AGRIBANK Nghệ An: 25 năm đổi mới, đoàn kết, xây dựng và phát triển
(Baonghean) - Thành lập ngày 26 tháng 3 năm 1988, đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Nghệ An (Agribank Nghệ An) trải qua 25 năm đổi mới, đoàn kết, xây dựng và phát triển.
Ngay từ những ngày đầu, Agribank Nghệ An phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thách thức, chuyển từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường; kinh tế tỉnh nhà đang quá trình chuyển đổi, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, nợ ngân hàng không trả được, phải giải thể, tự tan rã, hoặc sắp xếp lại; lạm phát với tốc độ phi mã lên 3 con số... Về tổ chức, Agribank Nghệ An nhận bàn giao hiện trạng từ Ngân hàng Nhà nước sang, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, trụ sở làm việc chủ yếu là nhà cấp 4 đã xuống cấp (toàn chi nhánh lúc ấy chỉ có 2 máy vi tính, 2 máy in), qui mô kinh doanh nhỏ bé: Nguồn vốn 37,8 tỷ đồng, trong đó vốn huy động tại địa bàn chỉ vẻn vẹn 13,3 tỷ đồng, còn lại vay Ngân hàng Nhà nước 24,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 64,9%, dư nợ cho vay 35,8 tỷ đồng, trong đó cho vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng 94,1%.
Đội ngũ cán bộ quản lý và tác nghiệp còn nhiều bất cập, thiếu kiến thức kinh doanh theo cơ chế mới (số cán bộ có trình độ đại học lúc bấy giờ chỉ chiếm 12,4%), phong cách giao dịch của cán bộ nhiều hạn chế... Để phát triển, chi nhánh đã đổi mới toàn diện các mặt hoạt động mà khâu đột phá đầu tiên có ý nghĩa quan trọng là: đổi mới công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bố trí lao động hợp lý, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, tích cực mở rộng mạng lưới... Đến nay, Agribank Nghệ An là ngân hàng có hệ thống mạng lưới đứng hàng đầu trên địa bàn với 69 điểm giao dịch gồm: Hội sở tỉnh, 21 chi nhánh huyện, thị xã, thành phố, 47 phòng giao dịch trải rộng khắp địa bàn toàn tỉnh. Với đội ngũ gần 1.000 cán bộ, công nhân viên được đào tạo cơ bản, trình độ đại học, trên đại học chiếm 79 % (tăng gấp 6,37 lần so năm 1988), trong đó có 19 thạc sỹ kinh tế.
Cùng với xác lập chiến lược khách hàng, thị trường, mở rộng mạng lưới, thực hiện phương châm “đi vay để cho vay” công tác nguồn vốn luôn được chi nhánh xác định là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu. Để khơi tăng nguồn vốn, chi nhánh đã đa dạng hóa các hình thức huy động, đặc biệt là triển khai các sản phẩm tiết kiệm dự thưởng... điều hành lãi suất phù hợp với qui định của ngân hàng cấp trên và cơ chế thị trường. Đồng thời từng bước đổi mới công nghệ, đổi mới lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, quan tâm đến hoạt động Marketing, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thương hiệu Agribank, tiếp thị, khuyến mại... nên từ chỗ trước đây chỉ huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư và nhận mở tiền gửi thanh toán cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đơn thuần nay đã có hàng chục sản phẩm huy động vốn thỏa mãn nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của các thành phần khách hàng. Vì vậy, mặc dầu công tác huy động vốn những năm qua phải cạnh tranh gay gắt, quyết liệt, thị phần bị chia sẻ do số lượng các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng tăng lên nhanh cùng hoạt động trên cùng địa bàn, lãi suất nhiều biến động nhưng nguồn vốn huy động tại chỗ liên tục tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước với tốc độ, qui mô cao.
Máy gặt, đập liên hoàn của gia đình anh Lộc ở khối 10, TT Kim Liên.
Tính đến cuối năm 2012, nguồn vốn quản lý và huy động đạt 11.752 tỷ đồng, so với năm 1988 tăng gấp 883,8 lần, bình quân tăng trưởng nguồn vốn hàng năm từ 28-30%, riêng năm 2012 tăng 42,3%, trong đó tỷ trọng tiền gửi dân cư chiếm từ 80% trở lên, giữ thị phần chủ yếu trong tổng nguồn vốn các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn và là chi nhánh có qui mô nguồn vốn huy động cao nhất trong các chi nhánh cùng hệ thống khu vực Bắc miền Trung. Tạo ra bước ngoặt lớn là chuyển từ chỗ sử dụng vốn ngân hàng cấp trên là chủ yếu sang chủ động được nguồn vốn tại chỗ để mở rộng kinh doanh, đồng thời chi nhánh tranh thủ khai thác nguồn vốn của các dự án... để cho vay trung, dài hạn có hiệu quả.
Với thị trường được xác định là nông nghiệp, nông thôn chi nhánh đã bám sát chủ trương "khoán 10" trong nông nghiệp của Đảng, Nhà nước, sự đổi mới về cơ chế tín dụng của Agribank, chuyển đổi mạnh cơ cấu đầu tư, bám sát các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh Nghệ An, đa dạng các đối tượng đầu tư, đầu tư khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm kết hợp cho vay ngắn hạn với cho vay trung, dài hạn. Điều hành hoạt động tín dụng chủ động, linh hoạt, nổi bật là:
- Chủ động đề xuất, thực hiện triển khai thí điểm thành công các chương trình tín dụng của Agribank như: Cho vay hộ sản xuất từ 1991, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay hộ gia đình nông, lâm trường, hộ gia đình Tổng đội TNXP làm kinh tế... góp thêm cơ sở thực tiễn để Agribank ban hành cơ chế tín dụng. Năm 1995, triển khai thực hiện tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, kinh doanh đạt kết quả tốt, là một trong những tiền đề cho sự ra đời Ngân hàng phục vụ người nghèo.
- Từ năm 1997, để góp phần thực hiện thắng lợi chương trình 1 triệu tấn đường của Chính phủ, đơn vị đã đầu tư 6,3 triệu USD (tương đương 100 tỷ đồng) góp vốn liên doanh xây dựng Nhà máy đường Tate&Lyle (Quỳ Hợp). Đây là nhà máy đường có công nghệ hiện đại nhất Đông Nam Á, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao (hiện nhà máy đã thanh toán hết nợ). Đồng thời, với việc đầu tư xây dựng nhà máy, Agribank Nghệ An còn tập trung đầu tư cho hộ nông dân vay để trồng và chăm sóc gần 30 ngàn ha mía chuyên canh, cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy đường: Tate&Lyle, Sông Lam, Sông Con hoạt động.
- Đầu tư theo mô hình liên kết 4 nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông - Ngân hàng) để cho vay mua hàng ngàn máy cày đa chức năng, máy gặt, máy thu hoạch chè… đưa cơ giới vào nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
- Cho vay để xây dựng, bê tông hóa hàng ngàn km kênh mương phục vụ tưới tiêu chủ động, đường giao thông nông thôn, hệ thống điện phục vụ sinh hoạt, phát triển ngành nghề, hàng trăm tàu thuyền, ngư cụ đánh bắt thuỷ, hải sản, phát triển hàng ngàn trang trại trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, mía, dứa, chè, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy, hải sản, nuôi tôm xuất khẩu…
- Thực hiện chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh, đã chủ động ký hợp đồng trách nhiệm, phối hợp với hơn 80 doanh nghiệp làm nhiệm vụ XKLĐ cho vay hàng trăm tỷ đồng, góp phần đưa gần 40 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài, tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần XĐGN.
- Phương thức chuyển tải vốn đến khách hàng vay vốn được vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo an toàn: Vừa cho vay trực tiếp đến hộ, vừa cho vay qua tổ, nhóm, hợp tác xã làm dịch vụ, cho vay tay ba giữa Ngân hàng - Đơn vị cung ứng vật tư- Hộ nông dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định 67 và Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp triển khai thực hiện tốt các nghị quyết liên tịch 2308, 01 giữa Agribank Việt Nam với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ Việt Nam; Nghị quyết 02, 03 giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ Việt Nam. Thành lập được 2.139 tổ vay vốn với 31.082 thành viên vay hàng trăm tỷ đồng. Thời điểm cao nhất (năm 2005) dư nợ cho vay qua tổ, nhóm đạt mức 423,5 tỷ đồng, chiếm 17,1%/tổng dư nợ và chiếm 19,9%/tổng dư nợ hộ sản xuất.
Kết quả đến năm 2012 dư nợ đạt 8.541 tỷ đồng, tăng gấp 237 lần so năm 1988 trong đó kinh tế hộ 6.865 tỷ đồng chiếm tỷ trọng trên 75% tổng dư nợ, bình quân tăng trưởng dư nợ hàng năm từ 24-26%, riêng năm 2012 tăng 27,4%. Tỷ lệ nợ xấu luôn ở dưới mức cho phép, riêng năm 2012 tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,49% so tổng dư nợ. Từ năm 2000 đến nay, bên cạnh thị trường nông nghiệp, nông thôn, chi nhánh mở rộng đầu tư tới khu đô thị, khu công nghiệp, vùng trọng điểm trong tỉnh. Chủ động tiếp cận, cho hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn sản xuất, kinh doanh và tham gia đồng tài trợ các dự án lớn như: Thuỷ điện Bản Vẽ, bản Chát, đường tránh Vinh... Các sản phẩm tín dụng ngày càng được hoàn thiện, phát triển, tăng sức cạnh tranh cho chi nhánh trên thị trường tín dụng.
Quá trình phát triển của chi nhánh luôn gắn bó máu thịt với nông nghiệp, nông thôn và nông dân tỉnh nhà. Tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm trên 75% tổng dư nợ, tỷ lệ dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm 38%, nhiều chi nhánh huyện, thị miền núi vùng cao chi nhánh ưu tiên tỷ lệ cho vay trung hạn trên 45-50%. Vốn cho vay của Agribank Nghệ An đã phủ sóng đến tất cả các vùng, miền trên địa bàn toàn tỉnh. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc...
