Ai mơ hồ sẽ bị lịch sử lên án!

(Baonghean) - Trong hai ngày vừa qua (ngày 15-16/7), Trung Quốc đã rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Sự việc này thu hút sự quan tâm chú ý không chỉ của người Việt Nam mà cả cộng đồng quốc tế. Để hiểu rõ vấn đề này, Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, PGS-TS Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Khoa học Bộ Công an.

Sơ đồ thể hiện đường di chuyển của giàn khoan Hải Dương - 981 đến rạng sáng 16/7.
Sơ đồ thể hiện đường di chuyển của giàn khoan Hải Dương - 981 đến rạng sáng 16/7.

Phóng viên: Thưa thiếu tướng Lê Văn Cương, vậy là Trung Quốc đã rút giàn khoan trong hai ngày vừa qua, ông có thấy bất ngờ về sự kiện này? 

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vị trí tác nghiệp trong 75 ngày vừa qua, đưa về hướng đặc quyền kinh tế của họ, gần như trở lại vị trí cũ, đối với tôi không có gì bất ngờ. Trước đây hơn hai tháng, trả lời Báo Nghệ An tôi đã dự đoán trước sau gì họ cũng sẽ rút. Vấn đề là thời gian nào. Tôi cũng đã dự báo trước hoặc sau ngày 15 tháng 8, hoặc có thể sớm hơn. Ngày 15/7 vừa rồi tại cuộc trao đổi với Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An, tôi dự báo có thể họ sẽ rút trong tuần này, và đúng là họ đã rút thật. Xung quanh vấn đề tại sao họ rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam, vào lúc này có rất nhiều loại ý kiến lý giải. 
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, mùa mưa bão đến nếu họ để giàn khoan Hải Dương 981 lại sẽ gặp thiệt hại, bất lợi, ảnh hưởng cả về an ninh, đối ngoại, chính trị, nên Trung Quốc phải rút. Cách lý giải thứ hai là cộng đồng quốc tế và Việt Nam đã có những phản ứng mạnh mẽ và dữ dội nên Trung Quốc phải rút. Nhất là việc Thượng viện Mỹ thông qua Nghị quyết 412 ngày 10/7 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử, lập pháp của Hoa Kỳ ra nghị quyết phản đối Trung Quốc. Rồi cộng đồng Châu Âu (EU), cộng đồng quốc tế cũng phản đối quyết liệt, như Hội nghị G7 lần đầu tiên ra tuyên bố liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Cách lý giải thứ ba cho rằng, họ đã hoàn thành nhiệm vụ rồi thì họ rút. 
Việt Nam nói chung và thế giới nói riêng đang có nhiều cách lý giải và tựu trung lại có ba xu hướng như vậy. Tôi cho rằng, mỗi sự lý giải đều có tính hợp lý nhất định, nhưng chưa thể phản ánh đầy đủ bản chất sự việc được. Theo tôi, phải xuất phát từ phương pháp luận, từ động cơ mục đích của Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào Việt Nam. Tôi cho rằng, Trung Quốc kéo giàn khoan khổng lồ này vào vùng biển Việt Nam mục đích chủ yếu không phải là kinh tế, mà mục đích chủ yếu là về chính trị và an ninh. Cụ thể là họ kéo giàn khoan khổng lồ vào đấy để thử xem phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế như thế nào. Vì theo thói thường, trong nhiều năm gần đây, lãnh đạo Trung Quốc, kể từ thời Hồ Cẩm Đào và hiện nay, mỗi hành động gây hấn ở biển Đông và biển Hoa Đông đều làm xong rồi nghe ngóng phản ứng của quốc tế. Và nếu mục đích như vậy thì rõ ràng đến bây giờ họ đã đạt được rồi.
Sau 75 ngày, họ đã biết phản ứng của Việt Nam và phản ứng của quốc tế như thế nào rồi. Tôi cho phản ứng của Việt Nam có lẽ cũng là bất ngờ đối với Trung Quốc. Vì 24 năm vừa qua, năm nào Trung Quốc cũng gây hấn với Việt Nam, nhưng Việt Nam chưa có phản ứng nào mạch lạc, công khai. Lần này, phản ứng của ta rất kiên quyết, mạch lạc và công khai, nhất là qua phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn AP và Reuters về tình hình Biển Đông cũng như các biện pháp giải quyết của Việt Nam. Cộng đồng quốc tế đã hiểu rõ thái độ của Việt Nam. Đến độ mà Thượng viện Mỹ ra nghị quyết 412; khối G7 ra tuyên bố về Biển Đông... thì họ biết đây không phải là chuyện đùa nữa rồi. Đó là chưa kể việc làm của Trung Quốc đã gây “rung chuyển” đến Đông Bắc Á nói riêng, đến quan hệ thế giới nói chung. Và đó là những rung chuyển gây bất lợi cho Trung Quốc. Cho nên, nếu cho rằng, việc kéo giàn khoan là một phép thử về chính trị, an ninh, thì họ đã thực hiện xong rồi và họ rút thôi. Tôi cho rằng lý giải theo cách này thì hợp lý hơn. Tất nhiên có lý do về bão tố, lý do này khác... Nhưng phải xuất phát từ mục đích, động cơ, để biết rằng ngay cả việc rút giàn khoan Hải Dương 981 cũng nằm trong tính toán theo nhiều phương án của họ, chứ không phải là đột xuất, bất ngờ. 
Phóng viên: Theo nhận diện của một nhà nghiên cứu chiến lược xung quanh việc Trung Quốc kéo dàn khoan Hải Dương 981, họ thu được cái gì và mất cái gì, lợi, hại của họ như thế nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có lẽ lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải có một cuộc tổng kết sau 75 ngày gây hấn họ được cái gì, mất cái gì. Tôi cho rằng muốn hay không họ cũng phải làm, vấn đề là họ có công khai hay không thôi. Họ không thể không có đánh giá xung quanh 75 ngày gây hấn ở Việt Nam. Theo quan điểm của tôi, theo dõi 75 ngày qua, tôi thấy thông qua sự kiện này, Trung Quốc đã thấy rõ phản ứng, thái độ của Việt Nam và cộng đồng quốc tế đối với họ. Biết được phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, họ sẽ phải điều chỉnh những chính sách và những việc làm sắp tới đây ở Biển Đông nói riêng, Biển Hoa Đông và các khu vực khác nói chung. 
Còn về những cái họ đánh mất lớn nhất thể hiện ở mấy điều. Cái mất lớn nhất của Trung Quốc là để lộ bản chất hiếu chiến, hung hăng, vô nhân đạo. Sau sự kiện này cộng đồng quốc tế không còn tin vào sự phát triển, trỗi dậy hòa bình của họ nữa. Đã mười năm nay, chính quyền Trung Quốc và bộ máy tuyên truyền khổng lồ của họ đã tuyên truyền với thế giới rằng: Trung Quốc phát triển hòa bình, Trung Quốc phát triển nhanh mạnh nhưng có lợi cho mọi quốc gia, Trung Quốc phát triển nhanh, mạnh nhưng không xâm phạm độc lập chủ quyền của nước khác, Trung Quốc phát triển nhanh, mạnh, không can thiệp vào việc giải quyết công việc nội bộ của nước khác. Qua sự kiện giàn khoan này, thế giới thấy rằng họ không còn phát triển hòa bình nữa, và đặt cộng đồng quốc tế phải đối diện với một thế lực mới, buộc cộng đồng quốc tế phải cảnh giác.
Tôi cho đó là mất mát lớn nhất của Trung Quốc qua sự kiện này. Trong quan hệ với Việt Nam, Trung Quốc đã làm mất đi lòng tin của 90 triệu người Việt Nam trong nước và 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đối với lãnh đạo Trung Quốc, đối với Đảng và Nhà nước Trung Quốc, nhất là đối với “thế hệ lãnh đạo thứ 5” của họ. Nếu như trước sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, đâu đấy có người còn mơ hồ, còn ngộ nhận họ là bạn bè, là đồng chí, qua sự kiện này tôi cho rằng người Việt Nam đã nhận rõ hơn bản chất của họ. Chính đấy là thất bại thứ hai. Cùng với đó là mất niềm tin đối với 120 triệu người Nhật Bản, 1.1 tỷ người Ấn Độ, 650 triệu người ASEAN... Trung Quốc đã trở thành một thế lực mà các nước phải cảnh giác, phải dè chừng. 
Thất bại thứ ba là chính sự kiện giàn khoan này Trung quốc đã vô tình thúc đẩy những tập hợp lực lượng mới không có lợi cho Trung Quốc, hay nói đúng ra là những tập hợp lực lượng mới để ngăn cản hành vi hiếu chiến, hung hăng của Trung Quốc. Đó là sự chuyển động của vùng Đông Bắc Á thời gian qua, chuyện chính quyền của Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe thông qua quyết định diễn giải mới về Điều 9 Hiến pháp Hòa bình theo cách cho phép Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể, chuyện Thủ tướng Shinzo Abe đi Australia, củng cố quan hệ mới với Newziland... Đặc biệt là việc củng cố, gắn kết thêm quan hệ đồng minh vốn có và quan trọng bậc nhất ở Châu Á – Thái Bình dương: quan hệ Mỹ - Nhật. 
