Ám ảnh hỏa hoạn
Những cơ thể bất động trên những chiếc băng ca phủ vải trắng, tiếng còi xe cứu thương hú vang rồi vút đi vội vã trong đêm, tiếng khóc như xé lòng của các thân nhân, tất cả quyện vào thành một thứ ám ảnh tôi khi tới hiện trường vụ cháy ở đường Trần Thái Tông.
7 rồi 10 rồi 13 là những con số nạn nhân chết trong đám cháy được nhà chức trách công bố.
Khung cảnh ấy làm tôi nhớ về năm 2012, bản thân tôi cũng trải qua một vụ cháy lớn. Bây giờ nghĩ lại vẫn cảm thấy bàng hoàng.
Lúc đó, tôi sở hữu một trường mầm non nằm trong hai toà nhà cao tầng mới xây. Khi thuê, khu nhà điện nước chưa hoàn thiện, đặc biệt hệ thống phòng cháy chữa cháy rất thô sơ và lạc hậu. Đó là hai toà nhà của một đơn vị nhà nước dành cho sinh viên thuê, nên có vẻ chủ đầu tư không quan tâm nhiều đến chất lượng thiết bị.
Vì liên quan đến các cháu bé, ngoài khu nhà bếp hiện đại, tôi còn đề nghị lắp một hệ thống báo cháy riêng cho trường, đồng thời liên tục chủ động mời cảnh sát phòng cháy chữa cháy về huấn luyện cho cán bộ giáo viên. Những việc làm đó về sau đã giúp nhiều người thoát nạn.
Vào một chiều tháng 5/2012, hệ thống báo cháy riêng của trường bỗng kêu ầm ĩ khi có dấu hiệu khói tại đường ống đặt hộp điện chung của toà nhà. Ngay lập tức, chúng tôi theo huấn luyện di chuyển 150 cháu nhỏ rời toà nhà theo đường thang bộ, đồng thời thông báo cho bảo vệ chung của khu. Khi đó, nhiều người xung quanh còn nhìn chúng tôi với ánh mắt nghi ngờ, bởi hệ thống báo cháy chung của toà nhà hoàn toàn im ắng. Thậm chí, lúc bấm tay thủ công, hệ thống cũng có vẻ không hoạt động. Hàng trăm cư dân của toàn bộ tòa cao ốc hoàn toàn không hề hay biết thảm họa sắp xảy ra.
Sau khi di chuyển hết học sinh, chúng tôi quay lại cùng bảo vệ chạy lên từng phòng trong tòa nhà 21 tầng để kêu gọi mọi người di tản. Lúc này, khói theo đường ống điện bắt đầu bốc ra mù mịt, mọi người vừa chạy vừa kêu khóc. Hàng chục sinh viên không kịp thoát theo đường thang bộ lao ra ban công nhảy xuống mái tầng dưới. Cảnh tượng cực kỳ hỗn loạn. Phải rất lâu sau đó, xe cảnh sát phòng cháy chữa cháy mới đến. Rất may, sự cố chỉ thiệt hại về tài sản chứ không thiệt hại về người.
Nếu không tự trang bị kiến thức về phòng chống cháy, cộng thêm một chút may mắn, thiệt hại sẽ không chỉ dừng lại ở vật chất.
Vụ cháy mấy nhà hàng karaoke ở đường Trần Thái Tông sẽ không phải vụ đầu tiên và cũng không phải vụ cuối cùng. Chỉ mới một thời gian ngắn trước, cũng đã có một vụ cháy nhà hàng karaoke trên đường Nguyễn Khang.
Cháy nổ là một nguy cơ luôn hiện hữu tại các nhà hàng karaoke - nơi sử dụng rất nhiều vật dụng rất dễ bắt lửa như tường và trần cách âm bằng mút xốp, bàn ghế sofa; chưa kể hệ thống biển hiệu quảng cáo to đùng che kín mặt tiền các ngôi nhà với hệ thống dây điện chằng chịt được đấu nối cẩu thả. Những căn nhà lô trên phố vốn đã được bịt kín mít cả ba mặt, nay bịt nốt mặt tiền. Tất cả đều dẫn đến khả năng cháy nổ bất cứ lúc nào. Và cháy nổ chắc chắn sẽ tạo tổn thất nghiêm trọng.
Câu chuyện tại quán karaoke đường Trần Thái Tông còn trở nên đau xót hơn khi cơ sở này chưa được cấp phép về an toàn phòng cháy chữa cháy, chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh. Một câu hỏi nữa được đặt ra, ai là người có trách nhiệm đã để tình trạng này diễn ra?
Sẽ có người phải chịu trách nhiệm về sự việc. Nhưng tai họa, mất mát sẽ còn xảy ra, nếu người ta vẫn chỉ quy trách nhiệm sau từng sự việc đơn lẻ mà không xét đến và giải quyết một thực tế chung rằng, để xảy ra những câu chuyện thế này, chưa hề tồn tại cái gọi là “có trách nhiệm”, ở rất nhiều khâu.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|