5 lời khuyên dành cho tân sinh viên của một du học sinh Mỹ

06/07/2016 15:03

Bài viết là những lời chia sẻ chân thành của Nguyễn Siêu, sinh viên Đại học Vassar khóa 2017, Trưởng Ban Truyền thông của tổ chức VietAbroader.

Dưới đây là trích đoạn bức thư của Nguyễn Siêu:

Gửi các tân sinh viên đại học Mỹ khoá 2020!

Du học là những hào hứng, những cơ hội, nhưng du học cũng là một chuyến đi dài, mà những bỡ ngỡ vào tháng 8 sắp tới chỉ là cánh cửa đầu tiên. Chặng đường năm nhất ắt sẽ ghập ghềnh, và để giúp các em chuẩn bị tâm lý cho những cú sốc đó, anh muốn gửi gắm 5 lời khuyên dưới đây:

1. Đừng yêu ai trong 5 tháng đầu

Vì một bộ phận giới trẻ Việt Nam luôn tôn sùng vẻ đẹp ngoại quốc, mơ mộng tới những chàng trai Tây “tóc vàng - mắt xanh - thân hình sáu múi”, khi mới vào trường, các em sẽ dễ trúng tiếng sét ái tình ngay khi đụng phải hàng tá những anh chàng như vậy.

Trong những tuần đầu tiên, các em cũng dễ “phải lòng” một người bạn Mỹ hoặc một người bạn quốc tế của mình đơn giản vì sự mới lạ, vì khuôn mặt, vóc dáng của họ thật khác biệt với vẻ đẹp thuần Việt mà mình đã quen.

5 loi khuyen cua du hoc sinh My gui tan sinh vien hinh anh 1
Nguyễn Siêu - sinh viên năm cuối Đại học Vassar (Mỹ).

Lời khuyên ngắn gọn của anh dành cho các em là: Đừng yêu. 5 tháng đầu là 5 tháng bỡ ngỡ, làm quen, là 5 tháng các sinh viên năm nhất tản ra trò chuyện với tất cả các bạn đồng môn để tìm hiểu nhau, xem ai mới là người thích hợp để làm bạn lâu dài.

Vì thế, đây phải là quãng thời gian các em kết bạn thật nhiều thay vì tập trung vào việc yêu một ai đó. Giai đoạn này cũng giống như khi những chú gà con mới chui ra khỏi vỏ trứng sẽ đi tìm mẹ, tìm đàn và tìm hơi ấm đầu tiên.

Nếu ngay lập tức đi theo “tiếng gọi của con tim,” sang tới học kỳ 2, các em sẽ thấy lạc lõng khi bạn bè xung quanh đã có nhóm hết, mà mình chỉ có một mối tình chẳng biết có được thêm vài ngày hay không. Rồi tới khi chia tay, thì hãy khóc một mình.

2. Đừng mong bạn cùng phòng sẽ trở thành cạ cứng

Phim ảnh thường lãng mạn hoá thực tế. Nhiều sinh viên năm nhất tới trường đại học kỳ vọng rằng bạn cùng phòng của mình sẽ trở thành bạn tri kỷ. Rất chia buồn với các em, nhưng anh nghĩ đừng đặt quá nhiều hy vọng nữa, vì đa phần là không phải vậy.

Dành thời gian đi chơi hay làm việc nhóm cùng bạn bè như ở Việt Nam là một chuyện, nhưng sống chung trong một phòng thì là câu chuyện hoàn toàn khác. Sống chung là nhìn thấy nhau nhiều hơn; thực tế là nhìn thấy nhau khi ngủ, khi dậy, khi học, khi ăn, khi đi đánh răng, khi tập thể dục.

Khi hai cá thể phải tiếp xúc với nhau nhiều như vậy, rất dễ để người này nhìn thấy hết tật xấu của người kia. Một người ngáy quá to thì người còn lại không ngủ được.

Một người là “cú đêm” thì sẽ gây phiền hà cho thời gian biểu của người ngủ sớm. Một người bày bừa thì sẽ làm khó chịu một người ngăn nắp. Một vận động viên ưa lạnh thì sẽ giằng co nút chỉnh máy sưởi với một sinh viên Việt Nam đến từ miền nhiệt đới.

Sinh viên ở Mỹ vẫn rỉ tai nhau rằng: “Đừng bao giờ sống chung với bạn thân, kẻo sẽ đánh mất tình bạn”. Sống chung rất phức tạp, và để trở thành tri kỷ với bạn cùng phòng sẽ cần khá nhiều may mắn.

