tình nguyện Đại học Vinh xây dựng mới Đài tưởng niệm liệt sĩ. Để xây dựng công trình, mọi người đã không quản ngày đêm, khó khăn vất vả. Công trình dự kiến hoàn thành trong 2 tháng, song, chỉ 18 ngày là xong!
Hòn Ngư, một hòn đảo gần bờ, song 45 năm qua, chưa khi nào cán bộ, chiến sĩ đảo rời tay súng. Những lớp lính đảo đầu tiên nay đã già, về thăm lại hòn đảo yêu thương nơi mình đã một thời tuổi trẻ, một thời chiến đấu rưng rưng xúc động. Họ sờ tay lên những bờ hào công sự, họ đến thăm mảnh vườn tăng gia rau xanh ngăn ngắt. Và họ đứng lặng dưới chân Đài tưởng niệm liệt sĩ, giữa bời bời gió biển...
Trần Hoài- Từ Thành