(Baonghean) - Đêm 2/8, những người ủng hộ tổng thống Morsy đã tập hợp ngoài khu tổ hợp truyền thông Media Production City, đốt lốp xe và ném đá để thể hiện sự phẫn nộ đối với kênh truyền hình đã “bắt tay” với phe đảo chính. Các lực lượng an ninh phải sử dụng hơi cay để đàn áp đoàn biểu tình.
Tròn 1 tháng sau khi tổng thống Morsy bị lật đổ và giam giữ tại một địa điểm bí mật bởi quân đội, tình trạng hỗn loạn vẫn tiếp diễn và có chiều hướng leo thang ở Ai Cập. Đêm 2/8, 600 người ủng hộ Morsy đã có mặt tại quảng trường Rabaa ai-Adawiya và Nahda của Cairo, kêu gào và giương khẩu hiệu. Sự phẫn nộ của những người ủng hộ Morsy như được “thêm dầu vào lửa” khi 2 thông điệp được cho là của thủ lĩnh ai Qaeda Ayman al-Zawahiri được phát tán tuần qua trên mạng internet. Theo đó, cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Morsy bị nghi ngờ có sự chống lưng của Mỹ và các phần tử phi Hồi giáo.
![]() |
Người ủng hộ ông Morsy tiếp tục biểu tình ngồi tại thủ đô Cairo. Ảnh: Reuters
Đáp lại đám đông biểu tình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ của chính quyền tạm thời Mohamed Ibrahim đã được cho phép sử dụng “mọi biện pháp cần thiết để đối mặt và giải quyết mối nguy hiểm này”, Bộ trưởng Bộ Thông tin Durriya Sharaf el-Din cho hay vào 31/7. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền tạm thời ở Ai Cập sẵn sàng sử dụng vũ lực để đàn áp biểu tình - một động thái rất có thể khiến đất nước rơi vào tình trạng bạo động và ảnh hưởng đến khu vực.
Tình hình chính trị ở Ai Cập rõ ràng đang thu hút được sự quan tâm của đông đảo phe phái trên quốc tế. Trước tiên phải kể đến Mỹ - được cho là hậu thuẫn cho quân đội Ai Cập thực hiện đảo chính. Trung tuần tháng 7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Bill Burns đã có cuộc viếng thăm lãnh đạo nhà nước tạm thời Ai Cập để bàn luận về “tầm quan trọng của việc tránh sử dụng vũ lực và thực hiện tiến trình chính trị toàn diện, hoà bình”. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao John Kerry bày tỏ mối quan ngại về những chỉ trích chính quyền Ai Cập xâm phạm quyền biểu tình hoà bình, nhưng vẫn khẳng định cuộc đảo chính vừa qua là nhằm mục đích “thiết lập lại nền dân chủ”.
Những tuyên bố này bị người phát ngôn của tổ chức Anh em Hồi giáo Gehad el-Haddad bác bỏ: “Thiết lập lại nền dân chủ là nhiệm vụ của quân đội ư?”. Nga cũng bày tỏ nghi ngờ về động cơ của cuộc đảo chính. Người đứng đầu Uỷ ban Duma về các vấn đề quốc tế Alexei Pushkov còn tuyên bố thẳng thừng: “Sự kiện diễn ra ở Ai Cập gợi nhớ một cách rất mơ hồ về nền dân chủ, thậm chí là chẳng hề dân chủ chút nào”. Pushkov gọi cuộc đảo chính là sự phủ định kết quả của một cuộc bầu cử dân chủ, một sự thao túng nghiêm trọng từ bên ngoài. Bằng chứng Ả Rập Saudi và Liên minh các tiểu vương quốc Ả Rập đã đồng ý cho chính quyền mới ở Ai Cập vay 8 tỉ đô la.
Rõ ràng cuộc đảo chính ở Ai Cập ẩn chứa những động cơ chưa được làm sáng tỏ, nhưng có lẽ những diễn tiến sắp tới trong đất nước và khu vực còn đáng quan tâm hơn. Giờ đây, cả Mỹ và Nga đều đã lên tiếng và rất có thể chúng ta sắp được chứng kiến một Syria thứ 2 nếu người Ai Cập không tự giải quyết được mâu thuẫn nội bộ. Người Mỹ cũng không nên chủ quan vì không có gì đảm bảo rằng chính quyền đắc cử trong cuộc bầu cử sắp tới ở Ai Cập sẽ là một chính quyền thân Mỹ. Phó trưởng ban quan hệ quốc tế của Uỷ ban Duma Vyacheslav Nikonov “cảnh báo”: “Mùa xuân Ả Rập không tiến triển thành Mùa đông Ả rập mà thành một tấn thảm hoạ (...) Bầu cử không giải quyết được vấn đề gì, điều này đã xảy ra với Morsy và sẽ còn diễn ra vào lần bầu cử kế tiếp. Một thế lực đối đầu khác sẽ lại nắm lấy quyền lực”. Câu hỏi đặt ra cho Mỹ, Nga và tất cả những phe phái liên quan là thế lực nào sẽ nắm quyền và làm sao để kiểm soát được nó, khi mà quyền lực ở một đất nước như Ai Cập luôn đi liền với tôn giáo?