6 chữ C của giáo sư đoạt giải Nobel Y học và Sinh lý học 2018
PGS. Trần Huy Thịnh kể lại rằng, ở lab của giáo sư Honjo ai cũng biết đến 6 chữ “C”, đó là “curiousity” - tò mò; “courage” - can đảm; “continuation” - tiếp tục; “confidence” - tự tin; “concentration” - tập trung; “challenge” - thách thức.
Người thầy đáng kính
PGS. Trần Huy Thịnh và TS. Lê Thị Hường là hai trong số bốn học trò Việt của GS. Tasuku Honjo - người vừa được trao giải thưởng Nobel Y học và Sinh lý học 2018. Với họ, kết quả này không quá bất ngờ bởi nhiều năm về trước, ông đã được cho là ứng cử viên sáng giá của giải thưởng Nobel.
Khi có cơ hội làm việc tại phòng lab của thầy Honjo trong suốt hơn 6 năm, TS. Lê Thị Hường ấn tượng mãi về một người thầy ân cần, dù kiệm lời nhưng luôn quan tâm tới học trò.
“Riêng lab thầy Honjo luôn có một cái bảng tên của học viên. Bảng tên này có hai mặt, mặt đỏ tức học viên chưa đến lớp, mặt đen tức đã đến rồi. Lần nào đến tôi cũng thấy tấm thẻ của thầy ở mặt đen. Thầy không cần nói nhiều, cũng không nhắc nhở chuyện đến muộn đến sớm. Nhưng chỉ cần nhìn vào bảng tên chúng tôi đã rất… sợ và tự ý thức được” - TS. Lê Thị Hường kể |
Tại phòng lab của thầy, vào mỗi buổi sáng thứ 2 hàng tuần mọi người phải báo cáo về vấn đề mình đang làm. Giữa tuần cũng sẽ có một buổi để từng người trình bày vấn đề đang nghiên cứu. Đến thứ 7, các lab khác có thể được nghỉ nhưng riêng lab của thầy Honjo vẫn tiếp tục làm việc.
Học viên tại đây sẽ trình bày những chủ đề liên quan đến nội dung mình đang nghiên cứu hoặc cảm thấy thú vị hay cập nhật những nội dung kiến thức chuyên ngành để tất cả mọi người cùng thảo luận.
“Chính vì tuần nào cũng phải đưa ra một kết quả mới nên chúng tôi luôn chạy đua với thời gian. Bạn cảm tưởng nó giống như thể một vòng quay không có điểm dừng, hôm nay thành công rồi thì ngày mai lại tiếp tục tìm hướng đi mới”.
“Tuy nhiên, dù có thể không ra kết quả nhưng thầy Honjo không bao giờ mắng trò”.
TS. Lê Thị Hường. |
Bản thân chị cũng không ít lần rơi vào bế tắc đến chảy nước mắt vì không tìm ra hướng đi.
“Tôi sợ nhất cảm giác nuôi chuột cả năm trời, mình có thể biến đổi gen một con chuột thành kiểu hình mình mong muốn, nhưng khi đưa ra thí nghiệm lại không thấy biểu hiện gì. Khi đó tôi đã nói với thầy rằng: “Em rất tiếc phải đưa đến thầy một kết quả không như mong muốn. Em thấy rất bất lực và muốn dừng lại”. Và thế là tôi bật khóc.
Nhưng thầy rất bình tĩnh. Thầy nói với tôi rằng: “Thầy lại không nghĩ như vậy. Em đã thành công khi chứng minh được protein này không hoạt động trên chuột. Mọi điều đều có thể xảy ra. Em được quyền tiếp tục thử với những loại protein khác. Chúng vẫn đang đợi em”.
Thầy cứ kiên nhẫn và chờ đợi học trò như thế. Với thầy, kể cả thành công hay không thành công thì đó cũng không phải là thất bại”.
Thầy Honjo còn cẩn thận tới độ, mỗi khi đang nghiên cứu cái gì mới sẽ trình bày để cả lab ngồi nghe và góp ý.
Thầy còn luôn muốn học trò có điều kiện học tập tốt nhất. Thầy sẵn sàng hỗ trợ khi học trò cần một loại protein hay kháng thể dù chúng có thể đắt tới 25.000$. Thầy dạy học trò về trách nhiệm của người đi trước trong việc chỉ bảo thế hệ đi sau theo văn hóa Senpai - Kohai của người Nhật. Ở đó, người thầy không phải mất quá nhiều thời gian vào việc giảng dạy mà chủ yếu chỉ ra phương pháp và định hướng cho học trò.
