5G sẽ tạo ra sự khác biệt thực sự trong những lĩnh vực nào?

Phan Văn Hoà 17/09/2022 22:09

(Baonghean.vn) - Việc công nghệ 5G đang được triển khai rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới sẽ tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau theo nhiều cách khác nhau, trong đó ô tô, chăm sóc sức khỏe, vũ trụ ảo (Metaverse) và giáo dục là những lĩnh vực có tác động lớn nhất khi ứng dụng công nghệ mới 5G.

Công nghệ 5G được triển khai thương mại đầu tiên tại Hàn Quốc vào tháng 4 năm 2019. Sau hơn 3 năm kể từ khi mạng 5G đầu tiên chính thức đi vào hoạt động và cung cấp các dịch vụ mới cho khách hàng, số mạng 5G trên thế giới đã tăng lên nhanh chóng.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA), tính đến cuối tháng 8 năm 2022, trên toàn cầu đã có 501 nhà khai thác di động tại 153 quốc gia/vùng lãnh thổ đã và đang đầu tư vào mạng 5G dưới hình thức thử nghiệm hoặc đang triển khai hoặc đã triển khai trên thực tế. Trong đó, có 225 nhà khai thác di động tại 89 quốc gia/vùng lãnh thổ đã triển khai thương mại dịch vụ 5G.

Ảnh minh hoạ.

Với sự phát triển mạnh mẽ của các mạng 5G trên thế giới, 4 lĩnh vực sau đây được cho là sẽ tạo ra sự khác biệt lớn khi áp dụng công nghệ mới 5G.

Lĩnh vực ô tô

Hiện nay trên nhiều phương tiện ô tô đã có các tính năng an toàn như hệ thống cảnh báo người và phương tiện cắt ngang, cảnh báo va chạm và phanh khẩn cấp tự động, tuy nhiên những tính năng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Các hãng sản xuất ô tô nhận ra một xu hướng xe kết nối đang phát triển rất nhanh chóng, và đây cũng là một cơ hội lớn để họ tiếp tục chinh phục được những vị khách đang ngày càng đòi hỏi nhiều hơn, muốn chiếc xe của họ được kết nối với thế giới Internet rộng lớn. Ngành công nghiệp ô tô thế giới đang chuyển mình trong thời đại mà tốc độ kết nối là yếu tố quan trọng. Với nền tảng kết nối 5G, các hãng sản xuất sẽ có thể tự tin hơn để đi nhanh hơn trên con đường tiến tới xe tự hành hoàn toàn.

Năm ngoái, nhà sản xuất ô tô Honda và nhà khai thác di động Verizon của Mỹ đã công bố kế hoạch sử dụng kết nối 5G trong các phương tiện trong tương lai theo dự án Safe Swarm của Honda. Ý tưởng của dự án ​​này là cho phép các phương tiện giao tiếp với người đi đường hoặc các thiết bị khác (như camera hoặc đèn giao thông) và chia sẻ thông tin quan trọng như vị trí, tốc độ và dữ liệu cảm biến xe. Với những thông tin này, người lái xe hoặc hệ thống lái xe tự động có thể đưa ra các phương án xử lý an toàn nhất trong khi di chuyển hoặc tránh các nguy hiểm tiềm tàng trên đường.

Hai công ty cho biết, việc sử dụng kết nối 5G kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp cho việc xử lý dữ liệu một cách nhanh chóng, từ đó đưa ra các quyết định chính xác và tức thời. Nếu mọi chiếc xe đều được trang bị loại công nghệ mới này kết hợp với kết nối 5G, nó sẽ giúp tăng cường độ an toàn khi di chuyển, kịp thời đưa ra các cảnh báo cho người lái xe về các phương tiện đang đến gần hoặc cảnh báo phương tiện đang vượt đèn đỏ tại giao lộ.

Các nhà sản xuất ô tô khác như Porsche, General Motors và Toyota cũng đang đặt cược vào công nghệ 5G trong các mẫu xe tương lai. Công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Gartner (Mỹ) đã đưa ra dự đoán rằng, tỷ lệ ô tô được kết nối 5G chủ động kết nối với dịch vụ 5G sẽ tăng lên 74% vào năm 2023 và đạt 94% vào năm 2028.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

Là thế hệ tiếp theo của công nghệ mạng di động, 5G hứa hẹn sẽ cách mạng hóa ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trong ứng dụng chẩn đoán từ xa và phẩu thuật từ xa. Với 5G, các cơ sở y tế sẽ cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà như kết nối video tốt hơn giữa người chăm sóc và người bệnh qua mạng di động 5G và thông tin được bảo mật.

Ngoài ra, 5G sẽ cho phép một loạt thiết bị đeo theo dõi tình trạng sức khoẻ từ xa khác được kỳ vọng sẽ là chìa khóa để chăm sóc sức khỏe tại nhà trở thành một lựa chọn điều trị và phục hồi mang tính khả thi cao. Với độ trễ thấp của dịch vụ 5G sẽ cho phép điều dưỡng và bác sĩ theo dõi bệnh nhân theo thời gian thực.