Đến cuối năm 2012 chi nhánh hiện có 1.635 thiết bị gồm: máy tính, máy in và gần 100 kênh truyền dẫn... đồng thời phát triển các kênh giao dịch hiện đại gắn với công nghệ cao như kênh giao dịch qua máy giao dịch tự động (ATM), kênh giao dịch qua điện thoại di động, qua Internet... Triển khai thành công Dự án hiện đại hóa ngân hàng (IPCAS) từ năm 2008. Theo đó toàn bộ 69 điểm giao dịch của Agribank Nghệ An thực hiện giao dịch trực tuyến online theo mô hình dữ liệu tập trung kết nối với trụ sở chính Agribank. Trên cơ sở nền tảng công nghệ hiện đại, Agribank Nghệ An thực hiện cung ứng đa dạng 10 nhóm với trên 200 sản phẩm dịch vụ đến khách hàng. Tiếp tục phát triển qui mô, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ. Từ các dịch vụ thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế, chi trả kiều hối, kinh doanh ngoại tệ, chứng khoán, Bancassurance, đại lý bán vé máy bay… đến các sản phẩm dịch vụ mới có tính tích hợp công nghệ cao như: Dịch vụ Thẻ, dịch vụ Mobile Banking, Internet Banking, kết nối thanh toán giữa ngân hàng với khách hàng… Chi nhánh hiện giữ vị trí hàng đầu trên địa bàn về số lượng thẻ phát hành (210.000 thẻ) và phục vụ thanh toán lương qua tài khoản, hệ thống ATM phát triển lên 27 máy, hệ thống EDC/POS lên 33 thiết bị. Có trên 5,3 vạn khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Banking, Internet Banking. Từ 2003 đến nay, dịch vụ chi trả kiều hối đạt 407,3 triệu USD, riêng năm 2012 đạt 94 triệu USD, nằm trong TOP đầu các đơn vị có số món, doanh số chi trả kiều hối cao trong hệ thống Agribank… từng bước đưa dịch vụ ngân hàng hiện đại về nông thôn.
Trong hoạt động kinh doanh, chi nhánh luôn hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, đảm bảo các chế độ chính sách, việc làm, thu nhập người lao động ổn định, ngày càng được nâng cao. Tạo môi trường làm việc tốt, thân thiện cũng như cơ hội phát triển cho cán bộ, viên chức, người lao động.
Song song với việc đẩy mạnh mở rộng hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, Agribank Nghệ An luôn chăm lo và làm tốt công tác từ thiện xã hội. Đơn vị đã đóng góp hàng chục tỷ đồng cho các quỹ từ thiện xã hội, xây dựng hàng trăm nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà văn hóa, nhà mẫu giáo thôn, xóm, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, nạn nhân chất độc màu da cam, trẻ em bị tật nguyền, phụng dưỡng 7 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ Quỹ Khuyến học tặng cho trẻ em nghèo học giỏi, tặng hàng trăm sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách và cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn… Riêng năm 2012 tổng số tiền đơn vị thực hiện công tác an sinh xã hội, ủng hộ các quỹ được 3,887 tỷ đồng, trong đó ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới gần 1 tỷ đồng (xây dựng nhà phụ trợ cho 1 trạm xá xã và 1 nhà văn hoá thôn), hỗ trợ xã nghèo miền núi vùng cao Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp 205 triệu đồng, thiết bị y tế 160 triệu đồng, 45 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết. Tặng 50 triệu đồng cho học sinh Nghệ An đỗ đại học điểm cao có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong kỳ thi vào đại học năm 2012…
Ghi nhận những thành quả của ngành, đến nay, 100% đơn vị trực thuộc được công nhận Đơn vị Văn hóa cấp huyện, nhiều đơn vị được cấp tỉnh, cấp tổng liên đoàn công nhận Đơn vị Văn hóa. Đảng bộ 16 năm liên tục đạt danh hiệu đơn vị trong sạch vững mạnh, vững mạnh tiêu biểu, được Tỉnh ủy Nghệ An tặng Bằng khen. Các tổ chức đoàn thể hoạt động tốt, luôn đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc.
Đơn vị được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua, Bằng khen và nhiều bằng khen, cờ thi đua của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương; Cúp Vàng “Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển” năm 2010… Ngoài ra có 5 chi nhánh Ngân hàng huyện được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 12 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 7 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và 10 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen...
Trong những năm tới, thực hiện đề án tái cơ cấu ngân hàng thương mại theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Agribank Nghệ An tiếp tục giữ vững, phát huy vai trò chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước hàng đầu, giữ vai trò chủ đạo, chủ lực trong đầu tư tín dụng và dịch vụ ngân hàng trên thị trường tài chính nông thôn, đồng thời chú trọng thị trường đô thị, luôn mãi là người bạn đồng hành, thuỷ chung và tin cậy của hàng vạn hộ sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng các mặt hoạt động đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Phan Hoàng Vượng (Giám đốc Agribank NghệAn )