6 chữ “C” của thầy Honjo
“Tôi vẫn thường nói với các bạn của mình rằng, nếu ai đó đã tồn tại được ở nước Nhật thì có thể tồn tại được ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Và, nếu như đã tồn tại được ở phòng thí nghiệm của thầy Honjo thì có thể tồn tại được ở bất cứ phòng nghiên cứu nào trên khắp đất nước Nhật” - PGS. Trần Huy Thịnh (Trung tâm nghiên cứu Gen - Protein, trường ĐH Y Hà Nội) tự hào khi nhắc về người thầy của mình.
PGS. Trần Huy Thịnh hiện đang làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Gen – Protein, trường ĐH Y Hà Nội. |
PGS. Trần Huy Thịnh kể lại rằng, ở lab của giáo sư Honjo ai cũng biết đến 6 chữ “C”, đó là “curiousity” - tò mò; “courage” - can đảm; “continuation” - tiếp tục; “confidence” - tự tin; “concentration” - tập trung; “challenge” - thách thức.
“6 chữ “C” của thầy Honjo có nghĩa là, dù trong nghiên cứu nói chung đến 90% là thất bại, dù người làm nghiên cứu có thể mất hàng năm trời để cho ra kết quả nhưng luôn phải nhìn nhận vấn đề một cách thẳng thắn, dám đối mặt với thất bại như một phần của cuộc sống. Được phép thất bại, nhưng không được phép thất bại liên tục trong cùng một vấn đề.
Vì thế, mặc dù có những giai đoạn tôi cảm thấy thực sự bế tắc, nhưng tôi chọn cách đạp xe ra ngoài bờ sông, ngồi ở đó hàng giờ để tự hỏi tại sao lại như thế thay vì từ bỏ. Mặc dù có thể phần lớn câu hỏi không có câu trả lời, nhưng mỗi lần như vậy tôi thấy mình được giải tỏa. Sau đó tôi lại quay về tiếp tục bắt tay vào tìm hướng đi mới”.
PGS. Trần Huy Thịnh nể phục nhất ở người thầy của mình là cách tư duy và giải quyết vấn đề. “Một vấn đề dù được thầy trình bày bằng tiếng Anh hay tiếng Nhật cũng đều rất thuyết phục. Chúng tôi vẫn luôn ngưỡng mộ khi chứng kiến thầy viết sách. Thầy không bao giờ cần gõ máy tính hay viết ra giấy mà chỉ cần ghi âm sau đó để thư ký nghe và đánh lại thành văn bản. Những kiến thức như sẵn có trong đầu thầy và được sắp xếp rất bài bản”.
37 tuổi thầy Honjo đã là giáo sư tại một trường đại học lớn thứ 3 Nhật Bản. 41 tuổi thầy được mời về làm giáo sư của trường Đại học Kyoto, ngôi trường đại học lớn thứ 2 của Nhật. Đến giờ, GS Honjo đã 76 tuổi. 35 năm giữ nguyên tại vị trí đỉnh cao của khoa học, đó không phải điều dễ dàng.
Mặc dù là một giáo sư nhưng ngoài phòng thí nghiệm, ông luôn quan tâm đến học trò từ những điều nhỏ nhất.
Mỗi năm, GS. Honjo đều cùng chụp chung với Học viên một bức ảnh kỷ niệm. |
“Tôi nhớ những ngày đầu đặt chân tới đất nước Nhật, sau khi trở về từ phòng lab, thầy đã gửi cho tôi tất cả những vật dụng cần thiết từ khăn mặt, kem đánh răng, bàn chải, dao cạo râu, dép đi trong nhà, đôi đũa cái bát,…
Tôi còn nhớ mãi những bài học thầy dạy chúng tôi. Tôi nhớ thầy thường nói rằng: “Đừng cố gắng trở thành người số 1 mà hãy cố gắng trở thành người duy nhất”.
Bởi, trong lĩnh vực khoa học luôn có những chủ đề nóng ai cũng muốn mình phải khám phá, đóng góp và trở thành số 1. Nhưng ở góc khác, thầy khuyên chúng tôi, mỗi người nên tìm cho mình một con đường riêng không giống ai và đó phải là con đường phù hợp nhất với điều kiện và khả năng của mình”.