Ba thất bại này có lẽ Trung Quốc không hề tính được trước khi họ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam. Tóm lại, theo ngôn ngữ của người xưa thì Trung Quốc đã để lộ thiên cơ – điều cực kỳ nguy hiểm. Năm 2007-2008, khi thế giới lâm vào khủng hoảng, nhiều học giả trên thế giới còn ngộ nhận chỉ Trung Quốc mới cứu thế giới được. Trung Quốc làm gì có sức, nếu có sức họ cũng không cứu thế giới! Về nhận thức thì Trung Quốc cần thế giới 100 lần, thế giới chỉ cần Trung Quốc 1 lần thôi. Thế giới không có Trung Quốc vẫn phát triển bình thường. Nên nhớ rằng trước năm 1978, trước khi Trung Quốc phục hưng theo đường lối đổi mới của Đặng Tiểu Bình, thế giới vẫn cứ phát triển tốt, còn không có thế giới thì Trung Quốc sẽ suy sụp. Vậy nên đừng ngộ nhận. Khi Trung Quốc cần thế giới, mà thế giới mất lòng tin về Trung Quốc, thì đây là một thảm họa về mặt chiến lược. 
Phóng viên: Ông có thể dự đoán sau khi rút giàn khoan Hải Dương 981 thì Trung Quốc sẽ làm gì nữa?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng muốn biết được Trung Quốc sẽ làm gì trên Biển Đông, chúng ta chỉ có thể dự báo trên một nhận thức rõ là âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc không bao giờ thay đổi. Chúng ta không được mơ hồ về điều này. Tôi đồng ý với một học giả Mỹ là theo đà phát triển kinh tế, kinh tế càng phát triển thì âm mưu muốn leo lên vị trí số một thế giới của Trung Quốc càng lớn. Kinh tế càng phát triển thì sự đòi hỏi theo chủ nghĩa Sô vanh nước lớn càng phát triển. Trung Quốc độc chiếm biển Đông để làm gì? Để khống chế 10 nước ASEAN, để đẩy Mỹ ra khỏi phía Tây Thái Bình dương, để khống chế Nhật Bản và Hàn Quốc. Thực chất độc chiếm biển Đông là bước đầu tiên để đi ra Thái Bình dương tranh giành với Mỹ. 
Trong vòng những năm tới đây Trung Quốc vẫn thực hiện chủ trương “không đánh mà thắng” của ông Quản Trọng (725 TCN - 645 TCN), dùng phương thức “lấy thịt đè người”, dùng lực lượng lớn để áp đảo đối phương. Trên thế giới có khoảng 50 điểm tranh chấp về biển đảo thì tranh chấp ở biển Đông là cuộc tranh chấp mất cân bằng nhất. Trung Quốc quá lớn, quá hung hăng, quá tham vọng. Các nước đối lập với Trung Quốc lại quá nhỏ, tiềm lực lại yếu hơn Trung Quốc nhiều. Trong những năm tới đây, ít ra trong 3-5 năm tiên lượng được thì họ chưa động binh. Theo phương thức này, việc rút giàn khoan Hải Dương 981, họ sẽ không bỏ trống khu vực vừa rút mà có thể họ sẽ kéo các giàn khoan nhỏ hơn đến đây để trực tiếp khai thác, thậm chí ký hợp đồng với nước ngoài, hiện thực hóa chủ quyền phi lý vùng biển của Việt Nam, kèm theo đấy là kéo hàng trăm tàu cá vào khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Họ sẽ làm, sẽ tiếp tục.
Có thể biểu hiện hung hăng thì giảm bớt, nhưng tính chất quyết liệt lại tăng lên. Họ sẽ dùng biện pháp gọi là hòa bình để độc chiếm biển Đông, để lấn chiếm biển Đông dần xuống phía Nam theo chiến lược “vết dầu loang” mà chưa cần sử dụng đến chiến tranh lớn. Họ sẽ thúc đẩy xây dựng đảo Gạc Ma. Ý đồ là xây dựng Gạc Ma thành đảo có người ở, trạm y tế, trường học và đưa ra vài, ba chục người ở đó. Sẽ có sân bay cho tàu trực thăng hạ được, phía dưới là tàu 5.000 tấn cập bến. Và họ sẽ triển khai xây dựng tại đảo Chữ Thập. Sau khi xây dựng Gạc Ma, họ sẽ tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Bước leo thang của họ là như vậy. Ý đồ độc chiếm biển Đông một cách phi pháp, phi lý của Trung Quốc sẽ càng ngày càng quyết liệt, càng lúc càng bài bản hơn. Do đó chúng ta phải tính toán mọi thủ đoạn của Trung Quốc, bởi chúng sẽ không từ bỏ âm mưu và sẽ tiến hành hàng loạt biện pháp khác.