3. Đừng cầu toàn việc nói "chuẩn" tiếng Anh

Rất nhiều sinh viên Việt Nam khi sang đại học Mỹ cảm thấy áp lực với kỹ năng giao tiếp của mình. Các em hay sợ rằng mình nói tiếng Anh không giống người Mỹ, không uốn lưỡi đủ khéo, không lên giọng đủ cao, không chuyển âm được nhịp nhàng.

Đây là một nỗi lo chính đáng, vì giao tiếp là chìa khoá của các mối quan hệ, và nếu hai bên không rõ ý của nhau sẽ gây ra những nhầm lẫn không hay. Tuy nhiên, các em chỉ cần đảm bảo sao cho người nói và người nghe có thể hiểu nhau, chứ không cần phải cầu toàn để nói như người Mỹ. Tại sao?

Vì các em không phải người Mỹ. Các em có mặt ở trường là một sinh viên Việt Nam tại đại học Mỹ, chứ không phải một sinh viên Mỹ. Mỹ là đất nước của sự đa dạng, đa sắc tộc, và nhiều người Mỹ cũng mang nhiều “accent” khác nhau chứ chẳng phải không.

“Vietnamese accent” của các em cũng sẽ góp phần vào bức tranh đa dạng ấy, và nhiều bạn Mỹ đã nói với anh họ thấy “Vietnamese accent” nghe rất đáng yêu.

5 loi khuyen cua du hoc sinh My gui tan sinh vien hinh anh 2
Nguyễn Siêu tham gia một lớp học nhảy ở trường.

4. Xem thật nhiều series truyền hình Mỹ

Sinh viên Mỹ rất thích bàn luận về các series truyền hình: từ việc bàn luận hôm qua ai chết, ai cưới ai, tới việc sử dụng những nhân vật, cảnh phim kinh điểm để ví von, so sánh, ẩn dụ cho những chuyện khác. Trong một cuộc nói chuyện, nếu ai đó ẩn ý tới một chi tiết của một bộ phim nào đó, rồi tất cả cùng phá lên cười trừ các em, thì các em sẽ thấy bị lạc lõng ngay.

Phim ảnh là một phần văn hoá, và văn hoá là gốc rễ chung để các sinh viên Mỹ trò chuyện cởi mở với nhau. Xem phim cũng là cách để sinh viên Việt Nam học về văn hoá nước bạn, để hiểu về con người nơi đây.

5. Cẩn trọng trong việc "yêu"

Ở đại học Mỹ có một nền văn hoá gọi là “hookup culture,” nôm na ra là việc “yêu” không ràng buộc, dựa trên nhu cầu chứ không nhất thiết phải là tình cảm. Các em có thể sẽ rất sốc vì ở Việt Nam, chuyện này được coi là thiêng liêng và kín đáo bao nhiêu, thì ở đại học Mỹ, các bạn sẽ cởi mở và dễ dãi bấy nhiêu.

Đây là một phần của nền văn hoá trẻ, vì nhiều bạn Mỹ quan niệm, tuổi đôi mươi là để trải nghiệm cuộc sống, mà trải nghiệm tức là “thử” thật nhiều, là không ràng buộc mình với ai và cái gì, là để mình có thể hoàn toàn tự do khám phá.

Vì vậy, đừng ngạc nhiên nếu các em có gặp và say đắm với một chàng trai trong ngày hôm trước, thì ngay hai ngày sau đã kịp trở thành người dưng. Văn hoá này không phải tiêu cực, mà nó dựa trên đánh giá và mức độ phù hợp của từng cá nhân. Vì nó khá khác biệt so với Việt Nam, các em cần chuẩn bị trước để có thể cẩn trọng, và chọn cho mình lối sống mà mình thấy thoải mái, an toàn nhất.

Điều mấu chốt là, các em phải luôn nhớ, mình là người Việt Nam trên đất Mỹ, nên phải làm thế nào để hoà nhập với các bạn sinh viên Mỹ và quốc tế, làm thế nào để tiếp thu được cái hay của văn hoá Mỹ nhưng biết tránh cái dở, và đồng thời luôn giữ được gốc gác Việt Nam trong mình.

Theo Vietnamnet

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
5 lời khuyên dành cho tân sinh viên của một du học sinh Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO