5 cây thị cổ ở Nghi Thịnh cần được bảo tồn
Gần đây một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin ở Nghi Thịnh - Nghi Lộc có 5 cây thị cổ thụ già nhất Việt Nam. Để làm rõ thực hư, chúng tôi về xóm 2, xã Nghi Thịnh nơi vẫn còn sừng sững 5 cây thị cổ. Anh Lê Văn Hồng (con trai ông Lê Minh Thưởng) bên cây thị cổ
Quả là có 5 cây thị cổ thụđược trồng theo hình chòm sao Bắc Đẩu nằm gọn trong khuôn viên nhà thờ họ Lê Văn do ông Lê Minh Thưởng 69 tuổi, tộc trưởng đời thứ 17 dòng họ Lê Văn chăm sóc, coi giữ. Theo gia phả của dòng họ Lê Văn thì khoảng thế kỷ thứ 17 dưới triều đại của Vua Quang Trung, dòng họ này có một vị tướng là Lê Văn Hoan.Ông có công trấn giữ vùng duyên hải Bắc Trung Bộ. Trong một lần đến khu vực này, giữa những bãi đất cát trắng xoá ven biển lại có 5 cây thị cổ thụ xanh tốt sum suê, quả trĩu cành toả mùi thơm ngào ngạt, ông cho rằng, nếu 5 gốc thị này do con người trồng thì đây là bậc cao nhân tại thế còn nếu do mọc tự nhiên thì cũng là vùng đất lành, có thể truyền nối dòng tộc lâu dài.
Thế là ông đưa con cháu dòng họ Lê Văn từ xã Nghi Kiều về định cư ở đây. Để có mốc sở hữu đất đai cho dòng họ, ông cho đào 4 cái giếng: phía Bắc là giếng ông Bồng, phía Nam là giếng ông Huyện, phía Đông là giếng ông Sư và phía Tây là giếng ông Nhuyện. Nửa cuối thế kỷ 17, ông được lệnh vua Quang Trung từ Phú Xuân tiến quân ra Bắc đánh giặc. Khi qua vùng đất quê nhà, ông đã đóng đại bản doanh ở đây và những cây thị cổ thụ là nơi buộc giữ đàn voi chiến. Sau đó cánh quân của ông và đại quân của vua Quang Trung đã đánh tan giặc Thanh. Nhờ lập công cho đất nước, ông đã được nhà vua phong Đại Nguyên soái Lê Quý Công.
Theo lời kể của anh Lê Văn Hồng, con trai ông Lê Minh Thưởng, hiện đang công tác tại Trạm Y tế xã Nghi Thịnh thì trong những năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ vườn 5 cây thị như là một an toàn khu che chở cho bộ đội ta dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Thật ngạc nhiên nhà thờ họ Lê Văn đã bị bom đạn làm cháy, nhưng 5 cây thị vẫn sững sững, xanh tốt. Ông Lê Minh Thưởng cũng cho biết, đã có nhiều cơ quan chuyên ngành đến tìm hiểu nhưng vẫn chưa thể giải thích rõ ràng hoặc có biện pháp để bảo tồn. Tuy nhiên, hiện nay 2 trong 5 cây đã có dấu hiệu bị mục ruỗng, lại bị mối đất tấn công. Đã đến lúc ngành Văn hoá và Bảo tàng cùng các cơ quan chức năng cần phải xác minh cụ thể về niên đại và có giải pháp bảo tồn vườn thị 5 cây có một không hai này.
Bài và ảnh: Hữu Nghĩa