Phóng viên: Sau vụ Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 này, người Việt Nam chúng ta cần rút ra vấn đề gì về nhận thức cũng như xây dựng và thực hiện chính sách với Trung Quốc trong thời gian tới để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Sơ bộ tôi cho rằng có ba vấn đề cần nhận thức rõ. Thứ nhất là người Việt Nam mà đặc biệt là lãnh đạo Việt Nam phải nhận rõ được bản chất Trung Quốc. Xâu chuỗi tất cả những hành động trong những năm vừa qua và thời gian vừa rồi thì thấy rằng chính sách của họ là chính sách theo đường lối Sô vanh nước lớn, dùng nước lớn áp chế, khống chế nước nhỏ. 
Điều thứ hai là trong nhận thức không có gì phải sợ Trung Quốc. Trong lịch sử quan hệ Việt Trung, 2500 năm nay, tất cả những chiến thắng lẫy lừng nhất, như trận Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền, trận Xương Giang năm 1077 của Lý Thường Kiệt thời nhà Lý, các trận đại thắng thời nhà Trần trên sông Bạch Đằng, thời Lê Lợi - Nguyễn Trãi, thời Quang Trung, kể cả trận 17/2/1979, tất cả các trận đó Trung Quốc bao giờ cũng áp đảo Việt Nam về mọi mặt: binh sĩ, vũ khí, tài sản... Chưa bao giờ Việt Nam lớn mạnh hơn họ, thế nhưng Việt Nam đều chiến thắng.
Lịch sử đã mách bảo chúng ta rằng, tất cả các cuộc chiến chúng ta đều thắng vì chúng ta đồng lòng trên dưới, dân tộc Việt Nam khi đã đoàn kết thì không chịu khuất phục trước bất kỳ lực lượng nào cả. Nếu 90 triệu người Việt Nam trong nước và 5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài đồng lòng, đó sẽ là sức mạnh vô cùng to lớn, không sợ bất kỳ kẻ thù nào. Trong cuộc bảo vệ lợi ích của chúng ta ở biển Đông, chúng ta có ba cái Trung Quốc không bao giờ có: pháp lý, đạo lý, sự ủng hộ của quốc tế. Hơn nữa, nhìn sâu vào xã hội Trung Quốc, thế giới chỉ nhìn thấy ánh hào quang của sân vận động tổ chim, hệ thống đèn lấp lánh dọc bờ biển, còn trong sâu thẳm xã hội Trung Quốc còn ngổn ngang, chất chồng rất nhiều vấn đề khó khăn phức tạp. Nền kinh tế ấy cũng chỉ ẩn chứa nguy cơ bong bóng.
Họ chỉ lớn về tổng lượng GDP, còn chất lượng phát triển thì còn lâu mới đuổi kịp Nhật Bản và Mỹ. Về mặt nhân chủng học thì Trung Quốc bình quân đầu người mới 6.000 USD, nhưng nhân chủng học đã già rồi, 35 năm thực hiện chế độ 1 con, về dân số như thế là đã già rồi, người dân không muốn quý tử của họ tham gia đánh nhau nữa. Về môi trường thì thu nhập đầu người mới chỉ 6.000 USD, nhưng môi trường đã xấu nhất hành tinh rồi. Trên thế giới có 20 thành phố ô nhiễm nhất Trung Quốc có 16 thành phố. Ngay như ở Thượng Hải, lâu nay vẫn nhức nhối chuyện không có oxy để thở. Đó là chưa nói chuyện trong nội bộ đang có những lủng củng, cả ở trung ương lẫn địa phương. 
Vấn đề thứ ba, từ nhận thức đó chúng ta cần có những chính sách hết sức đúng đắn. Tôi cho rằng nội dung phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể xem như là nguyên tắc, phương châm chỉ đạo mới để xây dựng chính sách đối với Trung Quốc: “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Tôi cho đây là tuyên ngôn mới. Nội dung phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mở ra một trang mới, làm cơ sở cho phương châm hoạch định chính sách giữa Việt Nam và Trung Quốc. Phải lấy lợi ích quốc gia là tối thượng. Hãy quên đi chuyện Trung Quốc là nước chủ nghĩa xã hội để xử lý với họ trên nguyên tắc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Họ là láng giềng, là nước lớn, ta phải tôn trọng họ, nhưng phải tôn trọng có giới hạn không được vi phạm chủ quyền thiêng liêng của quốc gia. Ai mơ hồ sẽ bị lịch sử lên án. Chính lúc này không phải là lúc khó khăn mà là lúc thuận lợi để ban hành chính sách đúng đắn, phù hợp với Trung Quốc! 
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng, PGS-TS Lê Văn Cương.
P.V

