Ấm áp vùng biên

04/03/2012 14:48

(Baonghean.vn) Nhân dịp kỷ niệm 23 năm Ngày Biên phòng toàn dân và 53 năm Ngày Truyền thống bộ đội biên phòng, chúng tôi theo chân các đoàn  đại diện các cấp ngành, đoàn thể… lên thăm các  đồn biên phòng tuyến biên giới miền Tây với sự  quan tâm, tri ân cán bộ, chiến sỹ đang nỗ lực cho bình yên nơi phên dậu thiêng liêng của Tổ quốc…

(Baonghean.vn) Nhân dịp kỷ niệm 23 năm Ngày Biên phòng toàn dân và 53 năm Ngày Truyền thống bộ đội biên phòng, chúng tôi theo chân các đoàn đại diện các cấp ngành, đoàn thể… lên thăm các đồn biên phòng tuyến biên giới miền Tây với sự quan tâm, tri ân cán bộ, chiến sỹ đang nỗ lực cho bình yên nơi phên dậu thiêng liêng của Tổ quốc…

Địa điểm chúng tôi đến đầu tiên là Đồn Biên phòng Châu Khê đóng trên địa bàn xã Châu Khê (Con Cuông), có nhiệm vụ quản lý 24km đường biên; đây là đơn vị vừa mới được thành lập (năm 2009). Đúng 11 giờ trưa chúng tôi có mặt tại đồn, cũng vừa lúc buổi khai giảng lớp xoá mù chữ cho đồng bào kết thúc. Trung tá Hoàng Thanh Quyền – Chính trị viên của đồn chia sẻ: “Đồn phối hợp với Trường tiểu học bản Khe Bu khai giảng lớp học xoá mù chữ cho đồng bào. Bà con đến đông lắm, vượt qua cả dự kiến của ban tổ chức. Lúc đầu dự kiến mở lớp dạy xoá mù cho 22 học viên có độ tuổi từ 15-35, nhưng khi được tuyên truyền vận động bà con đã đến dự trên 40 người”.



Cán bộ Đồn Biên phòng Na Ngoi (Kỳ Sơn) gặp gỡ, trao đổi cùng bà con
dân bản


Thời gian qua, Đồn Biên phòng Châu Khê đã chủ động phối hợp Mặt trên Tổ quốc huyện Con Cuông vận động hỗ trợ vốn cho các hộ phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi lợn; tham mưu cho bản Khe Bu chọn 5 hộ tham gia trực tiếp làm mẫu để nhân rộng ra địa bàn. Sau 2 năm triển khai, các hộ tham gia mô hình phát triển chăn nuôi đã cho thu nhập mỗi hộ 10 triệu đồng/năm. Chúng tôi đến thăm gia đình chị Vi Thị Thuỷ (một trong 5 hộ tham gia mô hình chăn nuôi đầu tiên của bản Khe Bu, khi chị đang chuẩn bị thức ăn cho đàn lợn sắp xuất chuồng.

Chị Thuỷ cho biết trước đây gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, công việc hàng ngày chủ yếu là chặt nứa, chặt cây trong rừng bán, đắp đổi chạy ăn từng bữa. Sau khi Đồn Biên phòng Châu Khê chọn gia đình chị làm mô hình chăn nuôi, đã hỗ trợ 5 triệu đồng tiến vốn ban đầu để mua giống lợn; thường xuyên đến thăm hỏi động viên trong thực hiện mô hình phát triển kinh tế. Chăn nuôi lợn có kết quả, hiện gia đình chị đang tiếp tục nhân đàn, nhằm tạo việc làm thường xuyên mang lại thu nhập, cải thiện dần đời sống.

Bí thư chi bộ bản Lê Văn Cảnh khẳng định: Đồn Biên phòng Châu Khê mới thành lập hơn 3 năm, vừa củng cố cơ sở vật chất ở đơn vị, vừa giúp dân phát triển kinh tế, cán bộ, chiến sỹ của đồn đã làm cho người dân bản Khe Bu tin yêu và thấy yên tâm với sự có mặt thường xuyên của các anh ở nơi đây. Ngày lễ, tết các anh đều có quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các cháu học sinh nghèo hiếu học. Các anh đã tạo được một sự đồng thuận cao trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền biên phòng toàn dân; có những vụ việc, tình hình phức tạp xẩy ra trong địa bàn đều được nhân dân thông tin kịp thời cho đồn.


Đã một tuần nay cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Châu Khê cùng cán bộ, hội viên phụ nữ bản Khe Bu không quản cái thất thường, khắc nghiệt của thời tiết để khai hoang diện tích 500 m2 đất bồi trước bản. Đây là sáng kiến của cán bộ, chiến sỹ đồn trong thực hiện vận động chị em tập trung khai hoang trồng ngô, trồng sắn để phát triển chăn nuôi.

Theo Thiếu tá Vũ Văn Tạo, thì thông qua những mô hình cụ thể, những việc làm cụ thể như mô hình trồng ngô, chị em xích lại gần nhau hơn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và biết được cần phải làm những gì để xây dựng gia đình, bản làng no ấm. Gia đình chị La Thị Nga có hoàn cảnh hết sức khó khăn, chị bị bệnh xơ gan nặng đã mấy năm nay, chồng chị đã bán hết 4 con bò để chạy chữa thuốc thang nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm, nhà khánh kiệt. Sự động viên kịp thời bằng những món quà nhỏ như gạo, tiền của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Châu Khê và Chi hội Phụ nữ bản Khe Bu phần nào giúp gia đình chị vượt qua khó khăn. Đón nhận món quà từ tay Trung uý Hỗ Hữu Nghệ - Đội trưởng vận động quần chúng Đồn Biên phòng Châu Khê, giọng đứt quãng chị Nga cảm động bày tỏ sự biết ơn, sự động viên chia sẻ của cán bộ, chiến sỹ Đồn Châu Khê và chị em phụ nữ trong bản mà đó gần như là sự quan tâm lớn nhất lúc này đối với chị...

Trời chuyển về chiều. Những cơn gió lồng lên mang theo cái lạnh buốt từ rừng già. Tiếng trống trường cho chị em học viên lớp xoá mù chữ đã đến giờ sắp xếp công việc gia đình để đến lớp. Đứng trên bục giảng lúc này là thầy giáo mang quân hàm xanh Hồ Hữu Nghệ. Mặc dù chưa trải qua một lớp nghiệp vụ sự phạm, nhưng với tấm lòng vì đồng bào, Hồ Hữu Nghệ đã đem hết khả năng của mình chỉ dẫn cho các học viên từng chữ, từng vần...


Một ngày không mưa. Đường từ Thị trấn Mường Xén vào xã vùng sâu Mường Típ (Kỳ Sơn) bụi đất mù mịt, đến nỗi ô tô phải bật đèn để những xe đi ngược chiều kịp phát hiện ra nhau. Mới khoảng 1km đường dốc quanh co, khúc khuỷu, chiếc xe Uoat dã chiến màu xanh đã chuyển thành màu nâu bạc. Cứ thế gần 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới vào được đến Đồn Biên phòng Mường Típ, dù quãng đường chỉ khoảng 40 cây số... "Bây giờ đường ô tô đã thông rồi, chứ mấy tháng trước ngay cả xe máy cũng phải dắt bộ nhiều hơn đi…" - Thiếu tá Hồ Thanh Quang đón chúng tôi tại cổng đồn, nói.


Trong nhiều điều kiện khó khăn, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mường Típ vẫn hàng ngày triển khai công việc tuyên truyền vận động, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế - văn hoá xã hội ở địa bàn 2 xã Mường Típ, Mường Ải do đồn phụ trách. Chúng tôi được dẫn vào bản xa nhất là bản Phà Nọi, nơi có 66 hộ, 420 khẩu đồng bào người Mông sinh sống - là bản văn hoá người Mông đầu tiên của xã Mường Típ; từ đồn phải vượt quãng đường trên 20km nữa mới đến được bản, Bí thư bản Lầu Chia Xồng cho hay cả dòng họ Lầu trong bản đang làm lễ kiêng đầu năm mới theo phong tục của người Mông. Với phong tục này người Mông rất kiêng kỵ khi có người lạ đến nhà; nhưng đối với các anh bộ đội biên phòng thì như con cháu trong nhà rồi. Theo Lầu Chia Xồng thì trước đây bà con Phà Nọi nghèo lắm; lại trồng nhiều cây thuốc phiện trên nương rẫy, một số hộ nghe theo lời kẻ xấu di cư trái phép sang Lào...

Từ ngày Đồn Biên phòng Mường Típ tăng cường, đồng chí Đặng Tiến Dũng về đây với bà con, anh đã thực hiện “4 cùng” với đồng bào, đến tận từng gia đình tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách phát triển chăn nuôi, vệ sinh làng bản và dạy chữ cho các em nhỏ. Bản chuyển động dần, bà con thôi trông thuốc phiện và di cư trái phép, biết tập trung phát triển sản xuất theo cách bộ đội hướng dẫn. Từ một vài mô hình nhỏ lẻ, đến nay cả bản đã có nhiều gia đình có thu nhập từ chăn nuôi hàng chục triệu đồng mỗi năm. Điển hình như hộ Lầu Bá Sênh hiện có 50 con bò, 8 con trâu, 2 ao cá, hàng trăm con gia cầm, là mô hình để nhiều gia đình trong bản học tập và làm theo. Đến nay cuộc sống của bà con người Mông bản Phà Nọi khấm khá hơn trước rất nhiều. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước về cơ sở hạ tầng và nhiều công trình khác, bộ mặt bản Phà Nọi ngày càng khởi sắc. Cuối năm 2010 bản Phà Nọi được UBND huyện Kỳ Sơn công nhận là Bản văn hoá người Mông...


Tiếp tục hành trình, chúng tôi vào đến Nậm Càn (Kỳ Sơn), trời đã nhập nhoạng. Khí lạnh thấu xương và một màn mờ mịt khó có thể phân biệt là mưa phùn hay sương mù. Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 547 đang nhộn nhịp cho đêm giao lưu văn nghệ nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng (3-3). Đây là đêm giao lưu văn nghệ đặc biệt, vì khác với thường lệ, ngoài sự tham gia của các thầy, cô giáo, các em học sinh và đoàn thanh niên của 2 xã Nậm Càn và Lưu Kiền (Tương Dương), còn có các cán bộ Tỉnh đoàn, đại diện tuổi trẻ Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân… về phối hợp bàn giao ngôi nhà bán trú dân nuôi cho học sinh Trường THCS dân tộc nội trú Nậm Càn. Cũng dịp này, Tỉnh đoàn Nghệ An trao tặng đồn bộ loa đài trị giá 20 triệu đồng.


Đêm giao lưu văn nghệ “Xuân biên cương” tưng bừng đã “hút” rất đông bà con dân bản đến chung vui. Trong nồng nàn men rượu cần và rộn ràng điệu lăm vông, Thượng tá Nguyễn Thế Dương – Chính trị viên Đồn Biên phòng 547 thông tin nhanh: “Với sự đóng góp của tuổi trẻ Tổng cục XDLL Công an nhân dân (100 triệu đồng) và sự quan tâm của Tỉnh đoàn, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng 547 đã tích cực đóng góp thêm bằng nguyên vật liệu, ngày công dựng lên được một ngôi nhà bán trú dân nuôi khang trang với 4 phòng, 8 gian. Kết quả đó càng thắt chặt thêm tình gắn bó giữa đồn với nhân dân địa phương, để đồn tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ vì bình yên cho dải biên cương còn nhiều khó khăn này”.


Bám theo các hình ảnh tư liệu trong phòng truyền thống của Đồn Biên phòng 547, chúng tôi đã được các cán bộ, chiến sỹ của đồn kể về những cuộc tuần tra gian nan, những hiểm nguy khi truy bắt các đối tượng tội phạm, nhất là tội phạm ma túy và những kết quả trong quá trình bám dân, giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội… Đơn vị đã chủ động phối hợp với địa phương xây dựng củng cố được 3 chi bộ, 3 chi hội phụ nữ, 3 chi đoàn thanh niên, 3 chi hội cựu chiến binh (của 3 bản) có phong trào hoạt động khá. Xây dựng điểm bản Liên Sơn đã được UBND huyện Kỳ Sơn công nhận đạt Bản văn hóa năm 2011.

Phối hợp với Trường tiểu học Nậm Càn hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng 2 cháu con liệt sỹ Và Tổng Khư với số tiền hàng tháng là 250.000 đồng từ quỹ khuyến học của đơn vị do cán bộ, chiến sỹ đóng góp xây dựng; giúp dân nhiều ngày công làm nhà ở; hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học tập tốt… Bên cạnh không ngừng nêu cao tinh thần rèn luyện sẵn sàng chiến đấu là quan tâm đến đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sỹ, các thiết chế văn hoá được quản lý khai thác có hiệu quả ở Đồn Biên phòng 547 đảm bảo đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá cho bộ đội, duy trì nghiêm túc chế độ đọc báo, nghe tin, xem thời sự. Bằng nguồn kinh phí tự có và hỗ trợ của trên, đơn vị duy trì việc đặt mua 12 đầu báo, tạp chí các loại phục vụ tốt nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ, chiến sỹ như báo Đảng, báo Tiền Phong…


Lễ bàn giao ngôi nhà bán trú dân nuôi cho trầy trò Trường THCS dân tộc nội trú Nậm Càn diễn ra xúc động, ấm áp. Chủ tịch UBND xã Nậm Càn Lầu Tồng Pó hồ hởi: “Ngôi nhà bán trú dân nuôi đầy nghĩa tình này được khánh thành đưa vào sử dụng, là giải quyết được một nỗi trăn trở lớn lâu nay của địa phương. Bà con nhân dân Nậm Càn cảm ơn các cơ quan, đơn vị, cảm ơn Đồn Biên phòng 547 lắm lắm!”.


Mùa Xuân đang rạo rực chia vui với những người lính quân hàm xanh. Chúng tôi thì đã có một chuyến đi ý nghĩa để hiểu thêm những gian khó, hy sinh và chứng kiến nghĩa tình quân dân sâu đậm nhờ tinh thần vượt gian khó, không quản hy sinh đó của các anh!


Đình Sâm - Hải Thượng

Mới nhất
x
Ấm áp vùng biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO