450 HS trung học ưu tú phía Bắc nhận học bổng Vallet
Sáng 25/8, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), Tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” tổ chức Lễ trao Học bổng Vallet cho học sinh ưu tú của các trường THPT khu vực phía Bắc. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT TS.Nguyễn Vinh Hiển dự, phát biểu và cùng trao học bổng cho học sinh.
Cùng dự và trao học bổng có: GS Odon Vallet - ĐH Paris, GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch “Hội Gặp gỡ Việt Nam”, GS Lê Kim Ngọc - Chủ tịch “Hội giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp”.
Tại buổi lễ, Tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” đã trao 450 suất học bổng Vallet cho học sinh ưu tú của 58 trường THPT, 5 trường SOS khu vực phía Bắc. Mỗi suất học bổng trị giá 7,5 triệu đồng. Năm nay, Quỹ học bổng “Gặp gỡ Việt Nam và Vallet” đã trao 2.188 suất học bổng cho HSSV, HV ưu tú, xuất sắc cho các trường ĐH, THPT, các trường SOS trên cả nước.
GS Trần Thanh Vân và GS Odon Vallet trao Giấy chứng nhận và Học bổng Vallet cho các HS đoạt các giải Olympic khu vực và Quốc tế
Trong số này bao gồm cả những học sinh trung học đã từng đoạt các Huy chương Vàng, Bạc, Đồng tại các kì Olympic khu vực và quốc tế, các thủ khoa đầu vào của các trường ĐH trong kì thi tuyển sinh năm 2013.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chúc mừng các Giáo sư: Odon Vallet, Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trao tặng Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp Giáo dục”. Đây là phần thưởng cao quý nhất của ngành GD&ĐT Việt Nam dành cho các cá nhân và tập thể trong và ngoài nước có những đóng góp thiết thực, to lớn cho ngành giáo dục Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, các Giáo sư trong “Hội gặp gỡ Việt Nam” đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp Giáo dục; Hội cùng các thành viên là các Giáo sư luôn có những hoạt động đa dạng, thiết thực nhằm giảm bớt khó khăn cho ngành Giáo dục, cho các HSSV...
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ sự cảm động trước tấm lòng của các Giáo sư, mặc dù tuổi đã cao, bận nhiều việc lớn nhưng vẫn dành thời gian cho các hoạt động giáo dục vì thế hệ trẻ Việt Nam.
Thứ trưởng khẳng định: GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc - những người đầu tiên có công rất lớn đưa PPDH “Bằn tay nặn bột” về Việt Nam từ những năm 2000. Đây là PPDH của các môn khoa học dựa trên cơ sở tìm tòi, khám phá của chính các em học sinh. Đây là phương pháp tích cực, không thụ động, truyền thụ một chiều. Việt Nam đã triển khai rất thành công PPDH này và sẽ được phổ biến, nhân rộng tại các trường phổ thông trên cả nước.
Đồng thời với việc đưa PPDH “Bàn tay nặn bột” áp dụng vào giảng dạy ở Tiểu học và THCS, ở cấp THPT Bộ GD&ĐT đã tổ chức cho học sinh nghiên cứu khoa học. Kết quả ban đầu cho thấy trong 2 năm qua, lần đầu tiên Việt Nam đạt giải cao tại Kì thi Khoa học và kỹ thuật dành cho học sinh Trung học tổ chức tại Hoa Kỳ. Hiện nay, các trường THPT cả nước đã rất tích cực triển khai hoạt động này.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh HIển tin tưởng với sự giúp đỡ về phương pháp, vật chất và tình cảm từ các nhà khoa học, các giáo sư đầu ngành, Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều học sinh giỏi, đạt được thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học phục vụ cho đất nước, phục vụ cho khoa học trên thế giới.
Thực tế đã có nhiều học sinh từng nhận học bổng danh dự Odon Vallet đã có những cống hiến xuất sắc, nhiều em đã quay trở về phục vụ đất nước, nhiều em đang tham gia hoạt động trong “Hội gặp gỡ Việt Nam”, đồng hành cùng các Giáo sư giúp đỡ trẻ em, HSSV Việt Nam.
1. Năm 1993, GS Trần Thanh Vân tổ chức cuộc “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ Nhất, thu hút hàng trăm nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, trong đó có GS J.Steinberger, nhà bác học Mỹ đoạt giải Nobel. Từ năm 1995 đến 2012, nhiều nhà bác học đã từng đoạt giải Nobel đã hội tụ tại các cuộc “Gặp gỡ Việt Nam”. Tổ chức này đã trao nhiều học bổng cho HSSV và cả các nhà nghiên cứu trẻ. Cảm kích trước ý nghĩa khuyến học của “Gặp gỡ Việt Nam”, GS Odon Vallet đã tình nguyện tham gia chương trình học bổng trong khuôn khổ các hoạt động của tổ chức này. 2. Học bổng danh dự Vallet là tên của dòng họ Vallet mà GS Odon Vallet là người đại diện hiện nay. Ông là Tiến sĩ Khoa học ngành Luật học; đồng thời là Giáo sư Lịch sử Tôn giáo ĐH Sorbonne. Được thừa hưởng tài sản của người cha - Jean Vallet - trị giá 100 triệu Euro, Odon Vallet đã làm theo tâm nguyện của cha: Yêu thương, giúp đỡ những người nghèo khó. Ông đã gửi toàn bộ tài sản được thừa hưởng vào nhà băng để lấy lãi hàng năm dành tặng học bổng cho HSSV, HV học giỏi tại Việt Nam và Pháp. Tại Việt Nam, nhiều học sinh giỏi là con em nông dân nghèo tạo các vùng sâu, vùng xa thuộc đồng bằng Sông Cửu Long, miền núi phía Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên đã vinh dự được nhận học bổng Vallet. 3. Năm nay là năm thứ 13 học bổng Vallet dành tặng cho HSSV Việt Nam với số lượng ngày càng tăng lên theo từng năm. Từ 800 suất năm 2001 tăng lên 2.250 suất trong năm 2012. Với tổng trị giá từ năm 2001 đến nay lên đến trên 80 tỷ đồng. |
Theo GD&TĐ-LH