tin mới

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 26/3

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 26/3

(Baonghean.vn) - Thường trực Tỉnh ủy chúc mừng Tỉnh đoàn Nghệ An nhân kỷ niệm ngày truyền thống; UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 3; Nghệ An sẽ tổ chức tri ân các anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên; Công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2023… là những nội dung đăng tải trong ngày.

Chủ tịch UBND tỉnh: Tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện các dự án trọng điểm

Chủ tịch UBND tỉnh: Tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện các dự án trọng điểm

(Baonghean.vn) - Tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 3, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm; tháo gỡ khó khăn, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông chúc mừng Tỉnh đoàn Nghệ An nhân kỷ niệm 93 năm ngày truyền thống

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông chúc mừng Tỉnh đoàn Nghệ An nhân kỷ niệm 93 năm ngày truyền thống

(Baonghean.vn) - Sáng 26/3, nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn công tác của tỉnh đến thăm, chúc mừng Tỉnh đoàn Nghệ An.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phát huy tối đa mọi nguồn lực phát triển đất nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phát huy tối đa mọi nguồn lực phát triển đất nước

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 25/3

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 25/3

(Baonghean.vn) - Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công trình đường dây 500kV mạch 3; Khai mạc Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Nghệ An lần thứ XX; Chung cư nội đô ở thành phố Vinh tăng giá mạnh… là những thông tin nổi bật trong ngày 25/3.

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 24/3

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 24/3

(Baonghean.vn) - Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024; Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7; Giao dịch vàng sôi động trở lại… là những thông tin nổi bật ngày 24/3.

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 23/3

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 23/3

(Baonghean.vn) - Xã Thanh Tiên đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Thành lập Đoàn kiểm tra hoạt động chống khai thác hải sản bất hợp pháp; Hai cán bộ đoàn Nghệ An đạt giải thưởng Lý Tự Trọng cấp Trung ương… là những nội dung đáng chú ý đăng trên baonghean.vn ngày 23/3.

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 22/3

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 22/3

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3 trên baonghean.vn có một số nội dung đáng chú ý: Khánh thành Dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An; Cảnh báo chiêu trò của tội phạm sử dụng công nghệ cao; TP. Vinh đề xuất thu phí dừng, đỗ xe trên trên một số tuyến đường chính...

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.

Tìm giải pháp để du lịch cộng đồng, du lịch miền Tây Nghệ An phát triển toàn diện, nhanh và bền vững

Tìm giải pháp để du lịch cộng đồng, du lịch miền Tây Nghệ An phát triển toàn diện, nhanh và bền vững

(Baonghean.vn) - Vấn đề trọng tâm được đặt ra tại hội nghị liên quan đến các giải pháp dựa vào cộng đồng để làm du lịch; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di sản; đẩy mạnh quảng bá du lịch; đào tạo nguồn nhân lực...

Xã Thanh Liên giữ vững lá cờ đầu ở huyện Thanh Chương

Xã Thanh Liên giữ vững lá cờ đầu ở huyện Thanh Chương

(Baonghean.vn) - Tròn 70 năm, kể từ ngày có tên gọi Thanh Liên, mỗi giai đoạn là một dấu mốc nỗ lực, sáng tạo, vượt khó vươn lên của Đảng bộ và Nhân dân nơi đây. Đặc biệt 10 năm gần đây, địa phương luôn giữ vững “lá cờ” đầu trong các phong trào của huyện Thanh Chương.

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 21/3

Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 21/3

(Baonghean.vn) - Lãnh đạo tỉnh khảo sát các mô hình du lịch cộng đồng tại 4 huyện miền Tây Nghệ An; Chi tiết phương án tuyển sinh lớp 10 vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu; Công an huyện Tương Dương thông báo truy tìm chủ sở hữu phương tiện vi phạm hành chính...