Sheetal Chawla, Phó Chủ tịch của Công ty tư vấn công nghệ Capgemini Americas cho rằng, nhờ những tiến bộ trong 5G, bệnh nhân có thể nhận được đơn thuốc được mã hóa kỹ thuật số từ bác sĩ của họ mà không phải rời khỏi nhà. Và 5G cũng đã mở ra cánh cửa cho các bác sĩ và chuyên gia y tế tiếp cận bệnh nhân từ xa, đặc biệt là những người sống ở các vùng nông thôn, nơi mà bệnh nhân sẽ không thể tiếp cận các kiến ​​thức chuyên môn cần thiết để giúp điều trị bệnh của họ nếu không có kết nối 5G.

Với kết nối 5G tốc độ cao, độ trễ cực thấp, đảm bảo các hoạt động gần như theo thời gian thực sẽ giúp cho các bác sĩ thực hiện các cuộc phẫu thuật, hội chẩn từ xa một cách hiệu quả. Qua đó giúp cho bệnh nhân dễ dàng tiếp cận được với đội ngũ bác sĩ giỏi với chi phí hợp lý hơn.

Lĩnh vực vũ trụ ảo (Metaverse)

Vũ trụ ảo là một khái niệm tương đối mới, được sử dụng để mô tả sự kết hợp giữa thế giới thực tế ảo (VR: Virtual Reality) và thực tế hỗn hợp (MR: Mixed Reality) được truy cập thông qua trình duyệt hoặc tai nghe, cho phép mọi người có những tương tác và trải nghiệm thời gian thực, có khả năng mở ra không gian tương tác đa chiều và xóa bỏ khoảng cách giữa chúng ta.

Các công ty công nghệ lớn như Meta (trước đây là Facebook) đang đề xuất Metaverse như một nơi mọi người hầu như tương tác với nhau bằng các thiết bị VR và thực tế tăng cường (AR: Augmented Reality). Để truy cập metaverse với các thiết bị này, 5G sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong đó, để kết nối với metaverse thời gian thực chúng ta sẽ cần kết nối dữ liệu di động tốc độ cao 5G để tận hưởng các trải nghiệm metaverse phong phú và thực tế hơn.

Lĩnh vực giáo dục

Với việc áp dụng 5G vào trong lĩnh vực giáo dục sẽ giúp cải thiện sự tương tác giữa giáo viên và người học và sự cộng tác giữa các đồng nghiệp. Chẳng hạn, với 5G, các nền tảng hội nghị truyền hình sẽ được cải thiện về chất lượng và độ tin cậy trên toàn cầu. Giáo viên sẽ tiết kiệm thời gian bằng cách không phải giải quyết sự chậm trễ trong kết nối hoặc ngắt kết nối âm thanh và video và thay vào đó, tập trung vào người học. Học sinh sẽ có thể tải xuống video và tài liệu học tập nhanh hơn. Ngoài ra, vì 5G cho phép nhiều dữ liệu được truyền hơn, giao tiếp giữa các đồng nghiệp cho các dự án nhóm sẽ diễn ra nhanh hơn và ít bị trễ hơn, gần như thể mọi người ở khắp các khu vực địa lý đang ngồi trong cùng một phòng học.

Một ví dụ điển hình về trải nghiệm học tập thông qua kết nối 5G được thực hiện với sự hợp tác của Trung tâm Đổi mới sáng tạo 5G tại Đại học Bang Arizona (Mỹ) và nhà khai thác di động Verizon đã cung cấp một cách học tập độc đáo cho sinh viên mà trước đây không thể thực hiện được.

Theo đó, Trung tâm đổi mới sáng tạo 5G đã sử dụng tai nghe VR và AR được kết nối với mạng 5G của nhà mạng Verizon và chương trình Dreamscape Learn, giúp cho sinh viên có thể trải nghiệm những khóa học như đào tạo phi công máy bay chiến đấu ảo, trải nghiệm cuộc sống của một số nghề nghiệp nhất định hoặc được hòa mình vào một thế giới nhập vai để nghiên cứu các loài sinh vật thay vì phải ràng buộc vào giới hạn của một phòng thí nghiệm sinh học thông thường.

Maggie Hallbach, Phó Chủ tịch phát triển kinh doanh và bán hàng của nhà mạng Verizon cho rằng, công nghệ thực tế ảo kết hợp với kết nối 5G đã làm thay đổi hoàn toàn cách sinh viên tiếp cận với nội dung học tập, giúp họ có cảm nhận tốt hơn về thế giới.

Tài liệu tham khảo

[1]. https://www.zdnet.com/article/5g-four-ways-it-could-make-a-real-difference/

[2]. GSA: NTS Database Snapshot - LTE and 5G Market Statistics

[3].https://www.forbes.com/sites/deborahlovich/2022/05/11/what-is-the-metaverse-and-why-should-you-care/?sh=1740a79d2704

[4]. https://blogs.worldbank.org/digital-development/how-can-5g-make-difference-education

Mới nhất

x
5G sẽ tạo ra sự khác biệt thực sự trong những lĩnh vực nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO