Ai được hưởng lợi từ Đề án Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ?

Văn Trường 05/12/2018 08:17

(Baonghean.vn) - Đối với dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam - giai đoạn 2 tỉnh Nghệ An, ngành chuyên môn đang tham vấn xây dựng Kế hoạch chia sẻ lợi ích trong khuôn khổ Đề án Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ.

Đề án Giảm phát thải và chuyển quyền Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ được xây dựng với mục tiêu nhằm đạt được kết quả giảm phát thải (bao gồm cả giảm phát thải khí nhà kính và hấp thụ các-bon) là 19,5 triệu tấn khí cacbonic tương đương (ký hiệu là tCO2) trong giai đoạn thực hiện (2019-2024), trong đó có 10,3 triệu tCO2 có thể sẽ nhận được khoản lợi ích các - bon từ nguồn chi trả dựa vào kết quả từ Quỹ các-bon FCPF.

Kế hoạch chia sẻ lợi ích (BSP) chỉ hướng tới việc chia sẻ các lợi ích các-bon từ nguồn chi trả dựa vào kết quả. BSP được xây dựng nhằm đảm bảo các lợi ích các-bon đến được các đối tượng hưởng lợi khác nhau ở các cấp một cách công bằng, minh bạch thông qua quá trình tham vấn với tất cả các bên.

Du lịch sinh thái ở sông Giăng (Con Cuông). Ảnh: Văn Trường
Du lịch sinh thái ở sông Giăng (Con Cuông). Ảnh: Văn Trường

Đối với cộng đồng dân cư địa phương, các đối tượng hưởng lợi chính bao gồm: Cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng, các hộ gia đình nghèo là những đối tượng sử dụng rừng quan trọng nhất và thường bị tác động của đói nghèo. Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các công ty lâm nghiệp đang quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng tự nhiên là rừng sản xuất. Doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị sự nghiệp tham gia với tư cách là các bên cung cấp dịch vụ hoặc xây dựng, thực hiện các dự án đề xuất. Hội đồng quản lý rừng (FMC), Quản lý hợp tác thích ứng (ACM) và các bên liên quan hỗ trợ giám sát đánh giá, hỗ trợ giải quyết thắc mắc, khiếu nại, hòa giải và phản hồi (FGRM). UBND các cấp, các cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp và PTNT, tài nguyên môi trường, tư pháp…

BSP cũng sẽ giúp khuyến khích sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan ở các cấp nhằm đóng góp cho mục tiêu cuối cùng là giảm phát thải.

BSP được thiết kế gắn với các sáng kiến đang được triển khai, sẽ sử dụng hệ thống tổ chức và thể chế hiện hành đồng thời hỗ trợ tăng cường năng lực. BSP gắn với vai trò, chức năng hiện tại của các bên liên quan và đưa ra các điều kiện tham gia và hưởng lợi.

Chia sẻ lợi ích có ý nghĩa quan trọng cho việc tạo ra động lực cần thiết nhằm thay đổi hành vi gây mất rừng hoặc suy thoái rừng, từ đó làm giảm phát thải các - bon. Tuy vậy, nếu các chủ thể liên quan không thấy được tính công bằng của hệ thống này thì điều đó lại đe dọa tính tự chủ đưa ra quyết định cũng như sự ủng hộ của họ đối với REDD+. Một cơ chế chia sẻ lợi ích được thiết kế tốt sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý rừng và tăng hiệu suất của Đề án Giảm phát thải.

Vườn Quốc gia Pù Mát rất đa dạng hệ sinh thái. Ảnh: Văn Trường
Vườn Quốc gia Pù Mát rất đa dạng hệ sinh thái. Ảnh: Văn Trường

Với mục đích xây dựng Kế hoạch chia sẻ lợi ích (BSP) phù hợp cho Đề án Giảm phát thải, đảm bảo cơ chế này được thiết kế và có sự thống nhất rộng rãi của các bên liên quan ở cấp quốc gia và địa phương, bao gồm cả cấp cộng đồng và đảm bảo các lợi ích các-bon được chia sẻ một cách công bằng và hiệu quả, Ban quản lý dự án FCPF2 tỉnh Nghệ An xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo tham vấn các bên liên quan về cơ chế chia sẻ lợi ích trong khuôn khổ Đề án giảm phát thải (dự kiến tổ chức trong tháng 12), với các nội dung: Tính công bằng, công khai và minh bạch chia sẻ lợi ích: Chỉ những ai đóng góp (trực tiếp và gián tiếp) cho mục tiêu GPT mới là đối tượng được hưởng lợi. Các quy định đặt ra phải rõ ràng, cách phân bổ kinh phí và tính mức hưởng lợi phải công khai, có thể kiểm tra; các thông tin phải được công khai, niêm yết, phổ biến.

Mức hưởng lợi phải căn cứ vào kết quả cuối cùng (được đo đạc, kiểm chứng và báo cáo theo quy định). Kết quả thực hiện được giám sát, đánh giá ở các cấp thông qua hệ thống các chỉ số kết quả cụ thể (bao gồm cả các chỉ số về rừng/đất lâm nghiệp và chỉ số đảm bảo an toàn); đảm bảo bình đẳng giới và bình đẳng giữa các bên tham gia, quan tâm và có cơ chế khuyến khích sự tham gia của các đối tượng dễ bị thiệt thòi, gắn kết FGRM.

Núi rừng miền Tây ở Tương Dương. Ảnh: Văn Trường
Núi rừng miền Tây ở Tương Dương. Ảnh: Văn Trường

Mục đích xây dựng cũng nhằm đảm bảo tính hiệu quả: Đảm bảo lồng ghép các nguồn kinh phí, khuyến khích hình thức hưởng lợi dưới dạng tái đầu tư nhằm tăng thêm thu nhập và lợi ích lâu dài của bên hưởng lợi và đóng góp cho mục đích bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Sử dụng thể chế tài chính hiện hành nếu phù hợp, không tạo ra nhiều tầng nấc trong hệ thống hành chính để tránh lãng phí và tham nhũng, đảm bảo thể chế vận hành hiệu quả, tiết kiệm tối đa chi phí giao dịch. Tính hiệu suất, các quy trình thủ tục, quy định phải rõ ràng, đơn giản và khả thi, dễ thực hiện. Đảm bảo giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đúng việc và đúng người, đáp ứng được tiến độ công việc, đảm bảo thời vụ.

Có thể nói, chia sẻ lợi ích có ý nghĩa quan trọng cho việc tạo ra động lực cần thiết nhằm thay đổi hành vi gây mất rừng hoặc suy thoái rừng, từ đó làm giảm phát thải các-bon.

Tuy vậy, nếu các chủ thể liên quan không thấy được tính công bằng của hệ thống này, thì điều đó lại đe dọa tính tự chủ ra quyết định cũng như sự ủng hộ của họ đối với chương trình REDD+. Xây dựng được một cơ chế chia sẻ lợi ích được thiết kế tốt cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý rừng và tăng hiệu suất của các chương trình REDD+.

Mới nhất

x
Ai được hưởng lợi từ Đề án Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO