Âm bản chiến tranh

28/04/2012 18:46

(Baonghean) - Sự lo lắng của bà Hòa đã bước sang ngày thứ ba, chồng con vẫn bặt vô âm tín. Bà buồn lắm! Vô bàn thờ thắp nhang khấn vái...


Sang ngày thứ tư, khi trời đã về chiều. Bà vội bước ra khỏi cửa phòng thì thấy bác sĩ Kiên, chồng bà về, trên xe chở theo một người đàn ông ốm yếu, râu tóc bạc trắng. Bà mừng vui thấy chồng về, chưa kịp chào hỏi ông Kiên đã lên tiếng:


- Đây là anh Thành, bệnh nhân và cũng là đồng đội cũ của anh, người đã cõng anh thoát khỏi tầm hỏa lực của địch trong trận đánh ở Làng Vây Xuân hè 1972, mà anh đã kể với em...




Bà Hòa quay vô nhà, bật đèn, nhờ ánh điện sáng, bà nhìn tỏ mặt khách, bỗng giật mình. Không nhẽ đây lại là Thành, người mình yêu bốn mươi năm trước!? - Bà nghĩthầm trong bụng. Đưa tay lên dụi mắt để nhìn cho kỹ. Đúng là Thành rồi. Cái cằm lẹm, đôi mắt sâu, mặc dù người đã già nhưng bà vẫn nhận ra. Nhưng Thành đã hy sinh rồi cơ mà?


Cơm nước xong, ba người ngồi xem hết chương trình thời sự thế giới, ông Kiên sắp xếp cho ông Thành nghỉ riêng một phòng dành cho khách, sang trọng, yên tĩnh. Còn hai vợ chồng ngồi lại phòng khách tâm sự. Ông Kiên nhỏ nhẹ vẻ rụt rè nói:


- Mình à, anh có chuyện muốn bàn bạc với em... Nhưng... em... phải...


- Có chuyện gì mình cứ nói ra. Việc chi mà cứ ấp a, ấp úng như gà bị mắc tóc vậy?


- Bậy mà - ông Kiên xua xua tay - Anh muốn bàn với em một chuyện hệ trọng. Mong được em thông cảm, sẻ chia.


- Bất cứ chuyện gì có lợi cho cái gia đình nhỏ mọn này, em ủng hộ hết!


Ông Kiên quẹt lửa mồi thuốc, kéo một hơi, hớp một hớp trà nóng, chậm chậm nói:


- Anh Thành là bệnh nhân của khoa anh, anh là thương binh lại bị nhiễm chất độc đi-ô-xin. Ngoài ra anh còn mắc bệnh viêm tiền liệt tuyến. Qua xét nghiệm cho thấy có khả năng ung thư, phải điều trị lâu dài lại tốn kém tiền bạc. Anh Thành hiện đang gặp khó khăn về kinh tế. Lương không có, cha mẹ mất sớm, vợ con, anh em ruột thịt không. Anh ấy là người đồng chí, đồng đội cũ và là người ân nhân của anh. Nếu không có anh Thành cứu thì anh đã bỏ mạng ở chiến trường Quảng Trị năm xưa rồi. Anh bàn với em, vợ chồng mình giữ anh Thành ở lại nhà mình để anh có điều kiện theo dõi, điều trị...Ý kiến em thế nào?


Trước lời đề nghị của chồng về một việc hệ trọng, bà Hòa bỗng thấy bối rối!


- Việc này, xin anh để cho em có thời gian suy nghĩ kỹ. Vợ chồng mình còn phải bàn bạc với các con nữa chứ?


- Anh đồng ý!


Đêm hôm đó là một đêm dài với bà Hòa.


Đang đắm chìm trong dòng suy nghĩ mông lung, bỗng tiếng gà gáy vang, bà đứng dậy, vô nhà bếp nấu bữa sáng.


Ăn sáng xong, ông Kiên căn dặn ông Thành uống thuốc đúng giờ, dặn vợ lo cơm nước cho khách chu đáo, ông lên xe trở về bệnh viện.


Lúc này, chỉ còn lại ông Thành và bà Hòa ở nhà. Hai người đi từ bối rối tới nghẹn ngào. Họ ngồi im lặng hai góc bàn phòng khách. Rồi bà hòa cất lời: “Anh có biết em bao năm mòn mỏi đợi chờ anh thế nào không? Ngày đất nước hết chiến tranh em mong chờ anh trở về đến cháy lòng. Ngày nào em cũng cùng mẹ ra cổng ngóng đợi. Mẹ đã cạn khô nước mắt khóc gọi tên anh. Khi nhận được cái giấy báo tử của anh cũng là lúc mẹ lâm bệnh nặng, và bà ra đi trong nỗi đớn đau. Tiễn mẹ về cõi vĩnh hằng trong cái chiều mùa đông rét buốt năm ấy, em muốn chết theo mẹ luôn. Chuyện anh còn sống là thế nào, kể cho em nghe đi?


- Anh hy sinh là chuyện có thực. Năm 1973, trong một trận giao tranh quyết liệt giữa trung đoàn anh với trung đoàn 22 quân đội Việt Nam Cộng hòa ở Bình Định, anh bị thương ở chân phải, vết thương nặng. Đối phương phản công điên cuồng, buộc quân ta phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Anh nằm lại cạnh bờ sông Lại Giang, bị địch bắt đưa về nhà thương Quy Nhơn điều trị. Lành vết thương, đối phương đưa anh ra giam ở Phú Quốc. Đơn vị không ai biết. Mọi người tin anh đã hy sinh. Ban chính sách đơn vị gửi giấy báo về địa phương. Sau ngày giải phóng miền Nam, anh trở về đất liền, được đưa về Viện 87 - Quân khu 5 điều dưỡng. Các bác sĩ đã phát hiện anh bị nhiễm chất độc đi-ô-xin nặng. Nhận thấy mình không còn có được cuộc sống hạnh phúc như bao người, anh quyết định không trở về tìm em...


Còn nhớ, cuối tháng 10 năm 1969, ông Thành lên đường vào Nam chiến đấu. Đêm cuối cùng chia tay, hai người đã ngồi với nhau suốt đêm trên bờ đê, dưới ánh trăng hạ tuần tâm sự, thề ước với nhau sau ngày Bắc - Nam thống nhất, hai người sẽ làm đám cưới...


- Em hãy tha lỗi cho anh! - ông Thành nói trong tiếng nấc nghẹn ngào .


- Anh không có lỗi chi hết! Tất cả do chiến tranh!


Bữa trưa hôm đó, bà Hòa ra chợ mua hến về nấu một nồi canh thết ông Thành, món ăn ông rất thích...


Cơm trưa xong, ông Thành kêu xe ôm ra đi, từ giã bà Hòa.


- Anh không thể đi được! Anh đi, tối Kiên về em biết ăn nói ra sao? - Bà Hòa níu lấy ba lô.


- Anh phải ra đi! Em đừng lo! Anh là người lính mà...


Chiếc xe ôm chở ông Thành lao vút ra đường lộ trong chiều gió đông hun hút, bà Hòa đứng nhìn theo, hai mắt đăm đăm.


Tối, ông Kiên ở bệnh viện về, không thấy ông Thành, ông hỏi vợ:


- Anh Thành đâu em?


Bà Hòa từ dưới nhà bếp chạy lên:


- Anh Thành đi rồi, anh ạ!


- Anh ấy đi đâu? Sao em để cho anh ấy ra đi như vậy? Hay... em đã...


- Em chẳng nói điều gì cả!


- Anh Thành có cho biết anh ấy đi đâu không?


- Anh ấy nói là về quê sống với bà con xóm làng.


ông Kiên vứt chiếc cặp lên xe phóng ra đường. Bà Hòa đứng chết lặng giữa sân, giống như pho tượng. Bà cứ đứng vậy, chẳng biết bao lâu...


Xuân Tuynh

Mới nhất
x
Âm bản chiến tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO