Ai chịu trách nhiệm về 43 huân, huy chương “ngoài luồng”

28/05/2013 11:07

(Baonghean) - Mặc dù đã có quyết định thu hồi lại 43 huân, huy chương cấp trái quy định từ năm 2003, nhưng đã 10 năm trôi qua câu chuyện “thật”, “giả” về những chiếc huân, huy chương ấy vẫn chưa “nguội” ở xã Nam Trung, huyện Nam Đàn. Người dân vẫn liên tục gửi đơn kiến nghị, còn UBND huyện mặc dù đã thành lập các đoàn thanh tra...

10 năm, kết luận thanh tra vẫn chưa được xử lý

Đại diện cho 43 gia đình bị thu hồi huân, huy chương, ông Trần Văn Được (xóm 1, xã Nam Trung) phản ánh: Năm 1999, bố mẹ ông cùng với hơn 40 cá nhân khác được xét tặng Huân, Huy chương Kháng chiến theo Quyết định 139 ngày 19/4/1999 của Chủ tịch nước. Nhưng không hiểu thế nào, đến năm 2003, đoàn thanh tra của UBND huyện do ông Trần Đình Hường làm trưởng đoàn lại tự ý chỉ đạo thu hồi, lấy mất 43 huân, huy chương của chúng tôi.

Từ năm 2000 - 2013, có 4 đoàn thanh tra của huyện Nam Đàn được lập để giải quyết vấn đề này. Lần thứ nhất là năm 2000, UBND huyện Nam Đàn nhận được đơn của công dân xã Nam Trung tố cáo tại xã xảy ra việc bán huân, huy chương với giá 400.000 đồng/cái. Sau khi kiểm tra, đoàn đã xác minh việc này là có thật và UBND huyện đã ban hành Công văn số 92/CV - UB, trong đó yêu cầu phải thu hồi lại 43 huân, huy chương để nộp về UBND huyện.

Tuy vậy, kết luận trên không nhận được nhất trí của nhiều hộ dân nên tháng 7/2001 UBND huyện Nam Đàn tiếp tục thành lập đoàn thanh tra. Theo đó, kết quả kiểm tra tại xã có 43 người làm khen thưởng theo Nghị định 28/CP không tuân theo quy trình quy định. Số người này thông qua ông Nguyễn Trọng Hòe, ông Hồ Hải Lý và ông Nguyễn Hữu Tập, xóm 7, xã Nam Trung để làm hồ sơ khen thưởng và các ông trên đã thu các khoản lệ phí của 43 người một cách tùy tiện.

Với nhiều chứng cứ có dấu hiệu vi phạm hình sự, đoàn kiểm tra thời điểm đó đã yêu cầu chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra nhưng vẫn không thực hiện. Đến tháng 1/2003, đoàn thanh tra liên ngành của huyện tiếp tục được thành lập. Trong đợt thanh tra này, đoàn đã gửi công văn cho UBND tỉnh và bộ phận thi đua của UBND huyện yêu cầu cung cấp hồ sơ của 43 người trên. Tại giấy xác nhận ngày 23/4/2003 của bà Phùng Thị Ngân Hoa, chuyên viên chính theo dõi thi đua khen thưởng của tỉnh đã xác nhận: Trong danh sách khen thưởng theo Quyết định số 139 ngày 19/4/1999 thì tất cả các số trong giấy công nhận của công dân xã Nam Trung là không có, mà số huân, huy chương có cùng quyết định là của công dân huyện Nghi Lộc. Lần mới đây nhất, vào tháng 10/2012 đoàn thanh tra của huyện cũng đã trực tiếp làm việc với bộ phận lưu trữ hồ sơ của Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh. Qua đó một lần nữa khẳng định không có hồ sơ lưu trữ tại Ban Thi đua. Trong toàn bộ danh sách đã trình và được nhận huân, huy chương theo Quyết định 139 không có tên của 43 người dân xã Nam Trung.



Ông Nguyễn Văn Dương - Phó chánh thanh tra huyện đang kiểm tra hồ sơ.

Theo văn bản số 168/TĐKT – NVH ngày 29/11/2012 của Ban Thi đua Khen thưởng thì việc xét và tặng thưởng cho đối tượng có thành tích tham gia kháng chiến, hồ sơ phải được cấp có thẩm quyền xét duyệt theo đúng trình tự là: Cá nhân viết bản tự khai kèm theo các giấy tờ thủ tục pháp lý được hội đồng thi đua cấp xã xét duyệt trình hội đồng thi đua cấp huyện thẩm định, sau đó trình hội đồng xét duyệt cấp tỉnh và trình Trung ương xét duyệt chuẩn y quyết định (các cấp xét duyệt đều phải có lưu hồ sơ, đối tượng được khen thưởng phải lưu danh sách tại sổ vàng các cấp). Nếu thiếu một trong các quy trình xét duyệt trên thì các quyết định khen thưởng đều không có giá trị. Áp với những quy định trên, ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chánh Thanh tra huyện khẳng định: Tất cả 43 huân, huy chương của 43 cá nhân tại xã Nam Trung, việc xét và tặng thưởng không được Hội đồng TĐKT xã xét duyệt công khai, không trình Hội đồng TĐKT cấp huyện, cấp tỉnh thẩm định, hồ sơ không có lưu tại xã, huyện và tỉnh; các đối tượng không có tên lưu tại sổ vàng các cấp, do đó các huân, huy chương nói trên không có giá trị.

Cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan

Như vậy, theo kết luận trên thì việc UBND huyện Nam Đàn ra quyết định thu hồi lại 43 huân, huy chương là có cơ sở, bởi đó được xác định là các huân, huy chương “ngoài luồng”. Tuy nhiên, tại sao lại có các huân, huy chương ấy, do ai cấp, thậm chí nếu có sai phạm thì việc xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật (các cá nhân tham gia đường dây thu tiền của dân để chạy huân, huy chương ngoài luồng) và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra cũng chưa được xác định rõ. Ngay cả ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chánh Thanh tra huyện cũng thừa nhận: Chúng tôi cũng không khẳng định được những chiếc huân, huy chương đã có ở các hộ dân là “thật” hay “giả” nữa. Câu trả lời chính xác chắc phải có sự vào cuộc của các cơ quan giám định.

Đây cũng là lý do tại sao đã hơn 10 năm nhưng người dân xã Nam Trung vẫn tiếp tục khiếu kiện dù đã nhiều lần có kết luận của đoàn thanh tra. Đến nhà ông Trần Văn Được (xóm 1), ông cho xem hai tấm “Huy chương Kháng chiến hạng Nhất” và “hạng Ba” của bố mẹ mình là ông Trần Văn Võ và bà Nguyễn Thị Hai rồi nói: Xã đã yêu cầu thu lại rồi nhưng tôi không trả. Họ nói đây là huân, huy chương giả nhưng tôi không tin. Huân, huy chương đây, giấy chứng nhận đây, còn nguyên dấu đỏ và chữ ký của Chủ tịch nước Trần Đức Lương làm sao mà giả được.

Kể lại quá trình làm hồ sơ để được khen thưởng huân, huy chương, bà Trần Thị Liễu (vợ ông) cho biết: Chính tôi là người trực tiếp đi làm hồ sơ cho bố mẹ. Hồ sơ của chúng tôi khi ấy được tất cả các thành viên trong Hội đồng Thi đua Khen thưởng xã ký, rồi sau đó nộp lên cho cán bộ chính sách xã. Huân, huy chương cũng nhận từ trụ sở xã với hàng chục người khác. Ông Hoàng Văn Mai (xóm 4) thì nói: Đến khi mất đi, mẹ của tôi là bà Nguyễn Thị Em (xóm 3) cũng không thể yên lòng. Bà thắc mắc, công lao của mình sờ sờ ra đây, nhân dân thừa nhận, chính quyền xã thừa nhận, rứa mà bằng khen về rồi mà tiền trợ cấp thì đợi mãi không thấy. Trong khi đó chúng tôi lại nhận được những câu trả lời vô lý, thiếu trách nhiệm của chính quyền xã Nam Trung.

Gặp lại ông Trần Xuân Đính, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, phụ trách TĐKT xã thời kỳ ấy và nay là Chủ tịch Mặt trận của xã Nam Trung, ông cho biết: Tôi vẫn còn nhớ, 43 người này là những người làm cuối cùng của xã Nam Trung, gần như là đợt vét. Vì là đợt cuối cùng nên chúng tôi cũng không thành lập hội đồng xét duyệt mà ai đưa hồ sơ thì chúng tôi ký vì các ông các bà ấy đều là người có công trong cách mạng cả mà. Sau này sự việc trên xảy ra, tôi rất tiếc và cũng nhận trách nhiệm về mình.

Cũng bởi thời gian quá lâu và do việc lưu trữ hồ sơ không cẩn thận (Nam Trung là vùng thường xuyên bị ngập lụt) nên những người nằm trong Hội đồng TĐKT của xã Nam Trung hiện nay không còn nhớ có hay không nhận hồ sơ của 43 cá nhân và cũng không biết xã có hay không phát huân, huy chương cho người dân. Bản thân các hộ dân thì thắc mắc: Bố mẹ tôi là người có công. Làm hồ sơ khen thưởng theo hướng dẫn của Ban Chính sách xã được Hội đồng TĐKT xã duyệt đầy đủ. Giờ nói là giả thì phải xác định rõ ai làm sai. Nếu có tiêu cực thì phải xử lý nghiêm người vi phạm - ông Trần Văn Được cho biết.



Vợ chồng ông Trần Văn Được bên những “huân”, “huy chương” của bố mẹ.

Về trách nhiệm trong quá khứ, trước tiên thuộc về chính quyền xã Nam Trung vì đã buông lỏng sự lãnh đạo và kiểm tra trong thực hiện Nghị định 28/CP về khen thưởng huân, huy chương kháng chiến - ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chánh thanh tra huyện khẳng định. Về phía huyện Nam Đàn, lỗi là không dứt khoát trong quá trình thanh tra, kiểm tra, không giao trách nhiệm rõ ràng, không thẩm định kết quả thanh tra, khiến cho một sự việc có tính chất nghiêm trọng và “có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự” bị bỏ quên trong nhiều năm, gây ra những thắc mắc và khiếu kiện kéo dài. Đáng tiếc hơn, sau khi sự việc trên bị phát hiện, UBND huyện Nam Đàn đã nhiều lần đề nghị UBND xã Nam Trung thành lập Hội đồng Thi đua Khen thưởng xã để tổ chức thẩm định hồ sơ, tiêu chuẩn của 43 cá nhân trên để đề nghị xét công nhận lại thành tích kháng chiến chống Mỹ nhưng vẫn không được quan tâm. Trong khi đó, đã có rất nhiều người vì không “đợi” được đã qua đời.

Trước sự việc trên, ông Trần Hưng Thịnh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh cho rằng: Đây là tồn tại do lịch sử để lại, nhưng dù là ai làm, vì sao lại sai thì thời điểm này chúng ta cũng phải giải quyết dứt điểm. Theo quan niệm của chúng tôi, nếu 43 hồ sơ trên không làm đúng theo những quy trình quy định thì đã có thể khẳng định đó là hồ sơ giả. Trách nhiệm của huyện là phải giải thích cho từng hộ dân, vận động để họ làm lại hồ sơ sao cho đảm bảo đúng quy trình, thành tích đến đâu thì khen đến đó.

Thiết nghĩ, trước sự việc trên các ngành chức năng cần vào cuộc, làm rõ số huân huy chương “ngoài luồng” ở xã Nam Trung từ đâu ra. Nếu có sai phạm cần xử lý các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật. Đồng thời tổ chức, hướng dẫn các hộ dân làm lại hồ sơ theo đúng quy trình để xét công nhận lại.


Bài, ảnh: Mỹ Hà

Mới nhất

x
Ai chịu trách nhiệm về 43 huân, huy chương “ngoài luồng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO